Ấn Độ thời kỳ của đức Phật, Phật giáo không được xem
như là quốc giáo. Vì rằng, trước khi đức Phật ra đời, đã có hàng chục tôn giáo
lớn đã hiện diện. Ngay cả thời kỳ vua Asoka, một vị vua Phật tử có tiếng, người
đã kiến tạo rất nhiều chùa tháp, các cột bia đá đánh dấu và ghi lại những nơi
mà đức Phật đã đến, người đã áp dụng Phật pháp để giải quyết công việc quốc
gia, nhà vua cũng không tuyên bố Phật giáo là quốc giáo.
Vì là một đất nước có rất nhiều tôn giáo, chính vì
thế, hoàng gia luôn phải cân nhắc khi bày tỏ ủng hộ hay không ủng hộ một tôn
giáo nào. Tuy nhiên, không phải hầu hết những thời kỳ phật giáo thịnh vượng đều
có sự bảo trợ của hoàng gia. Hầu hết những tinh xá thời đức Phật đều do hàng
trưởng giả hay những gia đình giàu có phát tâm hiến cúng. Việc ủng hộ chư Tăng
trong đời sống hàng ngày phần lớn cũng do hàng phật tử lo liệu. Nhưng với vai
trò là người đứng đầu quốc gia, các vua chúa đã có những việc làm tuy không nói
ra nhưng đều được Phật giáo ghi nhận.
Vua Tần-bà-sa-la là vị vua phật tử đầu tiên của Phật
giáo. Ông sanh sau đức Phật năm năm và băng hà trước đức Phật tám năm, ông
hưởng thọ 67 tuổi. Phụ hoàng của vua Tần-bà-sa-la là bạn thân của phụ vương của
thái tử Tất-đạt-đa. Vì thế, Tần-bà-sa-la và thái tử Tất-đạt-đa đã là bạn thân
và chơi chung với nhau khi còn bé.
Tần-bà-sa-la lên ngôi năm mười lăm tuổi. Vào năm ba
mươi lăm tuổi, đức Phật lúc đó còn tu khổ hạnh, đi ngang qua thành của vua
Tần-bà-sa-la, nhưng đức vua đã quên đi người bạn cũ, dù rằng, nhìn thoáng qua
vua cũng có nhiều ấn tượng đối với tu sĩ khổ hạnh này. Tuy nhiên, sau khi chứng
quả Bồ Đề, đức Phật lần nữa trở lại thành Rajagaha, đến thăm vua Tần-bà-sa-la.
Tại đây, đức Phật đã thuyết pháp cho vua cùng đoàn tùy tùng. Ngày hôm sau, vua
Tần-bà-sa-la đã mời đức Phật cùng chư Tăng thọ trai tại cung điện của mình và
cũng trong dịp này, vua đã dâng cúng vườn Trúc cho Tăng chúng làm nơi trú ngụ.
Và từ đó trở đi, vua Tần-bà-sa-la trở thành người Phật tử trung kiên và tận tụy
đối với đức Phật và chúng Tăng.
Thỉnh thoảng, vua thỉnh ý đức Phật về một số điều luật
mà ông thấy là cần thiết và cấp bách cho sự sinh hoạt của cộng đồng Tăng chúng.
Một số điều luật trong Luật tạng là do ông thỉnh cầu đức Phật ban hành:
1. Những người đang làm công cho hoàng
gia thì không được phép xuất gia.
2. Những người đang bị tội trộm cướp
không được phép xuất gia.
3. Những ai đang bị tù không được phép
xuất gia.
4. Đọc tụng luật vào mỗi nữa tháng cũng
chính là lời đề nghị của vua Tần-bà-sa-la sau khi ông thấy các đạo sĩ của đạo
khác tập trung lại và đọc tụng luật của họ.
5. An cư kiết hạ vào mùa mưa.â
6. Cấm tồn trữ thực phẩm quá bảy ngày.
Vua Tần-bà-sa-la không những tôn kính đức Phật mà đối
với chư vị tỳ kheo ông cũng hết mực kính trọng. Một lần nọ, ông hứa sẽ gởi một
người hầu đến cho trưởng lão Pilindavaccha nhưng lại quên. Phải đến năm trăm
ngày sau ông mới nhớ. Tức thì, ông liền gởi đến năm trăm người hầu để phục dịch
trưởng lão Pilindacacha. Kết quả là một ấp Phật giáo ra đời.
Vua Tần-bà-sa-la có công trong việc khuyến khích hoàng
phi của mình là Kema đến hầu và đảnh lễ đức Phật. Hoàng phi Kema là người rất
đẹp và thông minh vì thế bà hãnh diện với sắc đẹp của mình nên không muốn đi
gặp các đạo sĩ. Thế là vua Tần-bà-sa-la đã phải nhọc nhiều công sức để sắp xếp
cuộc gặp cho hoàng phi đến diện kiến đức Phật. Và khi đến gặp đức Phật, tính
kiêu hãnh về sắc đẹp của mình đã bị đức Phật chế ngự, Ngài đã thuyết pháp cho
bà nghe về vô thường, về sắc đẹp không phải là vĩnh cữu. Sau đó bà đã xin đức
Phật xuất gia và đắc quả A-la-hán.
Vua Tần-bà-sa-la rất đau khổ với con của mình là thái
tử A-xà-thế. Dù vua đã truyền ngôi cho con của mình nhưng A-xà-thế vẫn ám hại
cha mình và bắt nhốt cha trong ngục tối. Không những thế, còn cấm mẹ mình đem
thức ăn vào cho cha. Sau cùng ông ra lệnh giết chết cha của mình.
A-xà-thế, vì thế, mà luôn luôn né tránh đức Phật.
Nhưng sau này, khi đức Phật nhập Niết bàn, ông bắt đầu đến với đạo Phật và là
người bảo trợ cho lần kiết tập kinh điển lần thứ nhất.
Người có công rất lớn nhất đối với Phật giáo không ai
khác hơn chính là hoàng đế Asoka. Người đã để lại rất nhiều chứng tích lịch sử
ghi lại nhưng nơi đức Phật đã ở hoặc đi qua. Chính nhờ việc làm của ông mà ngày
hôm nay chúng ta mới biết được đích xác nơi nào là thánh địa.
Hoàng đế Asoka là cháu trai của vua Candragupta Maurya và là con trai của vua Bindusara. Ông lên ngôi năm 271 trước công
nguyên. Theo lịch sử ghi lại, vua Asoka phải chiến đấu mới dành được ngôi vua.
Bởi, cha ông có tới mười
sáu bà vợ, và 101 người con. Chính vì thế mà một cuộc thanh trừng đẫm máu đã
xảy ra. Để lên ngôi, Asoka phải giết đến 99 người anh em cùng cha khác mẹ này.
Không những như thế, sau khi ông lên ngôi, để chinh phục các nước khác, ông đã
phát động chiến tranh, và đã giết rất nhiều người. Sử sách ghi lại rằng, người
đã đem ánh sáng của Phật pháp và cảm hóa ông thành con người hướng đạo và từ bi
chính là trưởng lão Moggaliputta Tissa. Sau khi trở thành người Phật tử, ông đã
áp dụng Phật pháp để giải quyết những vấn đề của đất nước. Trưởng lão
Moggaliputta Tissa đã hướng dẫn vua Asoka đi chiêm bái cái Thánh tích của Phật
giáo. Sau chuyến đi này, ông đã phát tâm dựng bia đá, cột đá để ghi lại những
nơi này. Trên cái bia, cột đá đó ông còn cho khắc những câu chỉ dụ, những lời
Phật dạy để người dân lấy đó mà noi theo.
Một số chính sách của ông trong việc cai trị đất nước
mang hơi thở từ bi của Phật giáo là:
1. Nhiệm vụ đầu tiên là đối xử, trông nom và bảo vệ
một cách công bằng đối với mọi công dân, mọi tôn giáo cũng như quân đội… kể cả
các loài vật cũng được chăm sóc và bảo hộ. Sự đối xử ấy phải thể hiện bằng lòng
độ lượng, thương yêu, tha thứ, thân thiện. Chính phủ của một đất nước Phật giáo
phải bảo vệ tài sản của người dân như nhà của, đất đai…khỏi thiên tai hay tai
hoạ do con người gây ra. Lập những cơ sở phúc lợi xã hội, nhà dưỡng lão, bệnh
viện…Quan tâm đến các vị khất sĩ tôn giáo hoặc những người hành nghề tôn giáo;
bảo vệ chim muông và thú vật, không đánh bắt.
2. Thứ hai là bảo đảm an ninh trong nước, không để cho
bất cứ cá nhân nào tham gia vào các hành động tội ác gây tổn thương cho người
khác. Tội phạm phải giảm tới mức tối đa. Muốn được như thế, thì nhà nước phải
nâng cao đời sống kinh tế người dân, quan tâm tới xã hội, tâm lý, tạo điều kiện
để mọi công dân đều được hưởng giáo dục.
3. Nhà nước phải đảm bảo người dân không bị thất
nghiệp, tích trử của cải để đem lại sự phồn vinh cho đất nước.
4. Nhà nước nên sử dụng các nền tảng này cho chính
sách quản lý đất nước của mình cũng như luôn tham vấn với những người có kinh
nghiệm và tri thức.
Ngoài ra, còn một việc khác quan trọng không kém mà
ông đã đóng góp cho Phật giáo chính là đứng ra tổ chức cuộc kiết tập kinh điển
lần thứ ba vào năm thứ 14 sau khi lên ngôi. Kỳ kiết tập này được tổ chức tại
thành Pataliputta và đã diễn ra trong chín tháng. Lần kiết tập kinh điển này
rất quan trọng bởi lúc đó trong Tăng già đã có sự rạn nứt, nhiều dị giáo đã ra
đời trong lòng giáo pháp. Trong lần kiết tập này, đã có 62 quan điểm dị giáo
của 17 tổ chức ly khai bị
tẩn xuất khỏi Tăng già. Lịch sử ghi lại rằng, nếu không có sự ủng hộ tuyệt đối
và người có quyền lực như hoàng đế Asoka thì không ai có thể làm được điều này.
Thời kỳ này, chính nhờ sự ủng hộ về mặt vật chất của hoàng gia đối với Tăng
chúng đã khiến cho những người của tôn giáo khác trà trộn vào chỉ nhằm để hưởng
thụ. Tuy gia nhập vào Tăng già nhưng họ vẫn tuyên truyền giáo lý của họ. Vì
thế, đã gây ra sự hỗn loạn về mặt tín ngưỡng cũng như hỗn loạn trong việc tổ
chức Tăng già. Chính vì thế, các bậc Thánh tăng đã phải nhờ đức vua đứng ra tổ
chức cuộc kiết tập lần này, và cũng chính vua Asoka ra lệnh tẩn xuất những ai
không biết gì về giáo pháp đức Phật. Vua Asoka đã đem lại sự trong sạch cho
giáo hội.
Một điều quan trọng không kém nữa là sau khi kết thúc
lần kiết tập thứ ba này, vua Asoka đã gởi nhiều phái đoàn đi khắp nơi để truyền
bá chánh pháp như: Afghanistan
, Pakistan , Iran , Srilanka ,
Burma , Syria …
Trong lịch sử phát triển của Phật giáo Ấn Độ, việc các
vua chúa, hay các thành viên hoàng gia ủng hộ đã góp phần vào công cuộc truyền
bá chánh pháp của đức Phật. Không nghi ngờ gì về việc ủng hộ này với việc phát
triển của một tôn giáo. Tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền đối với một tôn
giáo luôn được lãnh đạo các tôn giáo quan tâm. Có được sự ủng hộ đó thì tôn
giáo sẽ phát triển sâu rộng trong dân chúng dù là thời xưa hay thời nay đều như
thế. Trong thời đại phát triển này, Phật giáo cũng có không ít thuận lợi để tự
phát triển mình khi luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền. Vì thế,
hoàng gia hay chính quyền có vai trò lớn trong việc phát triển tôn giáo.
Sách tham khảo:
1. Xã hội học Phật giáo; bản dịch Thích
Huệ Pháp, tp Hồ Chí Minh, 2010
2. A tex
t book of the history of Theravada Buddhism, del hi , 1995