13. Đức Bồ Tát Từ Bỏ Tu Khổ Hành & Thọ Nhận Món Cơm Sữa Của Nàng Sujātā
01/01/2022 16:07 (GMT+7)




Đức-Bồ-Tát Từ Bỏ Pháp-Hành Khổ-Hạnh

Đức-Bồ-tát Siddhattha đã thực-hành pháp-hành khổ- hạnh (dukkaracariyā) đó là pháp-khó-hành suốt 6 năm trường ròng rã, mà không đạt đến mục đích trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, nên từ bỏ pháp-hành khổ-hạnh. Đức-Bồ-tát mang bát vào xóm nhà Senā đi khất thực trở lại.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đi khất-thực như vậy, nhóm 5 tỳ-khưu hiểu lầm Đức-Bồ-tát đã từ bỏ sự tinh-tấn thực- hành pháp-hành khổ-hạnh để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, mà trở lại đời sống bình thường, nên nhóm 5 tỳ-khưu không theo hộ độ Đức-Bồ-tát nữa, họ dẫn nhau đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī, trú tại nơi ấy.

Đức-Bồ-tát độ vật thực lại được thời gian không lâu, thì sức khỏe của Đức-Bồ-tát được hồi phục trở lại.

Trong thời-kỳ thực-hành pháp-hành khổ-hạnh là pháp-khó-hành, 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ của Đức-Bồ-tát Siddhattha bị biến mất.

Nay, kim thân của Đức-Bồ-tát Siddhattha lại hiện rõ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có nước da màu vàng sáng ngời như trước. 3

Ngày 14 tháng tư âm lịch, vào canh chót đêm ấy, Đức- Bồ-tát Siddhattha nằm thấy 5 đại-mộng (Mahāsupina). Qua 5 đại-mộng này, Đức-Bồ-tát Siddhattha đoán biết chắc chắn rằng:

“Ta sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”

Sáng sớm hôm rằm tháng tư âm lịch, Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi dưới gốc cây da, để chờ đến giờ đi vào xóm khất-thực.

Tại gốc cây da này, hằng năm, vào ngày rằm tháng tư này, nàng Sujātā thường đem lễ vật đến cúng dường, tạ ơn chư-thiên, theo lời nguyện của nàng. Nàng Sujātā là con gái của ông phú-hộ Mahāsena ở làng Senā gần khu rừng Uruvelā, khi nàng trưởng thành có đến gốc cây da này cầu nguyện rằng:

“Khi tôi trưởng thành được kết duyên với người cùng dòng dõi, cùng giai cấp và sinh được một đứa con trai đầu lòng. Nếu tôi được toại nguyện thì hằng năm vào ngày rằm tháng tư (âm lịch), tôi sẽ làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên cội cây này.”

Lời cầu nguyện của nàng được thành tựu như ý, cho nên, hằng năm vào ngày rằm tháng tư âm lịch, nàng Sujātā thường đem cơm sữa đến cúng dường tạ ơn chư- thiên cội cây này.

Từ sáng sớm, nàng Sujātā đã thức dậy vắt sữa của 8 con bò tinh khiết, khi nàng đem nồi đựng sữa để gần vú con bò thứ nhất, thì dòng sữa tự nhiên chảy ra một mạch. Thật là một việc lạ thường chưa từng có bao giờ! Lần lượt 7 con bò còn lại, dòng sữa cũng chảy ra một mạch như vậy.

Khi nàng đổ sữa vào nồi nấu cơm, sữa sôi xoay tròn bên phải, không một giọt nào chảy tràn ra bên ngoài, còn lửa củi cháy đều không có một làn khói nào bốc lên.

Sở dĩ, có những sự việc lạ thường như vậy, là vì buổi sáng hôm ấy có Tứ Đại-Thiên-vương trông coi lò lửa, Đức-vua trời Sakka lấy củi bỏ vào lò, Đức-vua Trời Phạm-Thiên che lọng, tất cả chư-thiên đem những chất bổ dưỡng do năng lực của mình bỏ vào nồi cơm sữa.

Nàng Sujātā gọi tớ gái tên Puṇṇā bảo rằng:

– Này Puṇṇā! Hôm nay chư-thiên của ta thật đáng kính, trước đây ta chưa từng chứng kiến những hiện tượng lạ thường như thế này! Con hãy mau đến cội cây da quét dọn cho sạch sẽ, để chúng ta mang cơm sữa đến dâng cúng, tạ ơn vị thiên thần cội cây ấy.

Vâng lời, người tớ gái Puṇṇā đến gốc cây da để quét dọn, cô nhìn thấy Đức-Bồ-tát Siddhattha đang ngồi quay mặt về hướng Đông, từ kim thân của Đức-Bồ-tát phát ra hào quang sáng ngời toả khắp quanh vùng, cô nghĩ rằng:

“Sáng hôm nay, vị thiên-thần cội cây của chúng ta hiện ra ngồi đợi thọ nhận cơm sữa cúng dường.”

Nghĩ như vậy, nên cô vô cùng hoan hỷ vội vàng trở về báo tin mừng cho bà chủ biết.

Nghe lời tường trình rõ ràng của người tớ gái, nàng Sujātā phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ bảo người tớ gái Puṇṇā rằng:

– Này Puṇṇā! Kể từ hôm nay về sau, ngươi trở thành đứa con gái của ta.

Sau khi nói xong, nàng Sujātā ban cho cô Puṇṇā những đồ trang sức quý giá, xứng đáng với địa vị đứa con gái của nàng.

Nàng Sujātā đem chiếc mâm bằng vàng để đựng cơm, khi nàng đặt mâm gần nồi cơm, thì cơm sữa trong nồi tự nhiên viên lại thành vắt bằng trái thốt nốt lăn ra tuần tự từ nồi sang mâm đúng 49 vắt vừa đầy mâm. Nàng lại chứng kiến thêm một việc lạ thường chưa từng có bao giờ. Nàng Sujātā lấy một chiếc lồng bàn đậy lại rồi phủ lên một lớp vải trắng tinh.

Hôm ấy, nàng Sujātā trang điểm bằng những đồ trang sức quý giá, rồi đội mâm cơm sữa cùng người con gái Puṇṇā đi theo sau đến gốc cây da. Nhìn thấy Đức- Bồ-tát có đầy đủ tướng tốt của bậc đại-nhân và tướng tốt phụ, hào quang tỏa ra từ kim thân của Đức-Bồ-tát sáng khắp vùng. Thấy vậy, nàng lại càng phát sinh đức- tin trong sạch và vô cùng hoan hỷ chưa từng có bao giờ, bởi vì nàng tưởng rằng:

Đức-Bồ-tát Siddhattha là vị thiên-thần cội cây hiện ra, để thọ nhận phẩm vật cúng dường tạ ơn của nàng.

Nàng Sujātā cung kính đi đến gần Đức-Bồ-tát đặt chiếc mâm vàng đầy cơm sữa và bình nước, hoa quả, vật thơm, … cung kính dâng cúng dường lên Đức-Bồ-tát.

Khi ấy, cái bát của Đức-Bồ-tát bỗng nhiên biến mất, Đức-Bồ-tát nhìn nàng Sujātā. Nàng liền bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thiên-thần, con thành kính dâng cúng dường chiếc mâm vàng đầy phẩm vật này lên Ngài.

Kính xin Ngài có tâm từ tế độ thọ nhận chiếc mâm vàng đầy phẩm vật này, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lâu dài.

Con được toại nguyện như thế nào, kính xin Ngài cũng được toại nguyện như thế ấy.

Đức-Bồ-tát Siddhattha đưa hai tay ra nhận lấy chiếc mâm vàng đầy phẩm vật cúng dường ấy.

Đức-Bồ-Tát Thọ Nhận Cơm Sữa Bò Của Nàng Sujātā

Sau khi thọ nhận mâm vàng đầy cơm sữa của nàng Sujātā xong, Đức-Bồ-tát đứng dậy rời khỏi gốc cây da, tay cầm chiếc mâm vàng đầy cơm sữa đi đến bến sông Nerañjarā, nơi mà chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót quá-khứ, trước khi trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác cũng đều ngự đến đây để tắm, nên bến sông này gọi là bến Supaṭitthita. Đức-Bồ-tát Siddhattha đặt mâm vàng đầy cơm sữa tại bến Supaṭitthita, rồi xuống dòng sông Nerañjarā tắm.

Sau khi tắm xong, Đức-Bồ-tát Siddhattha mặc y cà sa tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư Thánh A-ra-hán,đoạn Đức-Bồ-tát ngồi quay mặt về hướng Đông, độ hết 49 vắt cơm sữa, rồi uống hết bình nước (từ đó về sau suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày, Đức-Phật không độ vật thực và nước, chỉ an hưởng hương vị giải thoát Niết-bàn).

Sau khi độ cơm xong, Đức-Bồ-tát Siddhattha cầm chiếc mâm vàng rồi phát nguyện rằng:

“Nếu hôm nay tôi sẽ trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác thì xin cho chiếc mâm vàng này sẽ trôi ngược dòng nước, nếu không thì chiếc mâm vàng này sẽ trôi xuôi theo dòng nước.”

Phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ném chiếc mâm vàng xuống dòng sông Nerañjarā.

Thật phi thường thay! Chiếc mâm vàng cắt ngang dòng nước đang chảy, trôi ra giữa sông, rồi từ đó trôi ngược dòng nước một cách vô cùng mau lẹ, khoảng một đoạn khá xa, rồi chiếc mâm vàng chìm sâu xuống đáy nước, đụng phải 3 chiếc mâm vàng của 3 Đức-Phật quá-khứ: Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā- gamana và Đức-Phật Kassapa, phát ra một âm thanh vang dội, làm cho Long-vương Kālanāga tỉnh giấc, nên nghĩ rằng:

“Hôm qua một Đức-Phật đã xuất hiện, hôm nay sẽ có một Đức-Phật khác xuất hiện.”

Long-vương Kālanāga thức dậy tán dương ca tụng hằng trăm bài kệ tán dương ca tụng một sự kiện vô cùng hy hữu xuất hiện trên thế gian.

Trưa hôm ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nghỉ trong một khu rừng Sāla, bên bờ sông Nerañjarā, những cây Sāla đua nhau nở hoa khắp cả khu rừng, để đón mừng Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha.

Chiều hôm ấy, trên đường Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác Siddhattha ngự đến cội cây Assattha(1) tại khu rừng Uruvelā, dọc theo hai bên đường, chư-thiên trang hoàng những đoá hoa trời rất xinh đẹp, các hàng chư-thiên ở các cõi trời đua nhau cúng dường hương thơm cùng với thiên nhạc vang rền khắp 10 ngàn thế giới chúng-sinh.

 

1 Cây Assattha này là Cây Đại-Bồ-Đề đồng sinh cùng một lúc với Đức- Bồ-tát Siddhattha. Đúng 35 năm sau, Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi tại cội cây Đại-Bồ-Đề này, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Cho nên, cây Assattha này trở thành cây Đại-Bồ-Đề của Đức-Phật Gotama.

Các tin đã đăng: