Ji-Kwan - vị Thiền sư cương cường trong việc bảo vệ truyền thống PG Hàn Quốc
14/06/2015 10:08 (GMT+7)


Năm Đinh Hợi (1947) Ngài xuất gia học đạo với Lão Thiền sư Jawun, một vị danh Tăng nổi tiếng tại Tổ đình Hải Ấn (Haeinsa), Già Da sơn (Gada-san), tỉnh Khánh Thượng Nam (Gyeongsang-nam).

Năm Quý Tỵ (1953) Ngài thọ tam đàn Cụ túc giới tại Tổ đình Thông Độ Tự, Linh Thứu Sơn, tỉnh Khánh Thượng Nam (Gyeongsang-nam). Sau đó Ngài tiếp tục Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Kyungnam.

Năm Canh Tuất – Nhâm Tý (1970-1972) Ngài vẫn ở tại Tổ đình và giảng dạy tại trường Đại  học Đông Quốc (Dongguk University) 26, Pil-dong, Jung-gu, Seoul (Trường Đại học Tư thục theo hình thức giáo dục chung cho cả nam và nữ tại Hàn Quốc. Trường có các cơ sở tại Seoul, tại Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc và ở Los Angeles, Mỹ).

Năm Bính Thìn (1976) Ngài nhận bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Đông Quốc.

Năm Bính Dần (1986) Ngài được suy tôn Viện trưởng trường Đại học Đông Quốc (Dongguk University) nhiệm kỳ bốn năm (1986-1990).

Năm Tân Mùi (1991) Ngài sáng lập Trung tâm Văn hóa Gasan -  một Viện Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo. Với kiến thức huyên bác về Triết học và Tôn giáo, Ngài chủ trương xuất bản một số sách báo, giáo lý Phật giáo và triết học, cũng như Hành trạng chư vị tiền bối hữu công nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Hàn Quốc, góp phần cho Thiền phái Tào Khê (Joye), Phật giáo vững mạnh tại bổn quốc và gây sự ảnh hưởng khắp muôn nơi.
 
Năm Tân Tỵ (2001) Ngài được trao tặng Huân chương Hoàng gia Bạc, về văn hóa của Chính phủ, cho những đóng góp của Ngài về Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo và dân tộc.

Ngài được trao giải thưởng Order of Merit (Đính cấu ưu dị) văn hóa và giải Manhae (Vạn Hải) Hàn Quốc.

Từ năm Ất Dậu – Kỷ Sửu (2005-2009) Ngài được Tăng đoàn suy tôn Tông chủ Thiền phái Tào Khê, đời thứ 32 - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tông phong. Ngài là người tiếp nối Lão Hòa Thượng Bub Jang để lãnh đạo Thiền phái Tào Khê. Một Thiền phái lớn nhất Hàn Quốc. Cơ sở Tự viện có hơn hai ngìn (2.501). Tăng Ni hai mươi nghìn vị. Mười triệu Tín đồ. (Theo bản Thống kê Tôn giáo Hàn Quốc – từ năm 2005 đến nay thì sĩ số Tín đồ Phật giáo luôn đứng đầu bản và cứ nhân rộng theo thời gian năm tháng). Phật giáo là một Tôn giáo lớn nhất tại Hàn Quốc hiện nay.

Năm Mậu Tý (2008) Ngài công khai chỉ trích chính phủ Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) phân biệt đối xử và thiên vị Tôn giáo, Ngài tổ chức phát động một cuộc biểu tình quy mô trên toàn quốc để cáo buộc Chính quyền Lee Myung-bak phải tôn trọng sự bình đẳng Tôn giáo.

Năm Kỷ Sửu (2009) Ngài thủ bút viết văn bia mộ cựu Tổng thống Phật tử Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn), sau khi đại hạn kết liễu. Và một trong những đóng góp nghiên cứu khác của Ngài là các văn bia của Cao Tăng Thạc đức nổi tiếng Phật giáo Hàn Quốc.

Công viên quả mãn, thuận thế vô thường Ngài an nhiên viên tịch ngày 02 tháng 01 năm 2011 (nhằm ngày 09 tháng Chạp năm Tân Mão), tại Tam Giác sơn, Khánh Quốc Tự Seoul, Nam Hàn.

Hưởng thọ 80 Xuân.
Pháp lạp 60 Hạ.

Lãnh đạo Phật giáo cùng Môn đồ pháp quyến cử hành lễ Trà tỳ Liên Hoa đài, tại Tổ đình Hải Ấn, tỉnh Khánh Thượng Nam. 

Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 Phật giáo Hàn Quốc nhị vị Trưởng lão Thạch trụ Tòng Lâm, Beop Jeong lão Thiền sư đệ nhất trì luật, thị hiện Tăng vô nhất vật. Còn Ngài hiện thân Vô úy đại Hùng Lực.  Nhiếp phục quyền lực ngoại đạo, xương minh chánh pháp, lợi lạc quần sinh.

Về quan điểm xây dựng đất nước, Ngài kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết không chia rẽ tôn giáo đảng phái, tập trung vào công cuộc xây dựng bảo vệ dân tộc và kêu gọi thống nhất đất nước, đó cũng chính là bảo vệ lý tưởng Phật  giáo – Tôn giáo của mình.

Đối với tăng ni và tầng lớp phật tử trẻ, nhất là những vị sơ cơ trực diện với công tác xã hội, Ngài khuyên nhủ hãy giữ gìn sơ phát tâm, nghiêm trì giới hạnh, giữ lấy phương châm “Tùy duyên bất biến” và tất cả vì tương lai của đạo Pháp – dân tộc nêu sáng gương tốt đạo – đẹp đời.

Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Ngài đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiễn dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho tăng, ni và phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho tăng, ni, phật  tử hậu lai.

Đương thời Ngài là một trong những Trưởng lão Thạch trụ Tòng Lâm của Phật giáo Hàn Quốc, Ngài hiện thân Vô úy đại Hùng Lực. Nhiếp phục quyền lực ngoại đạo, xương minh Chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Cuối đời Ngài  thu phục cựu Tổng thống Phật tử Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn) Quy y Phật pháp và trở thành vị phật tử Hộ trì Phật pháp.

Trưởng lão Mục sư Tin Lành Tổng Thống Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) chỉ thị chính sách phân biệt đối xử kỳ thị Tôn giáo, có ý đồ muốn Tin Lành hóa Hàn Quốc. Phật giáo Hàn Quốc luôn bị đe dọa trong pháp nạn của Chính quyền Lee Myung-bak (Lí Minh Bác). Thiền Sư Trí Quán (Ji-Kwan) hiện thân Vô úy Đại hùng lực hiệu triệu tín đồ Phật tử ra tuyên cáo yêu cầu Chính phủ Lee Myung-bak phải thực thi tự do bình đẳng Tôn giáo.

Hơn 200.000 tăng, ni, phật tử thuộc các Thiền phái như Tào Khê (Jogye), Thiên Thai (Cheontae), Thái Cổ (Taego) và Quán Âm (Gwaneum)… đã xuống đường từ 14 giờ đến 15 giờ hôm thứ Tư ngày 27.08.2008 . Đoàn diễu hành đến Tổ đình Tào Khê, Trụ sở Trung Ương Giáo hội Thiền phái Tào Khê  (Jogye) ở Chung Lộ Khu (Jongno) để gia nhập cuộc biểu tình.

Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Lee Myung-bak phải chính thức xin lỗi Phật giáo, yêu cầu cách chức ông Eo Cheong-soo, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quốc gia. Họ nói: “Nếu chính phủ không tiếp nhận những yêu cầu của chúng tôi một cách chân thật, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức tôn giáo và những đoàn thể khác tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình quy mô khác khắp nơi trong nước”.  Đồng thời, đoàn biểu tình thúc dục chính quyền ngưng ngay việc phân biệt kỳ thị tôn giáo. Phật giáo đồ Hàn Quốc tuyên bố: “Phật tử chúng tôi đã thực hiện chính sách dung hoà đa Tôn giáo. Nhưng nhiều trường hợp   kỳ thị chống lại Phật giáo đã xảy ra từ khi Tổng thống Lee Myung-bak đắc cử (tháng 2 năm 2008). Ngoài ra, ông Lee Myung-bak rất xem thường đạo Phật, điều này ông Lee Myung-bak đã vi phạm vào Hiến pháp của quốc gia.”

Các cuộc phản đối bùng phát mạnh từ khi các viên chức cảnh sát lục soát xe của Thiền Sư Trí Quán (Ji-Kwan), vị lãnh đạo tối cao của Thiền phái Tào Khê (Jogye) như một phạm nhân. Và trước đó, hệ thống bản đồ giao thông do chính phủ bổ sung hồi tháng 06, hệ thống bản đồ hàng hải, cũng như Bộ giáo dục đã loại bỏ tên của các ngôi chùa nổi tiếng ra khỏi danh sách. Trong khi đó, các nhà thờ lại xuất hiện rất nhiều... Phải chăng Tổng thống Lee Myung-bak muốn biến Thủ đô Seoul thành một vương quốc Thiên Chúa giáo?

Sự kiện này làm chúng ta liên tưởng đến bài học lịch sử năm Quý Mão (1963) của Phật giáo Việt Nam mà chính phủ Việt Nam Cộng hòa dưới sự cầm quyền độc tài của gia đình trị họ Ngô, với ông anh cả Ngô Đình Thục là một Linh mục và ông em Ngô Đình Diệm làm Tổng thống điên cuồng thực hiện quốc sách dâng nước Việt Nam cho Chúa. . .

Mùa Phật đản năm Quý Mão (1963), một ngọn lửa Từ bi Trí tuệ của Bồ tát Thích Quảng Đức rực sáng khắp năm châu, đã xua tan màn hắc ám vô minh của một thế lực bạo quyền, chấm dứt nền đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam, và Ngài đã để lại trái tim bất diệt, mãi mãi cùng nhịp thở với núi sông nước Việt, danh thơm của Ngài lưu sử đời đời, đức của Ngài sáng ngời với thời gian và như hoa sen luôn tỏa hương ngào ngạt khắp muôn phương.

Nam mô Tào Khê Tông đường thượng, đời thứ 32, Đại Hùng Đại Lực Trí Quán (Ji-Kwan), Thiền sư hiệu Già Sơn Đại tông sư chứng giám, gia hộ cho Phật giáo Hàn – Việt cùng chia sẻ trong những lúc thăng trầm và cùng song phương phát triển, mãi mãi cùng quốc gia dân tộc hai nước trường tồn bất diệt.

Thích Vân Phong

Các tin đã đăng: