Sau chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938, Việt Nam đã chặt được cái
"xích" trước kia vẫn "xiềng" mình thành một châu, một quận của đại đế
quốc Trung Quốc. Từ đây các triều đại Ngô, Đinh, Lê (Tiền Lê)... luôn
đặt mối quan hệ bang giao với Trung Quốc lên vị trí đặc biệt quan trọng
để làm sao vẫn bảo vệ nền tự chủ của mình trước nguy cơ xâm lược thường
trực của các triều đại phong kiến Trung Quốc, mặt khác vẫn giữ được mối
quan hệ ngoại giao hòa hiếu với họ với tư cách là một nước độc lập.
Trong bối cảnh chưa có cơ quan chuyên trách về ngoại giao như bây giờ
thì các hoạt động bang giao của triều đình phong kiến nước ta đều dựa
vào những vị quan tài giỏi, những nhà văn hóa tinh thông địa lý, lịch
sử, văn học, có tài năng mẫn tiệp, ứng đối nhanh trí, thông minh. Trong
buổi đầu độc lập, họ trước hết là các tri thức Phật giáo - những trí thức đầu tiên của dân tộc,
đóng vai trò quan trọng đối với nền chính trị quốc gia. Tăng thống Ngô
Chân Lưu hiệu Khuông Việt đại sư và thiền sư Đỗ Pháp Thuận là hai trong
số những trí thức yêu nước tiêu biểu ấy. Các ông không chỉ được biết đến
như những nhà thiền sư tinh thông địa lý, lịch sử, văn hóa mà còn được
biết đến như những nhà chính trị, ngoại giao tài đức, trí dũng song toàn
- những người đã thành công trong việc tiếp nối truyền thống ngoại giao
của cha ông và nâng nó lên một tầm cao mới trong bối cảnh lịch sử đầy
thử thách.
1. Bối cảnh lịch sử tác động đến đường lối, phong cách ngoại giao của các bậc thiền sư
Điều rất đặc biệt ở các bậc thiền sư lúc bấy giờ là mặc dầu ngay từ
thủa nhỏ đã xuất gia, theo đạo học với các vị sư nổi tiếng như Khuông
Việt được thiền sư Vân Phong chùa Khai Quốc thu nhận làm đệ tử hay Đỗ
Pháp Thuận được theo học với thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thụ[1],
nhưng các ông không chỉ được tiếp nhận kiến thúc Phật giáo mà còn được
hấp thụ cả kho kiến thức Nho học từ bậc thầy của mình. Bởi vậy mà các vị
thiền sư này không chỉ am hiểu Nho học, tinh thông chữ Hán mà còn được hiểu rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chí Thiền học.
Chính điều này sẽ góp phần làm nên một sự kết hợp rất đặc biệt giữa cái
thâm thúy của một nhà nho trác việt và sự ung dung, tĩnh tại của một
nhà sư trong phong cách Khuông Việt Đại sư lẫn vị thiền sư họ Đỗ.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Khuông Việt Đại sư sinh năm 933 và mất năm 1011[2], còn thiền sư Đỗ Pháp Thuận sinh năm 914 và mất năm 990 [3].
Căn cứ theo đó, các vị thiền sư này sinh ra khi đất nước ta còn chìm
trong ách nô lệ của phong kiến phương Bắc. Và rồi chính các ông lại được
chứng kiến công cuộc củng cố, xây dựng, phát triển đất nước dưới các
triều Ngô, Đinh, Tiền Lê trong buổi đầu kỷ nguyên độc lập. Sống trong
khoảng thời gian ấy, lịch sử dân tộc với biết bao biến cố, thăng trầm,
bao khó khăn, thử thách đã hun đúc trong các ông đường hướng, phong cách
ngoại giao của riêng mình.
Bấy giờ, sau khi giành độc lập, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền
Lê,...bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục, củng cố nền độc lập, đồng
thời ra sức xây dựng, phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới ấy,
nhu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tránh chiến tranh,
xung đột giữa hai nước, đảm bảo môi trường hòa bình, on định để củng cố độc lập, xây dựng đất nước là vô cùng cần thiết
mà bất cứ triều đại nào cũng dày công xây đắp. Trong khi đó, về phía
Trung Quốc, để duy trì địa vị thống trị của mình, để trấn áp sự đối
kháng liên hồi từ phía nhân dân trong nước và sự chống đối của các nước
Kim, Liêu, Hạ ở phía Bắc, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã liên
tiếp dùng vũ lực để trấn áp các dân tộc xung quoanh, trong đó có Việt
Nam ta. Vì thế ngay trong buổi đầu độc lập, chúng ta thấy quan hệ 2 nước
nhiều lúc bị gián đoạn. Nhưng Việt Nam ta, với sức mạnh chính trị và vũ
trang của mình, cộng với hoàn cảnh khách quan do sự suy yếu bên trong
của kẻ thù đã bao lần bẻ gãy được “răng con cá lớn” Trung Quốc và đuổi
nó đi. Khi nó đi rồi thì chúng ta lại cư xử mềm mỏng, mềm mỏng nhưng
ngoan cường, không yếu hèn để buộc các triều đại phong kiến Trung Quốc
phải tôn trọng mình.
Thực hiện đường lối, nguyên tắc ngoại giao ấy là nhiệm vụ cực kỳ khó
khăn đè nặng lên vai các triều đại phong kiến nước ta trong vai trò là
người đứng đầu một nước nhỏ luôn phải đối phó với âm mưu bành trướng của
nước lớn muốn thôn tính, sát nhập nước ta thành quận huyện của chúng.
Thực tế cho thấy, lúc bấy giờ trong quan hệ bang giao, ngoài những việc
về lễ nghi như triều cống theo lệ, xin phong vương, báo tang, chúc mừng
Thiên tử lên ngội, các nhà ngoại giao thời phong kiến chủ yếu có nhiệm
vụ điều đình về việc các biên thần của Thiên triều lấn chiếm đất đai
vùng biên giới nước ta, hạch sách nước ta đủ điều hoặc giải quyết hậu
quả của chiến tranh giữa hai nước, những việc lớn liên quan đến an nguy
của đất nước. Trong bối cảnh buổi đầu độc lập, ai sẽ là những người được
triều đình phong kiến giao phó đảm đương sự nghiệp ngoại giao đầy thử
thách ấy? Trong khi chưa có các cơ quan ngoại giao chuyên trách như bây
giờ, các triều Ngô - Đinh - Tiền Lê cũng như các triều đại phong kiến về
sau đều phải dựa vào những trí thức trong và ngoài triều - những người
có trình độ văn hóa cao để làm sao đại diện cho một quốc gia có văn hiến
như nước ta mà giao thiệp với Thiên triều Trung Hoa - một đại đế quốc
phong kiến ở ngay sát cạnh mình. Liệu những trí thức yêu nước có văn hóa
ấy là ai khi mà trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc trước đó, người Hán
luôn chủ trương hạn chế tối đa đào tạo trí thức người Việt? Chính trong
hoàn cảnh ấy, Phật giáo ở nước ta với tư cách là quốc giáo đã phát
huy mạnh mẽ vai trò của nó trong việc đào tạo ra một tầng lớp trí thức
Việt đầu tiên - những trí thức Phật giáo cực kỳ tinh thông địa lý, lịch
sử, văn hóa và rất am hiểu Nho học. Chính sự nô dịch hà khắc của
chính quyền đô hộ trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc trước đó và chính
nhu cầu bức thiết phải khẳng định tính tự chủ của quốc gia mình sau khi
giành độc lập đã gián tiếp hun đúc ở các vị thiền sư nước ta bấy giờ một
ý thức dân tộc mạnh mẽ.
Thêm vào đó, tinh thần nhập thế tích cực, lấy con người làm đối
tượng để phụng sự nhân sinh vốn có của Phật giáo càng thôi thúc họ phải
nhập thế để hành động, giúp nước, giúp dân. Từ đây, họ không chỉ
cống hiến tài năng của mình xây đắp nền văn hóa dân tộc mà còn luôn sát
cánh cùng đất nước trong mọi hoạt động đối nội cũng như đối ngoại. Nếu
như dưới thời Lý - Trần, chúng ta phải kể đến đóng góp của nhà sư Vạn
Hạnh, Mãn Giác, Viễn Thông, Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải, Pháp Loa,
Huyền Quang trong các hoạt động chính tri - xã hội - văn hóa của đất
nước thì trong buổi đầu độc lập ở thế kỷ X, đặc biệt dưới triều Đinh -
Tiền Lê, chúng ta phải kể đến Khuông Việt đại sư và thiền sư Đỗ Pháp
Thuận, những người đã có công rất lớn trong nhiều hoạt động đối nội, đối
ngoại của dân tộc, đã góp phần xây đắp nên một nền ngoại giao độc lập
của một quốc gia dân tộc độc lập trong bối cảnh lịch sử mới đầy thử
thách.
2. Đóng góp của Ngô Chân Lưu và Đỗ Pháp Thuận cho nền ngoại giao Việt Nam buổi đầu kỷ nguyên độc lập
Trong buổi đầu độc lập, khi mà Phật giáo được coi là quốc giáo, khi
mà các nhà sư có học vấn đều được các vị vua nước ta trọng dụng thì Ngô
Chân Lưu rồi Đỗ Pháp Thuận đã xuất hiện và bằng tài năng, sự thông tuệ
khác thường của mình đã chinh phục trái tim, khối óc của những vị vua
đứng đầu đất nước. Năm 40 tuổi, tài năng mẫn tiệp của Ngô Chân Lưu đã
vang dội đến triều đình. Khâm phục trước tài ứng đối rành mạch, giảng
luận tinh tường, vua Đinh liền phong cho ông giữ chức Tăng Thống. Hai
năm sau đấy (971), vua Đinh tiếp tục ban phong cho Ngô Chân Lưu tước
Khuông Việt[4] đại sư, giữ lại tu hành ở kinh đô để tiện hỏi
han, bàn bạc việc nước. Còn thiền sư họ Đỗ tuy từ chối không nắm giữ
chức vụ gì trong triều đình song ông luôn được vua Lê Đại Hành nể trọng
và được xem như cố vấn đắc lực cho công cuộc trị nước, an dân của mình.
Từ đây, các vị thiền sư không chỉ chăm lo việc tu hành, giảng đạo mà còn
nhập thế, coi việc nước, việc dân cũng là việc đạo. Chính trong hoàn
cảnh ấy, nhân cách của một nhà ngoại giao trí dũng song toàn trong các
ông có dịp bộc lộ rõ nét.
Đối với quốc sư Khuông Việt cũng như thiền sư Đỗ Pháp Thuận, muốn
khẳng định được tính độc lập, thế mạnh của đất nước mình trong quan hệ
bang giao với nước ngoài thì trước hết thế nước phải on định và phải khẳng định được sức sống riêng, giá trị văn hóa riêng của dân tộc mình.
Muốn cho thế nước ổn định, hơn ai hết các bậc thiền sư thời bấy giờ
hiểu rằng phải thu phục lòng dân. Chính vì nhận thức như vậy nên qua các
đời vua Đinh - Tiền Lê, quốc sư Khuông Việt luôn trăn trở làm sao giúp
vua vạch ra đường lối trị nước cốt nhằm ổn định nhân tâm. Chắc hẳn người
đời không thể nào quên được những lời căn dặn chí tình của ông đối với
vua Đinh rằng: ‘Hoàng thượng nay đã làm vua nên vâng theo lời Phật tổ
dạy: thứ nhất phải như mặt trời soi sáng khắp thế gian; thứ hai phải như
mặt đất nuôi dưỡng muôn loài; thứ ba phải như cái cầu không quản khó
nhọc đem lưng ra tế độ mọi người; thứ tư phải như cái cân không vì họ
hàng thân thích mà n ghiêng lệch, không vì kẻ yêu, người ghét mà nặng,
nhẹ; thứ năm phải như người mẹ hiền, ruột thắt gan mòn nuôi nấng con dân
.”[5]. Tư tưởng an dân ấy một lần nữa lại được thiền sư Đỗ
Pháp Thuận khảng khái trả lời khi vua Lê Đại Hành hỏi về kế sách của bề
tôi để giữ nước vào năm 982.
“Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh ”
Dịch:
Vận nước như dây quấn
Trời Nam hưởng thái bình
Vô vi nơi điện các,
Chốn chốn dứt đao binh[6]
Bài thơ nêu cao tư tưởng hòa bình, thương dân, thể hiện một tầm nhìn
mang tính chiến lược. Với thiền sư họ Đỗ cũng như Khuông Việt đại sư,
muốn giữ nước trước hiểm họa xâm lăng luôn thường trực thì phải luôn đặt
dân lên trên hết và có hòa bình thì mới an dân, đất nước mới thịnh
vương. Tư tưởng hòa bình, hòa hiếu ấy là tư tưởng xuyên suốt trong đường hướng ngoại giao của các ông và tư tưởng ấy góp phần tạo dựng cho các ông một phong cách ngoại giao rất riêng mang đậm dấu ấn của một bậc thiền sư.
Lúc bấy giờ, nhà Tống sau khi dùng biện pháp đe dọa ngoại giao[7]
bằng tối hậu thư không thành, tháng 4 năm 981, đã phái quân theo 3
đường tiến vào xâm lược nước ta. Nhưng trên cả 3 đường hành quân, giặc
đều bị quân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Lê Hoàn đánh cho bại trận.
Và đúng như dự đoán của Khuông Việt đại sư, sau thất bại thảm hại này,
quân Tống buộc phải thông hiếu với triều Lê. Thực tế trong thời gian từ
năm 982 đến 985, sứ thần hai nước, ta và Tống thường qua lại với nhau.
Đặc biệt, đến cuối năm 986, vua Tống cho 2 quan văn là Lý Nhược Chuyết
và Lý Giác sang ta để nhận tù binh và mang sắc vua Tống phong Lê Hoàn
chức ‘Tiết độ sứ”[8]. Rõ ràng là hơn ai hết, Khuông Việt đại
sư hiểu rằng, nhà Tống cũng như các triều đại phong kiến phương Bắc
khác, chỉ công nhận quan hệ bang giao với nước ta khi không thể nào phủ
nhận được sự thất bại của chúng về mặt quân sự. Và ông cũng nhân thức
sâu sắc rằng, để khẳng định được tính độc lập, tự chủ, sự ngang hàng của
mình trong quan hệ ngoại giao với một đế quốc phong kiến khổng lồ như
Trung Hoa, trước hết chúng ta phải tỏ rõ và khẳng định cho họ thấy dân
tộc ta là một dân tộc có văn hiến lâu đời với những con người có học
thức, đầy tài năng, không thua kém gì đất nước và con người Trung Hoa.
Có như thế Thiên triều Trung Hoa mới từ bỏ thái độ hống hách, coi thường
nước ta như là một nước Man Di. Bởi vậy, năm Đinh Hợi (987), khi được
tin nhà Tống cử sứ giả sang ta, ngay lập tức Khuông Việt đại sư đã bày
tỏ dứt khoát với vua Lê rằng: ‘Hai lần trước sứ Tống sang thấy triều
quan thưa thớt, trong bụng họ không khỏi khinh thường nước Việt thiếu
văn tài. Vậy, lần này phải tỏ cho họ biết trong nước mình không hiếm
người có học thức và người nước mình khác người nước họ ở chỗ không phải
ai cũng học chỉ để ra làm quan”[9]. Rồi sau đó chính ông đã tiến cử sư
Đỗ Thuận làm giang lệnh[10] chở đò đón sứ giả phương Bắc với
lập luận rằng: “Thầy tăng họ Đỗ thông nho học, tính lại hay nói thơ, nói
văn, có thể làm cho sứ Tống giật mình kinh sợ mà bỏ thói kiêu ngạo”[11].
Và thực tiễn lịch sử đã minh chứng hùng hồn cho con mắt tinh tường, sự
nhạy cảm tuyệt vời về ngoại giao của Khuông Việt đại sư. Quả nhiên, Đỗ
Pháp Thuận đã không phụ sự ủy thác này.
Lúc này đây, sứ giả mà nhà Tống cử sang là Lý Giác - một Quốc tử giám bác sĩ[12]
nổi tiếng học vấn uyên thâm, văn hay chữ tốt. Đoàn đón sứ của ta bố trí
cho Lý Giác đi trên chiếc thuyền có nhà sư Đỗ Thuận mang danh chủ
thuyền, cùng một vài quan lại của ta tham dự vào việc nghênh đón Lý Giác
trên suốt dọc đường đi. Chuyện kể rằng: có một buổi Đỗ Thuận cầm chèo
đưa thuyền đi, sứ Tống đứng ở mạn thuyền, ngắm cảnh trời mây, sông nước,
nhìn thấy hai con ngỗng bơi lội tung tăng dưới sông liền ngâm hai câu
thơ:
“Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên gia.”
Dịch:
Ngỗng ngỗng, hai một đôi
Vươn cổ ngước chân trời.
Lái đò Đỗ Thuận ngay lập tức gieo vần họa lại:
“Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.”
Dịch:
Nước xanh ngời lông trắng
Sóng biếc chèo hồng bơi.[13]
Bốn câu thơ hợp lại thành một bài thơ hay:
“Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên gia
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.”
Dịch:
Ngỗng ngỗng, hai một đôi
Vươn co ngước chân trời
Nước xanh ngời lông trắng
Sóng biếc chèo hồng bơi.
Sứ thần Lý giác phải tỏ rõ sự khâm phục và rất đỗi ngạc nhiên của
mình. Khâm phục bởi sự thông minh, uyên bác của Đỗ Thuận vì Lý Giác ngâm
hai câu thơ có sẵn trong một bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ nổi tiếng
thời Đường là Lạc Tân Vương và thay đổi một vài chữ cho phù hợp với cảnh
vật lúc ấy, vậy mà Đỗ Thuận cũng ngâm tiếp hai câu thơ chính là hai câu
cuối trong bài thơ của Lạc Tân Vương và cũng thay đổi vài chữ cho thích
hợp với hoàn cảnh. Lý Giác cũng rất đỗi ngạc nhiên bởi Đỗ Thuận chỉ là
một người lái đò bình thường thôi mà lại tinh thông Nho học và có tài
ứng đối vô cùng mẫn tiệp. Qua tài trí của người lái đò, chắc hẳn Lý Giác
cũng thầm khâm phục trình độ văn hiến và tài năng của nhân dân ta. Vậy
là nhiệm vụ ngoại giao của vua Lê nhằm “tỏ rõ cho họ biết trong nước
mình không hiếm người có học thức và người nước mình khác người nước họ ở
chỗ không phải ai cũng học chỉ để làm quan” đã đạt được.
Thán phục tài năng của người lái đò thi sĩ, khi đặt chân đến Hoa Lư,
Lý Giác đã làm một bài thơ gửi tặng, bày tỏ tấc lòng ngưỡng mộ đối với
người lái đò xứ Giao Châu và cũng là sự kính nể dành cho vua Việt.
“Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hư
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa trì thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu”[14]
Rõ ràng, thiền sư Pháp Thuận bằng tài năng mẫn tiệp và thái độ ứng xử
mềm dẻo, thông minh của mình đã gieo vào lòng vị sứ giả vốn nổi tiếng
tài cao học rộng như Lý Giác sự mến phục vô cùng. Từ lòng mến phục dành
cho những con người như Pháp Thuận, Lý Giác đã nâng lên thành lòng tôn
quý dành cho nước Việt. “Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến - Nam Việt thiên trùng vọng vị hư”
nghĩa là hai lần từ biệt Đông Đô đi sứ, tấm lòng lưu luyến Nam Việt
nghìn dặm xa xôi vẫn mong muốn được trở lại. Ở đây, Lý Giác đã đem chữ
Nam Việt đối với chữ Đông Đô tiêu biểu cho nước Tống, có khác nào là
công nhận Nam Việt cũng là một nước như Trung Quốc. Hay nhất là hai câu
kết bài thơ: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu - Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu
” nghĩa là ngoài trời lại có trời nữa nên chiếu xa, bởi khe đầm lặng
sóng thấy hiện vầng trăng thu. Như vậy là theo Lý Giác, ngoài hoàng đế
Trung Hoa, còn có hoàng đế Nam Việt và hai nước sống với nhau hòa hiếu
trong cảnh thanh bình. Qủa là một trường hợp thật hiếm có. Các sứ thần
phương Bắc sang Việt Nam, thường cậy mình là người thay mặt Thiên tử,
Thiên triều nên vốn rất ngạo nghễ, hống hách. Vậy mà ở đây sứ Tống đã
phải thốt lên những vần thơ bằng tất cả sự kính nể của mình dành cho con
người và đất nước Việt. Đây quả là một thắng lợi ngoại giao to lớn mà
triều Tiền Lê đạt được trong quan hệ bang giao với Trung Hoa lúc bấy
giờ.
Không chỉ mềm dẻo trong việc đón tiếp sứ thần nhà Tống mà khi có
dịp, các vị thiền sư của nước ta cũng tỏ rõ thái độ kiên quyết, đầy dứt
khoát của mình trong việc khẳng định tính độc lập bền vững của dân tộc. Câu chuyện sau đây là một minh chứng rõ nét cho điều đó.
‘Một lần, khi đón tiếp sứ thần Lý Giác ở vườn chùa Quốc sư, Lý giác
thấy có mộ con hươu đang bứt lá. Dù thấy người nhưng vì đã quen nên hươu
không chạy. Lý Giác khen ngợi:
Nhà chùa thật từ bi, đến hươu nai cũng tự nhiên như chỗ rừng rậm núi cao của chúng.
Khuông Việt không nói gì, từ từ tiến lại gần con vật rồi bất thình
lình vung gậy thiên trượng vụt tới tấp. Con vật hoảng sợ kêu rống lên và
co cẳng chạy trốn.
Khuông Việt nhìn Lý Giác, cười hỏi:
Ông chánh sư thấy lão tăng có ác không? Vậy đó! Cái lũ chúng là chúa
tham lam. Vì thương nó nên lão tăng mới đánh nó, để nó chừa cái thói
xông bừa vào vườn nhà người ta đi! Nếu không, đến khi nó mò vào vườn nhà
người khác thì họ không đánh đuổi nó đâu, mà sẽ bắt nó để lột da xẻ
thịt! Có phải không ông chánh sư?”[15].
Là một người nổi tiếng thông minh, học rộng tài cao như Lý Giác, ắt
hẳn hiểu được những điều đại sư Khuông Việt muốn nói đằng sau câu chuyện
của chú hươu kia. Tại sao chú hươu đã quen ăn lá chùa lâu rồi mà nay
Khuông Việt đại sư lại đánh đuổi nó ngay trước mặt chánh sứ Trung Hoa.
Phải chăng ông muốn mượn chuyện đánh đuổi hươu để răn đe, cảnh cáo triều
Tống. Nếu thiên triều Trung Hoa có ý đánh xâm chiếm đất đai, bờ cõi của
nước Việt, nước Việt ta sẽ kiên quyết đánh trả để bảo vệ nền độc lập.
Chắc rằng Lý Giác cũng chưa thể nào quên được thất bại nặng nề mà triều
Tống phải nếm trải ở Đại Việt cách đấy 5 năm. Dư âm nặng nề của thất bại
ấy luôn đè nặng trong lòng Lý Giác mỗi khi lĩnh mệnh đi sứ sang nước
Việt ta và lời răn đe thâm thúy của đại sư Khuông Việt lần này sẽ lại
khắc sâu thêm nỗi ám ảnh khôn nguôi ấy. Lời nhắc nhở, răn đe đầy kiên
quyết mà thật thâm thúy, nhẹ nhàng. Nhắc nhở Lý Giác - một sứ thần do
Thiên triều cử sang chính là sự cảnh cáo, răn đe gián tiếp đối với âm
mưu xâm lược thường trực của Thiên triều Trung Hoa đương thời.
Đứng trước thực trạng biên cương đất nước thường xuyên bị de dọa và
nhà Tống luôn mượn tiếng cử sứ thần sang sách phong cho ta nhưng thực ra
là để dò xét tình hình chính sự trong nước ta và ra sức sách nhiễu, đòi
cống biếu các vật phẩm quý hiếm, quốc sư Khuông Việt đã thay mặt vua Lê
mượn lời văn nhẹ nhàng, thâm thúy trong bài từ diệu tiễn biệt Lý Giác “Tống Vương Lang qui” để bày tỏ rõ ràng sự bất đồng của mình.
“Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang
Cửu Thiên quy lộ trường
Tình thảm thiết, đối ly thương
Phan luyến sư tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng ”
Dịch:
Trời quang gió thuận, buồm gấm căng
Xa trông thần tiên trở về trời
Muôn trùng non nước lênh đênh trên song biếc
Đường về chin tầng trời còn dài
Tình cảm thiết cất chén chia tay
Lòng quyến luyến sứ thần không nỡ.
Xin đem thâm ý vì biên cương
Tâu rõ ràng lên đức hoàng đế.[16]
Tiễn biệt sứ Tống mà bài hát lại được soạn theo điệu hát đang thịnh
hành ngay trong triều đại của sứ giả nhà Tống khiến Lý Giác càng kính nể
tài năng và thành ý của vị đại sư Khuông Việt cũng như của cả triều
đình nhà Lê lúc bấy giờ. Điều đáng nói là đằng sau lời tiễn biệt thiết
tha ấy là thâm ý sâu xa mà nước ta muốn nhắn gửi đến Thiên triều Trung
Hoa. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam nghìn trùng sông núi cách trở, mỗi
lần sứ thần qua lại thật muôn phần vất vả. Chi bằng có việc gì hệ trọng
cứ giao thư cho viên quan ở đầu biên giới nhận chuyển về triều. Rõ ràng
thông qua từ khúc tặng tiễn Lý Giác, đại sư đã gián tiếp bày tỏ ý muốn
bãi bỏ lệ sứ giả mang chiếu thư hay chế sách của Thiên triều sang đất
Việt, với bao lễ nghi đón rước, tiễn đưa phiền toái. Kết quả là: từ đó,
chỉ trừ trường hợp đặc biệt, nhà Tống mới sai sứ sang tận kinh đô Hoa
Lư. Nước Đại Cồ Việt dưới thời Lê Hoàn theo đó mà đã giảm bớt được nạn sứ giả sách nhiễu.
Cho đến năm Đinh Dậu (997), Tống Nhân Tông lên ngôi đã ra lệnh bãi bỏ
hẳn việc cử sứ sang Nam Việt, chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh.
Như vậy là bằng tài năng mẫn tiệp và phong cách mềm mỏng, khéo léo,
thiền sư Đỗ Pháp Thuận và quốc sư Khuông Việt đã hoàn thành nhiệm vụ
ngoại giao một cách viên mãn, một mặt giữ gìn được quốc thể, không làm
nhục mệnh vua, mặt khác buộc đối phương phải tôn trọng, kính nể mình.
Đúng như Phan Huy Chú đã nhận xét: “Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ thần nhà
Tống, tình ý và thơ văn rất chu đáo. Thơ văn và khúc hát hay cũng đủ
khoe có nhân tài, mà quốc thể được thêm tôn trọng, làm cho người Bắc
phải khuất phục”[17]. Cũng chính tự đây, một mô thức mới trong việc tiếp đón sứ thần Trung Quốc ra đời.
Đó là “Mỗi khi sứ Trung Quốc về nước đều có đưa thơ tiễn tống để khoa
trương văn hóa”[18] tăng thêm sự tôn trọng quốc thể, đồng thời qua đó mà
khuất phục được sứ thần phương Bắc.
Rõ ràng, mỗi thắng lợi, mỗi bước tiến của triều Đinh - Tiền Lê trong
mối quan hệ bang giao với phong kiến Trung Hoa đều thấp thoáng bóng dáng
của các tri thức Phật giáo tinh thông địa lý, lịch sử, văn hóa, có tài
năng mẫn tiệp và khả năng ứng đối tuyệt vời. Chúng ta tìm thấy ở các bậc
thiền sư đáng kính ấy không chỉ Tài - Đức quyện hòa mà còn Trí - Dũng
vẹn toàn. Trí ở chỗ tinh thông Nho học, hiểu biết tường tận địa lý, lịch
sử, chính trị, văn hóa của đối phương cũng như của nước mình. Dũng ở
chỗ dám đề xuất những nhận định, suy nghĩ chủ quan có lợi cho dân, cho
nước và dám gánh vác, đảm đương những trọng trách ngoại giao nặng nề mà
không phút đắn đo .Thiết nghĩ đó cũng chính là những phẩm chất, trí tuệ
cần có của mỗi bậc Thiền sư mà nền giáo dục Phật giáo ngày nay phải
hướng tới để Phật giáo thật sự đi vào cuộc sống, gắn liền với công cuộc
đối nội, đối ngoại của quốc gia.
ThS. NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH
Khoa Việt Nam học - Đại học Sư phạm Hà Nội
[1] Theo Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích). Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1990, tr.40,42.
[2] Theo Thiền Uyển Tập Anh, sđd, tr.42.
[3] Theo Thiền Uyển Tập Anh, sđd, tr.40
[4] Hai chữ Khuông Việt có nghĩa là giúp đỡ, sửa sang, khuông - phù nước Việt
[5] Xem: Hoàng Tuấn Phổ, Văn Lang, Nguyễn Anh. Truyện danh nhân Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 1983, tr.89.
[6] Xem: Nhiều tác giả. Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.204.
[7] Hay còn gọi là biện pháp “Phật giao” tức dùng ngoại
giao để đe dọa, nạt nộ, lừa gạt người để bắt người phải hàng phục, phải
cống nạp, phải chịu sự thống trị của mình. “Phạt giao” thành công thì
khỏi phải vũ trang xâm lược.
[8] Trên thực tế, Lê Hoàn vẫn là hoàng đế của một nước độc lập, không phải tiết độ sứ của một địa phương nào của Tống.
[9] Xem: Truyện danh nhân Thanh Hóa, Sđd, tr.98.
[10] Giang lệnh: tức người trông coi một khúc sông
[11] Xem: Truyện danh nhân Thanh Hóa, Sđd, tr.98.
[12] Quốc tử giám bác sĩ: tương tự giáo sư đại học bây giờ.
[13] Xem: Thiền Uyển Tập Anh, Sđd, tr. 180-181.
[14] Xem: Truyện danh nhân Thanh Hóa, Sđd, tr. 103.
[15] Xem: Truyện danh nhân Thanh Hóa, Sđd, tr.102.
[16] Xem: Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr. 178.
[17] Xem: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr.178.
[18] Xem: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 178.