Tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại nghĩ gì về tôn giáo
25/05/2011 08:16 (GMT+7)

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt từ năm 1975. Đối với tuổi trẻ măng non thì cuộc chiến tranh này đã trở thành lịch sử. Các em học lịch sử và nghe cha ông kể lại, cũng giống như thế hệ đàn anh khi học về lịch sử thời Quang Trung, Trịnh Nguyễn, Bãi Sậy, Ba Đình... Nghĩa là sự cố đã thành cố sự; nhân vật đã thành tượng đài, diễn biến đã thành lịch sử.

Thế hệ trẻ có thể chia sẻ với thế hệ cha anh nhiều hơn, nhưng tựu trung cũng là sự chia sẻ bằng tri thức, bằng cảm thông và bằng cảm tính chứ không thể bằng "mặt phong trần nắng rám mày râu".

Theo ước lượng, có khoảng gần hai triệu rưỡi người Việt đang sống ở hải ngoại mà nơi tập trung đông nhất là Hoa Kỳ. Theo thống kê của Cục thống kê Hoa Kỳ (Census Bureau) năm 2004, có 1.422.528 người Việt sống tại Mỹ, trong số đó có 49% qua Mỹ sau năm 1980, tuổi trung bình là 25. Có đến 67% dân số tuổi dưới 30, nghĩa là thuộc về thế hệ tuổi trẻ sinh sau 1975. Với độ tuổi đó, cộng đồng người Việt tại hải ngoại được xem là một trong những sắc dân "trẻ trung" nhất trong số những nhóm nhân chủng được xem là "trẻ" tại Hoa Kỳ hiện nay.

Với tỷ số tuổi trẻ rất cao trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, hẳn những ai quan tâm đến tôn giáo sẽ tự hỏi là không rõ tỷ số giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại quan tâm đến tôn giáo là bao nhiêu? Theo quan sát của chúng tôi, sự hiện diện của giới trẻ trong các sinh hoạt Phật sự tại các chùa quá mỏng, quá ít ỏi so với thế hệ đàn anh.

Theo thống kê của Bùi Nhân Huân trong luận án tiến sĩ Tâm lý học của ông, nghiên cứu năm 2000, chỉ có 19% giới trẻ tuổi dưới 30 trả lời là "có quan tâm đến tôn giáo" và chỉ có một nửa trong số ít ỏi đó trả lời là có tham gia thường xuyên sinh hoạt tôn giáo.

Câu hỏi đang được đặt ra là, nguyên nhân và hoàn cảnh nào đã đưa đến sự hững hờ của của tuổi trẻ đối với sinh hoạt tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng?

Đối với tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại, có năm nguồn ảnh hưởng chính:

1. Hoàn cảnh lịch sử ở quê nhà: Sau năm 1975, sự thống nhất đất nước đã mang hai miền Nam Bắc có nền tảng tư duy khác biệt lại với nhau. Miền Bắc, đa số người dân được trang bị hay tiếp cận với hệ thống triết học Mác-Lênin. Cái nhìn về tôn giáo thay đổi, do đó tuổi trẻ ít có cơ hội gần gũi và làm quen với những sinh hoạt liên quan đến đời sống tâm linh. Phần đông, tuổi trẻ lớn lên trong không khí xa lạ với những hình thức lý thuyết và lễ nghi tôn giáo.

2. Hoàn cảnh xã hội tại hải ngoại: Hầu hết các nước cưu mang người Việt di dân, mà Hoa Kỳ đứng đầu, là những quốc gia có truyền thống sâu đậm về đạo Chúa như Tin Lành, Ki Tô, Chính Thống... Đạo Phật chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong những cộng đồng sắc tộc, nhất là sắc tộc Á châu. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật đã tác động đến tuổi trẻ, biến họ thành những con người chuộng thực dụng, phấn đấu nhằm đạt tới những giá trị vật chất cụ thể, phục vụ trực tiếp các tiện nghi đời sống có thể nắm bắt và cân đo đong đếm được.

3. Tính tự tại và tự giác của đạo Phật: Trái hẳn với phương thức truyền đạo và hành đạo xông xáo, năng nổ và có khi áp đặt của một số tôn giáo truyền thống Tây phương, đạo Phật tuyệt đối tôn trọng tự do, phát huy tinh thần tự nguyện và nêu cao tinh thần tự giác của tín đồ. Hay nói một cách hình tượng, trong lúc các tôn giáo khác tất bật xuôi ngược trên xa lộ thì Phật giáo vẫn lặng lẽ bước đi trên con đường mây trắng. Do đó, tuổi trẻ ít có cơ hội tiếp cận với Phật giáo mà Phật giáo thì chỉ nghiễm nhiên tự tại, không tự mình tìm đến với tuổi trẻ.

4. Tâm lý sở đắc: Đây là tâm lý con đẻ của đời sống kỹ nghệ và tham vọng chinh phục để sở đắc và sống còn. "Chinh phục hay bị chinh phục" (conquer or to be conquered) là triết lý sống tích cực và thực dụng của Tây phương. Bởi vậy trong đời sống tâm linh, thế giới phương Tây cần một thế lực để quy phục hay chinh phục.

Đấy chính là khái niệm nền tảng về một đấng Thượng đế toàn năng để cầu xin thắng trận lúc xuất quân (God Bless America) hay để xin ban ơn cứu rỗi (God Bless You) cho từng thân phận yếu đuối của mỗi con người.

Trong cuộc chiến tranh với Iraq, người thống lĩnh hai lực lượng thù địch đều cầu xin Thượng đế toàn năng - Mighty God - ra tay phù hộ cho phe mình thắng trận. Trong lúc đó, đạo Phật lại dựa trên cái chân tâm, Phật tính, sức mạnh nội tại của mỗi con người để tự thắng mình và xem sự "tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất". Hào khí và tinh thần bão nổi của tuổi trẻ đang trên đường tìm tòi và khai phá tương lai, có được mấy người dừng lại truy tìm bản lai diện mục của chính mình?

5. Những lý do nội bộ: Có thể nói, những người Phật tử thuần thành trong thời chiến tranh và sau chiến tranh Việt Nam đã sống trên chuyến đò dọc chao đảo của hoàn cảnh đất nước biến loạn kéo dài bên cạnh sự bất an của Đạo pháp. Phật giáo thường xuyên bị đặt ngay giữa gọng kềm lịch sử. Hết kháng chiến đến lãnh thổ chia đôi. Bị áp bức và chống áp bức; bị đàn áp và chống đàn áp.

Thế nhưng pháp nạn lại kéo dài bởi sự phân hóa ngay chính trong nội bộ như lời đức Phật đã lưu tâm từ hơn 2.500 năm trước: "Sư tử trùng thực sư tử nhục" (Chỉ có loài sâu sinh ra từ trong thân xác sư tử mới ăn thịt được sư tử).

Tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại cũng giống như tuổi trẻ phương Tây nói chung, rất dị ứng về sự xung đột do sự mập mờ giữa hai biên giới tôn giáo và chính trị. Tuổi trẻ thường lánh xa với thái độ "đường ai nấy đi" khi phải đối diện với sự xung đột của các thế lực lãnh đạo thiếu một lộ trình rõ rệt, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là thiếu mất cái Agenda cho hành động.

Thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại là những con tàu đã rời bến mẹ để đi đến những phương trời mới lạ. Cùng một lúc tuổi trẻ Việt trên xứ người bị tác động bởi ba sự dập vùi và níu kéo: văn hóa mới, môi trường tương quan xã hội mới và ngôn ngữ mới.

Nhiều thanh niên, học sinh và sinh viên Việt bị lâm vào tình trạng "khủng hoảng bản sắc" (identity crisis). Đấy là lúc mà người trẻ cảm thấy mình bị đứng bên lề cuộc sống, mất đi một cảm giác thuộc về (a sense of belonging), không thể nào điều chỉnh cho vừa hay được chấp nhận một cách tự nhiên vào môi trường xã hội mới ở xứ người mà cũng chẳng còn hòa hợp và thích nghi trọn vẹn vào môi trường xã hội Việt.

Trong trường hợp đó, nếu thiếu mất luôn một niềm tin tôn giáo, một chỗ dựa tinh thần, một nếp sống tâm linh, một sự hướng dẫn và nuôi dưỡng tình cảm của thế hệ đàn anh, người trẻ sẽ trở thành một kẻ lưu vong trong chính tâm hồn mình hiện tại và chối bỏ nguồn gốc, khước từ niềm tin tôn giáo trong tương lai.

Thế hệ trẻ Việt Nam trên quê người là một đề tài lớn, liên quan trực tiếp đến tương lai của cộng đồng người Việt tại hải ngọai cần được phân tích và thảo luận một cách rộng rãi giữa ba thế hệ: thế hệ cha anh, thế hệ con em và thế hệ bắt cầu. Bài viết này chỉ mong làm nhiệm vụ đặt vấn đề, nhận diện và phân tích vấn đề thế hệ trẻ Việt Nam và đạo Phật ở hải ngoại.

Rất mong chư tôn đức và quý thiện hữu tri thức quan tâm và thường xuyên nhìn về tương lai, một tương lai không xa mà chính thế hệ trẻ hôm nay sẽ ở vào vị thế của chư vị ngày mai.

Trần Kiêm Đoàn (Theo PTVN- Nguồn: Văn hóa Phật giáo 46)

Các tin đã đăng: