|
|
PV: Xin Thượng toạ cho biết, trong dịp
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2554, Dương lịch 2010, Ban Trị sự Giáo hội
Phật giáo Việt Nam tổ chức những hoạt động gì để Phật tử khắp nơi đón
một mùa Lễ Phật vừa trang trọng, ấm cúng?
Thượng tọa Thích Gia Quang: Để
chuẩn bị cho ngày Đại Lễ Phật đản, Phật lịch năm 2554-2010, chúng tôi
đã tổ chức rất nhiều các hoạt động. Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đã cử hai đoàn tăng ni tới các nước Đông Âu, trong đó có Nga, Ukraine
để làm Lễ Phật đản phục vụ bà con kiều bào.
Đại lễ năm nay trùng vào các ngày lễ lớn của đất
nước, như 65 năm ngày thành lập nước, 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Hội
nghị Thượng đỉnh thế giới Phật giáo tổ chức vào tháng 11 tới tại Việt
Nam… Các hoạt động cho ngày Đại Lễ Phật đản đều gắn với các hoạt động
chào mừng các ngày Lễ lớn của dân tộc.
Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo, tăng ni, phật tử
khắp nơi trong cả nước đã có nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ người
nghèo khó, lang thang cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, xây nhà
tình nghĩa cho người nghèo… Chúng tôi rất phấn khởi bởi bà con dù ở
trong hay ngoài nước, đều đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau với
tinh thần từ bi hỷ xả, góp sức cống hiến cho sự nghiệp lợi Đạo ích Đời.
Về các hoạt động cụ thể, từ ngày 21-28/5 (8-15/4 âm
lịch), Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Hội Phật
giáo các tỉnh, thành liên tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kính mừng
Đại lễ Phật đản như diễu hành xe hoa, cung nghênh xá lợi Phật, hội diễn
văn nghệ quần chúng, tổ chức Đại lễ Phật đản tập trung cho Tăng ni, Phật
tử…
Đặc biệt vào ngày 27-28/5 (14-15/4 âm lịch), Đại lễ
Phật đản được tổ chức ở quy mô lớn tại Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội với
nhiều hoạt động như: Liên hoan văn nghệ Phật giáo quần chúng; Cung rước
kim thân Đức Phật và Ngọc Xá Lợi Phật từ chùa Quán Sứ (7h sáng 28/5)
sang Cung Văn hóa Hữu nghị, 21h rước về chùa Quán Sứ; Mít tinh mừng Phật
đản (8h ngày 28/5) và Diễu hành xe hoa mừng Phật đản (9h30’ ngày 28/5).
|
Dù xa hay gần cửa Phật đều là con Phật… |
PV: Thưa Thượng toạ, nhiều Phật
tử có quan niệm càng tiến lại gần cửa Phật càng có nhiều phúc lộc, vì
thế tại nhiều khoá lễ vẫn còn xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn. Quan
niệm như vậy có đúng không, thưa Thượng toạ?
Thượng tọa Thích Gia Quang:
Theo tôi vấn đề này cần phải được nhìn nhận trên hai khía cạnh về mặt
tâm linh và đời sống. Phật tử ai cũng mong muốn hướng tâm, gần gũi với
Phật giáo. Nhưng bên cạnh cái tâm, cũng nên điều tiết được hành động của
mình. Đi lễ Phật là đến nơi thanh tịnh, không hà cớ gì lại xô đẩy, chen
lấn gây ra hiện tượng không đẹp mắt. Khi một Phật tử nào đó đã hướng
tâm về cửa Phật, nghĩa là đã phát được tâm Phật, mà tâm Phật là tâm
trong sáng, tốt lành, cái tâm phục vụ mọi người. Vì thế, dù ở xa hay gần
cửa Phật thì đều là con Phật, đều được Đức Phật chứng giám.
Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi người
trong dịp Phật đản, Ban Tổ chức sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện cho Phật tử
và người dân được tham gia vào các hoạt động của Đại Lễ, như: tắm Phật,
diễu hành xe hoa, văn nghệ Phật giáo…
PV: Thưa Thượng toạ, để
tránh hiện tượng chen lấn, xô đẩy, thậm chí có nhiều kẻ xấu lợi dụng để
gây chia rẽ, mất trật tự trong buổi Lễ, Giáo hội đã có sự chuẩn bị như
thế nào để buổi lễ diễn ra trọng thể, an toàn?
|
Một buổi Lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội |
Thượng tọa Thích Gia Quang: Trước
khi chuẩn bị Đại lễ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra Thông bạch đến
tất cả các Ban Trị sự Hội Phật giáo các tỉnh, thành cũng như bà con Phật
tử biết được chương trình buổi Lễ; đồng thời Thông bạch cũng nói rõ ý
nghĩa của ngày Đại lễ với mong muốn mọi người hiểu về Đức Phật, về giáo
lý của Đạo phật.
Trong buổi lễ, bà con sẽ đến rất đông, nên ngoài việc
dùng loa hướng dẫn trong các chùa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã
đề nghị với các cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ chúng tôi trong
việc tổ chức phân luồng giao thông, giữ gìn trật tự trong và ngoài khu
vực khoá Lễ… để buổi lễ được diễn ra một cách trang trọng, an toàn.
Chúng tôi rất mừng là những thành quả của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam đạt được hôm nay có sự hỗ trợ chân tình của các cơ
quan chức năng ở Trung ương và địa phương. Sự giúp đỡ của Nhà nước đối
với với Phật giáo đã làm cho công tác Phật sự ngày càng tốt đẹp vì lợi
ích chung, an lạc chung cho mọi người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ
tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và thực hiện hữu hiệu lý
tưởng bảo vệ đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.
PV: Xin cảm ơn Thượng toạ./.
Minh Hòa thực hiện (VOVNEWS)