LỜI DẪN NHẬP
Qua 25 thế kỷ, Phật giáo tại Ấn Độ xảy ra rất nhiều thăng trầm, nhưng dù thăng trầm đến đâu, Phật giáo ở các thời kỳ khác nhau vẫn luôn có sức lan tỏa mạnh liệt đến cộng đồng nhân loại. Nhờ tinh thần từ bi – trí tuệ, Phật giáo du nhập vào các quốc gia trên thế giớ đều được người dân bản địa đón nhận. Với diện mạo mới mẽ, sức mạnh bền bỉ Phật giáo đã trở thành sợi dây liên kết các dân tộc với nhau như một “ánh đạo vàng Đông Tây”, có mặt khắp năm châu. Bên cạnh đó, Phật giáo còn thể hiện vị thế vai trò của mình trong thời đại văn minh mới với sức sống lan toả, sinh khí mãnh liệt đến các nước phương Tây, đặc biệt các quốc gia Âu – Mĩ. Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên thuộc vương triều Maurya, vua Asoka đã phục hưng Phật giáo tại nước nhà, sau đó có Bhim Rao Ambedkar,… Đến thế kỷ XIX, một nhân vật nổi bật trong lịch sử người có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại các nước châu Á, là người đầu tiên cấm cờ Phật giáo tại đất nước Hoa Kỳ và tuyên bố với thế giới, Phật giáo chính thức có mặt tại xứ sở công nghệ hiện đại mới không ai khác chính là Anagarika Dharmapala. Sự đóng góp của Dharmapala trong sự nghiệp truyền chính pháp từ Đông sang Tây đã để lại cho đàn hậu học một tiếng chuông thức tỉnh. Xuất phát từ lòng kính ngưỡng, ông đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp phục hưng Phật giáo.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học giới thiệu bài viết “Anagarika Dharmapala và sự nghiệp truyền bá Phật giáo từ châu Á sang Âu – Mỹ” của NCS Thích Chúc Hòa.
NỘI DUNG
1. Cuộc đời và hành trạng của Dharmapala
Anagarika Dharmapala tục danh là David Hewavitarana xuất thân trong một gia đình phật tử am hiểu Phật pháp “Cha mẹ cũng như ông nội của David là những phật tử thuần thành”[1]. Mặc dù David học trong trường của Cơ Đốc Giáo, có tên thánh là Don David nhưng ông vẫn thấm nhuận tinh thần Phật giáo. Thích thú khi nghe những lời bàn của Mohottiwatte Gunanada cùng các bộ phái Cơ Đốc trong các cuộc luận đàm, ông cũng thường xuyên lui tới các ngôi chùa như chùa Kotahena. Sự xuất hiện của ông bà Olcott cùng buổi nói chuyện của họ càng làm cho David phấn chí, rồi theo Olcott để làm thông dịch viên, có lẽ nhờ vậy mà David có cơ hội rèn luyện khả năng nói trước quần chúng, góp phần đưa đến thành công sau này của ông. Năm 1883 khi chứng kiến sự hành hung của tín đồ Thiên Chúa đối với người theo Phật giáo trong ngày lễ rước kiệu, David đã từ bỏ trường học Thiên Chúa, tham gia “Hội Thông Thiên học Phật giáo” do ông nội làm chủ tịch.
Ông được cha mẹ khuyến khích nên đến Bồ Đề Đạo Tràng. Khi nhìn thấy cảnh điêu tàn của thánh tích, một lần nữa ông lại phát nguyện dành trọn đời để cống hiến cho Phật pháp “Dharmapala đã đi khắp nơi, Tích Lan, Ấn Độ, Anh Quốc, Mỹ Quốc, giảng truyền Đạo pháp, đòi lại thánh tích ở Ấn Độ”[2]. Nhằm thuận lợi cho việc dành lại những thánh tích Phật giáo Dharmapala đã đổi sang quốc tịch Ấn Độ, đấu tranh tới quốc hội ngồi vào bàn đàm phán để dành lại Bồ Đề Đạo Tràng. Bởi vì, xã hội thời bấy giờ không ưu ái cho hình thức xuất gia, nên Dharmapala dùng hình thức cư sĩ để dấn thân làm nhiều việc cho Phật giáo, cho đến những năm gần cuối đời ông mới xuất gia làm Tỳ kheo: “Năm 1933, Anagarika Dharmapala đi xuất gia với pháp hiệu là Devamitta Dharmapala”[3]. Ông đã đến thọ giới với trưởng lão Boruggamuwe Rewta và chính thức gia nhập tăng đoàn trở thành một vị Tỳ kheo. Ba tháng sau, ngày 29/4/1933, ông qua đời tại Lộc Uyển, Ấn Độ. Tất cả các tín đồ Phật giáo trên thế giới vô cùng tiếc nuối sự ra đi của ông, đứa con vĩ đại của đất nước Sri Lanka. Trước khi nhắm mắt, ông đã phát một lời nguyện mạnh mẽ và thiêng liêng: “Đây là giây phút cuối cùng của đời tôi. Để phục hưng Phật giáo, tôi cầu mong được tái sinh vào một gia đình Bà La Môn. Để làm việc phật sự, tôi nguyện chuyển sinh vào cõi đời này 25 lần nữa”[4]. Có thể nói, Anagarika Dharmapala chính là nhân vật cao cả một người đệ tử thuần thành truyền bá chính pháp đến với nhân loại của thế kỷ cận hiện đại. Những người kế thừa sau này là minh chứng cho lời phát nguyện này. Từ đó, chúng ta có thể thấy Thánh tích cuối cùng cũng trở về với Phật giáo và lại một lần nữa tỏa sáng trên khắp nơi dù thời gian hơi lâu.
2. Vai trò của Dharmapala trong việc phục hưng Phật giáo ở châu Á
Nói về phục hưng Phật giáo ở đâu cũng có những người xuất chúng, nếu ở Việt Nam trong việc phục hưng Phật giáo người ta luôn nghĩ ngay đến Hòa thượng Khánh Hòa chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm, tại Trung Quốc có Thiền sư Thái Hư với tạp chí Giác Xã năm 1918 sau đổi thành “Hải Triều Âm”, thì trên thế giới người có công trong việc phục hưng Phật giáo ở Tích Lan, Ấn Độ, hay truyền bá tại nước Mỹ không thể không nhắc đến Dharmapala một nhân vật “đã cống hiến tích cực trong việc phục hưng rộng lớn ở châu Á và thế giới đã sản sinh ảnh hưởng quan trọng trong sử Phật giáo châu Á và thế giới cận đại”[5]. Dharmapala bắt đầu thực hiện lý tưởng phụng sự đạo pháp. Năm 1886, ngưỡng mộ trước hoạt động của đại tá Olcott và bà Blavatsky cho sự hồi sinh Phật giáo Tích Lan đang bị đàn áp bởi Thiên Chúa giáo dưới thời thuộc địa Anh. Dharmapala xin cha mẹ rời khỏi nhà, tình nguyện làm thông dịch viên cho Olcott để đi theo phục hưng. Dharmapala cho rằng khuynh hướng theo khuôn nước ngoài chứng tỏ thiếu sự tự tin, kiêu hãnh đối với truyền thống. Vì vậy, ông sẵn sàng đổi tên từ David thành Dharmapala, làm cho con người Tích Lan cảm thấy tự hào với đất nước quê hương mình. Tạo nên niềm hân hoan trong lòng người dân dấy lên tinh thần của thanh niên Tích Lan tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1889, “Dharmapala cùng Olcott tham dự một lễ quy y tại thủ đô Tokyo”[6]. Thấy được sự chân thành và tinh thần mến đạo của phật tử Nhật Bản, ông càng quyết tâm truyền bá Phật pháp đi khắp nơi. Tại thời điểm này, Dharmapala đọc được bài báo của Edwin Arnold về Bồ Đề Đạo Tràng và đó là nhân duyên thôi thúc ông đến thăm thánh địa đất Ấn vào ngày 18/01/1891 cùng thầy Kozen Gunararana – người Nhật Bản. Dharmapala lấy ngày này làm ngày kỷ niệm phục hưng Phật giáo Ấn Độ.
Nhìn thấy những đổi thay hư hại của Thánh tích, Dharmapala luôn trăn trở: “Khi nào thì ngày ấy sẽ đến… Ấn Độ, quê hương của đức Phật đã bị người ta quên rồi. Khi nào thì tôi sẽ thấy Phật pháp trở về trên đất nước này đây?”[7] Cuộc hành trình năm đó, ngoài việc đòi lại Thánh địa Bồ đề đạo tràng cho Phật giáo, Dharmapala còn góp công trong việc “yêu cầu chính phủ Anh trả lại xá lợi Phật về cho Ấn Độ. Ông xây dựng chùa trên các Thánh địa Phật giáo, đưa 4 vị Tỳ kheo từ Sri Lanka qua ở ngôi chùa của Sri Lanka được xây dựng ở Bồ Đề Đạo Tràng để sinh hoạt, xây dựng lại hình ảnh Tăng đoàn trên đất Ấn.”[8]
Ngoài ra, thành lập hội Maha Bodhi, cho ra đời tạp chí Maha Bodhi Society với mục đích truyền bá giáo pháp đức Phật. Đồng hành cùng ông là các nhà tri thức. Sự kiện năm “1893, Arnold đã hưởng ứng tiếp tay với đại đức Dharmapala bằng cách viết một bài báo mang tựa đề: “East and West: A Spendid Opportunity (Đông và Tây: Một cơ hội thuận lợi) và cho đăng trên nhật báo “Điện tín hằng ngày” của ông, nhằm đưa vấn đề trên ra trước dư luận Phật giáo thế giới và ủng hộ lập trường của Ngài Dharmapala, là cương quyết yêu cầu các ông Mahant (theo Ấn giáo) phải hoàn trả quyền làm chủ, kiểm soát thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng cho các phật tử”[9]. Là mốc lịch sử thành lập Hội Maha Bodhi tại Anh Quốc vào năm 1927.
Trong vòng 2 năm sau, hoạt động phục hưng đã tạo nên một làn sóng lan tràn khắp cả các nước phương Tây cũng như Ấn Độ. Nhờ vào tâm huyết của những người như Anagarika Dharmapala, Ambedkar Phật giáo Ấn Độ được hồi sinh như hôm nay. Sự hành đạo và cống hiến của Dharmapala cho Phật giáo Á – Âu vào thế kỷ XIX đã khởi đầu xây dựng ý thức hệ mới về lịch sử bảo tồn truyền thống đạo đức của nhân loại.
3. Dharmapala người cắm cờ Phật giáo tại Hoa Kỳ
Nguyệt san tiếng Anh “Maha Bodhi” do Dharmapala làm chủ bút ra đời vào tháng 5/1892, và truyền khắp thế giới. Đặc biệt bài của Dharmapala “Một thế giới Phật giáo thống nhất” (A united Buddhist World) và Đại tá Olcott “Tinh thần từ bi của Phật giáo” (Sweet spirit of Buddhism). Tiến sĩ J.H.Barrows, Chủ tịch Nghị viện Tôn giáo thế giới (The World Parliament of Religion) đọc được số báo liền có sức hút viết thư mời Dharmapala tham dự Đại hội Tôn giáo thế giới tại Chicago vào 9/1893. Hội nghị có 4.000 đại biểu từ các châu lục phần lớn là tín đồ Thiên Chúa giáo và một phần các phi Ky-tô như Nhật, Ấn Độ (Hindu, Parsis, và Jains), Thái Lan, Trung Quốc. Mục đích của Hội nghị nhằm phản ánh tinh thần của Columbus và nhiều thính đường được xây dựng mới toang bên cạnh hồ Michigan. Anagarika Dharmapala đại diện cho Phật giáo Nguyên Thuỷ Tích Lan, mời phát biểu trong hội nghị. Hội thảo đầu tiên từ khi Hoa Kỳ lập quốc năm 1776. Mở đầu đại hội, Charles Carroll Bonney, một luật sư cũng là một thẩm phán ở Chicago đã phát biểu để chứng minh: “Hội đồng Tôn giáo không được nuôi nấng bởi riêng Kitô giáo, mà từ quỹ của chính quyền và xã hội; Vì vậy, tôn giáo phải được phản ảnh trong tầm nhìn của quốc gia, và Hoa Kỳ phải là trung tâm của mọi tôn giáo.”[10] Hoa Kỳ là quốc gia đa tôn giáo nên chính phủ đứng ra tổ chức, vừa thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng các tôn giáo trên trường thế giới khẳng định vị trí của mình, và khiến cho các nước tin tưởng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đáp lại lời mời của mục sư Jones Hery Borrows, Dharmmapala đến dự Đại hội trong một phong thái tợ chúa Jeus. Ông được vinh dự ngồi vào hàng ghế đầu tiên, bên cạnh Hồng y Gibbon và Đại sư Swarm Wivekananda. Thông qua chủ đề “Món nợ của thế giới đối với đức Phật”, Dharmapala không những phê phán thái độ mập mờ của Ấn giáo khi đánh đồng Phật giáo thành tôn giáo của họ. Có thể nói, điều lớn lao mà ông làm cho Phật giáo trên toàn thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng là xác định lại vị trí Phật giáo trong đời sống, xã hội trên các quốc gia. Cũng chính là tiền đề khai sáng cho những thành phần tri thức nhìn lại lệch lạc trong vấn đề nhận diện giá trị đích thực của đạo Phật. Từ đó, bản thân tu sĩ Phật giáo chúng ta phải là người có trách nhiệm trong sự nghiệp truyền bá giáo lý này. Do vậy, “Món nợ của thế giới đối với đức Phật” trở thành chủ đề khẳng định vai trò và vị thế của Phật giáo trong đời sống các dân tộc. Ngoài ra, còn muốn nhắn nhủ, ý thức, trách nhiệm mỗi cá nhân Phật giáo.
Bài diễn thuyết của ông khiến các nhà trí thức trong hội nghị kinh ngạc, sau đó liền thay đổi cách nhìn đối với Phật giáo. Tạo cơ hội để phương Tây tiếp nhận Phật giáo một cách hài hòa. Và Philangi Dasa nhận xét: “Hành động ấy sẽ khiến cho ngân sách giáo xứ trong mùa Giáng sinh bị sút giảm và khiến cho những thiếu nữ Cơ Đốc giáo không còn e lệ với những người tình phật tử”[11]. Bằng trí tuệ vốn sắn có Dharmapala đã thu hút được mọi người với mục đích phục hưng Phật giáo phương Đông và truyền bá Phật giáo đến các nước phương Tây.
Dharmapala thành công trong công cuộc cấm cờ Phật trên đất nước Cờ Hoa, bởi ông đánh đúng vào tri thức dân bản địa. Tiến sĩ Radhkrishman đã nhấn mạnh: “Phật giáo thu hút được tư tưởng hiện đại, bởi lẽ Phật giáo là khoa học thực nghiệm và không dựa trên bất cứ giáo điều nào”[12]. Thành công lớn nhất của Dharmapala là thọ tam quy ngũ giới cho Charles T. Strauss, một thương gia gốc Do Thái tại New York bằng tiếng Pali vào ngày cuối của Đại hội. Strauss được xác định là người đầu tiên được nhận vào cộng đồng phật tử chính trên đất Mỹ. Đây không chỉ đánh dấu Phật giáo chính thức vào Hoa Kỳ mà còn cho chúng ta thấy được “Phật giáo đã chinh phục được đất nước Đại phát triển”. Ngoài ra, Dharmapala đã gặp bà Mary Elizabeth Foster, quý tộc Anh. Sau cuộc trò chuyện bà nhận ông làm con nuôi. Về sau, bà chính là đại thí chủ luôn ủng hộ tài chính cho ông trong mọi hoạt động phật sự. Cũng chính bà cúng dường khoảng 200 triệu đô để ông xây được ngôi chùa ở Sarnath năm 1922. Sự kiện này đúng với mục đích và tâm nguyện ban đầu của Dharmapala, đi đến các nước kêu gọi sự ủng hộ xây dựng và phục hưng Phật giáo Ấn Độ.
Sau Đại hội, ông nhiều lần quay lại Mỹ, cảm hoá lòng dân bản xứ với sự đầy tâm huyết. Năm 1896, nhận lời mời của Tiến sĩ Paul Carus, một phật tử người Đức đang sống ở Mỹ, Dharmapala trở lại Mỹ truyền giáo. Với đề tài được yêu thích “Sự hòa giải của Phật giáo và Thiên Chúa giáo”, ông đã thuyết giảng tại nhiều tiểu bang: New York, Chicago, San Francisco, Duluth, Minneapolis, lowa city, Des Moines. Dharmapala được giới báo chí Mỹ bấy giờ ca ngợi trong vai trò một nhà hùng biện Phật giáo, một người Á châu có giọng nói tiếng Anh rất độc đáo và làm cuốn hút người nghe. Năm 1897, Dharmapala trở lại Hoa Kỳ tổ chức Đại lễ Phật đản đầu tiên tại San Francisco. Vào giữa năm 1902 – 1904, Dharmapala thăm Mỹ lần thứ ba, chủ yếu tham quan các trường khoa học – kỹ thuật, bởi ông cho rằng: “Phương Đông cần kỹ thuật của phương Tây, cũng như phương Tây cần tâm linh của phương Đông”. Sau cuộc khảo sát, Dharmapala đã xây dựng một trường kỹ thuật ở Sarnath, Ấn Độ. Đặc biệt trong lần hoằng pháp này, Ngài đã cảm hóa được Giáo sư người Mỹ – William James thuộc Đại học Harvard từ đó môn Tâm lý học Phật giáo được dạy tại trường Đại học Harvard. Hoa Kỳ vốn dĩ là đất nước với đa tôn giáo nhưng Phật giáo vẫn chiếm ưu thế triết lý nhờ vào sức ảnh hưởng của Dharmapala mà chưa có một nhà khoa học nào khám phá được. Bởi khoa học chỉ đang phát triển theo chiều hướng xoắn ốc còn Phật giáo đã đến đỉnh cao của sự phát triển, vượt trên khoa học. Sự nghiệp phục hưng truyền bá giáo lý của Dharmapala có vai trò quan trọng. Ngoài nước Mỹ năm 1897 thì ông đứng ra tổ chức lễ Phật Đản đầu tiên mang tính lịch sử tại Calcutta Ấn Độ vào 26/5/1896. Bên cạnh đó, Dharmapala còn thành công trong việc tổ chức lễ Phật Đản tại Anh Quốc. Mặc dù, năm 1893, Dharmapala đến Anh Quốc với nguyện vọng thành lập “Maha Budhi Society” nhằm kêu gọi tiếng nói chung của giới phật tử thế giới, chung tay xây dựng lại mảnh đất – nguồn gốc của Phật giáo. Tuy ý nguyện không thành nhưng ông cũng góp phần ảnh hưởng đến Phật giáo Anh Quốc. Sự thất bại này không đến từ bản thân Ngài mà do tình cảnh xã hội Anh bấy giờ. Anh Quốc, Phật giáo truyền vào với sự khám phá, nghiên cứu lan tỏa chủ yếu là tầng lớp trí thức, thượng lưu trong xã hội, chưa được phổ cập toàn dân nên chưa hưởng ứng, thích nghi kịp phong trào hoằng pháp của Dharmapala. Đây là thách thức lớn và sự bất thành trong cuộc đời hoằng đạo của Ngài.
Bốn mươi năm, Dharmapala đi nhiều nước để thuyết pháp và xây dựng nhiều ngôi tinh xá khắp thế giới, đặc biệt là Ấn Độ. Theo học giả Gananath Obeyesekere, Dharmapala là hình ảnh tiêu biểu của một tín đồ Phật giáo châu Á cấp tiến và là một điển hình cho Phật giáo cấp tiến. Sự cấp tiến này đã giúp Phật giáo không bị đóng khung trong mọi hình thức mà lan rộng, bắt kịp với thời đại, phù hợp với từng quốc gia, tầng lớp hay độ tuổi. Phật giáo cấp tiến là Phật giáo Đại Thừa, mang tinh thần Bồ tát đạo. Dharmapala với hình thức cư sĩ nhưng cuộc đời dấn thân của ông không thua kém bất kỳ một nhà sư Phật giáo nào: “Từ năm 1902 đến năm 1904, Anagarika Dharmapala đi diễn thuyết tại Nhật Bản, Mỹ, London, Hà Lan, Đan Mạch, Ý để thuyết giảng về Chánh pháp của đức Phật và vận động kinh phí để phát triển Bồ đề Đạo tràng, Sarnath cũng như các thánh địa Phật giáo khác.”[13] Dharmapala đã hoàn thành nhiệm vụ của một vị đệ tử Phật và thực hành đúng lý tưởng của mình. Mang thân hình cư sĩ nhưng Dharmapala rất phù hợp với hình ảnh nhà truyền giáo tại Hoa Kỳ và dễ dàng hoà nhập vào xã hội. Người Mỹ thích tự do họ không thích bị ràng buộc bởi hình thức theo phong tục truyền thống nào. Dharmapala xuất gia muộn là hạnh nguyện của Ngài, vì hình thức cư sĩ phù hợp với yêu cầu xã hội, dễ dàng thành công trên con đường phục hưng Phật giáo hơn.
4. Nhận định
Anagaika Dharmapala là vị đại một Hộ pháp. Ông đại diện cho các tín đồ nói lên tiếng nói cho Phật giáo trong hành trình phục hưng đạo Phật trên khắp đất nước. Không những gợi lại hình ảnh của vị vua Asoka mà đề cao vai trò người cư sĩ Bồ tát tại gia cho các tín đồ Phật giáo về sau. Những giá trị thực tại và ý nghĩa mang giáo lý Phật giáo. Được thể hiện qua cuộc đời và hành trạng của Anagaika Dharmapala, chúng ta thấy được: “Nếu chủ nghĩa cải cách ở Tích Lan nhấn mạnh đến truyền thống dân tộc thì chủ trương cải cách Phật giáo của Dharmmapala ở phương Tây nhấn mạnh đến việc xây dựng “Niết bàn trên trần thế”[14]. Riêng nói về sức ảnh hưởng của Dharmapala trong đời sống sinh hoạt thì ông lại trở thành biểu tượng cho sự “canh tân” trên nhiều phương diện khác nhau. Đặc biệt: “Sau đệ nhị thế chiến, sau phong trào cải cách Phật giáo do Dharmapala, Thái Hư Đại sư… kinh sách và tài liệu Phật giáo liên quan đến đời sống gia đình được xuất bản, chư tăng, ni, các vị giảng sư Nhật Bản, Hoa Kỳ bắt đầu thuyết giảng những đề tài liên quan đến đời sống gia đình”[15]. Từ đó, chúng ta liên kết lại những hoạt động phục hưng từ Á sang Âu – Mỹ thì Dharmapala được ví như một vị Hộ pháp trong sứ mệnh hộ trì Phật pháp đến với các nước trên khắp thế giới. Mang lại sự huy hoàng cho Phật giáo.
KẾT LUẬN
Phật giáo trong thời buổi chiến của xã hội từ Á Đông sang Âu – Mỹ, Dharmapala không những thành công trong sự phục hưng Phật pháp mà còn mang Phật giáo đến khắp thế giới. Là bậc Thầy đáng được tôn vinh trong lịch sử nhân loại. Sự xuất hiện của Dharmapala đánh dấu nền văn minh Á châu, giới thiệu văn minh phương Tây thấy đạo Phật là dưỡng chất làm lớn mạnh giá trị đạo đức con người qua mọi thời điểm và không gian. Đạo Phật không bao giờ sử dụng bạo lực ngược lại đạo Phật luôn hướng đến sự văn minh, hòa bình, an lạc, giải thoát cho con người ngay trong đời sống thực tại. Thông điệp của Dharmapala không chỉ nhắn nhủ đến xã hội Hoa Kỳ về vai trò và giá trị của Phật giáo. Mà còn nhắn nhủ thế giới cần phải nỗ lực nhìn lại những tác động của Dharmapala trong đòi lại sự hòa bình của Phật giáo để Phật giáo phát triển, mở rộng khắp mọi nơi.
Nhân vật Dharmapala người đầu tiên trong sự nghiệp canh tác tâm linh Phật giáo của người Mỹ. Một sự cống hiến cao cả về mặt hình thức cũng như tinh thần của Dharmapala mang lại giá trị thực tiễn đáng trân quý. Chúng ta là những người kế thừa Phật pháp, vậy làm thế nào để xứng đáng với những thành quả của những bậc trước để lại, duy trì và phát triển chúng theo nền tảng và con đường đã được định sẵn. Dharmapala là hình mẫu lý tưởng cho người hoằng pháp hiện nay mà chúng ta cần phải trau dồi, học hỏi.
Thích Chúc Hòa – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
—————-
CHÚ THÍCH:
[1] Trần Quang Thuận, “Phật giáo Tích Lan”, Nxb. Tôn Giáo, 2008, tr. 193.
[2] Sđd, tr. 194.
[3] Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, “Nhân vật lịch sử Tích Lan cận đại”, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 31.
[4] Pháp sư Thánh Nghiêm và Tịnh Hải, “Lịch sử Phật giáo thế giới”, Nxb. Khoa học xã hội, 2008, tr. 641.
[5] Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, “Nhân vật Phật giáo Tích Lan cận đại”, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 13.
[6] Thích Trung Hữu,“Sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và vai trò của Tiến sĩ Ambedkar”, Nxb. Phương Đông, 2017, tr. 73.
[7] Sđd, tr. 76.
[8] Thích Nữ Thanh Nghiêm, “Nguyệt san Giác Ngộ số 280, Anagārika Dharmapāla – Người góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ”, Phụ trương nghiên cứu Phật học của báo Giác Ngộ, 7/2019, tr. 63.
[9] Thích Trí Chơn, “Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu – Mỹ”, Nxb. Phương Đông, 2010, tr. 22.
[10] Quán Như, “Tây phương đã tiếp nhận Đạo Phật như thế nào”, htt://sachhiem.net/tongiao, 17/02/2011.
[11] NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt, bài giảng: Phật giáo châu Mỹ, khóa XII, 2019.
[12] Thích Nữ Giới Hương, “Bồ tát và tánh Không trong kinh tạng Pali và Đại Thừa”, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2007, tr. 23.
[13] Thích Nữ Như Bổn, “Anagarika Dharmapala và phương thức phục hưng Phật giáo”, tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 328, 01/9/2019.
[14] Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, “Nhân vật Phật giáo Tích Lan cận đại, Lời giới thiệu”, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 7.
[15] Sđd, tr.10.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, Tôn Giáo, 2008.
2. Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, Nhân vật lịch sử Tích Lan cận đại, Hồng Đức, 2015.
3. Pháp sư Thánh Nghiêm và Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, Khoa học xã hội, 2008.
4. Thích Trung Hữu, Sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và vai trò của Tiến sĩ Ambedkar, Phương Đông, 2017.
5. Thích Nữ Thanh Nghiêm, Nguyệt san Giác Ngộ số 280, Anagārika Dharmapāla – Người góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ, Phụ trương nghiên cứu Phật học của báo Giác Ngộ, 7/2019.
6. Thích Trí Chơn, Các học giả Anh Quốc và Phật giáo Âu – Mỹ, Nxb. Phương Đông, 2010.
7. Quán Như, Tây phương đã tiếp nhận Đạo Phật như thế nào, htt://sachhiem.net/tongiao, 17/02/2011.
8. Thích Nữ Như Nguyệt, bài giảng: Phật giáo châu Mỹ, khoá XII, 2019.
9. Thích Nữ Giới Hương, Bồ tát và tánh Không trong kinh tạng Pali và Đại Thừa, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2007.
10. Thích Nữ Như Bổn, Anagarika Dharmapala và phương thức phục hưng Phật giáo, tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 328, 01/9/2019.
11. Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, Nhân vật Phật giáo Tích Lan cận đại, Lời giới thiệu, Hồng Đức, 2015.
Thích Chúc Hòa