Ngày nay, đi kèm với sự phát triển của đời sống vật chất, những tác dụng phụ của nền kinh tế thị trường đã khiến xã hội loài người phải đối diện với những vấn đề chưa từng thấy trong lịch sử. Một trong những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu là luân lý xã hội và gia đình, đạo đức của từng cá nhân mà đặc biệt là của giới trẻ, đang dần dần mất phương hướng. Hàng loạt các sai lầm trong cách sống của thanh thiếu niên, từ thành thị đến nông thôn; từ gia đình có điều kiện kinh tế đến những gia đình nghèo khó; từ những người có học đến những người thất học…. đang là vấn đề nhức nhối toàn xã hội. Muốn xây dựng một xã hội công bằng, văn minh thì chúng ta không thể không phát huy những nhân tố tích cực để nâng cao nhận thức cũng như đạo đức của con người. Hiện nay, Phật giáo hơn lúc nào hết cần phát huy tác dụng đối với xã hội bằng luân lý quan của mình.
Tư tưởng luân lý của Phật giáo đề cập đến rất nhiều phương diện xoay quanh con người và xã hội. Có thể dễ dàng nhận thấy qua những yếu tố sau:
I. Luật nhân quả
Đối với đại đa số thanh niên, khi chưa va vấp nhiều với cuộc sống, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, thì đôi khi những triết lý quá cao siêu không phù hợp với tư duy của họ. Họ cần nhìn thấy những gì ngay trước mắt, tin vào những điều liên quan trực tiếp đến lợi ích, nhu cầu của chính bản thân mình. Đồng thời, họ cũng sợ hãi với những sự mất mát hoặc tai họa sẽ giáng xuống đầu mình, sợ phải đối diện với sự trừng phạt… Lúc này, luật nhân quả của Phật giáo rất phù hợp để uốn nắn hành vi của mỗi người. Luật nhân quả cho rằng làm việc thiện thì sẽ gặp phúc và ngược lại, làm điều ác sẽ bị quả báo, “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”.
Về “nhân” của thiện ác, Phật giáo đưa ra thuyết Thập thiện và thập ác; đối với sự quả báo thì đưa ra thuyết Ngũ đạo luân hồi hoặc Lục đạo luân hồi. Thập thiện là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không ganh tị, không oán thù, không si mê, không ác khẩu, không nói láo, không nói đâm thọc hai lưỡi, và không nói lời không chính đáng. Còn thập ác thì ngược lại với thập thiện, như vậy thập ác gồm ba điều do thân, bốn điều do miệng, và ba điều do ý mà phát sinh. Thập thiện và thập ác đã chỉ rõ những việc nên làm và không nên làm, điều này giúp cho các bạn trẻ dễ dàng hiểu được phải trái để quy phạm hóa hành vi của mình. Tích đức hay gây nghiệp, bắt đầu từ những điều rất nhỏ nhặt, từ ý nghĩ, lời ăn tiếng nói, chứ không phải chỉ những chuyện to lớn khác.
Luật nhân quả của Phật giáo không phải là quy luật đơn thuần như cặp phạm trù “nguyên nhân – kết quả” trong khoa học tự nhiên. Thời gian trong luật nhân quả không phải chỉ xảy ra trong một kiếp con người, nó có thể tồn tại từ trong quá khứ, đi qua hiện tại và kéo dài tới tương lai. Vì vậy, con người ta không nên than phiền hay bi quan nếu gặp điều không may mắn đối với cuộc sống, cũng như không nên tự cao với thành công hay may mắn của mình. Điều này giúp giới trẻ có một thái độ sống tích cực, lạc quan, không bi lụy nếu không có được cái mình cần; không hận thù nếu bị người khác làm hại; bình tâm đối diện với mọi phát sinh bất ngờ đến với mình. Tuổi trẻ thường dễ bằng lòng nhưng cũng dễ thất vọng, nên tác dụng cân bằng tâm lý của luật nhân quả rất có giá trị trong cuộc sống.
Nâng lên một tầm cao hơn thì quan trọng nhất là giới trẻ có thể ý thức rằng, trừ những việc mình không chủ động được do phải chịu nghiệp báo từ quá khứ hoặc tiền tiếp; cuộc sống hiện tại của mình sẽ tốt đẹp lên nếu mình tu tâm, tích đức. Loại bỏ ý nghĩa cứng nhắc rằng mỗi một con người đều có số phận cố định bất biến, không thay đổi được nên không có ý chí tiến thủ, chấp nhận cuộc sống với thái độ tiêu cực, không chịu tích lũy thêm phúc đức để thay đổi hiện tại và tương lai.
II. Quan niệm về “diệt dục”
Về quan niệm “diệt dục” trong đạo Phật, từ trước đến nay đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đây còn là một trong những phạm trù để các tôn giáo khác công kích đạo Phật. Nhưng theo quan điểm của người viết, những người phản đối quan niệm này đều không hiểu hết ý nghĩa “diệt dục” của Phật.
Phật giáo có thái độ hết sức rõ ràng đối với dục vọng, đó là phản đối tham vọng của con người. Giáo lý cơ bản của đạo Phật là Tứ đế và Tam độc đều có đề cập đến điều này. “Tập đế” trong Tứ đế cho rằng, nguyên nhân đau khổ của con người chính là bắt nguồn từ lòng tham được sinh ra do yêu thích một sự vật nào đó, như là tham vọng đối với tiền tài danh vọng v.v. Những dục vọng này không thể thật sự hoặc vĩnh viễn được đáp ứng, cho nên mới sinh ra đau khổ cho con người. “Diệt đế” trong Tứ đế yêu cầu con người ta diệt trừ đi dục vọng này, cho rằng có diệt dục được mới có thể lên “niết bàn” và trở thành Phật, coi “tham” là một trong Tam độc. Tham là một trong những nguyên nhân gây nên đau khổ cho con người, khiến con người cứ luẩn quẩn mãi với vòng quay luân hồi, chịu hết nỗi thống khổ này đến nỗi đau khác.
Tuổi trẻ thường có nhiều tham vọng, hoài bão, nhưng luôn không đủ năng lực cũng như tri thức để biết đặt mục tiêu cho đúng đắn; vì vậy không tránh được thất bại. Thất bại sẽ gây nên sự xuống dốc tinh thần. Người nhụt chí dễ sa vào tình trạng buồn bã, chán chường. Người không nản chí nhưng quá tham lam thì dễ đi sai đường lạc lối, tìm mọi thủ đoạn để đạt được cái mình cần… Tất cả những điều này chỉ khiến con người mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, rồi lại thất vọng, lại khổ đau. Chính vì vậy, cần phải diệt trừ đi những dục vọng không chính đáng, những dục vọng mù quáng, những dục vọng không tưởng vượt quá sức lực của bản thân; phải biết được mình có thể và nên làm những gì. Như vậy, “diệt dục” ở đây là diệt những dục vọng ngu muội, tối tăm.
III. Cách nhìn về lợi ích của mình với lợi ích của người khác
Lợi ích của mình và lợi ích của người khác (tự lợi và tha lợi) là vấn đề mỗi con người sống trong xã hội cần ý thức rõ ràng thì mới có thể biết cách dung hòa được nhiều mâu thuẫn. Phật giáo đã đề cập đến vấn đề này một cách thẳng thắn và trực tiếp. Ngay từ khi bắt đầu thành lập, Phật giáo đã có mục đích là đi tìm con đường giải thoát để loài người thoát khỏi khổ đau. Phật giáo Tiểu thừa đưa ra cách thức tu tập để giải thoát cho chính mình, trong đó có đề cập đến vấn đề lợi ích của cá nhân. Phật giáo Đại thừa lại nhấn mạnh vấn đề lợi ích của người khác, đề cao “từ bi”. “Từ” là chỉ sự vui sướng của chúng sinh, đem lại hạnh phúc cho chúng sinh; “bi” là chỉ việc tiêu trừ buồn phiền của chúng chính sinh, giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
Phật giáo Đại thừa coi việc thành Phật, phổ độ chúng sinh (tha lợi) là mục đích cao nhất. Trong rất nhiều tông phái khác nhau của Phật giáo thì cảnh giới giải thoát (niết bàn) hay thế gian mà con người đang sinh sống chính là một. Việc giải thoát chẳng phải là rời bỏ thế gian này để đi tới một thế giới khác, mà chính là biến thế gian thành niết bàn. Một trong những yêu cầu cơ bản để trở thành Bồ tát hay thành Phật là phải vì người khác, Bồ tát hay Phật không ở đâu xa xăm mà chính là ở ngay thế gian để cứu độ chúng sinh, vì chúng sinh mà có thể bỏ đi tất cả. Nếu chỉ vì lợi ích của chính mình thì không thể nào lên niết bàn hay thành Phật. Để đạt tới cảnh giới cao nhất vì mình thì bắt buộc phải vì người. Khi hai thứ lợi ích này hòa làm một, con người mới đạt được cái mình cần đích thực.
Quan niệm vì mình cũng là vì người và ngược lại này có tác dụng rất lớn trong xã hội hiện nay. Trong xã hội hiện nay có nhiều người theo đuổi lợi ích cá nhân với tư tưởng hưởng thụ. Trước một việc gì đó thì luôn nghĩ đến lợi ích của mình đầu tiên, thậm chí vì lợi ích của mình mà sẵn sàng làm tổn hại lợi ích của người khác. Cách suy nghĩ và hành động ích kỷ này chỉ khiến con người ta chìm đắm trong mê muội. Tuy nhiên, đối với những con người như vậy, luân lý thế tục thông thường không có mấy tác dụng, mà phải là học thuyết luân lý của tôn giáo mới có sức hạn chế đối với hành vi và tư tưởng của họ; khiến cho họ mỗi khi theo đuổi lợi ích cá nhân hoặc hưởng lạc một cách cực đoan thì sẽ biết hạn chế vì lo sợ phải chịu kết quả mà giáo lý nhà Phật đã nhắc đến. Dần dần những con người này sẽ biết tiết chế hành động, lời ăn tiếng nói của mình, xa dời chủ nghĩa cá nhân mù quáng, và cuối cùng biết cân bằng lợi ích của mình và của người; đó cũng là một kết quả của việc tu tập giữa đời thường.
Tâm lý và thái độ sống của tuổi thanh thiếu niên thường phức tạp và đa dạng nhất. Ở tầm tuổi này, mới bắt đầu bước vào cuộc sống, vừa tò mò muốn tìm hiểu khám phá thế giới vừa sợ hãi với những điều mình không chủ động quyết định được; vừa năng nổ muốn cống hiến để chứng minh bản thân thì lại vừa háo hức với danh lợi phù phiếm v.v. Luân lý của đạo Phật có thể giúp giới trẻ phát huy nhiệt huyết sống của mình, có thể uốn nắn tư tưởng để biết được cái lợi lâu dài là cái lợi gắn mình với cả xã hội, hòa cái tôi vào cái chung.
Tư tưởng luân lý của đạo Phật không chỉ biểu hiện trên những phương diện như bài viết vừa nêu, không chỉ có tác dụng đối với một nhóm đối tượng nào, mà là đối với toàn thể xã hội. Để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, chúng ta không thể không giáo dục một thế hệ trẻ – thế hệ quyết định tương lai của loài người – có tài và có đức, vì vậy cần phát huy những nhân tố tích cực có lợi cho xã hội. Đạo Phật với hệ thống triết học nhân sinh, với tư tưởng luân lý phù hợp với mọi thời đại, đã đáp ứng đúng nhu cầu định hướng lối sống cho giới trẻ.
Ts. Kiều Thị Vân Anh
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ
Theo Người Phật Tử