Qua giọng hát của cô, những dòng kinh kệ Tây Tạng như trở nên gần gũi
và dễ hiểu hơn bao giờ hết. Những âm hưởng vút cao như chiếc thuyền
đưa tâm thức mỗi người tìm về với chính cái bản thể của mình.
Hát và tích cực với các chương trình từ thiện là 2 nhân tố liền kề
trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của cô. Mọi người không chỉ biết đến
cô như là một trong những người hát kinh Tây Tạng có sức lay chuyển
nhất mà còn là một nữ tu có nhiều cống hiến bằng những chương trình từ
thiện hết sức ấn tượng tại đất nước Nê-pan. Một đất nước còn nghèo về
kinh tế nhưng vẫn giàu những định kiến dành cho phụ nữ và trẻ em. Từ
nguồn Quỹ phúc lợi của mình, cô đã xây dựng một bệnh viện điều trị thận
đầu tiên ở đất nước Nê-pan và thành lập trường Arya Tara, ngôi trường
đầu tiên ở Nê-pan dành cho sinh viên phương Tây và Tây Tạng cùng các nữ
tu và trẻ em nghèo. Những thành tựu lớn lao ấy của cô đã làm cho biết
bao người phải đặt câu hỏi “cô là ai?”, “cô đã làm gì để thực hiện được
những ước mơ cao thượng của mình?”…
Sư cô Ani Chong Drolma sinh ngày 4 tháng 6 năm 1971 tại Nê-pan. Ký ức
tuổi thơ của cô là những tháng ngày đau buồn vì cô luôn bị người cha
đánh đập. Năm 13 tuổi, cô đến tu viện Nagi Gompa, gần thủ đô Catmandu,
như là một sự giải thoát khỏi người cha ấy. Lúc đó, cô thật dữ tợn bởi
những ý nghĩ tiêu cực đã choáng ngập trong trái tim và tâm hồn non dại.
Cô luôn tự bảo vệ mình bằng sự cáu giận hoặc chống đối với tất cả mọi
người. Duy chỉ có giọng hát là vẫn ngọt ngào, truyền cảm, có sức rung
chuyển mạnh mẽ.
“Đạo Phật đã làm thay đổi cuộc đời tôi” – cô nói. Đó chính là lúc,
các Rinpoche đã nhận ra được tài năng của cô và cho cô gia nhập vào lớp
học nhạc lý dạy của tu viện. Ở bất cứ buổi lễ Phật giáo nào, cô cũng
đều được hát và hát thật say mê. Cô gần như đã thay đổi hoàn toàn, từ
một cô bé cáu bẵng trở thành một thiếu niên
hiền lành, thánh thiện, đến nỗi mẹ cô cũng phải ngạc nhiên. “Cô không
nghĩ là mình có thể trở thành ca sỹ hát những bài hát Phật giáo, nhưng
những thầy Rinpoche đã biết đều đó và tiếp tục định hướng cho cô”.
Cuộc hành trình đến với thế giới của cô bắt đầu vào năm 1994, khi
nhạc sĩ Steve Tibbetts đến tham quan tu viện và giọng hát của cô đã làm
cho ông quá ngạc nhiên. Ông ghi âm một đoạn và gửi đến nhà sản xuất âm
nhạc huyền thoại Joe Boyd. 3 năm sau, Boyd đã mời cô thu âm album
“Cho”, cũng là album đầu tay của cô. Một năm sau đó, ông đưa cô cùng
với 2 nữ tu sĩ nữa đi lưu diễn vòng quanh nước Mỹ. Buổi trình diễn đầu
tiên ở tại Iron Horse Saloon ở Amherst, Mass. Đó là bài hát cuối cùng
của chương trình, khi ban nhạc vừa kết thúc, Ani một mình cất tiếng hát
mà không có sự hỗ trợ của bất kì một kỹ thuật âm thanh nào. Tiếng hát
cao vút của cô đã thật sự làm cho mọi người phải nín thở. Sau đó, cô
tiếp tục 6 tháng lưu diễn qua các nước như Brazin, Trung Quốc,
Singapore, Nga và Pháp, Đức. Ở đâu cô cũng được chào đón nồng nhiệt.
Những thính giả cảm thấy được hạnh phúc và trái tim rộng mở khi nghe cô
hát, nhất là những bài hát cầu nguyện.
Kỷ niệm vui nhất của Ani là khi cô gặp nữ ca sĩ Bonnie Raitt – nữ ca
sĩ thần tượng của cô ngay từ thời niên thiếu. Chuyện là khi còn nhỏ, cô
chỉ biết hát những bài hát Hindi hoặc là Nê-pan. Tu viện Nagi Gompa có
những người đệ tử phương Tây đến để tu học, họ gọi cô với cái tên thân
mật là Ani Chewing Gum, dạy cô ấy nói tiếng Anh và điệu nhảy Blue. Lần
đầu tiên cô có chiếc máy thu thanh và cô bày tỏ mong muốn được nghe âm
nhạc phương Tây. Một người trong số họ đã tặng cô một băng của ca sĩ
Bonnie Raitt. Nhiều năm sau đó, khi cô lưu diễn ở San Francisco, cô đã
gặp cô ca sỹ thần tượng của mình. Bonnie Raitt bước lại gần cô và nói:
“Xin chào, tôi là Bonnie Raitt và tôi là một trong những fan hâm mộ cô
nhất". Ani kinh ngạc: “Chính tôi mới
là người hâm mộ cô nhất”. Bonnie Raitt đã khoe với mọi rằng: “Tuyệt vời không, cô ta biết tôi đấy!”.
Nhưng không phải mọi việc đều hoàn toàn thuận lợi như vậy. Khi những
bài hát của cô được đưa ra công chúng, một số những người Phật tử đã
chỉ trích cô rất gay gắt, bởi vì theo truyền thống của quốc gia này,
phụ nữ không thể bức phá ra ngoài những định kiến của xã hội. Phụ nữ ở
đây không được học nhiều và không được tham gia các hoạt động xã hội.
Có những tăng sư hát những bài ca tụng, nhưng ni sư hát thì chuyện đó
là chưa bao giờ. Cô đã quay lại những vị thầy của mình, các thiền sư
Tulku Urgyen để tìm lời khuyên. Đến lúc này, cô đã có ý định từ bỏ tất
cả. “Con có thể mang những lời chú nguyện đến với mọi người bằng giọng
hát của mình, con hãy cứ làm như là mình có thể”. Lời khuyên đó đã tiếp
cho cô sức mạnh.
Đến nay, Ani đã thu được 10 album, “Cho” phát hành năm 1997, “Dancing
Dakini” (1999), “Choying” (2000), “Moments Of Bliss” (2004), "Selwa"
(2004), “Smile” (2005), "Inner Peace" (2006), " Ama" (2009), "Matakala"
in 2009 và gần đây nhất là “Inner Peace II”. Cô tin rằng: “Bất kỳ ai
cũng có thể nghe và hiểu âm nhạc của tôi vượt qua rào cản của ngôn
ngữ”. Những bài hát pha trộn giữa điệu nhạc du dương của Tây Tạng với âm
nhạc đương đại đã cuốn hút hàng ngàn người hâm mộ ở khắp nơi trên thế
giới. Những bài hát của cô như đưa người nghe vượt qua tất cả để tìm về
với sự bình an trong tâm hồn. Ở Nê-pan, người ta xem cô như là một
thần tượng rất đặc biệt, đã phá vỡ những thành kiến của xã hội khi nghĩ
về phụ nữ, giúp cho phụ nữ, mà nhất là các nữ tu có nhiều cơ hội hơn
trong cuộc sống. Cô đã có những chuyến lưu diễn ở nhiều nước trên thế
giới như châu Âu, châu Mỹ, đến châu Á (Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore)…
và được trao tặng nhiều giải thưởng âm nhạc Phật giáo đặt biệt từ
khắp các nước của Nê-pan, Tây Tạng, Ý, Đức.
Sư cô Ani đã góp phần hoằng hóa Phật giáo ở khắp nơi thông qua giọng
hát hết sức đặc biệt của mình. Âm nhạc còn là một phương tiện để cô
thực hiện những ước mơ từ thiện cao thượng của mình. Cô luôn đeo đuổi
ham muốn là tạo thêm nữa những cơ hội tốt lành cho phụ nữ và trẻ em
nghèo vì sự tự do và hạnh phúc của chính họ. Và cô sẽ không bao giờ
dừng lại cho đến khi làm cho những ước mơ của mình thành hiện thực.
Theo Diệu Quang - channel.tv/anichong.com/PGBD