Xã hội ngày nay, sự không chung thuỷ là một trong những nguyên nhân của sự đổ vỡ hôn nhân. Phần lớn, những người vợ có chồng đi theo vợ bé, họ sống trong tình trạng buồn rầu bi ai, nơm nớp lo âu đức lang quân một ngày nào đó sẽ phản bội mình vì một người phụ nữ khác, người vợ rầu rĩ quá, có thể khóc than, kể lể, hy vọng người chồng về với mình. Thực ra khi vợ chồng đã có sự đổ vỡ rồi, thì hậu quả rất khó hàn gắn.
Cũng gặp cảnh ngộ ấy, nhưng có một người trong câu chuyện kể có thật của Ni sư Đạo Chứng (ngưởi Đài Loan), đó là một bà cụ nhờ có tu nên bà đã xử sự rất êm đẹp có trí tuệ thay vì đánh ghen bằng bạo lực dao to búa lớn. Bà là người hiếm có, bị đổ vỡ hôn nhân, chồng phản bội đi lấy người khác, khi sự việc vỡ lỡ bà vẫn không có lời oán trách. Sự khoan dung độ lượng của bà, cuối cùng đã cảm hoá được chồng, khiến chồng bà phải sám hối. Bà cụ không theo cách hành động ghen tuông bạo lực của một số người thường hay làm đó là đánh ghen. Ngược lại bà cụ hàng ngày vui vẻ niệm Phật, tâm thanh tịnh mở rộng lòng từ hơn, mắt biết quán chiếu nhìn xa hơn, để thấy rõ ý nghĩa thực sự rốt ráo của cuộc đời này, khiến cho cuộc sống mình an vui tự tại.
Bà biết rằng, gặp một người chồng như fhế thì dù có gây gổ cũng chẳng ích lợi gì, bà có thể buông bỏ âu sầu và được tự tại, bà cố giữ bình tĩnh, an phận, vừa tròn trách nhiệm làm mẹ, vừa gánh vác luôn công việc làm cha, làm các việc cần làm, chăm sóc con cái, trồng trọt, thậm chí còn tiết kiệm tiền bạc để duy trì cuộc sống. Lại nữa, chồng bà cùng người vợ bé kia sinh ra một đứa con trai, ông đem về nhà nhờ bà ấy nuôi rồi tiếp tục cùng người vợ bé rong chơi. Người trong làng thấy bà chăm sóc đứa bé một cách tử tế, khi đi ra đồng trồng trọt cũng cõng nó theo, nên họ chê cười bà “Là người ngu xuẩn nhất thế giới”, cứ hết lòng săn sóc đứa con của kẻ thù. Bà nghe lời làng xóm chê bai nhưng không làm nao núng tâm từ bi của bà.
Đứa bé ấy lớn lên thành người tốt nhờ vào công sức nuôi nấng dạy dỗ và tình thương của bà, nhận bà chính là mẹ đẻ của nó, thậm chí nó không dám tin rằng, bà vợ bé kia là mụ đẻ ra nó. Về sau người chồng đem bà vợ bé về nhà ở, bà cũng một mực đối xử rất tốt với họ, bà vợ bé ấy bị bệnh phải giải phẫu não, nằm liệt giường suốt mười mấy năm, vẫn nhận được sự chăm sóc của bà.
Chồng bà về sau mang bệnh nặng, bà cũng chăm sóc chu đáo cho ông, bà quả là từ bi, không để tâm oán giận người “lãng tử” đã phản bội mình nhiều năm, không mong cầu bù đắp về tình cảm, cũng không đố kỵ mà vui sướng khi chồng bị khổ nạn. Bà nói: “Tôi với phiền não không tương hợp”, bà cười hiền hoà, thể hiện trí tuệ thanh tịnh của người con Phật. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Bồ Tát bố thí, xem kẻ oán, người thân như nhau, không nhớ việc ác cũ, không oán ghét người”. Bà cụ chưa từng đi học, chưa từng đọc kinh này, vậy mà thực hiện y như kinh một cách tự nhiên thuần thục.
Chồng bà mất vào lúc hơn bảy mươi tuổi, nhưng trước khi mất, ông đã nói với bà: “Tôi đã sai lầm suốt đời, tôi thành thật xin lỗi bà!”. Ông sám hối: “Mọi người có xúm lại đánh cũng chưa đáng tội của tôi!” Bà nghe xong chỉ mỉm cười và nói : “Ồ! Nói như vậy để làm gì chứ?”.
Tấm lòng của bà thật là rộng lượng, hoàn toàn không có gì bất bình, không có gì khó chịu, không có lời oán trách. Bà bình tĩnh tiếp nhận sự sám hối của chồng. Chồng bà lại còn đến trước Đức Phật A Di Đà để thú tội, nói ra sự sai quấy của mình, thỉnh cầu Đức Phật A Di Đà từ bi tha thứ, tiếp dẫn ông đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Sau khi ông chân thành thú tội, niệm Phật chưa đến mấy phút, rõ ràng đã vãng sinh thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Những người đến trợ niệm cho ông nói : “Chúng tôi tận mắt nhìn thấy ông ấy ra đi rất nhẹ nhàng, chưa đầy mười lăm phút niệm Phật mà đã vãng sanh”.
Đức Phật A Di Đà đại từ đại bi nhìn thấy rất rõ trăm thứ lỗi của những kẻ phàm phu, thông thường những kẻ suốt đời lầm lỗi không xứng đáng vào nước Cực Lạc, nhưng đức Phật cho họ cơ hội tối hậu lúc lâm chung biết sám hối lỗi lầm, niệm mười tiếng A Di Đà Phật, chân thành phát tâm muốn đến thế giới Cực Lạc Tây Phương, thì Đức Phật A Di Đà cũng không bỏ họ.
Nói về người con trai của bà vợ bé, anh ta đã trở thành một giáo viên được các đồng sự bầu chọn là người giáo viên ưu tú và lãnh được huy chương : “Thập Đại Hiếu Hạnh” của Đài Loan. Sau khi lãnh huy chương, anh ta trở về quỳ bên cạnh bà cụ mà nói : “Tất cả mọi thứ đều do mẹ cho con, hôm nay con lãnh phần thưởng này, còn có cả tiền thưởng, nên con quyết định mang về cho mẹ”.
Bà nhìn tấm huy chương có khắc hình một con dê nhỏ quỳ bên dê mẹ mà bú sữa, rồi bà mỉm cười rất từ ái, vẻ mặt của bà giống như vẻ mặt của một vị Bồ Tát.
Bà cụ trong bài thuyết pháp của Ni Sư Đạo Chứng là một người con Phật đã biết cách sống đúng với tinh thần Đạo trí tuệ và từ bi của Đức Thế Tôn, khi gặp nghịch cảnh cũng không nao núng, trái lại rất bình tĩnh để không bị phiền não đau khổ. Một tổ sư Thiền Tông nói : “An vui không sầu, đó gọi là Phật”
Còn chúng ta, làm sao vượt qua được phiền não để cho tâm thanh tịnh, có thể an vui với công việc hàng ngày.
Tâm ta vốn là Phật
Tại sao khởi tham trước?
Tâm ta vốn đại bi
Tại sao giận việc nhỏ?
Tâm ta vốn vô ngại
Tại sao không tự tại?
Đàm Lê
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015