Giáo hội PGVN: 31 năm trong lòng dân tộc
13/11/2012 22:56 (GMT+7)

“Sau 31 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo VN đã nối tiếp truyền thống của các bậc cao tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, lịch sử dân tộc, thời nào cũng có những vị sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời "hộ quốc an dân".

Đây là đánh giá của ông Bùi Hữu Dược -Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ - về đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Thống nhất tổ chức- thông điệp “vàng” của Phật giáo Việt Nam

Nhìn lại lịch sử, qua nhiều thăng trầm thịnh suy của dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn khẳng định tinh thần “hộ quốc an dân”, “đồng hành cùng dân tộc”.

Ông Bùi Hữu Dược cho biết, “Sau chiến tranh chống Mỹ, đất nước thống nhất về mặt địa lý nhưng trong con người Việt Nam một số người vẫn có sự ly tán bởi sau chiến tranh chưa dễ gì một lúc đã có thể giải quyết vấn đề tư tưởng, tình cảm. Đất nước sau chiến tranh dù có thống nhất nhưng trong con người ít nhiều còn trong tư tưởng: phía này, phía khác, thậm chí, có người trong nước, có người ra nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, việc Phật giáo Việt Nam thống nhất 9 hệ phái Phật giáo vào năm 1981 thành một tổ chức chung mang tên Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa vô cùng lớn, đó là thể hiện quyết tâm thống nhất về tư tưởng, thống nhất về hành động trong tổ chức Phật giáo.”

Ngày 7/11/1981 trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam. Ảnh: btgcp.gov.vn

Trong tâm thư gửi Chủ tịch nước, Hòa thượng Thích Trí Thủ vị Chủ tịch Hội đồng trị sự đầu tiên của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ: “Giáo hội Phật giáo VN được thành lập, thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam theo cùng một ý chí, một hiến chương và chương trình hành động, trong cùng cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, nhằm mục đích chung là duy trì chánh pháp, đề cao chánh tín, góp phần tích cực cùng toàn dân xây dựng CNXH, đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình cho dân tộc và cho nhân loại…”.

Giáo hội Phật giáo VN đã trở thành tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam, tổ chức xuyên suốt từ Trung ương đến tỉnh hội, huyện hội, đơn vị rồi đến các Tăng ni, Phật tử.

Theo ông Bùi Hữu Dược, “Tổ chức Phật giáo là một tổ chức tôn giáo nhưng có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn vì người Việt Nam vốn tuyệt đại đa số dân số theo Phật giáo. Khi Phật giáo thống nhất một tiếng nói, cả xã hội theo Phật giáo sẽ thống nhất một tiếng nói. Khi Phật giáo thống nhất một tình cảm, cả xã hội theo Phật giáo sẽ thống nhất một tình cảm. Khi Phật giáo không còn chia rẽ, không còn phân ly, thì cả xã hội theo Phật giáo cũng giảm đi sự chia rẽ, phân ly. Ý nghĩa thống nhất Phật giáo có giá trị cao ở chỗ đó.”.


Lễ rước khai mạc đại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chiếu rọi ánh sáng Phật pháp

Qua 6 nhiệm kỳ hoạt động, Giáo hội Phật giáo VN cùng các Tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang thực hiện mọi hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại.

Nhiệm kỳ I, Giáo hội có 28 Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội, 6 Ban, viện trực thuộc Hội đồng trị sự Trung ương. Đến nhiệm kỳ VI, Giáo hội Phật giáo đã hình thành 3 cấp hành chánh Giáo hội, với 58 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 97 thành viên HĐCM, 147 thành viên HĐ Trị sự chính thức và 48 thành viên dự khuyết.

Năm 2012, cả nước có 14.778 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; gần 46.500 tăng ni; 4 Học viện Phật giáo ở Hà Nội, Huế, TP.HCM và Cần Thơ, 8 lớp cao đẳng Phật học, 30 trường trung cấp Phật học…

Đặc biệt, Giáo hội đã công nhận 6 chi Hội Phật tử Việt Nam tại các nước Châu Âu gồm Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan và Ucraina.

Trong nhiệm kỳ VI, Giáo hội Phật giáo VN đã trùng tu 3 ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa và tổ chức an vị tượng Phật, để bà con ngư dân trên quần đảo Trường Sa thực hiện các nghi lễ tâm linh truyền thống; Giáo hội cũng đã tổ chức đoàn tăng ni tham quan quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Được biết, trong thời gian tới, Giáo hội Phật giáo VN tiếp tục tăng cường, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi, hướng dẫn nhân dân hướng tấm lòng thiện tâm theo chánh Pháp và truyền thống văn hóa dân tộc.


Lễ dâng hương cúng dường tại Tam bảo

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo VN, năm 2011, Đảng và Nhà nước đã quyết định trao tặng Huân Chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 cho tập thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều cá nhân các vị chư Tôn đức, Cư sỹ, Phật tử có nhiều cống hiến qua thực hiện các Phật sự sự ích Đạo lợi Đời đã được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của chính quyền các cấp.

Đó là những minh chứng ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo hội PGVN, của giới Tăng Ni, Cư sỹ, Phật tử đối với đất nước và dân tộc.

Trong thời gian này, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang tiến hành tổ chức Đại hội Đại biểu các cấp địa phương, tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vào 21-24/11/2012.

Theo Diệu An - VNN

Các tin đã đăng: