Từng bước... về đất thiêng Yên Tử
Thầy Thích Tâm Mẫn vẫn cứ nhẫn nại và bình thản mỗi bước chậm. Cứ
mỗi bước đi như thế, người ta thấy Đại đức rạp người cúi lạy làm người
kính phục, kẻ tò mò. Một trong những điều làm người ta thắc mắc đầu
tiên, chính là điểm đến của lộ trình. Trò chuyện với Thầy Thích Tâm Mẫn
khi Thầy vừa hoàn thành một ngày lễ lạy,
vị sư hoan hỉ cho biết:
Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, núi Yên Tử là cái nôi Phật giáo
Việt Nam. Đó cũng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập sau khi
nhường ngôi cho con. Con cháu nước Việt cần tìm hiểu để hiểu nguồn gốc
tâm linh của tổ tiên... Những gì Thầy đang làm thì cũng không có gì đặc
biệt đâu bởi vì chư Phật chư Tổ cũng như nhiều vị khác cũng đã làm
rồi. Thì con cháu của chư Phật chư Tổ cũng đi theo con đường đã có sẵn
thôi. Nói chung, nó thể hiện tinh thần Phật học của người con Phật”.
Núi Yên Tử, đất thiêng của Phật giáo Việt Nam với những con suối uốn
khúc trong veo, với rừng tùng xanh bạt ngàn, ẩn sâu là những ngọn tháp
và đền chùa cổ kính. Từ xưa, kinh đô Phật giáo nơi này đã nổi tiếng với
thiền phái Trúc Lâm và những câu chuyện của vua Trần Nhân Tông. Tất cả
như có một sức hút vô hình làm người dù không phải nhà Phật cũng muốn
đến một lần, huống hồ là Thầy Thích Tâm Mẫn, người nguyện gắn đời mình
vào câu kinh tiếng kệ.
Sám hối-Hòa bình-Hóa độ
Thế nhưng, sự thanh bình nơi núi Yên Tử chỉ là cảm hứng cho điểm đến
của cuộc hành hương, sự thanh bình của thế giới mới chính là nguồn gốc
sở nguyện của Đại đức. Đại đức chia sẻ đại nguyện “nhất bộ nhất bái” từ
chùa Hoằng Pháp, Tp. HCM đến núi Yên Tử:
“Lúc trình bày
nguyện vọng của mình với sư phụ về chuyến bộ hành này thì Thầy nói rằng
Thầy đi với tinh thần thứ nhất là để sám hối tội nghiệp của mình. Thứ
hai là để cầu nguyện cho thế giới hòa bình. Tiếp theo là có thể đem
những điều mình làm được để cùng chúng sinh chia sẻ và thực hành những
điều Phật dạy. Gọi chung là hóa độ chúng sinh”.
Tứ sáng ngày mồng 2 Tết năm Kỷ sửu (ngày 27 tháng 1 năm 2009 dương
lịch), thầy Thích Tâm Mẫn bắt đầu chuyến hành hương dài khoảng 1.800
cây số từ chùa Hoằng Pháp, nơi thầy tu tập cùng một chú thị giả của
thầy. Chú Đức, thị giả cho biết:
“Tôi đi với Thầy từ ngày đầu tiên, đến bây giờ đã được hơn 2 năm 4
tháng rồi. Hiện tại thì thầy trò chúng tôi vừa qua ngã ba Đồng Hới”.
Chú thị giả chỉ ngoài 20, đang tập sự xuất gia. Chú đi theo Thầy vừa
mang hành lý, vừa chăm sóc Thầy, và vừa trải quạt vải cho Thầy bước đi
và quỳ lạy – một công việc khá vất vả khi phải làm năm này qua tháng
nọ. Thế nên trong hành lý, chú thị giả chỉ chứa những thứ cần thiết.
Chú Đức thổ lộ:
“Trong túi hành lý chứa toàn y áo và kinh sách, kim chỉ, vớ, lều
chõng để khi cần là có. Nói chung là những thứ cần thiết chứ cũng chẳng
có gì”.
Hành lý mà thầy trò Đại đức mang theo, ngoài 3 cái quạt lớn để phục
vụ cho việc lễ lạy, vật dụng cần thiết nhất có lẽ là kinh sách và lều
chõng bởi trong cuộc hành hương kéo dài hàng năm như thế, việc phải
dừng chân nghỉ ngơi bên đường là điều tất yếu. Chú thị giả của Thầy nói
tiếp:
“Lúc trước khi mới bắt đầu cuộc bộ hành này thì Thầy trò chúng tôi
đi đến đâu nghỉ tạm bên đường đến đấy. Nhưng sau này do có nhiều người
hiếu kỳ, Thầy trò không thể nghỉ tạm như thế, nên phải xin vào các ngôi
chùa gần đó nghỉ nhờ. Nếu không có chùa thì xin nghỉ nhờ nhà Phật tử
hay nhà dân. Nếu không có 2 điều kiện đó thì Thầy trò ngủ ngoài đường”.
Nghiệp chướng-Thiện Căn- An lạc
Thầy Thích Tâm Mẫn, tên tục là Minh. Đại Đức nói trước khi trở thành
người nhà Phật, Thầy cũng như bao thanh niên khác: cũng có ước mơ, cũng
tham vọng, cũng cầu toàn. Năm 2004, sau nhiều lần thi trượt đại học,
thầy Thích Tâm Mẫn, lúc đó chỉ là một chàng thanh niên ngoài 20, tìm
đến cửa Phật xin làm công quả, ước mơ trở thành thầy thuốc đông y.
Sau một thời gian vừa quét rác, vừa nấu cơm, vừa trị bệnh đông y
trong chùa Hoằng Pháp, thầy Thích Tâm Mẫn tìm đến những giáo lý vi diệu
của kinh Phật. Đặc biệt, những lời lẽ cao đẹp của kinh Tám Điều và
kinh Từ Tâm đã cảm hóa được tâm hồn chàng thanh niên trẻ. Chỉ vài tháng
học tập tại chùa Hoằng Pháp, thầy Thích Tâm Mẫn đã quyết chí xuất gia.
Khi bài phóng sự này đựơc phát thanh trên làn sóng của đài Á Châu Tự
Do, hai thầy trò Đại đức đang đến Ngã ba Thanh Khê, Bối trạch, Đồng
Hới, Quảng Bình. Điều đó cũng có nghĩa là thầy Thích Tâm Mẫn đã “nhất
bộ nhất bái” được khoảng 2/3 đoạn đường.
“Nhất bộ nhất bái”- theo nhà Phật, việc bái lạy sẽ giúp tiêu trừ
nghiệp chướng, phát triển thiện căn, mang đến sự an lạc về thể chất và
tinh thần và dĩ nhiên không thể thiếu sự rèn luyện khiêm cung, nhẫn
nại. Thầy Thích Tâm Mẫn giảng giải thêm:
“Chư Phật chư Tổ cũng đã dạy rằng “Có nhẫn thì mới gần được đạo,
không nhẫn thì đạo còn rất xa”. Thứ nhất, mình phải nhẫn nại chịu đựng
những khó khăn để vững chãi trên bước đường tu học. Thứ hai, là vững
chãi vượt qua thử thách hay hạn chế về bản thân”.
Chữ NHẪN theo Hán tự có “bộ đao nằm trên chữ tâm”, ý chỉ những khó
khăn gian nan luôn ở trước mặt không chỉ có nhẫn nại mới có thể vượt
qua mà nó còn cần một sự nhẫn nhịn, một ý chí kiên trì và một tấm lòng
an lạc. Chính vì thế, trong cuộc hành hương, có những lúc thầy Thích
Tâm Mẫn chấp nguyện lễ lạy trong mưa gió để rèn luyện đạo hạnh của
mình.
Theo ước tính, khi đến được núi Yên Tử Thầy sẽ mất gần 4 năm, lạy
được 3 triệu lạy và niệm được ít nhất 6 triệu câu hồng danh “A Di Đà
Phật”. Vì phải vừa đi vừa bái lạy, nên Đại đức đi rất chậm, mỗi ngày
chỉ khoảng chừng 2 km. Mỗi ngày Thầy thực hiện lễ “nhất bộ nhất bái” ba
lần; mỗi lần kéo dài khoảng 2-3 giờ đồng hồ; và có thể bắt đầu từ 3
giờ sáng và kết thúc lúc 5 hay 6 giờ chiều.
Đại đức cho biết, không có quy định cụ thể nào về các bước đi hay
cách lạy, chủ yếu làm sao giữ cho bước đi được tự nhiên, để chính cái
tự nhiên đó tạo ra an lạc cho người đi.
“Trong khi hành lễ “nhất bộ nhất bái” thì chúng ta có thể niệm Phật
để tịnh tâm. Còn trước khi hành lễ thì nhắc lại những lời phát nguyện
lúc trước để nuôi dưỡng và làm nó lớn thêm, vun bồi cho nó vững chãi
trong tâm thức của mình để chuyển hóa những điều bất thiện mà tạo ra
một năng lượng tốt. Sau khi kết thúc buổi lễ lạy thì mang những năng
lượng tốt ấy hồi hướng”.
Mỗi lần trước khi thực hiện việc lễ lạy “nhất bộ nhất bái”, Thầy
Thích Tâm Mẫn đều đứng khoảng 2-3 phút nhắc lại lời phát nguyện của
mình. Sau buổi lạy đó, Thầy thường mang tất cả những gì làm được trong
buổi lạy để hồi hướng đến tất cả pháp giới chúng sinh, cả người sống
lẫn người chết.
Đoàn hộ pháp
Cảm phục và tôn trọng vị sư trẻ đáng kính, ngày càng có nhiều người biết đến và theo dõi từng bước đi của Đại đức.
Sau khoảng 2 năm rưỡi khởi điểm của cuộc hành hương, ngày càng nhiều
người hơn tháp tùng cùng Thầy hành hương về phương Bắc. Chú thị giả cho
biết, khi bắt đầu cuộc bộ hành này thì chỉ có Thầy và chú, nhưng bây
giờ mẹ chú Đức cũng đi theo để lo ăn uống. Thêm vào đó, nhiều Phật tử
theo hộ pháp bên đường khi có thời gian.
Chính vì thế mà đôi lúc đoàn hộ pháp có khoảng 5 cũng có lúc lên đến
mười mấy người. Có thêm nhiều người, hẳn cuộc hành hương cũng đỡ vất vả
và nguy hiểm hơn. Nhưng theo thầy Thích Tâm Mẫn, niềm vui lớn nhất là
nhìn thấy mọi người hướng đến chung một mục đích:
“Người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và luôn muốn cho thế giới
được an vui hạnh phúc. Cho nên khi thấy Thầy “nhất bộ nhất bái” cầu
nguyện cho thế giới và chúng sinh, nên dân chúng không phân biệt tôn
giáo cũng tham gia để thể hiện tinh thần đó”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thầy trò thầy Thích Tâm Mẫn cũng nhận
được sự ủng hộ và kính phục từ người khác. Đôi lúc vẫn có những ánh mắt
hiếu kỳ quá đáng, những chuyện không hay và những nghi ngại.
“Về cách nhìn thì mỗi người có một ý kiến nhưng là người đi sát Thầy
thì chúng tôi thấy rằng mục đích của Thầy là cầu nguyện cho hòa bình
thế giới cũng như trau dồi đạo hạnh của mình... Thường thường thì những
thành phần quậy nhất là những thanh niên say rượu xuất hiện vào buổi
chiều. Có lẽ là do họ có vài giọt rượu thôi chứ cũng chẳng có gì”.
Và những lúc như thế, là những lúc chú thị giả thấy trong lòng có nhiều cảm xúc:
“Cảm nghĩ thì rất nhiều nhưng khi nói ra rất là khó. Tôi đi theo Thầy
hằng ngày, viết nhật ký để sau khi kết thúc chuyến đi có thể viết lên
một cái gì đó. Những lúc Thầy đi trong trời mưa, những lúc có người
nhìn Thầy…thì tôi đều có cảm xúc nhưng có những cái mình cảm nhận bằng
cái tâm thôi, chứ nói ra cũng không biết nói như thế nào”.
Thân tâm thường an lạc
Những nghi ngờ, những thắc mắc không cản trở được bước chân của Thầy
Thích Tâm Mẫn. Qua cách trò chuyện, qua lời gởi gắm, người ta dễ dàng
thấy được một tinh thần và thể xác an lạc nơi vị sư trẻ với mong muốn
mang đến một nguồn năng lượng tốt cho thế giới.
“Theo tinh thần của người tu, Thầy chỉ có thể khuyên rằng mọi người
nên cố gắng tu sửa những điều xấu ác, làm việc thiện để tạo nên nguồn
năng lượng tốt đẹp cho chính bản thân và cho mọi người. Những việc này
sẽ hợp lại thành một nguồn năng lượng an lành giúp cho mỗi cá nhân và
cho tất cả chúng sinh trên thế giới. Nó còn có thể hóa giải được những
xung đột và những yếu tố gây nên bất ổn trong cuộc sống”.
Văn học Trung Quốc đã cho chúng ta một câu chuyện thú vị về thầy trò
Đường tăng. Người Tây Tạng vẫn còn truyền tụng câu chuyện về một người
con trai đã thay cha mình vượt qua rặng Himalaya, hành hương “tam bộ
nhất bái” đến chùa Jokhang sau khi người cha bỏ mạng trên đường đến
thánh địa Lhasa…Và nhiều vị thiền sư, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới
cũng hành hương “tam bộ nhất bái” với nhiều mục đích, và mục đích cầu
nguyện cho hòa bình nhân loại là một mục đích đáng trân trọng.
Ai xuất gia cũng có hạt giống bồ đề. Điều quan trọng là tưới tẩm cho
hạt giống nảy mầm, đâm hoa kết trái. Khi Đại đức cầu nguyện cho hòa
bình, cho thiện căn dân chúng, người ta hiểu rằng hạt giống bồ đề của
người đang được tưới tẩm.
Theo
quynhchi@rfa.org (CPL)