Lễ Rước Phật tại TP.Huế. Ảnh: Ngô Thuý Hồng
HT.Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch
Thường trực
Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni
T.Ư:
Dù còn nhiều khó khăn và chưa đạt được đỉnh điểm như
tiềm năng nhưng có một điều đáng ghi nhận là sau hơn 25 năm đóng góp vào
các hoạt động Phật sự của Giáo hội, giáo dục Phật giáo đã tạo ra một
thế hệ Tăng Ni có tri thức và biết cách hội nhập. Điều đó thể hiện qua
những sự kiện trong những năm gần đây Tăng Ni trẻ đã đóng góp rất lớn
vào công tác tổ chức và điều phối. Chính họ chứ không ai khác đã trưởng
thành từ môi trường giáo dục Phật giáo. Có thể nói, đến thời điểm này,
nhu cầu học tập và nâng cao tri thức là một nhu cầu bức bách của phần
lớn Tăng Ni trẻ. Đây chính là dấu hiệu của một xã hội học tập.
Tuy nhiên trước tình hình mới và trong nhu cầu phát
triển, chúng ta còn nhiều việc phải làm để thích ứng và xứng đáng với
những gì mà các bậc tiền nhân đã khai mở. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng
cả Giáo hội chúng ta cần vận động và đặt niềm tin vào người trẻ. Phải
mạnh dạn hơn nữa giao việc cho người trẻ vì họ là người luôn có những
thao thức và ý tưởng mới. Lúc đó sự nhập cuộc của Giáo hội chắc chắn sẽ
mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho đạo, cho đời.
TT.Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư:
Trong những năm qua, Giáo hội đã tranh thủ rất nhiều
để quảng bá và giới thiệu mình nhưng chưa đi vào chiều sâu mà chỉ dừng
lại ở bề nổi. Theo tôi, vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay đó là chỉnh đốn
Tăng già và cải cách giáo dục. Hiện nay chương trình giáo dục chúng ta
quá nặng và mất thời gian. Trong tình hình và nhu cầu mới, cần phải điều
chỉnh lại và nâng cao ý thức của mỗi Tăng Ni về trách nhiệm giữ gìn bản
đồ Phật giáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Năm 2010 là năm mà Giáo hội sẽ đăng cai và tổ chức
nhiều sự kiện lớn trong đó có thể kể đến như: Hội nghị Thượng đỉnh Phật
giáo thế giới và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội.
Đối với ngành hoằng pháp mà chúng tôi phụ trách cũng đang gấp rút chuẩn
bị cho Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc về chủ đề "Phật giáo với truyền
thống hộ quốc an dân" diễn ra tại Kiên Giang vào tháng 5-2010. Đây là
những công tác cần sự đầu tư và tập trung vào chất lượng. Chẳng hạn như
ngành hoằng pháp, tôi đã chỉ đạo địa phương đăng cai phải rà soát và xây
dựng chương trình để đại biểu tham dự cùng có dịp đánh giá việc thực
hiện những gì đã bàn, đã hiến kế từ các hội thảo lần trước. Từ đó, cần
tìm ra giải pháp và các hướng đi mới thích hợp chứ không xem đây là dịp
"đến hẹn lại lên". Ngoài ra, chúng tôi cũng hết sức chú ý và tập trung
đến đào tạo hoằng pháp viên, đi về vùng sâu vùng xa và chuyển giao hoạt
động về địa phương.
TT.Thích Quảng Tùng
Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban TTXH T.Ư:
Xã hội hiện đại ngày nay không khỏi có sự cách biệt
giàu và nghèo, có nhiều người nghèo khó có cơ hội để bảo đảm các nhu cầu
tối thiểu của cuộc sống. Vì lẽ đó, chúng tôi thấy cần phải tiếp tục đẩy
mạnh các công tác vận động trong Phật tử, doanh nghiệp cùng chung tay
góp sức với chúng tôi trong công tác giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh
bất hạnh.
Chương trình "Nối vòng tay lớn" vừa qua, chúng
tôi đại diện cho GHPGVN trao cho T.Ư MTTQVN 150 tỷ đồng để cùng với các
ban ngành, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhân dân chung lo cho công
tác vì người nghèo. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời đại mới, công tác từ
thiện cũng cần phải thiết thực hơn và cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để
công tác này được toàn diện. Chúng tôi kiên quyết xóa nghèo, muốn vậy
phải có kế hoạch lâu dài, từng địa phương, từng gia đình cụ thể. Giúp đỡ
người nghèo phải giúp tận gốc, phải xây dựng đường sá, trường học ở
nông thôn, trao cho họ vốn để làm ăn, tức trao "cái cần câu", trao cho
họ niềm tin để họ mạnh dạn xây dựng cuộc sống từ đôi tay và trí tuệ của
chính mình.
Trong năm tới, Ban TTXH T.Ư cũng đã có kế hoạch xây
dựng hai bệnh viện lớn phía Nam và phía Bắc. Trước mắt, chúng tôi dự
tính sẽ vận động thực hiện xây dựng bệnh viện tại TP.HCM trước, bệnh
viện này là nơi an dưỡng và điều trị cho Tăng Ni, Phật tử với quy mô
khoảng 200 giường. Để đáp ứng kịp thời sự năng động của xã hội và nhu
cầu việc làm cho thanh niên cơ nhỡ, chúng tôi cũng đã lên chương trình
hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên nghèo. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ hàng
ngàn học bổng học sinh, sinh viên nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết...
Chúng tôi nghĩ rằng, Phật giáo ngày nay phải chịu trách nhiệm hoằng pháp
và dấn thân, nhập cuộc cùng với xã hội góp tay cùng tạo nên một cuộc
sống an lạc, hạnh phúc và thịnh vượng.
HT.Thích Hải Ấn
Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư:
Năm qua, trên khắp đất nước ta đã diễn ra nhiều hoạt
động văn hóa Phật giáo ý nghĩa, do Giáo hội Trung ương và địa phương tổ
chức, có tác động tích cực đến đời sống văn hóa Phật giáo nói riêng và
góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đất nước.
Với Ban Văn hóa, cuối năm qua đã tổ chức được Tuần
văn hóa Phật giáo và Hội thảo - bồi dưỡng kiến thức và hoạt động văn hóa
Phật giáo toàn quốc tại Nha Trang, ra mắt đặc san Văn Hóa Phật Giáo
Việt Nam số mùa Xuân, ra mắt tác phẩm khí nhạc Đạo thiều và Đạo ca
Phật giáo Việt Nam sử dụng chính thức trong các nghi lễ của Giáo
hội… Những thành quả trên thể hiện chủ trương và kế hoạch của Ban Văn
hóa Trung ương và được Trung ương Giáo hội duyệt đưa vào nghị quyết từ
trước đó.
Trong diễn đàn này, lần đầu tiên đại diện ngành văn
hóa Phật giáo toàn quốc đã có sự gặp gỡ nhau, nói lên những bức xúc
trước thực trạng văn hóa, đặc biệt là vấn đề bảo tồn và phát huy các giá
trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại nhiều tỉnh thành, từ trách nhiệm
thực tiễn của các đại biểu ở các địa phương.
Năm Canh Dần - 2010 là một năm đặc biệt của lịch sử
dân tộc và Phật giáo. Chắc chắn trong năm này, các hoạt động văn hóa sẽ
thực sự sôi động mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị Thượng
đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực
Hội đồng Trị sự, Ban Văn hóa sẽ nỗ lực trong các hoạt động tổ chức, đôn
đốc, hướng dẫn, hỗ trợ… các địa phương, các đơn vị nhằm xây dựng các
hoạt động văn hóa thiết thực, xuất bản các ấn phẩm, góp phần chuyển tải
thông điệp của Đức Phật, tinh thần hòa quyện Đạo pháp - Dân tộc, tôn
vinh các giá trị sống với tinh thần đó đến rộng rãi quần chúng qua các
loại hình đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa. Năm mới Canh Dần - 2010, theo
chúng tôi, sẽ thực sự là năm có nhiều hoạt động văn hóa sinh động, góp
phần làm phong phú các hoạt động Phật sự của Giáo hội, hòa chung không
khí chung của đất nước mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.