Đức Dalai Lama với trẻ em (hình chỉ mang tính minh hoạ)
Giáo dục trẻ em
Khoảng 60% trong số các tổ
chức Phật giáo được phỏng vấn là thực hiện những chương trình giáo dục cho trẻ
em. Văn hóa và ngôn ngữ được một vài tổ chức như Phật giáo Won ở Sydney thực hiện, giảng
dạy những chương trình Hàn ngữ. Những tổ chức thuộc Phật Quang Sơn thực hiện
những chương trình dạy Hoa ngữ cho trẻ em cũng như những buổi cắm trại Phật
pháp, giải trí cho giới trẻ và những chương trình Phật pháp khác. Đề án Tara đã
được trao thưởng vì chương trình trao đổi sinh viên mới mẻ của nó giữa giới trẻ
Úc và Nepal.
Sự trao đổi này đóng góp có ý nghĩa cho việc hiểu các nền văn hóa khác nhau.
Hai tổ chức Buddhist Society of Western Australia và Buddhist Society of
Northern Territory có những chương trình tích cực tại các ngôi trường giảng dạy
cho trẻ em Úc về Phật giáo, cũng như những buổi Phật pháp dành cho trẻ em. Giáo
hội Phật giáo Linh Sơn ở Melbourne
có một sự khởi đầu mạnh mẽ, tập trung điều hành những chương trình thiền định,
ngôn ngữ và thể thao. Họ cũng cung cấp những chương trình tư vấn và thiền định
cho những gia đình có trẻ vị thành niên nghiện ma túy.
Tất cả những tổ chức nói
rằng chương trình giáo dục trẻ em đem lại một cơ hội lý tưởng giúp trẻ em kinh
nghiệm và thực hành lòng từ bi đối với nhau và đối với tất cả chúng sanh. Lòng
từ bi được xem là giá trị cốt tủy trong việc tu tập làm lợi ích tất cả chúng
sanh, và là một phần trọng tâm của đạo Phật. Kinh Từ bi liệt ra 50 phước
đức có được thông qua việc thực hành từ bi. Việc tu tập lòng từ bi này cũng là
điểm cốt lõi của chương trình gia đình do trung tâm tu tập Phật giáo Nguyên
thủy ở Balingup, Tây Úc thực hiện. Chương trình được tổ chức vào cuối tuần để
cho các gia đình trải nghiệm và chia sẻ phẩm chất này.
Thêm vào, nhiều tổ chức
Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của những hoạt động Phật giáo dành cho trẻ
em để các em phát triển sự hòa hợp trong gia đình và cộng đồng xã hội. Tổ chức
Buddhist Society of Western Australia điều hành một chương trình giáo dục tích
cực cho trẻ em, cả trẻ em nhập cư cũng như trẻ em phương Tây. Trong việc giáo
dục cộng đồng, người lớn và trẻ em, những tổ chức từ mọi truyền thống xem điều
này là một phần cốt tủy của Phật giáo. Họ giải thích rằng, nhiệm vụ của Phật
giáo là giảng dạy Tứ diệu đế, để giúp người ta học hỏi về nguyên nhân khổ đau
của họ và những phương tiện thiện xảo vượt qua khỏi khổ đau đó thông qua việc
giải thích những khía cạnh của Bát chánh đạo. Tất cả những chương trình trong
trường hợp này thấy công việc giáo dục của họ là nhiệm vụ của truyền thống Phật
giáo lâu dài, và cũng là việc truyền bá giáo pháp để làm tăng trưởng hạnh phúc
con người và giải thoát khổ đau.
Chăm sóc người bệnh và người
sắp qua đời tại các bệnh viện
Khoảng 54% trong số các tổ
chức Phật giáo được nghiên cứu là tích cực dấn thân chăm sóc người bệnh ở các
bệnh viện và các viện dưỡng lão. Họ làm việc với người bệnh và người sắp qua
đời trong một số chương trình chính thức và không chính thức.
Có một sự chấp nhận chung
rằng, khoảnh khắc quan trọng nhất là khoảnh khắc hiện tại, và sống trọn vẹn với
giây phút hiện tại là điều được đề cao. Nhờ vào cái nhìn và cách hiểu đúng đắn
này, người ta có thể phát triển niềm an vui lớn hơn. Những tổ chức này cho
rằng, môi trường mà các bệnh viện Phật giáo đem lại là mở cánh cửa cho các bệnh
nhân thấy được ý nghĩa của khoảnh khắc hiện tại để họ vượt qua những khổ đau
vật lý. Khác với việc sống trong một
trạng thái sợ hãi, thất vọng hay né tránh, Phật giáo đưa ra một phương cách
chuyển đổi kinh nghiệm thành một kinh nghiệm của an bình, tu học và phát triển
lòng từ.
Những tổ chức của Phật giáo
Nguyên thủy nhấn mạnh rằng, chăm sóc bệnh nhân và người sắp qua đời là noi theo
tấm gương từ bi của Đức Phật, và bởi xem những nhu cầu của bệnh nhân và người
sắp qua đời là đáng ưu tiên hơn cả. Họ trích dẫn câu chuyện Đức Phật tán thán
việc chăm sóc người bệnh khi Ngài viếng thăm một tịnh xá. Ở đó, Ngài chứng kiến
trường hợp một Tỳ kheo bị bệnh không được chăm sóc trong khi các thầy khác thì
lo thiền định. Trước tiên, cùng với tôn giả Ananda, Đức Phật đã tắm rửa và chăm
sóc thầy bị bệnh, và sau đó khuyên bảo các thầy Tỳ kheo khác rằng chăm sóc
người bệnh là công việc từ bi cần phải ưu tiên.
Hội từ thiện Từ Tế Phật
giáo Đại thừa từ Đài Loan, với các trung tâm ở Brisbane, Perth, Sydney và
Melbourne, cũng đề cao câu chuyện Đức Phật giúp đỡ Tỳ kheo bị bệnh, xem đó là
tấm gương để họ hành động theo. Quỹ này thực hiện một chương trình tình nguyện
quy mô ở các bệnh viện, nhà dưỡng lão, bệnh viện dành cho người lớn tuổi, và ở
những trung tâm khuyết tật. Hội này cũng rất tích cực trong việc gây quỹ ủng hộ
các trang thiết bị bệnh viện cho các bệnh viện Mater Misericordia ở cả Brisbane và Melbourne,
cũng như một số bệnh viện nhỏ hơn. Mặc dù thành viên của hội chính yếu là người
Hoa, tổ chức này lại là một trường hợp nổi bật khác về một tổ chức Phật giáo
không phải của người bản địa đã thực hiện những công việc phúc lợi xã hội rộng
lớn cho công chúng Úc.
Những tổ chức Phật giáo Tây
Tạng nhấn mạnh lý do họ phục vụ người bệnh và người hấp hối là vì họ nhận thấy
ý nghĩa quan trọng của giây phút cận tử. Họ nói rằng, những loại suy nghĩ và
cảm xúc sinh khởi tại giây phút cận tử của một người ảnh hưởng sâu sắc đến sự
tái sanh của người ấy trong tương lai. Do đó, chúng ta có thể có một sự ảnh
hưởng sâu sắc vào tương lai của người khác bằng việc đem lại một môi trường cho
người sắp qua đời mà nó giúp người ấy có một kết quả tái sinh tốt. Họ xem giải
pháp đối với người cận tử này là điều cốt tủy trong truyền thống lâu dài của
Phật giáo Tây Tạng.
Chăm sóc người bệnh ở trong cộng đồng
61% trong số các tổ chức
thuộc trường hợp nghiên cứu này dấn thân chăm sóc người bệnh ở trong cộng đồng.
Các chương trình có tính sáng kiến bao gồm những phục vụ chăm sóc bệnh nhân
kinh niên. Thêm vào, có những cuộc thăm viếng người bệnh tại nhà do nhiều tổ
chức Phật giáo từ tất cả các truyền thống thực hiện. Những tổ chức thực hiện
những phục vụ này viện dẫn lý do rằng họ dấn thân vào những hoạt động như vậy
là để thể hiện lòng từ bi đối với người bệnh. Một vài tổ chức cũng nhấn mạnh sự
cần thiết trong việc giảng dạy thiền và những cách suy nghĩ thích hợp cho người
bệnh để họ có thể chế ngự bệnh tật tốt hơn, đặc biệt là các bệnh mãn tính gắn
liền với sự đau đớn.
Hai tổ chức Phật giáo Tây Tạng ở Queensland, Karuna và
Cittimani, là những tổ chức dẫn đầu trong công việc chăm sóc bệnh nan y giai
đoạn cuối ở Úc. Hơn một thập kỷ, Viện Tara ở Melbourne đã thực hiện những buổi hội thảo hỗ
trợ những người lâm trọng bệnh ở trong cộng đồng để giúp họ giải quyết những
trạng thái cảm xúc và tâm thức rối loạn. Những tổ chức Phật giáo khẳng định
rằng công việc này là tiếp nối sự thực hành chăm sóc người bệnh vốn có mặt lâu
dài ở trong Phật giáo, như là một sự thực hành về lòng từ bi.
Viếng thăm các tù nhân
39% trong số các tổ chức
Phật giáo có tổ chức đi thăm viếng các nhà tù ở Úc. Những tổ chức này đến từ
các truyền thống Đại thừa, Tây Tạng và Phật giáo Nguyên thủy.
Hội các Phật tử Nhập thế có trụ sở ở Sydney là đại diện mạnh
mẽ của Phật giáo nhập thế ở lĩnh vực làm việc với các tù nhân, những người
nghiện, những bệnh viện cho người sắp qua đời và công việc chăm sóc sức khỏe.
Cộng đồng Phật giáo Victoria rất tích cực ở
nhiều nhà tù tại Victoria
trong việc tư vấn và giảng dạy thiền định, giải tỏa căng thẳng, quan tâm các
vùng quê cũng như trong việc cung cấp những tài liệu giáo dục tích cực. Tổ chức
Phật Quang Sơn ở Brisname đã đáp ứng những yêu cầu giúp đỡ các tù nhân và đã
viếng thăm những nhà tù xa xôi như Alice Springs
ở miền Trung nước Úc. Khởi đầu từ Chenrezig, trung tâm Phật giáo Tây Tạng tại
Eudlo ở Queensland,
là một chương trình làm việc với nhà tù do Ni sư Namsung hướng dẫn.
Lama Zopa Rinpoche, người
đồng sáng lập Chenrezig, cổ vũ làm việc trong các nhà tù để giúp những tù nhân
thấy rõ khổ đau và tìm sự an bình. Những chương trình ở trong các nhà tù bao gồm thực hành thiền và những pháp thoại về
nguyên nhân của khổ và cách giải thoát khổ đau. Những giáo pháp khác bao gồm
những lời nguyện Bồ tát về lòng từ bi, là bổn phận Phật giáo làm việc giải
thoát khổ đau của tất cả chúng sanh; và Tám giới cho việc sống một đời sống
thiện lành theo Đức Phật dạy.
Mục đích của những đề án
làm việc trong nhà tù là để giúp đỡ các tù nhân. Ni sư Namsung đã khởi đầu một
đề án nhà tù tại Woodford, bắc Brisbane.
Ni sư mở các lớp học cho các tù nhân, giảng dạy cách kiềm chế cơn giận, chuyển
đổi suy nghĩ, những vấn đề về ma túy và những lợi ích về việc thay đổi lối suy
nghĩ của họ về chính họ và về cuộc đời.
Những người Tây Tạng cho rằng, những đề án nhà tù là một sự
thể hiện lòng từ bi mà Đức Phật đã dạy. Những công việc phúc lợi xã hội như vậy
luôn là nhiệm vụ của các truyền thống Phật giáo, như được thể hiện nơi những
lời khuyên của ngài Long Thọ. Những thành viên thuộc Phật giáo Nguyên thủy làm
việc ở nhà tù cũng khẳng định rằng, giải thoát khổ đau trong nhà tù luôn là
phần cốt tủy đối với quan điểm và sự thực hành từ bi của Phật giáo. Một tổ chức
kể lại câu chuyện một nữ tù đã trở thành một ni cô sau khi ra tù. Tất cả những
tổ chức thể hiện quan điểm rằng công việc nhà tù là - và đã luôn là - một sự
thể hiện cốt tủy lòng từ bi của Phật giáo. Một vài người nói rằng Bồ tát Long
Thọ, trong những lời khuyên của ngài dành cho những người trị vì, đã nhấn mạnh tầm
quan trọng của việc đối xử từ bi và bất bạo động đối với những người phạm tội.
Tất cả các tổ chức nhấn mạnh việc phạm tội ác không có nghĩa
là một thói quen làm ác cố định, và bằng việc đem lại cho tù nhân những phương
pháp khéo léo và cách ngăn chặn khổ đau của họ bằng lòng thương yêu, có thể đem
lại những cơ hội có ý nghĩa cho các tù nhân thay đổi lối sống của họ cả bên
trong nhà tù và sau khi được phóng thích. Một tổ chức Phật giáo kể về chuyện
một tù nhân, người thường xuyên học tập giáo pháp, mặc dù vốn có lai lịch bạo
lực và can tội giết người, đã phát triển một cái nhìn mới về đời sống của mình.
Ông từ chối tiếp tục làm việc tại một lò mổ trong nhà tù, nơi công việc của ông
là làm cho súc vật bất tỉnh trước khi mổ.
Làm việc với người nghiện ma túy
24% trong số các tổ chức là
làm việc tích cực trong việc tư vấn về ma túy. Tổ chức Alice Springs Pallyal
Dharma tích cực trong việc điều hành một chương trình giúp đỡ người nghiện
ngập. Hội Vipassana ở Victoria,
thông qua Quỹ Buoyancy, đã hướng dẫn việc thực hành thiền định cho những người
nghiện ma túy.
Những tổ chức này xem việc
giảng pháp có thể đem đến cho người nghiện một phương cách tốt trong việc giải
quyết những căng thẳng trong đời sống của họ. Một vài tổ chức cũng nhấn mạnh
việc hành xử từ bi với người nghiện, giúp họ có thể tìm lại ý nghĩa giá trị bản
thân. Giáo hội Phật giáo Linh Sơn đặt tại Melbourne,
một tổ chức của người Việt, cũng làm việc nhiệt tình với giới trẻ và tư vấn cho
những người nghiện ngập. Tất cả những tổ chức Phật giáo dấn thân trong việc tư
vấn về ma túy và phục hồi ở Úc xem điều này như là một nhiệm vụ không thể thiếu
của truyền thống Phật giáo. Điều này được đặt cơ sở trên việc giữ Năm giới mà
nó bao gồm tránh sử dụng ma túy và rượu, những thứ làm tăng thêm sự rối loạn
tâm thức.
Gây quỹ cho người nghèo khó ở Úc
Bố thí tiền tài, thời gian,
năng lực, kỹ năng và tài sản là giúp phát triển tâm Phật từ bi ở trong mình.
Đây là quan điểm của hơn 61% trong số những tổ chức Phật giáo ở Úc, những tổ
chức tích cực tham gia vào việc gây quỹ cho người nghèo khó ở quốc gia này.
Đề án Tara là một chương
trình hỗ trợ đa phương diện ở Sydney,
làm việc với những người nghiện rượu và ma túy, cũng như điều hành những đề án
phục vụ lợi ích phụ nữ và trẻ em để làm vơi giảm nghèo khó. Tổ chức khác dấn
thân tích cực trong việc gây quỹ cho những người gặp hoạn nạn ở Úc và cho những
người tỵ nạn nước ngoài là Giáo hội Phật giáo Linh Sơn và Hội Tăng già Phật
giáo Liên Hoa.
Bảo trợ cho những Tăng sĩ
nghèo là hoạt động chung trong số những tổ chức Phật giáo với các vị thầy Tây
Tạng. Trung tâm Phật giáo Brol-Kar ở Geelong đã tài trợ một website, thiết lập
một trường học ở Tây Tạng cho những trẻ em Tây Tạng nghèo khó. Tổ chức Phật
Quang Sơn tại Victoria
tích cực trong việc tài trợ học bổng cho một trường Phật giáo Trung Quốc tại
Úc. Hội Từ Tế Phật giáo Tua-Chi là một tổ chức quốc gia với các chi nhánh gây
quỹ cho những nạn nhân địa phương, cũng như hỗ trợ thường xuyên cho người
nghèo. Họ có những tình nguyện viên thường xuyên giúp đỡ các tổ chức từ thiện,
trong việc gây quỹ và quyên góp thực phẩm, áo quần và đồ đạc hiến tặng. Tổ chức
Amitabha đã thực hiện một chương trình hiến tặng thực phẩm đáng kể cho những
trẻ em thổ dân, những người nghèo nhất và là nhóm thiệt thòi nhất ở Úc.
Lên tiếng bảo vệ nhân quyền và
chống áp bức
24% trong số các tổ chức
Phật giáo ở Úc dấn thân vào những hoạt động như vậy. Các tổ chức Tây Tạng tích
cực hoạt động nhân quyền cho Tây Tạng, trong khi các tổ chức Phật giáo Đại thừa
chủ yếu làm việc cho nhân quyền ở Trung Quốc… Tổ chức Friends of the Western
Buddhist Order tận tâm làm việc để hỗ trợ các quyền và những hoạt động gây quỹ
cho những người tiện dân ở Ấn thông qua đề án Karuna của họ. Tổ chức Buddhist
Peace Fellowship thì rất tích cực trong những chiến dịch ủng hộ nhân quyền cả ở
Úc và hải ngoại. Những chương trình ở Úc bao gồm quyền của tù nhân, quyền của
người thổ dân, và quyền của công nhân trong ngành công nghiệp may mặc.
Trong việc bảo vệ nhân
quyền, và trong việc chống lại những đàn áp chính trị và bất công, những tổ
chức Phật giáo giải thích rằng, ánh sáng cần được rọi chiếu vào những nơi tăm
tối; và việc tranh đấu hòa bình là vì sự thật và công bằng, và để giải thoát
người khác ra khỏi sân hận, vô minh. Họ nói rằng, Đức Phật đã từng phản đối sự
đàn áp nhân quyền khi Ngài phê phán sự phân biệt đối xử với những người đẳng
cấp thấp, phân biệt đối xử với phụ nữ và muông thú. Họ xem công việc của họ là
tiếp tục khía cạnh này của Phật giáo, làm việc cho sự tự do và giải thoát con
người ra khỏi khổ đau.
Những hoạt động từ bi vì lợi ích của các loài khác
Mặc dù chỉ 11% trong số
các tổ chức có những chương trình vì lợi ích muông thú, nhiều tổ chức khác nói
rằng mọi người nên có trách nhiệm đối với lợi ích của những loài này. Viện Tara
ở Sydney nổi
bật vì dự án lợi ích muông thú, đang được phát triển trong sự liên kết với Hiệp
hội Thú y Nepal. Họ huấn luyện những người chăm sóc và lập kế hoạch cho những
chiến lược lâu dài vì lợi ích muông thú và giáo dục cộng đồng. Bệnh viện Đức Mẹ
Tara ở Bunbury tận tâm với một chương trình như thế, bao gồm việc mua và phóng
sanh hàng trăm chuồng gà và những thú vật khác đang đối diện với cái chết,
chẳng hạn như trai sò ở các nhà hàng, gia súc ở các trại chăn nuôi, và chó
trong những trại nuôi công cộng. Giáo hội Phật giáo Linh Sơn cũng đang làm việc
chống lại sự mổ xẻ động vật và hỗ trợ quyền muông thú ở Úc. Tổ chức Buddhist
Peace Fellowship vận động chống lại sự bóc lột ngựa trong việc sản xuất thuốc
điều trị.
Chỉ 4% trong số các tổ
chức dấn thân vào công việc từ bi vì lợi ích của những người sống trong rừng ở
Úc. Sự cần thiết cho công việc như vậy ở Úc được University of New South Wales
Buddhist Society (Unibuds) thừa nhận, với các thành viên thực hiện những chiến
dịch cứu lấy những người rừng bản địa. Tổ chức Buddhist Peace Fellowship tích
cực trong những buổi hành thiền và trong việc tạo ra một sự hiểu biết chung về
việc tôn trọng cây cối và muông thú. Hội Phật giáo Victoria tích cực trong những chương trình
trồng cây ở Úc cũng như những ngày “Làm vệ sinh cho nước Úc” (Clean Up
Australia). Nhiều tổ chức Phật giáo không thuộc người bản địa, bao gồm Phật
Quang Sơn, Từ Tế và Giáo hội Linh Sơn, đã thường xuyên tham gia vào ngày “Làm
vệ sinh nước Úc”.
Thế giới quan mà những tổ
chức Phật giáo này nhấn mạnh là: tất cả chúng sanh đều có quan hệ hỗ tương; và
phúc lợi xã hội được xem là bao gồm tất cả chúng sanh. Những tổ chức Tây Tạng
đặc biệt tích cực trong việc phóng thích những thú vật đang đối mặt với cái
chết, khi họ đưa ra quan điểm rằng điều này có những ảnh hưởng sâu sắc vào việc
chuyển đổi nghiệp cả chúng sanh đối mặt với cái chết và cả những người giải
thoát nó. Họ tụng đọc mỗi ngày: “Cầu cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau.
Cầu cho tất cả chúng sanh hạnh phúc”.
Tôi không tìm thấy tổ chức
Phật giáo Nguyên thủy nào ở Úc dấn thân vào những dự án phúc lợi xã hội dành
cho những loài động - thực vật vào thời điểm này. Những tổ chức Đại thừa giải
thích rằng làm việc để phát triển lợi ích của những loài động - thực vật đã
luôn là một phần then chốt của lời dạy Đức Phật. Thêm vào công việc cộng đồng
của họ, những tổ chức này thực hành ăn chay tại chùa và giáo dục công chúng về
sức khỏe và thực hành ăn uống với lòng từ bi.
Kết luận
Các tổ chức Phật giáo ở Úc
tập trung vào vấn đề khổ đau của con người, tìm kiếm những phương cách làm vơi
giảm và đoạn trừ nó. Vào thời điểm giác ngộ, Đức Phật khám phá ra bản chất,
nguyên nhân và phương pháp đoạn trừ khổ đau. Điều này hình thành nên đại trí
tuệ của Ngài. Và trí tuệ này giúp phát khởi lòng từ bi rộng lớn. Rõ ràng những
tổ chức Phật giáo ở Úc thể hiện trách nhiệm sâu rộng khi chỉ dạy những phương
tiện thiện xảo và thực hành những việc làm từ bi vì lợi ích của đời sống hữu
tình. Họ xem việc làm của họ là tiếp nối lời dạy của Đức Phật và cần thiết đối
với Phật đạo.
Kết quả, có một sự dấn
thân sâu rộng vào những chương trình giáo dục dành cho cả người lớn và trẻ em,
giảng dạy về những kỹ năng sống theo Chánh pháp (dharma). Công việc phúc lợi xã
hội mà họ đang thực hiện là sự đóng góp ý nghĩa cho lợi ích của xã hội Úc. Các
tổ chức thực hiện những công việc thật sự cần thiết, như làm việc trong các nhà
tù, cứu trợ trong suốt thời kỳ khủng hoảng, và giúp đỡ những người nghèo và
những người khổ đau do nghiện ma túy. Nhiệm vụ đối với lợi ích của tất cả chúng
sanh của họ cũng khiến họ dấn thân vào những hoạt động vì lợi ích của muông thú
và môi trường tự nhiên.
Bài viết này là một mô tả về sự dấn thân của
Phật giáo trong những hoạt động giáo dục và phúc lợi xã hội ở Úc. Những giá trị
tìm thấy của bài viết này hỗ trợ quan điểm rằng những tổ chức Phật giáo xem sự
dấn thân vì giáo dục và phúc lợi xã hội của họ không phải là một hiện tượng
mới, mà nó là một sự thực hành tiếp nối con đường Phật giáo.
Nguyên tác: Patricia Sherwood (Phân khoa Nhân loại học xã hội, Đại học Edith Cowan)
Lược dịch: Nguyên Hiệp (NSGN)
Nguồn: "Journal of Buddhist Ethics", Vol. 8, các tr. 61-74)