Hòa
thượng Thích Minh Châu, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật
học Việt Nam, đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam trong 5 khóa liên
tiếp: khóa VI, VII, VIII, IX, X, vừa viên tịch lúc 9 giờ 05 ngày
1.9.2012, nhằm 16.7 Nhâm Thìn.
Lễ khâm liệm vào lúc 8 giờ sáng nay 2.9.2012, sau đó lễ viếng và chương
trình lễ tang sẽ được tổ chức ở Thiền viện Vạn Hạnh - TP.HCM.
Hòa thượng Thích Minh Châu sinh ngày 20.10.1920 tại Nghệ An, thế danh
là Đinh Văn Nam, xuất gia tại chùa Tường Vân (Thừa Thiên-Huế) vào năm
1946. Từ năm 1952 đến 1963 xuất ngoại du học tại Sri Lanka - Ấn Độ và
đỗ tiến sĩ Phật học với luận án: The Chinese Madhyma Agama and the Paly
Majihima Nikaya. Về nước, hòa thượng làm Viện trưởng Viện Đại học Vạn
Hạnh (Sài Gòn 1964 - 1975), Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn
hành Đại tạng Kinh Việt Nam (từ 1971), Chủ nhiệm tạp chí Tư Tưởng. Hòa
thượng Thích Minh Châu là người dịch kinh điển Pali ra tiếng Việt nhiều
nhất Việt Nam, gồm các bộ quan trọng như: Trường bộ kinh, Trung bộ
kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh với tổng số hơn
17.250 trang đã in. Hòa thượng còn là tác giả của nhiều tác phẩm và
dịch phẩm như: Phật pháp, Đường về xứ Phật, Những ngày và những lời dạy
cuối cùng của Đức Phật, Đường lên trời, Trước sự nô lệ của con người,
Huyền Trang - nhà chiêm bái và học giả, Đại thừa và sự liên hệ với tiểu
thừa...
Những năm làm Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, dù công việc nhiều
nhưng hòa thượng vẫn luôn đi sát đời sống và sinh hoạt của sinh viên.
Chẳng hạn khi phong trào đấu tranh đòi hòa bình, tự do và dân chủ bùng
nổ lớn tại các đô thị miền Nam vào cuối năm 1969-1970, sinh viên Đại
học Vạn Hạnh trở thành một trong các mũi nhọn xung kích của phong trào.
Vì vậy vào một buổi chiều đầu năm 1970, lúc các phân khoa vừa bước vào
giờ học, một lực lượng cảnh sát đặc biệt với gần 100 tay súng do Đỗ
Kiến Nâu chỉ huy đã theo lệnh của Tổng nha Cảnh sát đô thành bất thần
kéo đến bao vây Đại học Vạn Hạnh ở số 222 Trương Minh Giảng, quận Nhì
(nay là đường Lê Văn Sỹ, quận 3) để lùng bắt lực lượng đấu tranh, trong
đó đứng đầu là sinh viên Võ Như Lanh, Chủ tịch Ủy ban đấu tranh của
Viện Đại học Vạn Hạnh (sau này là Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ và Thời
Báo Kinh Tế Sài Gòn) và Đặng Thanh Tâm, người nòng cốt tổ chức thực
hiện đặc san Hướng Đi chống chính quyền... Nghe tin, hòa thượng Viện
trưởng Thích Minh Châu đã rời ngay cuộc họp ở phòng giám thị, tiến ra
cổng trường đứng trước mũi súng và lưỡi lê của đội ngũ cảnh sát và mật
vụ đang dàn hàng ngang. Đi bên hòa thượng là đại đức Thích Nguyên Tánh,
tức học giả Phạm Công Thiện, tác giả cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và
triết học. Hòa thượng đĩnh đạc nói lớn với Đỗ Kiến Nâu và cũng là để
mọi người đang vây quanh nghe rõ:
- “Nam mô Bổn sư Thích - ca Mâu - ni Phật, thưa quý vị, quý vị không
được dùng bạo lực bắt bớ sinh viên của chúng tôi trong khuôn viên nhà
trường. Các vị phải tôn trọng quyền tự trị đại học đã được xác lập,
tuyệt đối không được đem cảnh sát và vũ khí vào trường đại học. Yêu cầu
quý vị rút lui. Nếu không chúng tôi sẽ công bố trước dư luận trong
nước và thế giới...”.
Hòa thượng nói một cách ôn tồn, chậm rãi từng tiếng, nhưng hết sức
kiên quyết. Bất ngờ trước hình ảnh của một viện trưởng đích thân đi bộ
ra cổng trường đối thoại, Đỗ Kiến Nâu sau một lúc đắn đo, đã chắp hai
tay lại, cúi đầu chào cung kính hòa thượng, rồi đưa chiếc ba-toong lên
trời vẫy hai lần, làm hiệu lệnh cho đội cảnh sát đặc nhiệm rút lui. Hòa
thượng mỉm cười, cùng học giả Phạm Công Thiện và sinh viên quay vào
giảng đường 208 mà ở đó đang vang lên tiếng guitar thùng với câu hát
cộng đồng giòn giã: “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”...
Đó là một trong những hình ảnh không thể quên được về một vị viện
trưởng, một hòa thượng, một tấm lòng từ bi không rời khỏi những bước
đường đấu tranh của tuổi trẻ hôm nào...
Theo Giao Hưởng - TNO