Chăm lo cho kẻ khác sẽ mang lại nhiều lợi ích
09/10/2013 15:05 (GMT+7)

Tịch Thiên khẳng định rằng sự quyết tâm mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh có giác cảm sẽ làm dâng lên hạnh phúc và hân hoan trong lòng mình.

Trái lại nếu chỉ biết chăm lo cho chính mình thì không sao tránh tránh khỏi mọi khó khăn, thảm kịch và tai họa xảy đến với mình (quá chăm lo cho mình là cách tạo ra nhiều tham lam và lầm lẫn, đưa đến sự xung đột về quyền lợi với những người chung quanh. Đấy chính là cách tự cô lập mình và tạo ra cho mình mọi thứ khó khăn, đưa đến tai họa và thảm kịch một cách dễ dàng).

Tịch Thiên nói rằng nào có cần phải nhắc đến chuyện ấy đâu: chỉ cần nhìn vào tấm gương của Đức Phật cũng đủ. Có phải là Ngài luôn mong cầu tất cả chúng sinh được an lành và âu lo cho số phận của chúng ta hôm nay, tức cái số phận mà chúng ta hiện đang phải gánh chịu hay không? Điều ấy có thể nhận thấy thật dễ dàng khi so sánh giữa những khó khăn mà con người bình dị luôn phải đối đầu và các phẩm tính giác ngộ và trí tuệ của chư Phật. Sự so sánh đó sẽ giúp chúng ta nhận thấy sự khác biệt lớn lao giữa đức độ và những điều lợi ích mà người tu tập được thừa hưởng từ ước vọng mang lại sự tốt lành cho tất cả chúng sinh có giác cảm, và những điều bất lợi cũng như các hoàn cảnh thiệt thòi của những người ích kỷ chỉ biết chăm lo cho quyền lợi của riêng mình.

Tịch Thiên nêu lên một sự thắc mắc như sau: trong khi tất cả chúng sinh cũng như chúng ta đều ước mong tìm được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thì tại sao riêng chúng lại chỉ biết âu lo cho quyền lợi cá nhân của riêng mình và

tạo ra mọi thứ thiệt thòi cho kẻ khác - đến độ không còn biết nghĩ đến bất cứ một người nào nữa? Sự thắc mắc ấy nêu lên một sự thật vô cùng quan trọng. Chúng sinh cũng như tất cả mỗi người trong chúng ta đều ước mong tìm được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thế nhưng tại sao các cảm nhận hân hoan và hạnh phúc của chúng ta lại cứ đưa đến một tình trạng bất toại nguyện triền miên? (các cảm nhận về hạnh phúc và hân hoan rất phù du, thế nhưng chúng ta lại cứ muốn chúng phải trường tồn hay ít ra cũng phải kéo dài hơn, sự mong muốn đó khiến chúng ta cảm thấy lúc nào cũng thiếu thốn và thèm khát triền miên). Với danh nghĩa một con người tôi có quyền thực hiện nguyện vọng ấy của tôi, thế nhưng tại sao những kẻ khác lại không được hưởng cái quyền ấy? Thật hết sức quan trọng là phải công nhận sự bình đẳng căn bản đó.

Vậy giữa kẻ khác và chúng ta có những sự khác biệt nào? Dù rằng tất cả các kẻ khác đều thật quan trọng và quý giá, thế nhưng chúng ta thì lại chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của một cá nhân duy nhất. Dù cho sự đau đớn của kẻ khác có hành hạ họ đến mức nào đi nữa thì chúng ta cũng chỉ quan tâm đên sự an lành của riêng mình mà thôi. Mỗi khi nghĩ đến sự an vui của tất cả các chúng sinh có giác cảm khác thì chúng ta cũng nên hiểu rằng cách gọi các chúng sinh khác sẽ có nghĩa là vô lượng chúng sinh. Dù sự đau đớn của một chúng sinh khác không đáng cho chúng ta quan tâm, thế nhưng tất cả những sự đau đớn của những chúng sinh khác khi góp lại thì quả là vô biên. Do đó trên phương diện số lượng, sự an lành của những kẻ khác sẽ phải to lớn hơn sự an lành của riêng mình gấp bội.

Dù răng chúng ta chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của riêng mình, thế nhưng phải hiểu rằng khi nào các kẻ khác được hài lòng và hạnh phúc thì khi đó chúng ta mới được hưởng lây. Trái lại, nếu những kẻ khác lâm vào tình trạng đau khổ triền miên thì chúng ta tránh sao khỏi phải chịu chung số phận. Thật hết sức rõ ràng là quyền lợi của kẻ khác liên hệ chặt chẽ với quyền lợi của chính mình. Thật vậy, qua kinh nghiệm bản thân chúng ta cũng có thể nhận thấy rõ ràng là nếu mình càng bám víu vào "cái tôi" - tức càng chăm lo cho quyền lợi của riêng mình - thì các khó khăn tâm lý cũng như các thứ xúc cảm đủ loại sẽ càng trở nên trầm trọng hơn (chúng ta cảm thấy cô đơn và lẻ loi hơn).

Chăm lo cho chính mình tất nhiên phải là điều quan trọng. Thế nhưng nếu thực sự muốn chăm lo cho mình thì phải cần thực tế hơn, tức là không nên xem trọng quyền lợi của mình một cách quá đáng mà phải dành nhiều thì giờ hơn để nghĩ đến người khác. Thật vậy, phát động lòng vị tha và tôn trọng sự an lành của kẻ khác là một cách hành xử thật lành mạnh (tức không phải là một sự ích kỷ) dù chỉ vì mục đích thỏa mãn các quyền lợi của riêng mình. Khi hành xử như thế, chúng ta sẽ nhận thấy những biến cải thật quan trong trong nội tâm mình: một cảm giác lắng dịu sẽ hiện ra với mình. Chúng ta sẽ không còn phản ứng một cách phi lý trước những chuyện vụn vặt nữa, cứ như liên hệ đến cả mạng sống của chính mình, hoặc tương tự như thanh danh, bản ngã và cả sự tồn vong của mình đang bị hăm dọa. Nếu chúng ta lúc nào cũng chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình - và hoàn toàn không quan tâm đến sự an vui của kẻ khác - thì ngay cả các biến cố nhỏ nhoi cũng có thể gây ra những sự bấn loạn trầm trọng, hay những vết thương trong nội tâm mình. Chúng ta có thể nhận thấy rất rõ những điều đó qua các kinh nghiệm bản thân của minh.

Tóm lại, thái độ vị tha đó thật hết sức lợi ích cho kẻ khác và cho cả chính mình. Nếu cứ mặc cho tâm thức lâm vào cảnh nô lệ của sự ích kỷ thì cảm tính bất toại nguyện, chán nản và bất hạnh sẽ kéo dài thêm. Chúng ta sẽ đánh mất đi không biết bao nhiêu cơ hội tốt lành mà mình đang có - chẳng hạn như được làm thân con người, được thừa hưởng những khả năng tuyệt vời của trí thông minh, giúp chúng ta thực hiện được những mục tiêu vượt bực. Vì thế thật hết sức quan trọng là phải biết cân nhắc giữa các kết quả ngắn hạn và lâu dài mang lại từ các hành động của mình. Nhằm mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu dưới thể dạng con người của mình thì sẽ chẳng có một phương cách nào tuyệt với hơn là sự suy tư về Bồ Đề Tâm (Bodhicita), tức là ước vọng vị tha mong sao đạt được Giác Ngộ để mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh có giác cảm?

Trích tác phẩm Tu Tuệ của Đạt Lai Lạt Ma - Hoang Phong dịch

Các tin đã đăng: