Sư thầy Thích Đàm Lan: Người có trăm con
Bài, ảnh: Thúy Hằng
26/10/2011 06:00 (GMT+7)


Nhân duyên với Đạo và Đời

Sư thầy Thích Đàm Lan sinh năm 1956 trong một gia đình nhà nho ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Trong số bảy anh chị em của bà thì có đến sáu người xuất gia tu hành. Kí ức tuổi thơ của ni sư Đàm Lan là những lần lẽo đẽo theo bà vào chùa, khấn Phật, làm phước cho người nghèo khó. Hằng đêm, bà được mẹ kể cho nghe những câu chuyện từ bi, cứu khổ, cứu nạn. Tự lúc nào, những câu kinh kệ, giáo huấn của Phật về đạo làm người, đối nhân xử thế, từ bi, hỉ xả đã gieo vào tâm hồn non nớt của tì kheo Đàm Lan. 13 tuổi, bà vào chùa học các lớp giáo lí nhà Phật, 16 tuổi xuất gia tu hành. Như duyên tiền định, năm 1972 bà đến chùa Bồ Đề - nơi khởi nguồn cho hành trình thiện nguyện “tốt đời, đẹp đạo” mà cả đời mình theo đuổi.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời nhưng sư thầy Thích Đàm Lan không bao giờ quên một đêm mưa năm 1989, bà bị đánh thức bởi tiếng khóc trẻ sơ sinh ở cổng chùa. Giây phút đầu tiên nhìn thấy đứa trẻ tím tái, lạnh ngắt đặt trong chiếc làn, bà vội ôm em vào lòng, đốt lửa sưởi, bón từng thìa nước đường ấm với hy vọng sẽ cứu được một sinh linh vô tội. Đôi môi con trẻ mấp máy, bàn tay huơ huơ tìm hơi ấm khiến bà xúc động rơi nước mắt. Em bé bị bỏ rơi ngày nào được sư thầy mang về nuôi nấng bằng tình yêu thương giờ đã khôn lớn và trưởng thành dưới cái tên Kiều Thu Hường.

Hơn 20 năm kể từ khi Sư thầy Đàm Lan nhận đứa trẻ mồ côi đầu tiên, ngôi chùa luôn là mái ấm bình yên cho những mảnh đời bất hạnh. Hiện tại, nhà chùa đang nuôi nấng 130 em nhỏ, 35 cụ già cơ nhỡ. Trong số những em bé bất hạnh ở đây, có đến hơn một nửa là các em bé từ sơ sinh đến ba tuổi. Mỗi em nhỏ lại có một hoàn cảnh xuất thân éo le khác nhau. Có em bị bỏ rơi ngay cổng chùa, có em được các phật tử nhặt được ở lò gạch…

Có lẽ do cảm nhận được hoàn cảnh của mình không được may mắn như bao đứa trẻ khác trên đời nên các bé rất ngoan, không bao giờ vòi vĩnh, đòi hỏi điều gì. Dưới bàn tay chăm sóc của Sư thầy Đàm Lan, hàng trăm đứa trẻ côi cút không nơi nương tựa đã ngày một lớn lên và trưởng thành, dần dần hòa nhập vào với xã hội.

Tự coi mình có duyên với đời, sư thầy Thích Đàm Lan luôn coi “làm phúc cứu người” là lẽ sống. Bà bộc bạch: “Cuộc đời là vô thường, sinh ra làm người không dễ. Ai rồi cũng trở về với cát bụi chỉ có tấm lòng thiện nguyện là còn mãi...”. Trong xã hội ngày nay, thật hiếm có tấm lòng của một “Quan âm Thị Kính” như sư thầy Thích Đàm Lan.

 

Sư Thầy Thích Đàm Lan vinh dự nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú 2011" (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Người mẹ “trăm con”

Hầu hết các bé vào đây đều được chính sư thầy Thích Đàm Lan đặt tên và làm thủ tục khai sinh. Mỗi cái tên mang một ý nghĩa và sự kỳ vọng riêng. Con trai mang họ Cù, con gái mang họ Kiều và điều đặc biệt là đều mang tên Anh. Sư thầy chia sẻ: “Họ Cù là của Đức Phật, còn họ Kiều là tên của một nhân vật trong truyền thuyết nhà Phật - bà Kiều Đàm Di. Tôi đặt tên Anh cho các cháu với mong muốn các cháu luôn cứng rắn, vững vàng để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Dù sau này có đi đâu, làm gì, chúng vẫn nhận ra anh em của mình...”.

Nhìn những đứa trẻ chập chững đang bi bô vui đùa với những tình nguyện viên nước ngoài làm từ thiện, ai cũng xót xa thương cảm. Vì lẽ gì mà bố mẹ các em lại nỡ dứt ruột bỏ mặc đứa con nhỏ của mình?! Có rất nhiều cá nhân và tổ chức ở trong, ngoài nước muốn xin các bé làm con nuôi và cũng là để chia sẻ bớt gánh nặng cho nhà chùa. Nhưng Sư thầy Đàm Lan đều từ chối. Bà chia sẻ: “Tôi không muốn cho các cháu đi làm con nuôi người ta vì nghĩ rằng mai này khi bố mẹ các cháu nghĩ lại mà tìm đến nhà chùa thì còn có cơ may chắp nối lại được với đứa con ruột thịt của mình. Còn nếu cho đi thì sợi dây liên hệ tình cảm mong manh ấy sẽ vĩnh viễn bị cắt đứt”.

Chỉ có một tấm lòng từ bi, hết lòng thương yêu con người mới biết lo lắng từng chút cho thân phận nhỏ bé của các cháu mồ côi như vậy!   

Các em được Sư thầy nuôi nấng dạy dỗ chu đáo. Khi đến tuổi đi học các em đều được cắp sách đến trường, mọi chi phí do nhà chùa chu cấp. Để nuôi dưỡng từng ấy con người đâu phải chuyện dễ dàng thế nhưng sư thầy Thích Đàm Lan chưa bao giờ xin tiền để trang trải cho các em, tất cả đều do các nhà hảo tâm tự nguyện quyên góp. Chi phí eo hẹp nên bà luôn phải tính toán sao cho hợp lý: “Khổ nhất là vào đầu tháng khi phải đóng học cho các cháu và tính toán tiền ăn cho cả chùa... Nhiều đợt hết tiền, mọi người đành động viên nhau rau cháo qua ngày...”.

Cho đến nay nhiều cháu đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, có việc làm và lập gia đình riêng, có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng các cháu vẫn không quên nơi đã cưu mang đùm bọc mình là chùa Bồ Đề của Sư Thầy Đàm Lan. Các cháu thường lui tới chùa Bồ Đề phụ giúp việc chăm sóc các em nhỏ tuổi đang được nhà chùa cưu mang.

Khi được hỏi về trăn trở của mình, giọng sư thầy trầm hẳn xuống, bà mong có thể mở rộng chùa Bồ Đề, bởi lẽ nơi đây hiện tại đã quá tải. Các cụ già thường xuyên phải che chắn, dựng lều ngoài sân để ngủ. Thêm nữa, bà mong có một phòng học khang trang để các con có thể tĩnh tâm học tập mà không phải ngồi dưới gốc cây hay sân chùa nữa. Những ước mong chỉ bình dị nhưng là cái đích phấn đấu cả một đời của sư thầy Thích Đàm Lan.

Bằng việc làm cụ thể, thiết thực với suy nghĩ: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", sư thầy đã nhân rộng tình yêu thương trong cộng đồng, kéo con người lại gần nhau hơn để họ biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ đến những số phận bất hạnh trong cuộc đời này. Có lẽ đó mới chính là thành quả lớn nhất trong cuộc đời bà, đúng như lời của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói “việc chăm lo cho con người là một minh triết của Phật giáo Việt Nam!”. Sự đóng góp của sư thầy Thích Đàm Lan đã được nhà nước ghi nhận và trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2011”.

Nguồn: QĐND Online

Các tin đã đăng: