Khởi nguyên Phật giáo Việt Nam
04/02/2010 11:50 (GMT+7)

Sử gia Lê Mạnh Thát trong bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam gọi thời khởi nguyên là thời kỳ Phật Giáo Quyền Năng kéo dài từ thời Hùng Vương thứ 17 (với người Phật tử đầu tiên là Chử Đồng Tử) tới năm 544 khi Lý Bôn xưng đế sau khi khởi nghĩa thành công  và dựng chùa Khai Quốc trên nền chùa cũ Liên Trì ở Long Biên. Như đã trình bày trong bài “Giòng Chảy Phật Giáo Việt Nam”, chúng tôi đề nghị thời kỳ khởi nguyên bắt đầu từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta (cuối thời đại Hùng Vương) cho tới khi chấm dứt chính quyền Trưng Vương năm 43.

Biến cố năm 43 có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương là nỗ lực cuối cùng của giới lãnh đạo Lạc hầu, Lạc tướng dành lại độc lập cho đất nước Văn Lang. Cho nên thời đại Hùng Vương chỉ thực sự chấm dứt sau khi Trưng Vương thất trận và trầm mình xuống sông Hát.

Cuộc khởi nghĩa Trưng Vương đồng khởi trên một vùng rộng lớn từ Thanh Hoá tới 5 tỉnh phía Nam Trung Quốc (rộng gấp đôi lãnh thổ nước ta hiện nay) và thành công trong một thời gian ngắn, cho thấy yếu tố dân tộc phải là động lực chính. Theo Lê Mạnh Thát (Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1 tr. 159): sau biến cố này, Phật giáo nước ta bắt đầu dứt khoát bản địa hoá giáo lý, bản địa hoá tư tưởng để thích nghi với truyền thống văn hoá thời Hùng Vương, bằng cách gởi gấm một số yếu tố dân tộc vào kinh điển Phật giáo nhằm chống lại nỗ lực đồng hoá của nhà Hán từ phương Bắc (chẳng hạn qua bản dịch Lục Độ Tập Kinh và Cựu Tạp Thí Dụ Kinh). Chính nhờ những nỗ lực này được tiếp tục nuôi dưỡng mà Phật giáo nước ta đã tạo được những thành tựu lớn trong suốt thời Bắc thuộc lần thứ  nhất (sẽ được giới thiệu ở cuối bài).

Khi Phật giáo du nhập vào thủ phủ Luy Lâu dân tộc ta đang xây dựng nền tảng văn hoá. Vì vậy, trước khi tìm hiểu những đặc điểm của thời kỳ khởi nguyên Phật giáo Việt Nam, chúng ta cũng nên tìm hiểu thời khởi nguyên của dân tộc. Do đó, những chủ đề sau đây sẽ được tìm hiểu:

* Thời đại Hùng Vương, khởi nguyên của xã hội Việt tộc.

* Ảnh hưởng Ấn Độ trong thời kỳ khởi nguyên của Phật giáo nước ta.

* Chử Đồng Tử không phải là người Phật tử đầu tiên.

* Phật giáo nước ta thời Hai Bà Trưng.

 

1-     THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG, KHỞI NGUYÊN CỦA XÃ HỘI VIỆT TỘC

 

Theo truyền thuyết, thời đại Hùng Vương có niên đại từ năm 2879 TTL tới năm 258 TTL. 18 đời vua kéo dài hơn 26 thế kỷ là sự kiện khiến giới sử học nước nhà đặt dấu hỏi nghi ngờ. Có lẽ chỉ có Lê Mạnh Thát là sử gia bênh vực cho sự hợp lý của niên đại này. Ông lập luận (sđd tr. 24): mỗi đời Hùng Vương thực ra gồm nhiều vị vua nối tiếp nhau mang cùng tên hiệu, nên trung bình một đời vua Hùng kéo dài tới 130 năm là điều có thể chấp nhận được. Ông cũng cho rằng thời đại Hùng Vương kéo dài đến triều đại Trưng Vương.

Tuy nhiên, giới sử học nước ta ngay từ cuối đời nhà Trần (tác phẩm Đại Việt Sử Lược, khuyết danh, khoảng 1377-1388) đã ghi: đời Trang Vương nhà Chu bên Tầu (696-682 TTL) có người lạ dùng ảo thuật quy phục các bộ lạc, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, truyền được 18 đời. Trong nửa thế kỷ qua, các sử gia không chỉ bàn cãi về sự không hợp lý của niên đại Hồng Bàng theo truyền thuyết mà còn đưa ra những giả thuyết về một niên đại mới.

Phạm Văn Sơn viết năm 1960 (Việt Sử Toàn Thư, tr.46): họ Hồng Bàng bắt đầu từ thế kỷ 9 TTL khi một nhà quý tộc họ Mị thống nhất một số thị tộc Việt lên làm vua, bắt chước các vua Sở lấy chữ Hùng làm hiệu.  Theo ông, mười tám đời Hùng Vương bắt đầu từ Kinh Dương Vương.

Theo  Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Thời Hùng Vương Qua Truyền Thuyết và Huyền Thoại), năm 1992 Hội Đồng Khoa Học Lịch Sử Việt Nam ở Hà Nội đã gởi kiến nghị lên Quốc Hội đề nghị sửa lại cụm từ “trải qua 4000 năm lịch sử”. Một chủ nhiệm khoa Sử đã viết rõ hơn về đề nghị này: giới hạn đầu cho thời đại dựng nước của Việt Nam là khoảng 2500-2700 năm trước, phù hợp với ghi chép của sách Việt Sử Lược (dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, Một Thoáng Nhìn Về Sử Học Quốc Nội, tạp chí Văn Học, số 219, California 7.2004).

Bùi Thiết (Đối Thoại Sử Học, nxb Thanh Niên, Hà Nội 2000) phụ hoạ quan niệm trên, cho rằng một đời vua Hùng trung bình khoảng 30 năm, nên thời Hùng Vương kéo dài khoảng 5 thế kỷ, nghĩa là bắt đầu từ thế kỷ 7 TTL.

Trong bài Nhìn Lại Sử Việt đăng trên mục Quê Mẹ trang web www.hoasentrang.de, tác giả Yên Sơn cho rằng huyền thoại Rồng Tiên khởi thủy của họ Hồng Bàng do Việt Vương Câu Tiễn (496-465 TTL) ra lệnh cho hai cận thần là Phạm Lãi và Văn Chủng viết sau khi vua Ngô Phù Sai tự sát và việc phục quốc của nước Việt thành công.

Theo Trần Gia Phụng, trong bài Vài Ý Nghĩa Về Truyền Thuyết Hùng Vương (trang web www.thuvientieulun.org tháng 5.2003), triều đại Hồng Bàng được sử gia Ngô Sĩ Liên đưa vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là do lệnh của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Các bộ sử viết trước ĐVSKTT không có kỷ Hồng Bàng.

Một số tài liệu sau đây giúp chúng ta thêm ý niệm về sự hiện diện của triều đại Hùng Vương:

A- Theo Lê Mạnh Thát (sđd tr. 23), hiện nay có 3 bản ngọc phả về thời đại Hùng Vương. Bản thứ hai chép tay vào thời Khải Định (1916-1925) hiện tàng trữ tại đền Hùng huyện Vĩnh Phú tỉnh Phú Thọ, có ghi là được chép lại từ một bản thuộc đời vua Lê Đại Hành (niên hiệu Thiên Phúc 980-988).

B- Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Thọ (trang web www.laodong.com.vn ngày 9.5.2004) cả nước có 1065 di tích liên quan tới các vua Hùng, nhiều nhất tại Hà Tây (365), Phú Thọ (312), Hà Nội (135), Hưng Yên (61), Vĩnh Phú (52) và Hải Dương (40).

C- Họ Ma thuộc bộ tộc người Tày ở Việt Trì còn lưu giữ được gia phả và thần phả dòng họ từ thời Hùng Vương. Ông tổ Ma Khê được vua Hùng phong làm Lương Tướng. Đình làng Văn Khúc thờ Ma Khê, có sắc phong Phụ Quốc Đại Thần Đại Tướng Quân Ma Khê. Đời hiện nay của dòng họ này là cụ Ma Văn Thực, bố của ca sĩ Ma thị Bích Việt (a).

D- Tại quần thể Thiên Tổ Miếu ( thôn Hương Lan xã Trưng Vương, Việt Trì) có Thiên Cổ Miếu thờ vị thầy giáo Vũ Thê Lang đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương). Bố ông thuộc gia đình có học, vì cảnh nhà sa sút đã tìm tới kinh đô Phong Châu mở lớp dạy học. Ông Vũ Thê Lang kế tục công việc của bố ông (b).

E- Văn bia thần tích đền Lý Nam Đế (làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nam) soạn vào đời Lê, ghi Lý Nam Đế chọn ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (10.4.542) làm ngày khởi nghĩa (c).

Có thể nói rằng triều đại Hùng Vương là chính quyền đầu tiên của xã hội Việt tộc. Một số phát hiện khảo cổ gần đây giúp chúng ta tìm hiểu thêm về xã hội thời khai nguyên đó.

Phát hiện mới nhất (nhật báo Nhân Dân, Hà Nội 23.9.2004) là hai bộ hài cốt có niên đại cách nay khoảng 3700 năm thuộc nền văn hoá Phùng Nguyên, khai quật vào tháng 12.2002 tại xóm Rền (xã Gia Thạnh huyện Phù Ninh, Phú Thọ), hiện được trưng bày tại Nhà Bảo Tàng tỉnh Phú Thọ. Kết quả khảo nghiệm sơ khởi: người Việt cổ ăn trầu và cà răng.

Qua nhiều đợt khảo cổ khác tính tới tháng 11.2003 với những mảnh gốm thô, rìu và bàn đá mài cùng các mảnh vòng bằng đá Nephrite xanh tím đặc biệt của thời kỳ Phùng Nguyên trên lớp đất canh tác dày khoảng 20 cm, các nhà khảo cổ cho rằng trong thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên (cách nay 3500 – 4000 năm) đã có cư dân ở khu vực Cổ Loa (huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội).

Theo báo cáo của PTS Trịnh Sinh (nhật báo Lao Động, Hà Nội 5.11.2002), các cuộc khai quật tại làng cổ Đông Lâm (xã Đông Lâm huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) vào tháng 10.2002 đã tìm thấy một nền nhà 3.5 x 4 m đắp đất nện chặt, giữa có bếp lửa với những mảnh gốm vỡ, đất nung và tro than. Các cổ vật tìm thấy còn có: 7 mũi tên bằng đồng các loại, mũi lao bằng xương, những viên đạn nhỏ như viên bi bằng gốm (thổi đi bằng ống đồng), những nồi nấu bằng gốm có hoa văn hình song nước, 3 mảnh nồi rót đồng để đổ vào khuôn bằng gốm, 1 mảnh khuôn đúc đồng bằng sa thạnh và nhiều mảnh đồng vụn, 2 chiếc dọi để se chỉ bằng gốm, một số kim khâu bằng đồng và 2 chiếc khuy áo bằng đá ngọc hình tròn có lỗ xuyên qua, 8 chiếc khuyên tai và vòng đeo tay chế tạo tinh xảo theo cách khoan-mài-đánh bóng, 1 chiếc qua (chiếc rìu lưỡi sắc có mũi giáo nhọn ở đầu gắn vào cán dài. Di chỉ này có niên đại cách nay khoảng 3400 năm. Trước đây quanh làng cổ Đông Lâm người ta đã tìm được trống đồng (tháng 1.1975 cách 1km tại xã Bắc Lý, tháng 2.1998 cách 5 km tại xã Mai Trung).

Các phát hiện trên cho thấy từ thế kỷ 15 TTL hoặc trước đó, xã hội Việt cổ không còn ở nhà sàn, đã biết dệt vải và trình độ đồ đồng đã tinh xảo để có thể chế tạo được những chiếc kim và vũ khí sắc nhọn. Chắc chắn đó phải là một xã hội nông nghiệp đã có tổ chức, có chính quyền và có luật lệ để ổn định trật tự trong việc phân công sinh hoạt. Theo Trần Gia Phụng, nền văn minh Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ) khoảng 3000 năm TTL giữa thời kỳ đồ đá và đồ đồng là căn bản của nước Văn Lang và thời đại Hùng Vương (Đại Cương Văn Minh Việt nam, tiết 2: Đại Cương Về Lịch Sử Việt Nam, trang web Viện Việt Học www.viethoc.org).

Với những chứng liệu trên, phải chăng quan niệm Hùng Vương, chính quyền đầu tiên của Việt tộc, chỉ bắt đầu từ thế kỷ 7 TTL có thể coi như một giả thuyết vội vàng vì với tốc độ đô thị hoá và khai thác du lịch khá nhanh ở miền Bắc nước ta, nhiều vùng đất đai sẽ được đào xới, tạo cơ hội cho ngành khảo cổ học có thêm những cuộc khai quật mới hứa hẹn nhiều khám phá mới.

Nói tóm lại, với triều đại Hồng Bàng là chính quyền đầu tiên ổn định một thời gian dài trong nhiều thế kỷ, xã hội Việt tộc gồm nhiều bộ tộc kết hợp lại với nhau đã có một nền văn hoá rõ rệt. Nhìn vào lịch sử truyền bá đạo Phật ở ngoài Ấn Độ, chúng ta nhận thấy Phật giáo trước nhất làm quen với tầng lớp trí thức bản địa. Nghĩa là đạo Phật chỉ có đủ thuận duyên nếu du nhập vào một xã hội có nền tảng văn hoá đang được xây dựng và phát triển. Nghĩa là một xã hội tạo nên môi trường tinh thần trong đó người dân bắt đầu có những thắc mắc về sinh tử, về giải pháp tâm linh cho những hệ lụy trong đời sống mà tín ngưỡng thần linh không cung cấp được những giải đáp thỏa đáng. Chính môi trường tinh thần đó đã tạo nên bước đầu thuận lợi khuyến khích những tu sĩ Phật giáo Ấn Độ khi tới thủ phủ Luy Lâu của nước Văn Lang truyền bá Phật pháp.

Sự kiện này cần được lưu ý đặc biệt khi đề cập đến công lao của các thái thú Tích Quang (năm 2) và Nhâm Diên (năm 29). Không thể nói họ đã có công khai hoá dạy dân ta lễ nghĩa, và canh tác. Có chăng hai thái thú này đã củng cố chính quyền thực dân một cách khôn khéo bằng cách chỉ dạy dân ta những cách sinh hoạt phù hợp với lối sống của người Hán lưu dân qua lánh nạn Vương Mãng (năm 8-23) để có thể trở thành hữu ích hơn trong việc phục dịch lao động. 

 

2- ẢNH HƯỞNG ẤN ĐỘ TRONG THỜI KỲ KHỞI NGUYÊN CỦA PHẬT GIÁO NƯỚC TA 

 Nền văn hoá Trung Quốc chỉ bắt đầu tạo được ảnh hưởng trên đất Giao Chỉ khi tổ tiên chúng ta rơi vào ách đô hộ của nhà Hán. Trước đó, ảnh hưởng của Ấn Độ đã định hình rõ rệt trên đất nước ta. Các sử gia Phật giáo như Lê Mạnh Thát (Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1) và Nguyễn Lang, một bút hiệu của Nhất Hạnh (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1), đều cho rằng vào thời Hùng Vương tổ tiên ta dùng lịch pháp Ấn Độ. Lê Mạnh Thát căn cứ  vào 10 truyện trong Lục Độ Tập Kinh cho rằng theo lịch pháp này một năm có 360 ngày chia thành 4 mùa gồm 12 tháng, tháng có 30 ngày (sđd tr. 63-4). Ông còn trích dẫn một báo cáo của Lưu An (chết năm 122 TTL) ghi lại trong Tiền Hán Thư, theo đó từ thời Tam Đại (gồm nhà Hạ 2140 TTL – 1711 TTL, nhà Thương hay nhà Ân 1711 TTL – 1066 TTL và nhà Chu 1066 TTL – 256 TTL) tổ tiên ta đã không chịu dùng lịch pháp Trung Quốc (sđd tr. 66) (d).

 Theo Lâm Như Tạng (e), ngay từ trước Tây lịch (TTL) người Ấn có thể đến Giao Chỉ bằng đường bộ lẫn đường biển. Nếu dùng đường bộ, họ có thể từ Nam Ấn vượt biển qua bán đảo Mã Lai rồi tới Thái Lan, Kampuchia và vào nước ta. Hoặc phát xuất từ Trung Ấn theo sông Kanburi xuống châu thổ sông Menam tới sông Cửu Long vào đất Lào, xâm nhập Thanh Hóa, Nghệ An để tới thủ phủ Luy Lâu của nước ta. Trên cả hai tuyến đường này, các nhà khảo cổ đã tìm được các cổ vật Ấn Độ và di tích Phật giáo. Chẳng hạn tượng Phật tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam) là một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất thuộc trường phái Amaravati Ấn Độ, có thể từ trước Tây lịch.

 Dẫn theo R. Sewel (Roman Coins found in India, 1904), Lâm Như Tạng cho rằng thương gia Ấn Độ tìm đến các nước Đông Á và Giao Chỉ để mua vàng bạc, ngọc thạch, tiêu, quế và gỗ trầm hương. Nhất là vàng, vì Ấn Độ tiêu thụ nhiều vàng. Trước đây họ mua vàng từ Siberia. Các đợt di dân quy mô ở Trung Á vào thế kỷ 2 TTL gây trở ngại cho lộ trình mua vàng này. Sau đó người Ấn mua vàng từ La Mã, nhưng chẳng được bao lâu La Mã không bán vàng nữa. Vào giai đoạn này, người Ấn tin tưởng Phật Nhiên Đăng Quang hộ trì nếu họ chí thành niệm danh hiệu ngài. Vì vậy thương gia Ấn khi  hải hành thường đem theo các tượng Phật và Bồ tát. Có khi họ mời vài vị tăng sĩ Phật giáo cùng đi với họ. Nếu họ tới Luy Lâu, hoặc họ phải chờ tới mùa gió năm sau mới cho thuyền trở về được, hoặc họ ở lại định cư làm ăn như trường hợp bố mẹ thiền sư Khương Tăng Hội. Có thể từ những tăng sĩ Phật giáo và những thương gia Phật tử tích cực người Ấn nói trên, Phật giáo đã du nhập vào Luy Lâu. Nhà sử học người Nhật Kamata (Trung Quốc Phật Giáo Thông Sử, Tokyo 1981, dẫn theo Lâm Như Tạng, bài dẫn trên) cho rằng Phật giáo truyền từ Luy Lâu sang Trung Quốc, từ Trung Quốc truyền qua Triều Tiên rồi từ đây qua Nhật Bản). Thích Mật Thể (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, tr. 69) dẫn theo hai nhà Đông Phương học Sylvain Levi và Pellot cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ giao thương với nhau từ năm 145 TTL qua cửa ngõ đất Văn Lang (tên nước ta thời Hùng Vương) làm trung gian. HT Thích Đức Nhuận (Đạo Phật và Dòng Sử Việt) cũng cho rằng vào thế kỷ 3 TTL có phong trào di dân rộng lớn tại Ấn từ xứ Kalinga ở phía Tây sang phía Đông và xuống phía Nam, có thể đưa một số tăng sĩ Phật giáo Ấn tới nước ta truyền đạo.

 

 3- CHỬ ĐỒNG TỬ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI PHẬT TỬ ĐẦU TIÊN     

 Những dẫn chứng trên đưa tới giả thuyết: các tăng sĩ Ấn Độ có thể đã tới cảng Luy Lâu nước ta truyền bá Phật pháp từ trước Tây Lịch. Từ đó một giả thuyết đã được đặt ra: phải chăng Chử Đồng Tử là người Phật tử Việt đầu tiên?

 Giả thuyết trên dựa vào tác phẩm Lĩnh Nam Trích Quái (truyện Nhất Dạ Trạch) của Trần Thế Pháp, một danh sĩ đời Trần, được Kiều Phú và Vũ Quỳnh hiệu đính khoảng 1490-1493. Theo đó, Chử Đồng Tử dẫn thuyền buôn vào núi Quỳnh Viên, Mẫu Sơn (hay núi Mẹ ở Đồ Sơn) lấy nước ngọt, gặp nhà sư Phật Quang người Thiên Trúc tuổi hơn 40 (còn gọi là sư Bần) tại một hang núi. Họ Chử được sư truyền pháp, lại trao cho gậy và nón.

Giả thuyết này được sư Phúc Điền (sống khoảng thế kỷ 19) ghi lại trong sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục. Lê Mạnh Thát là người nhiệt thành nhất trong việc khai triển và bảo vệ giả thuyết này (f). Có một số điểm cần được nêu lên và giải đáp trước khi chấp nhận vai trò của Chử Đồng Tử như là người Phật tử đầu tiên. Chúng ta thử xem xét các chứng liệu có được về nhân vật lịch sử này:

A-   Lĩnh Nam Trích Quái ghi chuyện Chử Đồng Tử xảy ra khi vua Hùng truyền đến cháu đời thứ 3. Dù cho rằng thời đại Hùng Vương bắt đầu vào năm 2879 TTL theo truyền thuyết, hay chỉ có mặt từ thế kỷ 7 TTL (với một đời vua trung bình khoảng 30 năm như giả thuyết của Bùi Thiết trong Đối Thoại Sử Học) thì thời điểm chấm dứt của vua Hùng cuối cùng vẫn được các sử gia chấp nhận là năm 258 TTL. Như vậy sự việc Chư Đồng Tử được truyền pháp nêu trong Lĩnh Nam Trích Quái nói trên xảy ra khá lâu trước khi vua Asoka cử các phái đoàn truyền bá Phật pháp ngoài Ấn Độ. Diễn giải của Lê Mạnh Thát (sđd, tr.25) cho rằng Chử Đồng Tử xuất hiện vào đời Hùng Vương 17, Hùng Nghị Vương. Lĩnh Nam Trích Quái là tài liệu duy nhất cho biết thời đại của Chử Đồng Tử nhưng niên đại lại quá mơ hồ.

B-    Chử Đồng Tử là một trong 4 vị thánh của tín ngưỡng dân gian nước ta (Tứ Bất Tử: Thánh Tản Viên, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và bà chúa Liễu Hạnh ). Ở phủ Khoái Châu, Hưng Yên có hai đền thờ Chử Đồng Tử với hai bà vợ. Đền làng Đồng Tảo thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và bà vợ thứ hai là Ngài Hoa. Ở đền làng Đa Hoà, bà vợ hai được thờ là một tiên nữ đội lốt người phàm giáng trần tại làng Ông Đình phủ Khoái Châu. Không có đền thờ Chử Đồng Tử nào ở miền Bắc thờ ông như một Phật tử. Không có thần phả nào về ông cho thấy có sự liên hệ sâu đậm giữa ông và Phật giáo. Trái lại, ông được xưng tụng là Chử Đạo Tổ, là người ở cõi trời giáng trần khai sáng đạo thờ tiên. Ông cũng được coi là người đầu tiên mở mang khai phá đồng trũng thành cánh đồng trồng dâu, nuôi tằm dệt vải và là thương gia đầu tiên của nước Văn Lang có tàu buôn giao dịch thương mại với nước ngoài.

C-   Vua Asoka ( A Dục) chủ trương tôn trọng tất cả các tôn giáo. Trong pháp dụ khắc trên trụ đá số 7 năm 242 TTL, nhà vua tuyên bố: Trẫm đã tôn kính mọi tôn giáo bằng cách cúng dường. Nhưng tốt hơn hết là trực tiếp thăm viếng họ. Ông cũng nhắn nhủ thần dân: Bất kỳ ai tôn trọng tôn giáo của mình nhưng lại chỉ trích tôn giáo khác, nghĩ rằng “ tôi sẽ làm rạng rỡ tôn giáo của tôi”; nhưng thật là trái ngược, khi làm như vậy người đó đã làm thương tổn tôn giáo của mình một cách nghiêm trọng. Như vậy vào thời vua Asoka, ở Ấn Độ không chỉ có Phật giáo mà cả Kỳ Na giáo (Jaina hay Jains), Ấn Độ giáo (Bà La Môn) và giáo phái Ajivika chuyên tu khổ hạnh cũng có thể được truyền ra nước ngoài. Trong Lĩnh Nam Trích Quái, khi trao gậy và nón cho Chử Đồng Tử, sư Phật Quang nói: Linh dị và thần thông ở đây cả. Không thể nói rằng Phật Quang được Lĩnh Nam Trích Quái gọi là , tất phải là tu sĩ Phật giáo. Một thí dụ: Hạng Lang (được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm thái tử nên bị anh là Nam Việt Vương Đinh Liễn ganh tị giết chết), được ghi tên trong các cột đá khắc kinh do Đinh Liễn dựng năm 973 tại kinh đô Hoa Lư là Đại đức Đỉnh-noa-tăng-noa không có nghĩa Hạng Lang là một tu sĩ Phật giáo đã thọ giới tỳ kheo (g). Trước khi được Phật giáo sử dụng, đại đức là danh hiệu dùng trong Lão giáo.

           Với những lý do nêu trên, giả thuyết Chử Đồng Tử là người Phật tử đầu tiên của đất nước ta chưa đủ sức thuyết phục. Bởi vì nếu là tu sĩ Phật giáo gốc Ấn đi ra nước ngoài truyền đạo, không lý gì sư Phật Quang lại vào hang núi ở Đồ Sơn mà lánh đời ẩn tu.

Nguyễn Duy Hinh (h) cho rằng Kỳ Na giáo đã xuất hiện trước Phật giáo đại thừa tại nước Lâm Ấp (ở phía nam nước ta) và tồn tại tới thế kỷ III- IV trước khi bị loại dần bởi ảnh hưởng của Phật giáo vào thế kỷ IV-V. Một nước ở gần Ấn Độ hơn (hiện nay coi Phật giáo là quốc giáo) là Miến Điện chỉ thực sự du nhập đạo Phật từ thế kỷ 1, nghĩa là trước đó có thể các tôn giáo Ấn Độ khác truyền đạo thành công hơn tăng đoàn do các sư Sona và Uttara hướng dẫn (i). Cho nên cũng cần đặt giả thuyết sư Phật Quang có thể là người Ấn mà cũng có thể là người da đậm màu thuộc các sắc dân Nam đảo, có thể là nhà sư Bà La Môn, Kỳ Na giáo hay khổ hạnh giáo Ajivika (j) và cũng có thể là một đạo sĩ đạo tiên, nhưng khó có thể chấp nhận ông là nhà sư Phật giáo.

Huống chi truyền thuyết về Chử Đồng Tử cho biết Phật Quang là một cụ già tên tự là Minh Chương, tên hiệu là Đằng Hải tiên sinh, chủ động Quỳnh Viên là một trong 36 cung tiên. Cuốn Hội Chân Biên của Thanh Hoà Tử in năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) liệt kê 27 vị thần sanh ra hoặc sống trên đất nước ta, trong đó có Chử Đồng Tử.

 Một câu hỏi được đặt ra: nếu Chử Đồng Tử (con rể không được thừa nhận của một trong những vua Hùng vì chỉ là một tên nghèo tới mức không có cái khố để che thân được công chúa Tiên Dung nhận làm chồng trước khi vua Hùng cho phép) không phải là người Phật tử đầu tiên thì Phật giáo du nhập vào đời sống tâm linh của dân Việt từ lúc nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau.

 

4- PHẬT GIÁO THỜI TRƯNG VƯƠNG 

 Năm 34 Tô Định được nhà Hán cử làm Thái thú Giao Chỉ thay thế Nhâm Diên (năm 29-33). Khác với các thái thú Tích Quang và Nhâm Diên chủ trương đồng hoá về văn hoá để tạo nên một tầng lớp tay sai bản xứ, làm chỗ dựa vững chắc cho việc thống trị, Tô Định thi hành chính sách kiểm soát chặt chẽ và tàn bạo nhằm hỗ trợ cho bọn quan lại bóc lột và kiều dân Hán chạy loạn Vương Mãng bên Tầu (năm 8-23) qua chiếm đất đai của nông dân Giao Chỉ. Do đó cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mang ý nghĩa cuộc khởi nghĩa của nông dân trước nguy cơ bị mất ruộng nên đã được sự hưởng ứng nhanh chóng của quần chúng khắp 7 quận 56 huyện thuộc Giao Chỉ Bộ (k). Cuộc khởi nghĩa này có ba đặc điểm cần được lưu ý:

·           Lãnh thổ khởi nghĩa rất rộng. Theo cuộc khảo sát thực địa của Trần Đại Sĩ, tại 5 tỉnh phía Nam Trung Quốc tiếp giáp nước ta (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên) có hơn 100 đền miếu thờ các danh tướng của Trưng Vương. Tại Bắc bộ và Trung bộ nước ta, có hơn 300 làng quê có đền thờ và lưu truyền các truyện kể về lịch sử và huyền thoại thời Trưng Vương (l). Cuộc khởi nghĩa Trưng Vương xảy ra vào thời Hán Quang Vũ là thời thịnh trị nhất của nhà Hậu Hán, Mã Viện lại là một tướng giỏi có nhiều kinh nghiệm chiến trường, từng ở trong bộ tham mưu của Lưu Tú (vua Hán Quang Vũ) từ năm 32. Tháng 1 năm 42, ngay sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của Lý Quảng (ở An Huy) chưa được nghỉ ngơi, Mã Viện lại được vua Hán Quang Vũ sai đi dẹp Hai Bà Trưng.

·           Nữ tướng thời Trưng Vương chiếm tới phân nửa tổng số tướng lãnh, nhiều người đảm trách các chức vụ trọng yếu như nàng Quốc phụ trách thủy quân, nàng Thục phụ trách tình báo. Cũng theo Trần Đại Sĩ trong bài đã dẫn, trong 162 anh hùng liệt nữ phò tá Trưng Vương, hơn 100 người là nữ tướng. Có lẽ đây là lần duy nhất trong lịch sử thế giới một phụ nữ lãnh đạo đất nước được nhiều phụ nữ tích cực phò tá như vậy. Cleopatra của cổ Ai Cập, Lữ hậu thời nhà Hán, Võ Tắc Thiên thời nhà Đường của Trung Quốc không có được sự ủng hộ tận tình của nữ giới trong nước.

·           Một hiện tượng đặc biệt khác là có nhiều gia đình cùng tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Chẳng hạn vợ chồng Đinh Lượng-Phùng Thị Chính ở Sơn Tây, vợ chồng Tạ Thị Cẩn - Đỗ Năng Tế ở Mê Linh, ba chị em Đạm Nương-Hồng Nương-Thanh Nương ởVĩnh Phú, bốn chị em Trương Phương Dung-Trương Mích Xích -Trương Thuần Mỹ - Trương Công Phú ở làng Nan (Thái Bình), chị em Nguyệt Thai -Nguyệt Độ ở Thiên Thai (Bắc Ninh),chị em Đinh Bạch-Đinh Tĩnh ở bến Chèm, chị em Ả Lan-Anh Tuấn ở Đường lâm (Thanh Hoá), anh em Đào Đạo -Đào Đạt ở Chí Linh, bà Lý thị Ngọc Ba và 5 người con ở đất Cốc (Hà Tây), mẹ con bà Nguyễn Nguyên Chân ở Đồng Đường gần hồ Lãng Bạc …. Những thành phần trên đều là các tướng lãnh quan trọng của Trưng Vương. Trước đó họ đã vận động chống lại sự đô hộ khắc nghiệt của nhà Hán nhưng không thành công.  Không dễ gì kiếm được một triều đại nào trên thế giới thời thượng và trung cổ có nhiều gia đình cùng dấn thân chung lo việc nước trong cùng một thời gian, cùng một địa điểm như  thế.

Chúng ta cũng phải nhận ra rằng một vợ một chồng đã là yếu tố chủ đạo trong nền tảng gia đình  Việt tộc từ trước thời Trưng Vương. Chính yếu tố này đã tạo nên tình trạng thuận vợ thuận chồng chấp nhận vượt qua gian lao hiểm nguy cùng chung lo việc nước. Như vậy phải chăng chế độ đa thê là sản phẩm của Trung Quốc thời cổ du nhập vào nước ta qua các chế độ đô hộ? Và quan niệm cho rằng thời Trưng Vương xã hội ta theo chế độ thị tộc mẫu hệ thiếu hẳn sức thuyết phục.

·           Một điều lý thú là Phật giáo đã có những liên hệ gắn bó với cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương. Điều này cho thấy Phật giáo nước ta đã ở trong dân tộc, đã gắn bó với dòng sinh mệnh của đất nước ngay từ 2000 năm về trước.

      Qua các thần phả được phổ biến, một kiểm điểm sơ khởi cho thấy các tướng lãnh sau đây   của Hai Bà Trưng có liên hệ với Thiền môn:

A-    Hoàng Thiều Hoa (3-40): bà tu tại chùa Phúc Khánh (nay là chùa làng Hiền Quan ở tỉnh Phú Thọ) năm 16 tuổi sau khi mồ côi cha và mẹ. Theo thần phả, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, bà rời chùa mộ được 500 nghĩa binh  tham gia cuộc khởi nghĩa và trở thành tướng tiên phong của Trưng Vương. Sau khi Trưng Vương dẹp yên 65 thành, bà xin trở lại chùa tu và tịch năm 40. Bà được xưng tụng là Diệt Bạo Tướng Phật. Chữ Phật có người cho là một sáng tạo của pháp sư Huyền Tráng (gồm bộ Nhân bên trái và chữ Phất bên phải) khi ông dịch kinh tại Tràng An (645-664). Các nhà dịch kinh Trung Quốc thời cổ đã tạo thêm khoảng 35 ngàn từ mới cho Hán tự (Nguyễn Hiến Lê, sđd tr. 331-333).

B-    Phương Dung: trú trì chùa Yên Phú (huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) cùng hai con nuôi là Trung Vũ và Đài Liệu hưởng ứng lời kêu gọi của Trưng Vương, rời chùa chỉ trong vài ngày đã mộ được hơn ngàn dân quân. Sau khi Trưng Vương thắng trận bà được sắc phong là Công chúa, hai con được phong là Tả, Hữu Tướng quân. Đời vua Lê Đại Hành, bà được sắc phong Trinh Thục Trí Đức Đoan Trang Cần Tiết Hoàng Thái Hậu (m).

C-    Nàng Thục: trú trì chùa ấp Tiên La (Thái Bình), nương mình nơi cửa Phật để trốn tránh sự truy nã của quân binh Tô Định sau khi chúng giết cha nàng. Bà chiêu tập và huấn luyện nghĩa binh ngay tại chùa vào ban đêm. Khi Trưng Vương truyền hịch kết tội Tô Định phất cờ khởi nghĩa, bà dẫn đạo dân quân gia nhập, được giao cho phụ trách công tác tình báo ( Tế tác). Sau khi giải phóng đất nước, Trưng Vương phong bà làm Trinh Thục Công chúa. Năm 43, khi Trưng Vương không địch lại đại quân Mã Viện, phải nhẩy xuống sông Hát tự vận, bà dẫn quân về ấp Tiên La tiếp tục kháng chiến. Tuy nhiên chỉ khoảng nửa năm sau, quân Mã Viện đã tấn công bất ngờ và bà đã tử trận.

D-    Nàng Quốc: theo truyền thuyết ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) bà mẹ Đào Tuyết Tĩnh gởi con gái nhỏ tên là cái Nước vào chùa làng. Sư thầy đặt tên cho cô bé là Quốc. Lớn lên nàng Quốc rất giỏi về bơi lội, được xưng tụng là Giao Long Nữ. Tại trang Hạ Tốn, nàng Quốc lập và huấn luyện một đội thủy binh. Khi Trưng Vương khởi nghĩa, nàng Quốc dẫn nghĩa binh gia nhập được phong là Trung Dũng Đại Tướng Quân. Năm 43 bà theo Trưng Vương đánh với đại quân Mã Viện ở Lãng Bạc rồi Cẩm Khê và hy sinh tại đây. Bà được thờ tại đình Hoàng Xá, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm Hà Nội.

E-     Bà Lý Thị Ngọc Ba cùng năm con trai Đặng Xuân, Đặng Nghiễm, Đặng Liễu, Đặng Diên và Đặng Tiên tổ chức lực lượng dân binh ở làng Cốc (bên bờ sông Đáy, nay thuộc huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây) để chống lại sự cướp bóc của quân xâm lược Đông Hán từ trước thời Trưng Vương. Bị quân Đông Hán bao vây và tân công lien tục, lực lượng nghĩa quân ngày một hao tổn. Sau mở đường máu chạy trốn tới chùa Hương Lang, sáu mẹ con bà Ngọc Ba nương mình nơi cửa Phật dưới sự che chở của vị trụ trì là thiền sư Đạo Uẩn. Ban ngày họ tụng kinh niệm Phật, đêm đến lo luyện tập võ nghệ, thăm dò tình hình và tổ chức lại lực lượng. Sau một thời gian tàn phá làng Cốc, giặc Đông Hán rút, bà Ngọc Ba kéo lực lượng trở về xây dựng lại làng cũ, tái lập hệ thống phòng thủ. Khi nghe tin Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, bà Ngọc Ba cùng các con kéo lực lượng về dưới cờ Trưng Trắc Trưng Nhị. Cuộc khởi nghĩa thành công, bà được phong là Công chúa Chiêu Dung, các con đều được phong tướng và được Trưng Vương cho phép kéo lực lương về xây dựng lại đất Cốc. Khi Mã Viện tấn công , năm người con của bà Ngọc Ba đã duy trì phòng tuyến chiến đấu dọc sông Đáy một thời gian.

F-     Công chúa Vĩnh Hoa, con gái của chúa trưởng Hùng Bàn ở Châu Đại An khi trốn tránh sự truy nã của Tô Định đã cắt tóc giả làm người tu hành một thời gian, trước khi tìm tới làng Đồng Sổ xây dựng lực lượng.  

Qua chứng liệu trên, chúng ta ghi nhận được ba điểm quan trọng:

Thứ nhất: chùa làng đã xuất hiện nhiều nơi trên đất nước ta từ trước thời Hai Bà Trưng. Khi chùa làng xuất hiện ở nhiều nơi vào thời Trưng Vương, điều đó có nghĩa là Phật giáo đã thâm nhập vào trong quần chúng, không còn ở giai đoạn làm quen với giới trí thức.

Thứ hai: cũng từ trước thời Trưng Vương, ni giới đã hình thành ở nước ta.

Thứ ba: chùa làng thời Trưng Vương đã là nơi ẩn thân của các “anh hùng mạt vận”, nơi nuôi chí chờ thời để phục vụ đại nghĩa.

 Chùa làng là định chế tôn giáo do dân chúng thiết lập. Phật giáo phải truyền tới địa phương khá lâu mới thuyết phục được dân làng góp công và của xây dựng chùa làng. Tại Trung Quốc mãi tới năm 67 mới có ngôi chùa đầu tiên là Bạch Mã Tự do Hán Minh Đế ra lệnh xây dựng tại kinh đô Lạc Dương. Học giả Henri Maspero cho rằng câu chuyện Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng rồi cử phái đoàn 18 người qua nước Đại Nhục Chi thỉnh kinh và thỉnh tăng là do đời sau bịa ra; sự thật Phật giáo xuất hiện tại Lạc Dương muộn hơn năm 67. Nguyễn Lang (một bút hiệu của Nhất Hạnh) cho rằng kinh Tứ Thập Nhị Chương được truyền tụng do Ma Đằng Ca Diếp và Trúc Pháp Lan dịch tại Bạch Mã Tự năm 67 thật ra xuất hiện trước tiên tại Giao Chỉ vào thế kỷ 2 (n).

 Trong lịch sử Phật giáo các nước, ni giới luôn luôn xuất hiện sau tăng đoàn. Tại Trung Quốc mãi tới năm 429, một ni đoàn mấy chục người từ Tích Lan tới Kiến Nghiệp (phía nam Trung Quốc) học chữ Hán để hướng dẫn các nữ tu người Hán. Nếu năm 19 bà Hoàng Thiều Hoa đã được nhận cho xuất gia tại chùa làng Hiền Quan, chúng ta có thể giả thiết tăng đoàn nước ta phải thành hình từ trước kỷ nguyên Tây Lịch.

Chúng ta chưa có một niên đại rõ rệt từ lúc nào thì tăng đoàn người Việt thành hình. Tuy nhiên có một ít tư liệu có thể cho chúng ta một khái niệm. Theo Thích Đức Nghiệp (sđd tr. 350) dẫn lời ni sư Đàm Xương, trú trì chùa Sùng Phúc (cũng gọi là chùa Hoàng Cung, ở ngoại thành Hà Nội) cho rằng chùa này có từ thời Hùng Vương thứ 17. Trong chùa còn đôi câu đối:

Hùng Triều Thập Thất Diệp Thạch Thượng Giáng Thần Lịch Đại Cổn Ba Khâm Bảo Tượng – Hoàng Ấp Sổ Bách Niên Thủy ChungHiển Thánh Vạn Gia Đỉnh Cúng Bái Linh Tiêm.

(HT Thích Đức Nghiệp dịch: Triều đại Hùng Vương thứ 17 giáng trần trên núi đá, đã bao đời vua chúa vẫn tôn thờ pho tượng quý này – Dân ấp Hoàng Cung đã có mấy trăm năm mà ngài hiển thánh nơi dòng sông này, cho nên hàng vạn người vẫn đến cúng bái và xin thẻ linh thiêng ). Cũng tương truyền xuất hiện từ thời Hùng Vương là chùa Liên Trì ở Long Biên Hà Nội. Năm 544 vua Lý Nam Đế dựng chùa Khai Quốc trên nền cũ của chùa này.

Sử sách nước ta ghi Hùng Vương truyền 18 đời, chấm dứt vào năm 258 TTL sau khi bị Thục Phán đánh bại. Như vậy nếu cho rằng các ngôi chùa làng có từ thời Hùng Vương thứ 17, chúng ta phải chấp nhận sự kiện các nhà sư Ấn Độ (Thiên Trúc) đầu tiên hoằng pháp trên đất nước ta trước khi các phái đoàn đầu tiên truyền bá Phật giáo ra ngoài Ấn Độ được vua Asoka phái đi (247-232 TTL).  Cho nên chúng ta phải đặt nghi vấn về các niên đại Phật giáo tại nước ta trong thời Hùng Vương (p). Có lẽ giả thuyết Phật giáo du nhập vào nước ta sau niên đại của vua Asoka (nghĩa là sau năm 232 TTL) xem ra hợp lý hơn.

Như đã dẫn ở trên, theo một bài báo của Sylvian Levi và Pellot trong Viễn Đông Bác Cổ Tập San, đất Giao Chỉ - Giao Châu là chỗ dừng chân của các tăng sĩ và thương gia Ấn trước khi đi sâu vào lục địa Trung Quốc từ năm 145 TTL tới cuối thế kỷ 7 (q). Như vậy chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới tác phẩm Thiên Nam Ngữ Lục của thiền sư Chân Nguyên (1646-1726) vì nó đề cập tới chùa Trúc Viên ở núi Sài Sơn (Sơn Tây) mà theo diễn giải của Lê Mạnh Thát có từ thời nhà Triệu, lúc tể tướng Lữ Gia nắm quyền (năm 110 TTL). Theo Thiên Nam Ngữ Lục, vào thời Lữ Gia (năm 110 TTL) chùa Trúc Viên chỉ còn lại “một dấu vườn đìu hiu” (r). Nghĩa là nó phải được xây dựng trước niên đại này, trước bao lâu thì không rõ.

 

5- PHẬT GIÁO NƯỚC TA SAU SỰ THẤT BẠI CỦA TRƯNG VƯƠNG NĂM 43 

 Sự thất bại của Trưng Vương trước đạo quân xâm lược hùng hậu do tướng nhà Hán là Mã Viện lãnh đạo không chỉ đưa đất nước ta trở lại ách đô hộ của Trung Quốc. Nó thực sự chấm dứt vĩnh viễn thời đại Hùng Vương và bắt đầu sự xâm nhập văn hoá Trung Quốc vào đất nước ta.

 Tài ba, giảo quyệt và thông hiểu tình hình đất nước ta, Mã Viện biết rằng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là nỗ lực sau cùng phục hồi lại di sản thời Hùng Vương. Cho nên sau khi thắng trận ở Cẩm Khê, Mã Viện kéo đại quân vào Cửu Chân (Thanh Hoá) với hai ngàn chiến thuyền và hai vạn quân. Sử gia Phạm Văn Sơn (Việt Sử Toàn Thư tr. 111) ghi: Trong trận chiến kéo dài từ huyện Võ Công tới huyện Cư Phong, quân Mã Viện chém hơn hai ngàn thủ cấp. Như vậy ở trận chiến cuối cùng này, quân khởi nghĩa do tướng Đô Dương lãnh đạo đã chiến đấu và hy sinh dũng cảm, biểu thị một tinh thần bất khuất can cường.

Sau khi truy lùng và tàn sát các tàn quân của lực lượng Trưng Vương, năm 43 Mã Viện còn tiến hành chính sách tiêu diệt tận gốc các nền tảng của thời đại Hùng Vương và thực hiện chính sách đồng hoá toàn diện nước Văn Lang về pháp luật, văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội.

Mã Viện không chỉ tịch thu các trống đồng (biểu tượng quyền uy của các Lạc hầu, Lạc tướng) đúc thành ngựa đồng, y còn bắt đi đầy khoảng 300 thủ lãnh các cấp của Việt tộc (mà y gọi là cừ soái) ở Linh Lăng, đày toàn bộ dân Đông Việt vào đất Giang Hoài, xây dựng hệ thống đường xá từ Nam Trung Quốc tới Luy Lâu, xây dựng nhiều thành trì phòng thủ. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên: vòng thành trong cùng (Kiển thành) của ba vòng thành Cổ Loa được Mã Viện xây vào lúc này. Mã Viện cũng sửa đổi lại 10 điều khác biệt trong luật Việt để áp đặt luật Hán trên mọi sinh hoạt của dân ta.

 Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa Trưng Vương đã củng cố tinh thần dân tộc của Việt tộc (s). Cho nên sự đàn áp thô bạo và đồng hoá quyết liệt của Mã Viện không làm suy yếu hay lạc hướng Phật giáo nước ta. Phải chăng đó là một trong những lý do chính khiến chí sĩ Phan Bội Châu kêu gọi nên nhận Trưng Nữ Vương là quốc tổ? (t). Đề nghị của cụ Phan Bội Châu nên được trân trọng cứu xét vì nhân dân ta đã lập các đền thờ Trưng Vương và tướng lãnh của hai bà ngay trong thời kỳ bị Mã Viện kiểm soát và khủng bố gắt gao (u).

Nhiều biến cố quan trọng  xuất hiện trong giai đoạn dân tộc bị đô hộ này được coi như những thành tựu lớn của Phật giáo nước ta. Có thể kể:

·           Sự xuất hiện của Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) vào cuối thế kỷ 2 như một biểu hiện bản địa hoá Phật giáo.

·           Mâu Tử viết Lý Hoặc Luận tại Giao Chỉ năm 198, là tác phẩm lý luận Phật học đầu tiên bằng Hán văn.

·           Sự xuất hiện của Khương Tăng Hội vào thế kỷ 3, người được sư ông Nhất Hạnh tôn vinh là tổ Thiền tông Việt Nam.

·           Vai trò của các nhà sư trong cuộc khởi nghĩa của bà Triệu ( mậu thìn 248).

·           Pháp môn Tịnh Độ phát triển tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) từ đầu thế kỷ 5.

·           Sáu lá thư trao đổi giữa Lý Miễu và hai nhà sư Đạo Cao, Pháp Minh (433-459) nêu lên những chủ đề Phật giáo quan trọng.

·           Tín ngưỡng Quán Thế Âm được Vương Diệm mang từ  Giao Châu về  Trung Quốc (khoảng 445-450).

·           Huệ Thắng (440-510) từ Giao Châu đem pháp tu quán hạnh về Thiền truyền qua Trung Quốc. Nên biết năm 520 Bồ Đề Đạt Ma, người được coi là tổ Thiền tông Trung Quốc, mới tới đất Tầu sau khi đi đường biển từ Nam Ấn tới Luy Lâu. 

Những thành tựu này xác định sau thời Trưng Vương là bắt đầu một thời kỳ mới của Phật giáo nước ta. Phật giáo không còn đi những bước dò dẫm trên vùng đất mới mà đã bén rễ trong lòng dân tộc và đã có những đóng góp truyền bá Phật pháp quan trọng tới các nước khác. Những chủ đề trên sẽ được trình bày trong một bài khác.

 

CHÚ THÍCH:

(a)   Nguyễn Hữu Nhàn, Yếu Tố Việt Mường Và Tày Thái Trong Tầng nền Văn Hoá Đất Tổ, trang web www.thuvientieulun.org tháng 2.2003.

(b)   Trường Giang, Thầy Giáo Thời Hùng Vương, nhật báo Nhân Dân online, Hà Nội 9.12.2000. Ngọc phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính Phụng soạn năm Hồng Phúc thứ hai (1573) lưu trữ tại Thiên Cổ miếu (thôn Hương Lan xã Trưng Vương, Việt Trì). Miếu này thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, phu nhân là Nguyễn Thị Thục, hai học trò là các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa (con vua Hùng thứ 18, Hùng Duệ Vương) và hai thị nữ theo hầu. Theo ngọc phả nói trên, bố ông là Vũ Công ở đất Mộ Trạch thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, vợ chồng tìm đến kinh đô Phong Châu, mở lớp dạy học tại thôn Hương Lan. Vũ Thê Lang kế tục sự nghiệp dạy học của bố ông.

(c)    Minh Tu, Quê Gốc Lý Bí, nhật báo Nhân Dân online, Hà Nôi 29.10.2003

(d)   theo Nguyễn Hiến Lê ( Sử Trung Quốc  tập 1 tr. 50, nxb Văn Hoá, Hà Nội 1997): dẫn theo Từ Hải và các bộ sử cũ thì thời đại nhà Thương là 1766 BC- 1122 BC, dẫn theo Eberhard (Histoire de la Chine, Payot 1952) nhà Hạ bắt đầu khoảng 1800 BC, kết thúc khoảng 1500 BC, nhà Thương 1450 BC- 1050 BC, nhà Chu 1049 BC- 221 BC. Ngoài ra còn có những giả thuyết  về các niên đại khác.

(e)   dẫn theo H.G.Quaritch Wales trong A New Explored Route of Ancient Indian Cultural Expansion Indian Art and Letters (Lâm Như Tạng, Phật Giáo Từ Ấn Độ Trực Tiếp Truyền Vào Việt Nam Như Thế Nào ?, trang web www.thuvienhoasen.org, mục Sử Phật Giáo).

(f)     Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1 tr. 13-25, nxb Thuận Hoá, Huế 1999.

(g)   Xem Tạ Chí Đại Trường, Những Bài Dã Sử Việt tr. 168, nxb Thanh Văn, California 1996.

(h)   Nguyễn Duy Hinh, Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam tr. 148-153, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1999.

(i)     Theo Andrew Skilton, A Concise History of Buddhism, bản dịch của tỳ kheo Thiện Minh (Lịch Sử Phật giáo Quốc Tế, phần II Phật giáo ngoài Ấn Độ) trang web www.quangduc.com.

(j)     Theo Lê Mạnh Thát, sđd tr. 151, Kỳ Na giáo sống loã thể. 

(k)   Theo Phạm Cao Dương  (Thực Trạng Của Giới Nông Dân Việt Nam Thời Pháp Thuộc tr. 232, nxb Khai Trí, Sài Gòn 1967) và Phạm Văn Sơn (Việt Sử Toàn Thư trang 106).

(l)     Bản báo cáo của Trần Đại Sĩ được phổ biến trên trang web www.thuvienvietnam.org, mục Tạp Chí Thư Viện Việt Nam số 3.

(m) Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam tr. 43, Thành Hội Phật Giáo TPHCM, thành phố HCM 1995. Bùi Thiết, Nữ Tướng Thời Hai Bà Trưng tr. 5, nxb Thanh Niên, Hà Nội 2001.

(n)   Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1 tr.30, nxb Lá Bối in lần thứ 2, Paris 1977.

(o)   Triều đại vua Asoka theo Đoàn Trung Còn là 273-236 TTL, theo Richard Gombrich, Etienne Lamotte và Lal Mani Joshi là 268-239 TTL (Truyền Thống Phật Giáo Ấn Độ, Trí Nguyệt phỏng dịch, trang nhà Phật Học Phổ Thông của tăng ni sinh du học tại Đài Loan). Theo Lê Mạnh Thát (sđd tr. 34) thời điểm vua A Dục ra lệnh cho các phái đoàn tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá Phật pháp là 247- 232 TTL.

(p)   Về những điều đáng nghi hoặc trong các thần tích của các nhân vật lịch sử cho là về đời Hùng Vương nhưng thực ra thuộc các đời sau, xin xem Tạ Chí Đại Trường, sđd tr.21-22.

(q)   dẫn theo Tâm Như Phạm Lễ, Nguồn Gốc Thiền Phái Phật Giáo Việt Nam Nam Phương, trang web www.calitoday.com mục Tôn Giáo Triết Học, 5.2.2004.

(r)    Về sự kiện này, Chân Nguyên viết trong Thiên Nam Ngữ Lục :

Gia bỏ cửa mốc nhà rêu,

Hang thần trật lối, hồn phiêu đường nào.

Nước nên thấy những đồng đao,

Cõi bờ tấc đất vào chầu Hán gia.

Non Sài tuyệt chẳng vào ra,

Thấy còn một dấu vườn là Trúc Viên,

Đìu hiu ngoài cảnh thiền thiên

Thuở trưa quyên khóc, thuở đêm hạc sầu. (Lê Mạnh Thát, sđd tr. 25).

(s) theo Nguyễn Đổng Chi, trong Cổ Văn Học Sử Việt Nam, thời Trưng Vương có truyền    tụng câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Nếu vậy, thể thơ lục bát đã xuất hiện rất sớm trong văn học nước ta.

       (t) trong bài Người Ta và Sử Nước Ta, báo Tiếng Dân số 656

       (u) theo Tạ Chí Đại Trường, Những Bài Dã Sử Việt trang 77.       

       

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1-     Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 1, Lá Bối in lần thứ hai, Paris 1977.

2-     Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1, nxb Thuận Hoá, Huế 1999.

3-     Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, nxb Khoa Học Xã Hộ, Hà Nội 1991.

4-     Nguyễn Duy Hinh, Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1999.

5-     Trần Tri Khách, Niên Biểu Phật Giáo Việt Nam, bản thảo 2002.

6-     Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, Đại Nam in lại tại Hoa Kỳ theo bản in lần thứ nhất năm 1960 tại Sài Gòn.

7-     Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Đại Nam in lại tại Hoa Kỳ theo bản in lần thứ nhất năm 1971 tại Sài Gòn của Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục.

8-     Bùi Thiết, Nữ Tướng Thời Hai bà Trưng, nxb Thanh Niên, Hà Nội 2001.

Trần Tri Khách

Các tin đã đăng: