Nhưng mỗi lần ngồi trò chuyện bên cái ao sen nhỏ nơi cửa ngõ
của Hà Nội, tôi lại cảm thấy như tìm lại được một phần thân quen của
cuộc đời tôi nơi đó.
1. Trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều
con nghiện. Nhiều người thường nghĩ “đã nghiện là bó tay”. Nhưng ai đó
lại bảo “Có sư Huân rất giỏi phép chữa bệnh nghiện”, tò mò tôi ra đoạn
ngã ba Pháp Vân, Cầu Giẽ tìm tới chùa Pháp Vân để xem thầy chữa bệnh
thế nào.
Tới nơi mới biết
thầy trụ trì chùa này, nhưng ở Quán Sứ, thường chiều chiều thầy mới về.
Trong chùa, con nghiện và người nhiễm HIV cả chục, nhưng mọi thứ đều
ngăn nắp, sạch sẽ. Ngôi chùa nhỏ, là ngôi nhà cấp bốn, xung quanh tơi
bời cỏ dại, cái ao sen cũng mới được đào, còn nguyên vôi vẽ. Mấy chú
nghiện chạy tới chạy lui, làm món mướp đắng luộc cho bữa cơm chiều và
mời tôi ở lại dùng. Nói chung nơi này chẳng có gì gợi nên khái niệm về
“một trại cai nghiện”. Nhưng, cũng chẳng có gì gợi lên... phong cảnh nhà
chùa, ngoài mấy chậu hoa đạm bạc đặt trước sân.
Xế chiều thì sư Huân
xuống. Sư có khuôn mặt quý tướng, dáng đi nhẹ nhàng, riêng tiếng nói
thì quyết đoán, nhưng rất kiệm lời. Qua câu chuyện, tôi được biết gia
đình của sư có mấy anh chị em thì tất cả đều theo nghiệp tu hành. Chị
của thầy trụ trì ở chùa Bồ Đề bên Gia Lâm, ngôi chùa nuôi nhiều trẻ em
“vô thừa nhận”. Chùa bên này, tên gọi là Pháp Vân, nằm ở cửa ngõ thành
phố, thầy về trụ trì, mở văn phòng giúp người HIV hòa nhập với cộng
đồng, chữa cho người nghiện hút thuốc phiện.
Tôi đã quen với cảnh
chùa vắng vẻ, các sư thường đóng cửa tụng niệm, hoặc lập các hang cốc
để tu thiền, hàng tháng không gặp ai. Chùa Pháp Vân thì khác lắm. Chúng
tôi ngồi nói chuyện thì người ra kẻ vào, đầu cạo trọc, mình xăm trổ
rồng phượng. Tuy vậy, tôi cảm thấy sắc khí và tướng mạo của kẻ nghiện,
người nhiễm không có gì đáng ngại ngần. Họ trầm tư, thỉnh thoảng nở
những nụ cười hiền lành, kiên nhẫn, phiêu bồng như chẳng còn vướng bận
ham muốn gì. Hỏi ra thì người đã ngụ ở chùa nửa năm, kẻ thì bảy tháng.
Ăn chay, trồng hoa. Chùa có cổng mà không có cửa, nhưng chẳng ai bỏ về.
Một chú ở Hải Phòng bảo: “Tự dưng lên đây thấy ngại, chẳng dám nghĩ
đến chuyện hút hít gì!”.
2. Sư Huân nói việc chùa giúp đỡ người
cai nghiện tìm thấy niềm tin, giúp người nhiễm HIV tìm thấy khát khao
sinh tồn, không phải là phát kiến mới, bởi khi học tiến sĩ ở Đài Loan,
các thầy bên đó khuyên rằng khi học xong rồi thì nên đi cứu giúp các
Phật tử. Việc vào nhà tù, vào nơi nghiện, chỗ nhiều người nhiễm HIV để
tìm đệ tử, an ủi, giúp đệ tử vượt qua những cơn bi quẫn cùng cực, đã là
công việc quen thuộc của sư và các sư thầy khác rồi.
Sư nói vậy, nhưng
việc mở cửa chùa để thâu nạp con nghiện, người nhiễm HIV không phải là
có nhiều. Hơn nữa, công việc cũng chẳng dễ dàng gì.
Sư Huân phải rất
nghiêm để trị những thói hư tật xấu, nhưng lại khoan dung, không bao
giờ nặng lời. Với người nghiện, người nhiễm HIV, không bao giờ phân
biệt, cùng sinh hoạt, cùng ăn cơm, nghỉ ngơi, tu hành. Những người tù
tội, những người bị xã hội đặt các dấu hỏi về khả năng “hoàn lương” thì
trước tam bảo, đều bình đẳng và chăm chỉ công việc tu hành mà không cần
xuống tóc.
Đức Phật ở xa mà lại
gần. Đó là tấm gương của sư Huân, tận tụy với đời, không bao giờ đòi
hỏi, trách phạt, phân biệt cư xử. Cuộc sống giản dị, toàn tâm toàn ý
cho một cuộc sống bình đẳng và lo cho mọi người đều được cư xử như
nhau. Chùa không có cửa, đến hay đi, đấy là tùy tâm của mỗi con người.
Con nghiện nói đùa rằng “chúng con không phải là thầy, mà thầy cũng
chẳng phải chúng con”. Nhưng thực tình, mỗi cử chỉ, mỗi việc làm của
thầy đều bị anh chị em “xăm soi” rất kỹ, bởi những lúc ngồi dưới hiên
nhà, câu chuyện đều là về thầy cả.
3. Ban đầu, tôi nghĩ sư Huân có thuốc
gì đó, bí kíp, để cai nghiện. Nhưng hóa ra không phải.
Sư nói, nghiện hay
không nghiện nữa đều là do ý chí của con người mà ra. Muốn có ý chí,
cái tâm phải tốt. Người xưa nói “tâm sáng chí bền” thật là không sai.
Người nghiện sống trong môi trường thanh bạch, không nhuốm sự ham hố,
sáng cuốc cỏ tưới hoa, chiều nghe kinh. Thiếu thuốc vài ngày thì quằn
quại lắm. Nhưng quằn quại mà xấu hổ chứ không đau khổ, bởi thấy mình
quằn quại với một thứ ham hố chẳng có giá trị gì. Vài ba ngày sau, tự
dưng trong người thanh nhẹ, không còn bị sự ham hố hành hạ nữa.
Những ngày kế tiếp,
các anh các chú mới nằm nghỉ ngơi, chạy ra phụ với sư để tưới hoa. Câu
nọ xọ câu kia, nghe rất vui tai. Có người lúc đó mới kể chuyện tù tội,
nghiện mười năm rồi, vào tù chẳng qua là vì đi cướp để lấy tiền hút.
Khổ thế. Cơm thì chỉ có rau, canh. Ưu tiên người yếu vài con cá cơm
khô. Nhưng vài ba tháng thì ai nấy đều mập ra, vui khỏe. Có chú đào hố,
trồng hoa khỏe hơn cả người nhà chùa.
Đến chùa cai nghiện
mà không thấy có thuốc cai nghiện, không cần phải quản lý, cũng chẳng
thấy sư phải làm gì, ngoài việc động viên hỏi xem “đang nghĩ gì?”, “vì
sao lại buồn?”, “mệt thì nằm nghỉ đi”... đại khái như vậy. Nếu không
nói thì đố ai biết những người kia từng là con nghiện đã trải qua nhiều
trại mà bất thành, những người nhiễm HIV tưởng đã nằm trong mồ bê
tông. Phép cai nghiện của sư Huân vừa vi diệu, vừa giản dị. Vi diệu ở
chỗ ta không thấy phác đồ ở đâu, ta không dễ gì cắt nghĩa làm sao người
lại bỏ những thứ đam mê trói buộc để trở thành một con người tự do.
Giản dị ở chỗ, rút cục người ta tự mình thoát được những đam mê lầm
lạc, mà không cần nhờ đến ai. Tự mình tìm thấy cho mình một con đường.
Dăm ba tháng lại một lớp học viên mới, kết quả rõ ràng. Vào chùa quằn
quại nặng nề mà ra đi thì “khăn gói quả mướp” nhẹ nhàng như một cơn gió
thoảng hương sen, không nói câu nào, chỉ chờ đến chiều để chào sư một
câu rồi rảo bước.
Một trong những câu
hỏi lớn của con người, đó là tồn tại để làm gì? Cũng như trong nhà chùa
trả lời câu hỏi: Tu hành để làm gì? Dường như sư Huân đã tìm được câu
trả lời cho công việc tu hành, đấy là đem ánh sáng niềm tin và sự bình
an đến với những người đang cần nó nhất. Sự an lạc của người tu hành
nằm trong sự an lạc của chúng sinh.
4. Trò chuyện với những người dân
trong làng tôi biết được chùa Pháp Vân được xây dựng từ năm nhà Lý ra
tìm đất định đô. Tương truyền, khi xa giá nhà vua từ Hoa Lư ra tới đây
thì voi ngựa đứng lại, trời bỗng nhiên đổ mưa lớn. Nhà vua bèn cho xây
dựng chùa Pháp Vân, ngay ở vị trí cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, nơi xa
giá dừng lại. Định đô từ đó.
Trải qua bao thời
đại, bao phen binh lửa, chùa Pháp Vân nơi cửa ngõ của kinh thành Thăng
Long, chỉ còn là bãi đất trống hoang tàn và một ngôi nhà cấp bốn, nếu
nhìn từ ngoài vào không ai biết là chùa.
Sư Huân về trụ trì,
dọn quang cỏ dại, làm sân vườn, đào ao, thả sen. Trên đất đai của nhà
chùa có cả mồ hôi của những con nghiện, của người nhiễm HIV và của các
sư. Người đến kẻ đi, không biết bao nhiêu mà xuể. Tôi còn nhớ buổi
chiều ngồi trên đống gạch vỡ, sư Huân nói rằng mơ ước sẽ xây dựng lại
một ngôi chùa Pháp Vân đẹp đẽ như xưa, với những đường nét gần gụi với
tự nhiên. Chúng tôi cứ miên man mà mường tượng ra ngôi chùa ấy.
Mới đây qua trang web
của chùa, tôi mừng rỡ biết chùa vừa được Phật tử cung tiến một khối đá
nặng 150 tấn để tạc tượng Phật nhập Niết bàn lớn nhất Việt Nam, đúng
vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Đây thực sự là một tin
mừng cho ngôi chùa đã tròn 1.000 năm tuổi, bằng với tuổi kinh thành
Thăng Long. Việc tạc tượng đang được tiến hành vô cùng khẩn trương, với
sự góp công của đông đảo Phật tử của ngôi làng cổ ven đô, cùng huynh
đệ xa gần. Tôi viết bài này trước hết để chia sẻ với sư Huân niềm vui
về sức sống của ngôi chùa cổ Pháp Vân của Hà Nội. Trải qua thăng trầm,
văn hóa Hà Nội và văn hóa Việt Nam không bị mai một mà ngày càng sâu
lắng, bền vững hơn, ngôi chùa cũng ngày càng hưng thịnh. Ngôi sao điện
ảnh Thành Long, đại diện cho UNICEF đã từng đến chùa Pháp Vân để thăm
mô hình cai nghiện và giúp đỡ người nhiễm HIV tại đây. Việc tạc bức
tượng Phật nhập Niết Bàn lớn nhất Việt Nam, đặt tại chùa Pháp Vân, Hà
Nội, nhân 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, có thể xem là một sự ghi nhận
với các sư thầy và các Phật tử của chùa.
* * *
Trong những ngày vui
này, tôi khó thể nào quên những ngày gian truân của sư thầy Thích Thanh
Huân, một thanh niên về Hà Nội tu hành từ năm 17 tuổi, ngồi trăn trở
trên những đống gạch vụn khi mặt trời sắp tắt, lo lắng cho con nghiện
mới vào chùa vẫn còn thèm thuốc, chuyện các Phật tử đang tìm công ăn
việc làm thời đô thị hóa... Tôi thầm nghĩ rằng “lẽ ra giờ ấy thầy đang
thanh nhàn nơi tịnh xá để suy tư những triết lý cao siêu”.
Nhưng rồi, tôi
chợt nhận ra rằng, có thể chính trong ngôi chùa bận rộn Pháp Vân, sư
Huân đã tìm thấy sự bình an và niềm vui đích thực của kẻ tu hành trong
những nụ cười tủm tỉm của những đệ tử là con nghiện bốn phương. Họ vừa
thoát ra khỏi những cái chết về mặt tinh thần, để đi tìm những nẻo
đường sáng của cuộc đời. Mỗi khi họ cười, thì nụ cười cũng hiện ra trên
khuôn mặt ưu tư của sư Huân.
TP.HCM 5/2010
Theo: Thể thao Văn hóa