Đưa
thanh, thiếu niên vào chùa để nghe thuyết giảng về Phật pháp, giáo huấn
những điều răn dạy của Phật, cách làm người… được một số đơn vị từng
tổ chức trong các lớp học kỹ năng sống, song đưa trẻ ở độ tuổi nhi đồng
vào chùa vãn cảnh, lễ Phật là một cách làm mới của cô và trò Trường
Mầm non Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng -Hải Phòng).
Ngày mồng 10 tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013, không khí trong lành, mát mẻ,
dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, hơn 80 em nhỏ độ tuổi từ 3 đến 5
tuổi rồng rắn bám lưng nhau di chuyển từ bờ đê xuống cổng chùa Thắng
Phúc, xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng).
Các em được các cô nhắc nhở chỉnh trang trang phục và không hò hét,
nô đùa khi vào chùa. Học sinh lớp 3 tuổi đi trước, học sinh lớp 4 và 5
tuổi theo sau, xếp thành 2 hàng song song đến trước cửa Tam Bảo thắp
hương lễ Phật và tham quan các gian thờ tự. Sau đó, các cháu ngồi quây
quần dưới chiếu nhà Tổ, cùng nhau hát và ríu rít chuyện trò như những
chú chim non.
Các cháu được nghe sư ông giảng dạy về tình yêu thương ông bà, bố mẹ,
bạn bè, cộng đồng. Những đôi mắt to tròn, ngây thơ hết nhìn lên tượng
Phật nhân từ lại nhìn sư ông trìu mến; chăm chú lắng nghe lời sư ông
giảng như những phật tử ngoan đạo.
Cháu Vũ Khánh Huyền, lớp 4 tuổi, nhà ở thôn 4 thỏ thẻ: “Cháu thích đi
học như thế này lắm. Trên đường đến đây, chúng cháu được cô giáo dạy
về cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, bây giờ được gặp sư ông và được
sư ông phát kẹo nữa”.
Cô và trò Trường mầm non Tiên Thắng khu 2 vui chơi tại khuôn viên chùa Thắng Phúc.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Thắng khu 2 Vũ Thị Nữ cho biết: “Tổ
chức các giờ học giáo dục kỹ năng sống nằm trong chương trình giáo dục
mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để các cháu có thêm vốn sống, vốn
hiểu biết, các cô giáo mạnh dạn tổ chức những buổi dã ngoại trong
khoảng cách 2 km bằng xe kéo để các cháu được đi thăm thú, tìm hiểu,
làm quen với ruộng đồng - công việc của chính bố mẹ các cháu, giáo dục
các cháu biết trân trọng giá trị của lao động và vun đắp tình yêu quê
hương, đất nước ngay từ khi còn nhỏ.
Việc tổ chức đi tham quan, vãn cảnh hay giờ học trong chùa cũng không
ngoài mong muốn để các cháu hiểu biết về các di tích lịch sử, danh lam
thắng cảnh của quê hương và tạo sự gần gũi giữa con người với thiên
nhiên, con người với con người, con người với cuộc sống”.
Trường Mầm non Tiên Thắng (khu 2) hiện có 340 học sinh, độ tuổi từ 2
đến 5 tuổi, với 34 cán bộ, giáo viên và cô nuôi. Thu nhập trung bình
mỗi cán bộ, giáo viên khoảng hơn một triệu đồng/người/tháng. Nhưng với
tình yêu trẻ, các cô giáo vẫn hằng ngày gắn bó với công việc chăm sóc,
các cháu.
Để tăng thêm thức ăn cho các cháu, các cô thay nhau chăm sóc vườn rau
trong khuôn viên nhà trường. Ngoài các giờ học múa, hát và tập tô, tập
viết, tập vẽ, các cô thường xuyên tổ chức những buổi học kỹ năng sống
vào thứ ba hằng tuần cho các cháu như: cách thoát khỏi khói ngạt, cứu
người bị đuối nước, phụ giúp bố mẹ công việc gia đình…
Hiệu trưởng nhà trường Vũ Thị Nữ chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các lớp
học kỹ năng sống: “Trẻ em ở nông thôn thường thiếu thốn hơn trẻ em
thành phố cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, chúng tôi mong muốn
thông qua chương trình này nhằm trang bị cho các cháu những điều cần
thiết trong cuộc sống để các cháu sớm học được cách sống tự lập, các
bậc phụ huynh yên tâm làm việc.
Mỗi khi tổ chức những lớp dã ngoại, giáo viên nhà trường quan tâm
nhất là sức khỏe của các cháu. Trước mỗi chuyến đi, Ban giám hiệu nhà
trường trao đổi cụ thể với giáo viên về cách thức quản lý, chăm sóc các
cháu, liên hệ với phụ huynh học sinh để biết được tình hình sức khỏe
mỗi học sinh, nếu có thể mời phụ huynh học sinh tham gia cùng”.
Theo Tường Minh - HPO