- Thưa Hòa thượng, ĐBND luôn nghĩ rằng, chuyến
thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ và Indonesia của Chủ tịch QH và Đoàn đại
biểu cấp cao QH Việt Nam tới Ấn Độ và Indonesia như là một nhân duyên.
Nhân duyên khai mở cho một năm đầy sống động và bén nhạy về đối ngoại
của đất nước trong năm 2010 này?
- Trong đối ngoại, thế của Việt Nam là thế chiến
lược. Ta thiết lập thêm nhiều đối tác chừng nào càng tốt chừng ấy. Khi
có bạn bè tốt, đối tác chiến lược tốt và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ
với toàn khối ASEAN là mình có sức mạnh. Về lịch sử, Ấn Độ và Việt Nam
không có mâu thuẫn chi cả, Ấn Độ ổn định, Đảng Quốc đại đang lãnh đạo
đất nước. Đảng quốc đại rất có thiện cảm với Việt Nam, mối quan hệ được
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Neru thiết lập. Việt Nam
không thể là mối đe dọa của Ấn Độ mà chỉ có thể là người bạn đồng hành
với Ấn Độ. Ấn Độ thành tâm về mối quan hệ với Việt Nam. Ấn Độ là một
nước lớn, chọn một nước lớn như vậy để xuất hành và con đường đi thuận.
Indonesia thân thiết với Việt Nam, là sáng lập viên của ASEAN, năm nay
Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA. Đó là lý do để có động cơ
đi. Đi có mục tiêu rõ ràng và rất cần thiết.
Chuyến thăm của Chủ tịch QH tới Ấn Độ và Indonesia là
chiến lược, đúng thời điểm, rất cần thiết trong giai đoạn phát triển
hiện nay của đất nước.
- Tại sao lại nói là chuyến thăm đúng thời điểm,
thưa Hòa thượng?
- Chuyến thăm phải có điều kiện: cả hai phía phải đều
cần nhau, chỉ có mình cần mà bạn không cần thì không thành công. Chủ
trương của Ấn Độ là hướng Đông, muốn kết hợp với phương Đông, trong đó
khối ASEAN là chính. Năm 2010 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và có ảnh
hưởãng khá lớn trong khối ASEAN. Mình đến cái nơi họ cần mình thì yêu
cầu của mình được đáp ứng. Cho nên qua Ấn Độ thanh thản lắm. Tổng thống
Ấn Độ nói chuyện rất dài, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện đều
niềm nở. Còn mình tạo được sự tin cậy, thân thiết và có vai trò đối tác
chiến lược, đến để thắt chặt, đến để có thêm một đối tác ủng hộ mạnh cho
Việt Nam, cho những chương trình, đề xuất Việt Nam đưa ra trong năm Chủ
tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, để bạn yểm trợ và tán thành với mình, để
làm cho khối ASEAN mạnh lên, mối quan hệ giữa các quốc gia càng thắt
chặt thêm lên. Cũng từ đó mình giải quyết vấn đề chiến lược quốc gia,
vấn đề an ninh, vành đai an toàn. Vành đai phải an toàn để bảo vệ an
ninh quốc gia.
Chuyến đi đúng thời điểm nghĩa là sớm hơn không tốt,
chậm hơn sẽ uổng.
- Đúng thời điểm nên vị thế của mình cao hơn, có
phải không, thưa Hòa thượng?
- Văn hóa là vậy. Chính trị là vậy. Và như vậy rất
trí tuệ. Tôi thử tưởng tượng, nếu tôi là người hậu thế, sau này đọc lịch
sử thì thấy chuyến đi này rất lịch sử, biết được bộ óc của Đảng lãnh
đạo vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc, vì an ninh dân tộc như thế
nào. Điều này đúng truyền thống lịch sử của dân tộc, với đối ngoại
truyền thống, để tồn tại và đứng vững.
- Thưa Hòa thượng, sự kính trọng Việt Nam, kính
trọng QH Việt Nam, được thể hiện như thế nào?
- Bạn thực sự là nể trọng ta. Với các đoàn ngoại giao
khác, Tổng thống Ấn Độ tiếp 20 phút, nhưng Bà tiếp Chủ tịch QH Việt Nam
40 phút. Tổng thống Indonesia cũng vậy, bình thường tiếp khách hai chục
phút, nhưng đã tiếp Chủ tịch QH Việt Nam 40 phút. Đây là những ứng xử
ngoài lề luật ngoại giao, rất trọng thị. Ở Ấn Độ, Chủ tịch Hạ viện nói
chuyện rất thân mật, thoải mái, nhẹ nhàng, thịnh tình lắm. Đoàn ĐBQH
mình đáp lại cũng nhẹ nhàng, thịnh tình. Ở Indonesia, khi phái đoàn ta
rời Thủ đô Jakarta đi Bali, tiếp sau đó vị đặc sứ của Chủ tịch Hạ viện
Indonesia bay đến Bali để mang theo 2 album bạn chụp ảnh phái đoàn ta
làm việc tại Jakarta để tặng cho phái đoàn (Bởi khi phái đoàn ta từ
Jakarta đi, bạn chưa làm kịp). Đó là sự kính trọng, thân thiết và chân
thật. Phía mình cũng kính trọng phía bạn, kính trọng tối đa. Tôi thấy an
ổn, an lành suốt cả lộ trình và không có vấn đề chi thấy vướng ngại,
vướng mắc. Những gì Đoàn đại biểu cấp cao QH ta cần làm đã làm tròn và
bên bạn cũng đã đáp ứng trọn vẹn.
- Trong ngoại giao, có khi những động thái ngoài
nghi lễ lại có ý nghĩa sâu sắc, nhưng phải cảm nhận bằng sự tinh tế,
thưa Hòa thượng…
- Một nghị sỹ Ấn Độ đặt câu hỏi: tại sao phái đoàn
của QH Việt Nam không có nữ? Chủ tịch QH ta cười, nói: cách đây mấy
tháng đã có phái đoàn của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương
Thị Mai sang thăm Ấn Độ rồi, không có nữ trong Đoàn đại biểu cấp cao QH
Việt Nam lần này là chuyện tình cờ thôi. Hai bên cười vui vẻ. Chủ tịch
nói nhẹ nhàng, tự nhiên và không nhấn mạnh, nếu nhấn mạnh thì dễ làm cho
người đối thoại hiểu lầm là có vấn đề gì trong đó. Chủ tịch QH tế nhị
giới thiệu tôi (Hòa thượng Thích Chơn Thiện – PV) được đào tạo ở Ấn Độ -
đây cũng là một cách kính trọng Ấn Độ và chứng tỏ mình chấp nhận Ấn Độ.
Đó là sự tế nhị. Phía bạn cũng rất bén nhạy khi nhìn gương mặt của Chủ
tịch QH thanh thản, thành viên trong Đoàn tự nhiên, thân mật và kính
trọng nhau. Trong ngoại giao quốc tế, các vị lãnh đạo thông sáng, nhanh
nhẹn, nhẹ nhàng, thì ắt đất nước của họ sáng. Chủ tịch QH ta nói rất rõ
mục đích, yêu cầu của chuyến thăm, đóng vai trò rất chính xác. Ông hùng
biện, tự tin, thanh thản. Gương mặt sáng. Tỏa sáng cho niềm tin. Tôi cảm
nhận theo trực giác và tình cảm là thế. Sự thanh thản, tự tin ấy chứng
tỏ đất nước ổn định. Tự tin thuyết phục bạn bè, đối tác. Vị lãnh đạo có
trình độ kiến thức, có lý luận, gặp đúng thời điểm tâm hồn tỏa sáng.
Phái Đoàn ta chủ động tạo ấn tượng an toàn, an tâm cho người đối thoại.
Bằng cảm nhận của tôi và bằng sự chân thật của tôi thì chuyến đi thực sự
thành công. Tôi nói là tôi tự hào về nhà lãnh đạo QH của ta lắm – tôi
không nói miễn cưỡng. Và bày tỏ như thế là ít hơn những gì tôi đã cảm
nhận.
- Ngoại giao nghị viện là một kênh đối ngoại đầy
thế mạnh, thưa Hòa thượng?
Nghị viện các nước là tiêu biểu của tiếng nói quốc
gia và xác định các mối đối tác chiến lược thông qua ngoại giao nghị
viện. Chủ trương của quốc gia phải là từ ngoại giao nghị viện, Chính phủ
tổ chức thực hiện. Theo nguyên tắc là QH quyết định, mở đường. Trong
đối ngoại, tiếng nói tối cao nói trước, sau đó cơ quan hành pháp đi, cụ
thể hóa và thực hiện. Ngoại giao nghị viện có vai trò lớn. Về lập pháp,
ngoại giao thông qua kênh nghị viện rất hiệu quả. Các nghị viện gặp
nhau, trao đổi về thể chế, có khi càng khác biệt càng có cái để trao
đổi, để mình học hỏi kinh nghiệm.
Khi phỏng vấn Chủ tịch QH ta, báo chí Ấn Độ có hỏi về
đa đảng ở Việt Nam. Chủ tịch QH trả lời, đại ý là: Đảng Cộng sản Việt
Nam giải quyết tốt 3 mục tiêu ổn định, đổi mới và phát triển để nhân dân
hạnh phúc, đất nước phát triển. Bất cứ chính thể nào cũng phải đáp ứng
tốt 3 mục tiêu, 3 yêu cầu tối đa ấy. Việt Nam có một Đảng lãnh đạo thì
mới thực hiện thành công 3 mục tiêu đó có kết quả và nhân dân hạnh phúc.
Như thế là đề cao vai trò của Đảng, đề cao sứ mệnh của đảng. Đảng đáp
ứng được yêu cầu lịch sử của Việt Nam, quá khứ đã đáp ứng, hiện tại đang
đáp ứng và tương lai cũng sẽ đáp ứng. Đó là tư tưởng sáng. Ngôn ngữ
ngoại giao phải tròn hai phía.
- Sức mạnh của ngoại giao và sức mạnh của ngoại
giao nghị viện chính là ở ngôn ngữ nhạy bén của nó…
Khi Kennedy lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông ấy đã
mời Tổng thống Ấn Độ Radhar Krishnan thăm Mỹ. Radhar Krishnan là nguyên
thủ nước ngoài đầu tiên làm khách trong nhiệm kỳ Tổng thống của Kennedy.
Radhar Krishnan là Tổng thống và là một triết gia thực sự của Ấn Độ.
Thông điệp từ hình ảnh này Kennedy muốn nói rằng văn hóa Mỹ không phải
chỉ có vật chất.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ của Chủ tịch QH
và phái đoàn Việt Nam lần này đến 2 điểm: lăng Mahatma Gandhi và Đại
bảo tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Gandhi là một nhà hiền triết, đấu tranh bất
bạo động, có tư tưởng Phật học nhân bản và trí thức. Đại Bảo tháp là một
địa danh văn hóa lớn. Đến để kính trọng. Về chính trị quốc tế là sáng
lắm, càng đối thoại với người lớn chừng nào càng dễ dàng chừng ấy và
được nể trọng. Để thấy không bao giờ có vấn đề gì về tôn giáo Việt Nam.
Việt Nam đã đại đoàn kết, rộng rãi, khoan dung để thống nhất dân tộc và
làm hưng vượng xứ sở. Đối ngoại tôn giáo cũng là cách vận động cho quốc
gia tốt hơn.
Đoàn ĐBQH Việt Nam đến với Đại bảo tháp, đến với Đức
Phật - Nhà văn hóa vĩ đại. Ở đây, không phải là vấn đề tôn giáo mà là
vấn đề chính trị và văn hóa. Đến để tỏ bày ngưỡng mộ trí tuệ của một nhà
đại hiền triết của Đông phương. Và đến để hâm mộ và tỏ bày ngưỡng mộ
Mahatma Gandhi. Sự ngưỡng mộ ấy, theo nguyên tắc của vũ trụ là đồng
thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Mình đến đó chứng tỏ mình có cái đó,
mình muốn cái đó, và mình cảm thấy cao thượng hơn.
- Nên hiểu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương
cầu” như thế nào cho sáng, thưa Hòa thượng?
- Có cơ sở chứ không phải nói càn. Đồng thanh tương
ứng, đồng khí tương cầu là cùng tư duy với nhau, đồng cảm thì đến với
nhau. Có cùng tần số tư duy, cùng tần số tình cảm, có ưu tư giống nhau,
có thao thức giống nhau và có trí tuệ. Khi mình đến đó, ngưỡng mộ nhà
hiền triết, là đã chứng tỏ mình là hiền triết, mình có chất hiền triết.
Đây là một trong những chuyến đi thanh thản, tự tin, tỏa sáng trí tuệ và
văn hóa. Nhà lãnh đạo có văn hóa, có trí tuệ là nhà lãnh đạo có lòng
nhân ái và giỏi về chính trị. Tuy nhiên, người nhân ái không phải là nhà
lãnh đạo giỏi. Nhưng nhà lãnh đạo giỏi phải có lòng nhân ái.
- Xin trân trọng cám ơn Hòa thượng!