"Tượng táng": Hình thức mai táng đặc biệt ở Việt Nam - Bài cuối: Bí mật "Tượng táng" ở chùa Tiêu Sơn
27/05/2011 06:39 (GMT+7)

>>> Bài 1: Hai pho “tượng táng” ở chùa Đậu

>>> Bài 2:  Tu bổ hai pho “tượng táng” ở chùa Đậu

Nhà chùa mời tu bổ tượng

Tương truyền Ngài (Thiền sư Vạn Hanh) có công nuôi dạy và đưa Lý Công Uẩn lên làm vua và trở thành Quốc sư. Nhục thân của thiền sư Như Trí được đặt trong

tháp của vườn chùa. Trên tháp có viên gạch, bên trái có dòng chữ Hán, tạm dịch: “Ngày lành mùa xuân (1/4), niên hiệu Bảo Thái thứ tư triều Lê xây mộ tháp” (đời vua Lê Dụ Tông, năm 1723). Bên phải là dòng chữ Hán nói rõ: nhục thân trong tháp là Ma ha Đại Tỳ kheo Như Trí.

Sau khi BTLSVN cùng PGS- TS Nguyễn Lân Cường và các cộng sự tu bổ, bảo quản thành công tượng hai vị thiền sư chùa Đậu, Đại đức Thích Kiến Nguyệt, đại diện Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đến gặp Ban dự án và đưa chúng tôi xem ảnh tượng thiền sư Như Trí rồi nhờ giúp đỡ.

Theo Ni sư Thích nữ Đàm Chính, hơn 60 năm ở chùa này, nhưng mãi năm1971, một sự tình cờ, khi bắc thang trèo lên cắt rễ cây, cành lá trên tháp, thấy viên gạch màu đỏ, trên có ghi tên và năm tịch của người trong tháp. Nhìn qua khe nứt của tháp, Ni sư thấy nhục thân ngồi ở bên trong. Nhưng để đảm bảo an toàn, Ni sư bịt kín khe nứt lại và giữ kín chuyện.

Mãi đến năm 1996, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt đến thăm chùa, Ni sư Đàm Chính, chủ trì chùa nhờ Thiền viện giúp đỡ. Trong môi trường không thông thoáng và ẩm ướt, vì vậy “tượng táng” của Thiền sư Như Trí bị hư hỏng rất nặng. Hai tay tượng Thiền sư bị hỏng mất quá khuyủ, dưới mắt trái bị thủng một lỗ, chân và nhiều vị trí khác bị mục, mủn. Lớp sơn trên thân tượng bị bong, dộp toàn bộ .

Nhóm dự án bắt tay vào khảo sát, nghiên cứu và xây dựng các phương án, giải pháp kỹ thuật tu sửa, bảo quản. Nhờ kinh nghiệm bảo quản tượng thiền sư chùa Đậu, nên dự án được xây dựng rất nhanh và được nhà chùa chấp thuận.

Phục hồi nguyên vẹn tượng cổ

Ngày 5/3/2004, nhà chùa cùng chính quyền địa phương sở tại, đại diện Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và bà con phật tử làm lễ đưa nhục thân Thiền sư ra khỏi tháp. Ngày 11/ 3, nhà chùa làm lễ khởi công tu bổ tượng. Công việc được triển khai nhanh, gọn nhờ kinh phí tu bổ bảo quản tượng Thiền sư được Thiền viện Trúc Lâm ở Đà


Lạt đầu tư cùng với sự đóng góp của một số bà con phật tử. Mặt khác, vì tượng bị hư hỏng quá nặng nên triển khai càng nhanh càng giảm thiểu sự hư hỏng. BTLSVN đã được nhà chùa và Thiền viện nhờ tư vấn và giám sát chất lượng kỹ thuật bảo quản, tu bổ với tinh thần công đức.

Do tượng Thiền sư bị hư hỏng nặng, nên nhóm dự án và tư vấn cùng nhau trao đổi, thống nhất với nhà chùa xử lý, phục hồi các vị trí bị mất sát với thực tế. Trong quá trình tu bổ, có những phát hiện mới ở tượng Thiền sư Như Trí. Đó là có một tấm đồng ở ngực rộng 22cm và tấm ở lưng dài 65cm, rộng 15cm. Trên đầu và cổ cũng được cuốn những dải băng bằng đồng có nhiều kích thước khác nhau. Sau khi bó vải và bồi lớp thứ nhất, người ta đặt các tấm đồng rồi tiếp tục hom, bó, lót, thí theo quy trình sơn mài cổ truyền.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu và suy đoán là thiền sư viên tịch lâu ngày, di hài không còn cứng vững nên trước khi hom, bó, sơn thếp thành tượng phải gia cố thêm. Có lẽ nhờ vậy, tượng Thiền sư tư thế vươn thẳng, như đang ngồi thiền vậy. Sau hơn bốn tháng làm việc, một pho “tượng táng” nữa được phục hồi, trả lại giá trị ban đầu. Chúng tôi hòa chung niềm vui cùng bà con phật tử và nhân dân trong vùng trong ngày khánh thành tu bổ, bảo quản tượng tại chùa Tiêu Sơn. 

Chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn là những di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia. Những pho “tượng táng”  đang được lưu giữ tại đây là di sản văn hóa Phật giáo độc đáo của Việt Nam và thế giới. Mỗi năm, nhất là mùa lễ hội dịp đầu xuân, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đã đến viếng chùa và tham quan những pho tượng táng độc đáo này.

Theo Nguyễn Mạnh Hà, T.P KTBQ Bảo tàng Lịch sử VN, Bộ VHTT&D/Đất Việt

Các tin đã đăng: