Nối nhịp bờ vui từ tấm lòng của một Phật tử nhỏ
18/09/2014 09:26 (GMT+7)

   Đó là hình ảnh dễ thương hôm khánh thành cầu Cấp II kênh Xếp Mậu, ấp Hòa Thuận 2, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang mà tôi có dịp đi cùng với đoàn.

   Nhịp cầu yêu thương

   Sở dĩ ai cũng hoan hỷ và ngưỡng mộ em, vì cây cầu có kinh phí xây dựng 70 triệu đồng từ sự phát tâm của Bảo Hân, đang học lớp 4 (Trường Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM). Bảo Hân đã để dành tiền thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, tiền học giỏi được thưởng, tiền lì xì Tết… gửi mẹ giữ, tất cả số tiền đó em phát tâm xây cầu. Từ sự phát tâm của Bảo Hân, Hội từ thiện chùa Bửu Thọ (Kiên Giang) và bà con ở xã góp thêm 200 ngày công để hoàn thành công trình.

Bảo Hân (thứ 3 từ phải qua) trong ngày khánh thành 
cây cầu Cấp II kênh Xếp Mậu - Ảnh: Như Danh

     Cây cầu nằm trong chương trình Nối nhịp bờ vui do chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thực hiện trong nhiều năm, làm nhiều cây cầu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thông qua Hội từ thiện của chùa, số tiền của Bảo Hân đã được sử dụng để xây dựng cây cầu nói trên.

    “Chúng tôi xây dựng cầu ở nhiều nơi, nhưng có lẽ đây là buổi lễ khánh thành xúc động nhất. Tôi nghĩ câu chuyện phát tâm của Bảo Hân lại kéo thêm 200 ngày công của người dân đồng đem công sức xây dựng cây cầu để tạo điều kiện cho bà con khi thu hoạch và các em học sinh đến trường là việc rất cần, công đức lớn.  Không chỉ người người, nhà nhà mà toàn xã hội nên quan tâm đến vấn đề này để đất nước ta phát triển vững mạnh hơn” - SC.Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước chia sẻ.

     Sư cô nói thêm: “Đối với bậc cha mẹ biết dạy con ngay từ khi còn nhỏ, để con tạo dựng công đức như thế này sẽ là nền tảng vững chắc để các em có đủ phước đức, nghị lực vượt qua những cám dỗ trong cuộc đời”.

   Còn với bà con nông dân và chính quyền dự khánh thành cầu Xếp Mậu, ai cũng quý mến và cảm phục tấm lòng của Bảo Hân. “Hôm nay được đến dự lễ khánh thành cây cầu này, tôi rất vui khi trong địa phương có thêm cây cầu mới. Đến buổi lễ này tôi được biết thêm có một gia đình trẻ ở TP.HCM đã nuôi dạy con mình rất tốt, Bảo Hân mới có hơn 10 tuổi mà đã dành tiền để làm công việc hết sức ý nghĩa”, ông Hồ Tuấn Ngọc ở ấp Hòa Thuận 2, xã Mong Thọ A bộc bạch.

    “Theo chúng tôi thấy, đây là một tấm gương điển hình của người làm cha làm mẹ đối với con em của mình. Bởi trong thời buổi hiện nay, xã hội có nhiều biến động về đạo đức. Đây là một việc làm hiếm có và chúng tôi rất mong sẽ là một thông điệp đối với mọi người dân nói chung và đặc biệt là nhân dân ở đây nói riêng, lấy đây làm một tấm gương để nuôi con mình thật tốt, làm sao các em suy tư phát triển được những ý nghĩ đẹp vì mọi người, giúp cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển và đặc biệt thế hệ các em ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Huỳnh Nạp Dân thay mặt UBND xã phát biểu trong buổi lễ.

    Cách dạy con của người mẹ trẻ

   Chị Giang, mẹ Bảo Hân, sau khi nghe sư cô trụ trì chùa Long Phước chia sẻ về việc xây cây cầu, đã về chia sẻ với con. Trước khi nói về việc làm cầu, chị cũng đã phân tích lợi ích của việc làm, sau đó em hỏi cây cầu bao nhiêu tiền, rồi Bảo Hân quyết “vậy để một mình con làm”.

   Vốn là người tin nhân quả, nên chị hướng bé làm việc thiện từ nhỏ, vì thế mà từ rất sớm Bảo Hân đã được dẫn đến các chùa, trại trẻ mồ côi, chỗ nuôi người già… Những ngày Tết, sau khi xem pháo hoa xong thì chị dẫn bé đi tặng các món quà nhỏ cho người vô gia cư, từ đó, gieo chủng tử lành cho con.

   “Mình phải hướng ngay từ bé, mình không dạy mà mình hướng bé thôi, chứ không bao giờ dạy con phải làm việc này, con phải làm như thế kia, mà để tự em nhận ra là mình phải làm gì” - chị Giang chia sẻ về cách nuôi dạy con của mình.

   Đối với Bảo Hân, khi hỏi về việc đang làm, em hồn nhiên cười tươi và nói: “Con chỉ xây cầu để cho mọi người có thể đi lại được thuận lợi. Vì mẹ con dạy, xây cầu thì mọi người đi lại sẽ dễ dàng, các bạn nhỏ tuổi như con sẽ đi học thuận tiện”.

Nhã An
Nguon:GNO

Các tin đã đăng: