Đối mặt với ung thư chỉ bằng thiền định và niềm tin: “Tôi không chết được đâu!” (Kỳ 1)
09/10/2013 15:21 (GMT+7)


Vậy mà, 3 năm sau, ngày 12/9/2013, tại buổi gặp gỡ, giao lưu với các giáo sư đầu ngành y khoa tại Đại học Harvard (Mỹ), thầy Pháp Đăng với vóc dáng chắc nịch, vạm vỡ, làn da hồng hào và giọng nói sang sảng đã chia sẻ bí quyết chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo bằng phương pháp thiền định của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy bảo: “Sau hơn hai mươi năm tu học, tôi tin tưởng Bụt và pháp môn của Bụt do thầy tôi, thiền sư Thích Nhất Hạnh trao truyền. Cho nên, khi bác sĩ nói rằng: Tôi bị ung thư giai đoạn cuối, tôi không hề hoảng sợ. Tôi tin các bác sĩ nhưng tôi tin ở giáo lý của Bụt nhiều hơn, nghĩa là sống chết đều do nghiệp, xin thêm một ngày cũng không được thì hơi đâu mà lo lắng. Sống chết chỉ là việc thay áo cũ thành áo mới, đổi xác trà cũ thành trà mới. Tôi dùng năng lượng chánh niệm để sống vui vui trong lúc điều trị. Vì thế tôi vui tươi, cười nói, ca hát suốt ngày và trở nên yêu đời hơn bao giờ hết. Bây giờ ở Pháp, tôi đi bộ mỗi ngày hơn tám cây số. Tôi làm việc suốt ngày không thấy mệt. Người béo tốt, hồng hào hơn xưa. Vừa rồi, tôi đi xét nghiệm lại, sau 3 năm, bác sĩ không phát hiện bất cứ khối u nào hết. Tôi luôn sống trong ý thức sáng tỏ là cơ thể có khả năng tự trị liệu bằng thiền định và chánh niệm”. Câu chuyện về cuộc chiến chống căn bệnh ung thư bằng phương pháp thiền định của sư thầy Pháp Đăng thực sự là một cú sốc lớn với giới y học hiện đại nước Mỹ.

 Sư thầy Thích Pháp Đăng

Sư thầy Thích Pháp Đăng sinh năm 1964 ở Huế. Năm 1990, thầy xuất gia tại Đạo tràng làng Mai (Pháp), tu tập theo pháp môn thiền định của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hơn hai mươi năm toàn tâm tu tập, thầy Thích Pháp Đăng trở thành một đệ tử lớn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy đã đi nhiều nơi trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm tu tập với tăng thân. Thầy cũng thường xuyên về chùa Từ Hiếu (Huế) để thuyết pháp và hướng dẫn đại chúng tu tập thiền định và chánh niệm, những mong hoằng dương Phật pháp đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh.

Căn bệnh ung thư đại tràng quái ác

Cuộc chiến khốc liệt chống chọi lại với căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối của thầy bắt đầu từ mùa xuân năm 2010. Đầu tiên chỉ là những cơn đau bụng nhẹ, thi thoảng. Sau, tần suất và mức độ đau tăng dần. Cho đến mùa đông, những cơn đau dữ dội liên tục ập đến hành hạ thầy. Nhiều khi đau quá, thầy nhẹ nhàng đặt hai bàn tay lên chỗ đau, ôm ấp, vỗ về. Thầy tuyệt thực hai, ba ngày thì cơn đau lại dịu xuống. Suốt bảy tháng cơn đau giày vò, hành hạ như thế nhưng thầy vẫn không hé lộ cho ai biết. Thày sợ, nói ra, anh em đồng tu sẽ lo. Mà thầy cũng sợ đi khám bệnh. Thầy bảo: “Từ trước đến nay, tôi vốn không có niềm tin và thiện cảm với cách khám bệnh máy móc, vô cảm của nhiều y bác sĩ. Tìm ra một bác sĩ có tâm, có tài bây giờ thật là hiếm. Vả lại, tôi không sợ bệnh, không sợ chết. Tôi có khả năng chịu đựng đau đớn nên tôi vẫn sống vui. Hàng ngày tôi vẫn thiền hành, thiền tọa, vẫn đi khắp nơi hướng dẫn các khóa tu”.

Cho đến cuối năm 2010, thầy Thích Pháp Đăng nhận được điện thoại của chị gái ở Huế. Chị kể: “Không hiểu sao, con dâu chị thường nhìn thấy ba của chị về nhà thăm cháu. “Thầy ơi! Ba đã mất gần bốn chục năm rồi. Có lẽ nào ba vẫn chưa siêu thoát hả thầy?”. Chị gái thầy khóc trong điện thoại, giọng đầy lo lắng. Thầy lựa lời trấn an: “Ba là người sống nhân từ, độ lượng. Năm Mậu Thân, ba vào Đà Nẵng xin gạo cứu giúp không biết bao nhiêu người đói khát. Ba ăn ở có đức nên chị em mình có được đời sống hạnh phúc như ngày hôm nay. Có điều, ba không may sinh ra phải làm nghề đánh cá. Vì gia đình, vợ con, ba đã bắt không biết bao nhiêu cá nên ba phải trả tấm thân lại cho cá. Mình bắt người ta thì người ta bắt lại mình. Mình mắc nợ người ta thì người ta đòi mình phải trả. Ở đời, có vay thì có trả. Đó là luật đương nhiên trong trời đất, là giáo lý nhân quả rất quan trọng trong đạo Bụt, chị ạ”. Chị gái thầy lại hỏi: “Hàng xóm cũng nói với chị là vẫn thường nhìn thấy ba. Như vậy, ba chưa siêu thoát hay sao?”. Thầy trả lời: “Họ thấy ba là thấy tâm thức ba, chứ thân xác theo luật vô thường thì không còn nữa. Ba có thể dã sinh về cõi phù hợp với nghiệp thức của ba rồi”. giảng giải cho chị gái vậy, song thầy Pháp Đăng vẫn quyết định về Việt Nam để làm lễ trai đàn chẩn tế cầu nguyện, hồi hướng công đức cho ba và ông bà tổ tiên siêu linh cõi tịnh đô.

Cuộc đại phẫu thuật không cần thuốc tê


Trong thời gian đó, những cơn đau bụng dữ dội vẫn hành hạ thầy. Thầy không ăn uống gì được, phải nhịn cả tuần. Người sụt cân nhanh chóng. Từ 64kg tụt xuống còn 50kg. Đến khi xong trai đàn chẩn tế thì thầy gần như kiệt sức. Gia đình vội vàng đưa thầy lên Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ khám sơ qua rồi cho thầy 3 loại thuốc kháng sinh. Uống vào cơn đau càng dữ dội hơn, bụng sưng to. Thầy sực nhớ đến bác Thôn Thất Cầu, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ Cầu và vợ thường lên chùa Từ Hiếu nghe thầy giảng pháp. Vừa nghe thầy kể bệnh tình, bác sĩ Cầu bảo: “Thầy phải lên viện cấp cứu ngay”. Xét nghiệm thấy máu thiếu trầm trọng, hồng huyết cầu bị phá hủy nhiều. Nội soi, phát hiện thấy một khối u to như nắm tay ở đại tràng. Bác sĩ bảo: “Nó to như vậy thì có thể dã có mặt mười năm rồi. Thầy phải giải phẫu ngay trong tuần này”.

Khi vào phòng mổ, thầy Pháp Đăng yêu cầu các bác sĩ không chích thuốc tê. Bác sĩ ngạc nhiên hỏi: “Thầy chịu không nổi đâu, đau lắm”. Thầy cười: “Mấy tháng nay tôi đã chịu đựng được cơn đau hành hạ rồi nay, tôi chịu được tiếp. Bác sĩ cứ yên tâm”. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Bác sĩ cắt khoảng chừng một gang tay hai bên khối u rồi nối ruột già lại với nhau. Sau khi cắt khối u và mang đi xét nghiệm sinh thiết, các bác sĩ kết luận: “Nó là một khối u ác tính giai đoạn cuối. Miệng khối u đã mở ra cho nên một số tế bào ung thư đã đi vào máu. Vì vậy, thầy phải hóa trị trong vòng một tháng sau khi mổ”. Thầy Pháp Đăng nhớ lại: “Trong cơn đại giải phẫu, tâm tôi thật bình an và sáng suốt! Thân thể có nhiều đau nhức và tiều tụy bởi tôi nhịn ăn, nhịn uống hơn hai tuần. Gia đình, ai cũng lo lắng cho tôi. Các em tôi thường có mặt tại bệnh viện để chăm sóc tôi. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân khắp nơi đều cầu nguyện cho tôi. Ngày thứ nhất sau khi mổ, sức khỏe tôi quá yếu. Hình hài tàn tạ quá độ. Bác sĩ không để ống dẫn lưu nên dịch và đờm giải ứ đọng trong dạ dày quá tải, làm cho bụng tôi căng lên như cái trống. Tôi thấy đau đớn nơi vết mổ và khúc ruột nối. Sáng hôm sau, sư cô Thuần Khánh vào thăm, khuôn mặt đầy lo lắng: “Sư anh cảm thấy thế nào? Hôm qua, lúc em vào thăm, thấy nhiều lúc anh không còn thở nữa. Em sợ quá!”. Tôi cười, bảo: “Sư anh chưa chết đâu sư em” khiến sư cô Thuần Khánh bật cười, mắt nhòe lệ. “Chết chưa chắc đã là khổ, sống chưa chắc đã là vui. Khổ là vì thương tiếc, mất mát, lo sợ. Sư anh thương cho người ở lại, sư em biết không? Đau nhức trong thân thì không thể nào tránh được nhưng đau khổ thì sư anh có thể vượt qua. Qua bờ là không có đau khổ bởi cơn đau, mổ xẻ, bệnh tật. Qua sông là không lo, không sợ, bình tĩnh, sáng suốt trong những lúc thử thách này”.

Hai ngày sau khi mổ, sư thầy Pháp Đăng đã muốn ngồi thiền dù còn rất đau. Ngày thứ ba, thầy đã gắng tập đi để cho vết thương cử động, máu tới vết thương sẽ mau lành. Ngày thứ 4, thầy bắt đầu uống nước. Ngày thứ 5 sau khi ăn được chút cháo loãng, thầy xin xuất viện. Thầy biết, không khí, năng lượng rất quan trọng. Môi trường ở chùa Từ Hiếu sẽ giúp thầy hồi phục sức khỏe rất nhanh. Ngày thứ 8, bác sĩ Cầu cùng vợ đến chùa thăm khám bệnh cho thầy. Bác sĩ đề nghị: “Một tuần nữa, thầy phải vô viện hóa trị liền vì việc giải phẫu bướu ác tính, những bưới nhỏ sau đó ở nhiều nơi trong cơ thể có thể đột phát một cách dữ dội và sự sống chỉ tính từng ngày, từng tháng”.

Theo Hoàng Anh Sướng (TT&ĐS)

Các tin đã đăng: