Hội nhập Phật giáo thế giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
25/12/2011 00:10 (GMT+7)


Với Phật giáo, từ những năm đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang nước ta, trở thành một trong những nơi để Phật giáo truyền đi các nước phía Bắc. Rồi sau đó chịu ảnh hưởng ngược lại của Phật giáo từ Trung quốc truyền sang. Đồng thời trong lịch sử cận đại chịu ảnh hưởng của Phật giáo các nước lân cận, chủ yếu là Campuchia.


Đoàn Bộ Lễ nghi Tôn giáo Campuchia thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

Trên thế giới, Phật giáo là một tôn giáo lớn, có đặc điểm rất dễ hòa nhập, tự thân Phật giáo giữa các dân tộc đã có những giao lưu, quan hệ đối ngoại trong quá trình đấu tranh phát triển.

Đối với Việt Nam, trong quá trình bảo vệ và phát triển, trước nhiều thế lực ngoại xâm, Phật giáo với tư cách là một tôn giáo nhập thế, “vị chúng sinh thành tựu Phật pháp”, có lúc được xem là quốc giáo, đã đóng góp không nhỏ trong quan hệ đối ngoại và các chính sách quốc gia, nhằm mục đích đoàn kết, hòa bình, hữu nghị hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế. 


Đoàn Liên minh Phật giáo Lào thăm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Phật giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hoạt động ngoại giao của nước ta. Ví dụ như HT.Thích Minh Châu (hiện là Phó Pháp chủ GHPGVN), Thiền sư Thái Thuận một trí thức Phật giáo tích cực trong hoạt động công tác xã hội, nghiên cứu Phật học và phiên dịch kinh sách. Ông tham gia hoạt động ngoại giao nhân dân trong Tổ chức ABCP (Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình), có uy tín lớn trong công tác đối ngoại nhân dân.

Phật giáo Việt Nam luôn luôn thực hiện lời dạy của Đức Phật: “Vì lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Phật tử cùng với đồng bào cả nước tích cực tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều vị đã được thế giới biết đến tiêu biểu như HT.Thích Tố Liên, HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Thế Long, HT.Thích Quảng Đức HT.Thích Bửu Chơn, Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên…

Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981 tại thủ đô Hà Nội đến nay, Phật giáo cả nước tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đoàn kết với Phật giáo các nước trong khu vực ASEAN và thế giới ngày càng mở rộng.

Hiện nay, nước ta đang trên đường hội nhập toàn diện với cộng đồng thế giới, thế giới ngày càng biết nhiều đến Việt Nam hơn, với một quốc gia độc lập, dân chủ, đa phương hóa các mối quan hệ, đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong đó, Phật giáo Việt Nam mà đại diện là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cũng không ngừng phát triển về mọi mặt.


Bộ Tôn giáo Myanmar thăm và làm việc với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội 

Sự hội nhập Phật giáo thế giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như hợp tác, liên kết thân hữu với các nước Phật giáo Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Triều Tiên, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu, ... Các chức sắc lãnh đạo và Ban Phật giáo Quốc tế cũng đã đón tiếp và làm việc với hàng trăm phái đoàn Phật giáo đến thăm hữu nghị Việt Nam và Giáo hội tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác Giáo hội đã tổ chức đi thăm hữu nghị một số nước Phật giáo trong vùng Đông Nam Á và châu Âu, cũng như thực hiện các cuộc hội thảo chuyên đề về văn hóa, đạo đức, giáo dục Phật giáo… đạt được kết quả tốt đẹp 


Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thăm Bộ Tôn giáo Myanmar

Việt Nam đã tham gia và chủ trì nhiều hội nghị thế giới, khu vực; một số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong đó có Phật giáo đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về tôn giáo quốc tế lớn để lại dấu ân đậm nét trong lòng bạn bè thế giới. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham dự 66 cuộc hội nghị quốc tế tại Mông Cổ, Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Italia, Canada, Sri Lanka, Hà Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…. Với các chủ đề về văn hóa, đạo đức, giáo dục Phật giáo, môi trường, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân….

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự 6 lần Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại Thái Lan, 2 Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại New York. 


Phái đoàn Phật giáo Việt Nam dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại New York 

Tiếp đón hàng trăm phái đoàn Phật giáo quốc tế, các tổ chức Phật giáo quốc tế, phái đoàn đại sứ quán các nước, tiếp đón phái đoàn Bộ trưởng Bộ Lễ nghi Tôn giáo Chính phủ Hoàng gia Campuchia, phái đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, phái đoàn Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới (Nhật Bản), Vua sãi Tép Vong, phái đoàn Hội quán Đạo đức Phật giáo Nhật Bản, phái đoàn Pakistan, phái đoàn Phật giáo Ấn Độ (Kim Cang thừa), phái đoàn Phật giáo Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, phái đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo toàn cầu Hoa Kỳ, phái đoàn Nữ giới Hội Sakyadhita… đến thăm viếng và trao đổi thông tin với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Văn phòng Trung ương Giáo hội ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và tại trụ sở Văn phòng Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Khánh Hòa... 


Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh long trọng tiếp đón
Ngài Vua sãi Venerable Visuddha (Miến Điện)

 

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tiếp đoàn
Bộ Lễ nghi Tôn giáo Vương quốc Campuchia

  

Bộ Lễ nghi Tôn giáo Vương quốc Campuchia thăm chùa Trấn Quốc, Hà Nội 

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) tổ chức thành công tốt đẹp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 tại Việt Nam từ ngày 14 đến 16-5-2008 với sự tham dự của 4.000 đại biểu quốc tế và trong nước từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là lễ hội tôn giáo lớn có uy tín với thế giới; hội nhập, đối ngoại tôn giáo đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực xấu, bày tỏ tình đoàn kết quốc tế với bạn bè thế giới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam...

Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo - chùa Phổ Quang, TP.Hồ Chí Minh từ ngày 28-12-2009 đến ngày 3-1-2010. 


Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI được tổ chức tại Việt Nam 

Tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam thăm hữu nghị Phật giáo các nước Campuchia, Lào, Ấn Độ và Myanmar.

Tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thăm viếng, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức lễ Cầu an đầu năm, Lễ Thượng ngươn, Lễ Phật đản, Vu lan tại các trung tâm văn hóa Phật giáo ở châu Âu cho Hội Phật tử Việt Nam yêu đạo Phật tại Cộng hòa Séc, Ukraina, Liên bang Nga, Hungary, Ba Lan, Đức.

 

Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoằng pháp tại Séc 

Hiện nay, Ban Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang chuẩn bị nội dung tham dự Hội nghị thành lập Tổ chức Liên minh Phật giáo thế giới tại Ấn Độ vào cuối tháng 11-2011 tới, cũng như kỷ niệm 2.600 năm Phật thành Đạo tại Ấn Độ (Bồ đề Đạo tràng) và Sri Lanka.

Để giới thiệu về các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các đoàn Phật giáo cũng như các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế đã biên soạn “Tóm tắt cơ cấu hành chính và các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” bằng tiếng Anh.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, quan hệ đối ngoại của Phật giáo Việt Nam thể hiện cụ thể trong việc trao đổi đoàn các chức sắc, tín đồ ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo, tham gia các hội nghị quốc tế tôn giáo thế giới và khu vực.


   Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản tại Thái Lan

Với gần 2.000 năm lịch sử, Phật giáo Việt nam luôn phát huy tinh thần yêu chuộng hòa bình, kêu gọi mọi người, mọi quốc gia, dân tộc đang chung sống, luôn giữ tâm bình an, triệt để dấn thân vì cuộc sống khai sáng và giải thoát con người. Phật giáo Việt Nam luôn tham gia hội nhập quốc tế, thực hiện đối ngoại gián tiếp hoặc trực tiếp dựa trên lý tưởng của tôn giáo mình.

Nhìn chung công tác Phật giáo giao lưu quốc tế trong thời gian qua tương đối đều đặn, tăng cường số lượng và chất lượng, đạt những thành quả rất khả quan. Với nhận thức đúng đắn, tư duy hành động thiết thực trong tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị với các nước Phật giáo bạn, công tác Phật giáo quốc tế đã từng bước vượt qua các khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được Giáo hội giao phó. Đây chính là những thành tịu tốt đẹp đáng được ghi nhận, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và thế giới. 

Điểm đáng chú ý, sự hợp tác quốc tế về việc hoằng dương Chính pháp, nghiên cứu thẩm thấu giáo lý Đức Phật khế hợp với thời đại phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay của Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với thời đại mở cửa giao lưu văn hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Việt Nam đã tăng cường và đẩy mạnh nhiều hoạt động giao lưu với các tổ chức tôn giáo ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động tôn giáo đã góp phần làm cho bạn bè thế giới và chức sắc tôn giáo đồng đạo khác trên thế giới hiểu rõ hơn về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là cơ sở bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực bên ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam.

Kiều Nga (Báo Điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ)

Các tin đã đăng: