Theo tác giả Nguyễn Tài Đông,
Trần Nhân Tông là người đã tập đại thành tư tưởng thiền học của một số thiền
sư Việt Nam trước đó, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm và qua đó, đánh dấu
một bước hoàn tất quá trình Việt Nam hoá Phật giáo.
Để
làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết, tác giả phân tích tiền đề thiền học của
Trần Nhân Tông cùng những thiền sư đã có ảnh hưởng lớn đến Trần Nhân Tông.
Tiếp đó, tác giả phân tích ba vấn đề đặc sắc trong tư tưởng của Trần Nhân
Tông: quan niệm tâm chính là Phật, học thuyết vô niệm và tinh thần nhập thế
tích cực.
Xét từ nhiều góc độ, Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử vĩ đại. Do vậy,
việc một lần nữa đánh giá về ông trên các phương diện lãnh tụ đất nước, anh
hùng dân tộc, Phật hoàng, nhà cải cách tôn giáo hay nhà triết học..., là
không hề đơn giản.
Dưới
mỗi một lăng kính, ông hiển hiện ra với một uy thế khiến chúng ta khâm phục.
Nhưng, cái đáng quý là ở chỗ, tất cả những tư thế đó, giá trị đó, thành tựu
đó lại được tựu trung vào một con người - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Bài viết này đưa ra một số suy nghĩ về điểm nhấn Trần Nhân Tông trong tiến
trình Việt Nam hoá Phật giáo với việc ông thành lập Thiền phái Trúc Lâm -
giáo phái bản địa hóa đầu tiên ở Việt Nam.
Việt Nam, từ khi giành lại được độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc, từ triều
Đinh đến Tiền Lê đều rất coi trọng Phật giáo, đặc biệt là triều Lý và Trần
đều lấy Phật giáo làm quốc giáo, tạo nên cục diện “vua và sư cùng trị
thiên hạ” (đế dữ tăng cộng thiên hạ).
Song,
các tông phái Phật giáo ở thời kỳ này đều được sáng lập bởi người nước ngoài,
như Tì Ni Đa Lưu Chi (? - 594) là người Nam Thiên Trúc (Ấn Độ), sáng lập
thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi; Vô Ngôn Thông (759? - 826), nhà sư đời
Đường Trung Quốc, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông; Thảo Đường, cũng
là nhà sư Trung Quốc thuộc Vân Môn tông, thành lập ra phái Thảo Đường.
Việc
ra đời Thiền phái Trúc Lâm đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo
Việt Nam do người nước ngoài sáng lập, chứng minh Phật giáo đã thực sự bắt rễ
tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển.
Nói
cách khác, Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn này không còn là Phật giáo Ấn Độ
tại Việt Nam, cũng không phải là Phật giáo Trung Quốc tại Việt Nam, mà là
Phật giáo Việt Nam. Bước chuyển trong quá trình bản địa hóa Phật giáo chính
thức được đánh dấu bởi sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm.
1. Tiền đề thiền học của Trần Nhân
Tông
Ngay từ nhỏ, Trần Nhân Tông đã tỏ ra là người xuất chúng. Tam tổ thực lục còn
ghi, Trần Nhân Tông “thánh tính thông minh, tài giỏi hiếu học, đọc hết các
sách vở, thông suốt nội điển (kinh Phật) và ngoại điển (sách vở khác)”
(thánh tính thông minh, đa năng hiếu học, thiệp lịch quần thư, thông nội
ngoại điển); “thông thảo cả các vấn đề về thiên văn, lịch số, binh pháp, y
dược, âm luật” (chí ư thiên văn, lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, mạc
bất giai tạo kỳ khổn áo).
Việc
tiếp xúc với các hệ tư tưởng khác, đặc biệt là Nho giáo và học thuyết Lão
Trang, là một tiền đề quan trọng để sau đó, ông tập đại thành các tư tưởng
Thiền học phức tạp thời bấy giờ.
Đã có rất nhiều học giả nghiên cứu và phân tích sâu về những cá nhân (chủ yếu
là thiền sư, đặc biệt là Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sỹ) ảnh hưởng
trực tiếp đến tư tưởng của Trần Nhân Tông. Tựu trung lại, đa phần các học giả
khẳng định, ông chịu ảnh hưởng của các phái thiền vốn có tại Việt Nam trước
đó, song từ trường phái nào thì có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm đầu tiên cho rằng, Trần Nhân Tông có một ít ảnh hưởng từ phái
Lâm Tế (Thiên Phong thiền sư phái Lâm Tế đã từng được Trần Thái
Tông mời sang Việt Nam thuyết giảng Phật học), nhưng chủ yếu là ông chịu ảnh
hưởng từ thiền phái Vô Ngôn Thông(1).
Quan điểm thứ hai cho rằng, Trần Nhân Tông, cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm,
bắt nguồn trực tiếp và chủ yếu từ Thiền phái Thảo Đường.
Đồng
thời, theo quan điểm này, thiền phái Thảo Đường là do Lý Thánh Tông thành lập
chứ không phải được xuất phát từ chính Thảo Đường.
Chúng
ta hãy xem xét đoạn sau: “Vậy là sau chủ trương và đường lối đoàn kết dân
tộc cho sự nghiệp giữ nước, thì tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm cho sự nghiệp
Nam tiến của dân tộc là một đóng góp khác của vua Trần Nhân Tông cho lịch sử
tư tưởng Việt Nam. Như ta đã thấy tư tưởng thiền phái này bắt nguồn từ thiền
phái Thảo Đường do vua Lý Thánh Tông thành lập. Nó do thế có thể nói là một
nối dài hay đúng hơn là một phát triển cao hơn của thiền phái Thảo Đường, nếu
không nói là một hoá thân của thiền phái này” (2).
Tuy
nhiên, ngay sau đó, tác giả cũng trình bày: “Điều đáng tiếc là toàn bộ tư
liệu về thiền phái Thảo Đường ngày nay đã hoàn toàn bị tán thất. Ta chỉ còn
một bản tên duy nhất ghi lại thế thứ của dòng thiền này và được chép vào cuối
sách Thiền Uyển tập anh. Vì vậy mọi bàn cãi về hệ tư tưởng của dòng thiền này
tốt lắm thì cũng chỉ là những suy đoán, từ đó dễ đưa đến những nhận định
thiếu cơ sở, đôi khi sai lầm” (3).
Trong hai quan điểm trên, chúng tôi nghiêng nhiều về quan điểm thứ nhất.
Trong
sách Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng Sỹ ngữ lục có một bức đồ tên là Lược
dẫn thiền phái đồ, miêu tả các thế hệ thiền sư từ đời nhà Lý đến Trúc
Lâm tam tổ, có đưa ra quan hệ truyền thừa như sau: Thông Thiền --> Tức
Lự --> Ứng Thuận --> Tiêu Dao --> Tuệ Trung --> Trúc Lâm -->
Pháp Loa --> Huyền Quang.
Trong
đó, Thông Thiền, Tức Lự và Ứng Thuận lần lượt là đệ tử đời thứ 13, 14 và 15
của Vô Ngôn Thông, điều này được thể hiện rõ ràng trong Thiền uyển tập anh.
Tuệ Trung Thượng Sỹ, người ảnh hưởng lớn đến Trần Nhân Tông, là một học trò
xuất sắc của Tiêu Dao.
Ngoài
ra, chúng ta cần nhớ đến một người nữa có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới
Trần Nhân Tông là Trần Thái Tông.
Vào
năm 1236, Trần Thái Tông từng đến núi Yên Tử để tham kiến quốc sư Viên Chứng,
Trúc Lâm đại sa môn, mà Viên Chứng lại là đệ tử của Thường Chiếu, truyền nhân
đời thứ 12 của Vô Ngôn Thông.
Bên
cạnh đó, nếu xét về sắc thái tư tưởng thì rõ ràng, Thiền học của Trần Nhân
Tông có nhiều điểm tương đồng với phái Vô Ngôn Thông (Vô Ngôn Thông được cho
là theo đúng dòng thiền của Huệ Năng), nhất là các quan niệm “tức tâm tức
Phật”, “vô niệm”,…
Dù
sao đi nữa, đến thời đại của Trần Nhân Tông, sau hơn 10 thế kỷ phát triển ở
Việt Nam, Phật giáo đã thấm nhuần vào trong đời sống xã hội cũng như sinh
hoạt lý luận đương thời.
Tư
tưởng thiền học của Trần Nhân Tông không phải xuất phát trực tiếp từ thiền
học Trung Quốc, mà từ các dòng thiền được nảy sinh tại Việt Nam và được nuôi
dưỡng bởi các thiền sư Việt Nam.
Nói
cách khác, Trần Nhân Tông đã tập đại thành tư tưởng thiền học của một số
thiền sư Việt Nam trước đó, sáng tạo nên Thiền phái Trúc Lâm, đánh dấu một
bước hoàn tất quá trình Việt Nam hóa Phật giáo.
2. Quan niệm tâm chính là Phật (“tức
tâm tức Phật”)
Với Trần Nhân Tông, Việt Nam hóa Phật giáo không chỉ là sáng lập giáo phái,
có ý thức trong việc xây dựng và củng cố một giáo hội Phật giáo thống nhất
(4), mà còn là khẳng định tầm lý luận của Phật giáo Việt Nam, cụ thể ở đây là
thiền học Việt Nam.
Để
đạt tới con đường giác ngộ, Trần Nhân Tông vừa sử dụng, vừa phát triển quan
niệm của truyền thống Thiền Nam tông Trung Quốc (đại biểu là Huệ Năng và
Thiền học Việt Nam) về “kiến tính”, “ngộ” và “giác”. Chúng ta có thể xuất
phát từ quan niệm tâm chính là Phật của Trần Nhân Tông để tìm hiểu tư tưởng
giải thoát, tư tưởng giác ngộ của ông.
Xuất phát điểm của quan niệm tâm chính là Phật (tức Phật tức tâm), Phật
ở trong tâm (Phật tại tâm trung) của Trần Nhân Tông là việc ông quan niệm
tâm con người không được thanh tịnh là do bị “vô minh”, “tham ái” che mờ, bị
phiền não, vọng niệm bịt kín.
Chỉ
cần loại bỏ được vọng niệm, ngay lập tức quay về tâm thanh tịnh là đạt đến
giải thoát: “Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; Nửa ngày rồi tự tại thân
tâm. Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; Thị phi tiếng lặng,
được dầu nghe yến thốt oanh ngâm” (Cư trần lạc đạo, đệ nhất hội) (5);
“Dứt
trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương; Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu
viên giác” (Cư trần lạc đạo, đệ nhị hội);
“Áng
tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử; Răn thanh sắc niềm
dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông”
(Cư trần lạc đạo, đệ tam hội).
Quan niệm tâm chính là Phật của Trần Nhân Tông đã kế thừa và phát
triển học thuyết tư tưởng Nam Tông do Huệ Năng đề xướng.
Bài
phú chữ Nôm Cư trần lạc đạo (ở nơi trần thế mà vui với đạo) đã thể
hiện rất rõ tư tưởng này. Quan niệm tâm chính là Phật (tức tâm tức
Phật) của Trần Nhân Tông đóng vai trò làm nền tảng lý luận cho giáo nghĩa của
ông.
Theo
ông, “Bản tính lặng yên trong trẻo, không thiện không ác” (Bản tính
trạm ngưng, vô thiện vô ác); “Nên biết rằng tội và phúc vốn là không, nhân
quả thực ra chẳng thật. Người người vốn đủ, ai nấy tròn đầy. Phật tính pháp
thân như hình với bóng, lúc ẩn lúc hiện, chẳng dính chẳng rời” (Cố tri
tội phúc bản không, tất cánh nhân quả phi thực. Nhân chi bản cụ, cá cá viên
thành. Phật tính pháp thân, như hình như ảnh, tùy ẩn tùy hiện, bất tức bất
ly) (Tam tổ thực lục).
Như
vậy có nghĩa là, con người, nhân sinh vốn không có thiện, không có ác, không
tồn tại ranh giới giữa phúc và tội, trong mỗi một con người, ai ai cũng có
Phật tính. Lý luận này cho rằng, người ta ai cũng có thể thành Phật.
Sự phân biệt giữa Phật và chúng sinh chỉ ở chỗ giác ngộ hay không giác ngộ: “Nhân
khuây bản nên ta tìm bụt; Đến cốc hay chỉn bụt là ta” (Cư trần lạc đạo,
đệ ngũ hội); “Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm phu; Say đạo
đức, dời thân tâm, định nên thánh trí. Mày ngang mũi dọc, tướng tuy là xem ắt
bằng nhau; Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vạn vàn thiên lý.” (Cư
trần lạc đạo, đệ thập hội).
Những
mệnh đề “khuây bản”, “chuộng công danh”, “lồng nhân ngã” được Trần
Nhân Tông đề cập đến chính là vọng tâm, do đó mới gọi là “thực ấy phàm phu”.
Một
khi người ta truy cầu đạo đức, đạt đến cảnh giới trí tuệ của bậc giác ngộ,
thì Phật với ta có thể hợp nhất làm một. Trần Nhân Tông đã từng nói với đệ tử
như sau: “Lỗ mũi thẳng xuống cửa mặt, lông mày vắt ngang hố mắt, há dễ tìm
thấy được đâu? Nên hãy đi tìm cái đạo không thấy. Ba ngàn pháp môn cùng về
tấc dạ. Hà sa diệu dụng thảy tại nguồn tâm. Cái gọi là giới môn, định môn,
tuệ môn, các người không thiếu. Nên trở về mà tự nghĩ suy. Phàm những tiếng
ho hắng, mày dương mắt nháy, tay cầm chân bước, đó là tính gì? Biết được tính
đó là tâm gì, tâm tính rõ thông, thì cái gì đúng, cái gì là không đúng. Pháp
tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng
phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức
pháp tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật” (6).
Có
thể nói, “tính” và “pháp” ở đây chính là chỉ sự vật và quy luật của nó. Ông
phát huy tác dụng của tâm đến vô hạn, cho rằng mọi sự vật đều giống như ý
thức chủ quan của con người, chính vì vậy, “Phật” không phải nằm ở một nơi xa
xăm nào đó, mà là ở ngay trong tâm của mỗi con người.
Nếu
tâm không giác ngộ, thì dù cho suốt đời niệm kinh thờ Phật cũng không thể
thành chính quả. Như vậy, đối với Trần Nhân Tông, con đường hiện thực để
thành Phật chính là sự giác ngộ của “bản tính” trong mỗi một con người, nhấn
mạnh đến truy cầu nội tại từ trong tâm.
Ông
khẳng định: “Bụt ở trong nhà; Chẳng phải tìm xa” (Cư trần lạc đạo, đệ
ngũ hội); “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di
Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc” (Cư trần lạc đạo, đệ
nhị hội); “Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật tổ Tây Đông; Chứng
thực tướng, nên vô vi, nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc” (Cư trần lạc đạo,
đệ tứ hội).
Trần Nhân Tông khẳng định rằng, Phật tính nằm ngay trong tâm mình, không cần
phải hướng ngoại, truy cầu ở sự vật.
Trí
tuệ Bát Nhã là vốn có của mỗi chủ thể, thấy được tính này thì lập tức trở
thành Phật, không thấy được tính này thì lập tức là chúng sinh, vượt từ mê
sang ngộ hoàn toàn là do bản thân.
Chúng
sinh hoặc Phật chỉ là các cảnh giới khác nhau của chủ thể, chứ không phải là
có một chủ thể khác được mang tên “Phật”. Đồng thời, mê vọng phiền não và
giải thoát chỉ là các hoạt động khác nhau của cùng một chủ thể, chứ không
phải thoát khỏi chủ thể “phiền não” này để sang một “Bồ Đề” khác.
Quan
niệm về Phật tính này được ông phát triển từ quan niệm của Huệ Năng trong
Pháp bảo đàn kinh: “Này thiện tri thức, người tiểu căn nghe pháp môn đốn
giáo này giống như các loài cỏ cây có gốc rễ nhỏ, sẽ bị ngả nghiêng nếu gặp
mưa to gió lớn, không thể nào sinh trưởng được… Trí Bát Nhã cũng không có lớn
nhỏ, vì tất cả chúng sinh tự tâm mê ngộ không đồng, tâm mê tu hành hướng
ngoại tìm Phật mà chưa ngộ tự tính, tức là tiểu căn. Nếu khai ngộ đốn giáo,
chẳng chấp lấy hình tướng bên ngoài, chỉ ở trong tự tâm thường khởi chính
kiến, phiền não trần lao thường chẳng ô nhiễm, tức là thấy tính” (Lục tổ
đàn kinh. Bát nhã phẩm).
Cái
gọi là “ngộ tự tính” ở đây có những nghĩa khác biệt so với cách dùng từ quen
thuộc của Phật giáo. Cái gọi là “tự tính” của Phật giáo là chỉ “tính thực
hữu” của cá thể và vì vậy, từ giáo nghĩa nguyên thủy cho đến các tông phái
đại thừa đều nói là “mọi pháp đều không có tự tính” (chư pháp vô tự
tính).
“Tự
tính” mà Huệ Năng nói đến mang nghĩa “tính của tự mình”, tức là nói đến chủ
thể tự do hoặc tính chủ thể thuần túy, do đó nếu tự thấy được tính chủ thể đó
thì chính là đại giác. Cái gọi là “Phật” ở đây là chỉ cảnh giới ngộ của chủ
thể, nếu ngược lại thì là chúng sinh.
Chính
vì vậy, Pháp bảo đàn kinh viết: “Không ngộ tức Phật là chúng sinh, khi
niệm ngộ chúng sinh là Phật” (Bất ngộ, tức Phật thị chúng sinh; nhất niệm
ngộ thời, chúng sinh thị Phật) (7).
“Tính” mà Pháp bảo đàn kinh nói đến chính là “tính” mà tất cả các pháp hiện
ra (biến hóa); “Tính bao chứa tất cả các pháp” (tính hàm vạn pháp) và “tất cả
mọi pháp đều nằm ở tính” (nhất thiết pháp tại tự tính) đều không xa rời tính,
đồng thời cũng không chỉ là tính.
Chính
vì vậy, tính vừa là siêu việt (xa rời mọi tướng, thể tính thanh tĩnh), vừa là
nội tại (tất cả các pháp đều không khác với điều này). Sở dĩ từ cái trước mắt
mà ngộ được cái siêu việt, mà lại không khác với tất cả, viên ngộ tất cả,
chính là nhờ tác dụng thần diệu của tính.
Nhờ
vậy, có nhập và xuất, có thể và dụng, từ đó muôn việc thống nhất, không bị mơ
hồ. Trong thế giới hiện thực, tính là chủ thể của sinh mệnh, là bản nguyên
của vũ trụ. Tính hiển hiện ra thành tất cả, nhưng lấy tâm làm chủ.
Tâm
không chỉ là nhận thức, mà còn là hành vi, là sự vận động. Tri giác và vận
động trực tiếp thể hiện lên tính - tác dụng của tự tính, chân tính và Phật
tính. “Kiến tính thành Phật”, cần phải tự chứng nghiệm trong tâm thân của
mình, chứ không phải là đi lĩnh hội từ sắc thân. Nếu như xuất phát từ sắc
thân, thì tại sao lại không hướng đến núi sông trời đất?(8).
Như vậy, Thiền tông Trung Quốc có đặc trưng cơ bản là “nội tại siêu việt”.
Với tư cách là một tôn giáo, Phật giáo có các kinh điển để phát triển giáo nghĩa
của mình, có hệ thống nghi thức quy củ và tuân thủ các giới luật, có các đối
tượng để cúng bái, v.v..
Song,
Thiền tông Trung Quốc từ Huệ Năng trở về sau đã vứt bỏ tất cả những thứ ngoại
tại trên, không phải niệm kinh, chẳng cần trì giới, chẳng có bất cứ một nghi
thức nào cần tuân thủ, cũng không cần phải sùng bái bất cứ ngẫu tượng nào,
thậm chí đến việc xuất gia cũng không trở thành bức thiết, bắt buộc nữa; trở
thành Phật, đạt tới cảnh giới Niết Bàn chỉ cần dựa vào cái tâm giác ngộ của
bản thân, “Chỉ cần giác ngộ là tức khắc thành Phật, nếu vẫn mê muội thì
chỉ là chúng sinh” (nhất niệm giác, tức Phật; nhất niệm mê, tức chúng
sinh).
Nghĩa
là, con người đạt tới cảnh giới siêu việt, trở thành Phật hoàn toàn dựa vào
tác dụng của bản tâm nội tại (9).
Song,
trên phương diện này, Trần Nhân Tông không hoàn toàn đi theo truyền thống
Thiền Nam tông mà ngược lại, ông cương quyết xác lập quy tắc cho Thiền phái
Trúc Lâm Việt Nam. Ông rất chú ý đến các quy phạm đạo đức, không coi nhẹ tu
dưỡng ngôn - hành, chú trọng mối quan hệ giữa “đốn” và “tiệm”.
Điều mà Trần Nhân Tông liên tục nhấn mạnh đến chính là “bản tính thanh tịnh”
và phương pháp để đem lại sự thanh tịnh cho bản tính vừa là “đốn ngộ”, vừa là
“tiệm tu”.
Bên
cạnh việc coi trọng kiến tính, giác ngộ trong từng khoảnh khắc, từng sát na,
ông cũng chú trọng đến việc mỗi người phải không ngừng tu dưỡng lời nói và
hành vi của mình.
Cư
trần lạc đạo đệ nhị hội viết: “Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong
quả báo phô khoe; Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; Vận giấy vận sồi, thân
căn có ngại chi đen bạc” và “Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này
chẳng Thích Ca; Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc”.
Theo Nguyễn Tài Đông* (Tạp chí Triết học)
*Tiến
sĩ Nguyễn Tài Đông hiện là Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo, Viện
Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Với tư cách là một tôn giáo, Thiền tông không chỉ
phá bỏ những quy tắc của Phật giáo truyền thống, mà còn cho rằng trong cuộc
sống hàng ngày không nên dựa vào bên ngoài, chỉ cần dựa vào tự giác nội tại
của thiền sư là có thể thành Phật.
Đây là sự chuyển
biến từ loại tôn giáo lấy “nội tại siêu việt” làm đặc trưng sang loại tôn
giáo phi tôn giáo lấy “nội tại siêu việt” làm đặc trưng, chuyển từ xuất thế
sang nhập thế, từ đó giải quyết được khuynh hướng nhị nguyên.
Có thể nói, sự
chuyển biến này mang trong mình khuynh hướng thoát ly mô thức tôn giáo truyền
thống. Đối tượng chủ yếu mà Thiền tông Trung Quốc hướng đến là các thiền sư
(phát huy tâm tự giác nội tại để giác ngộ), còn đối tượng mà Thiền phái Trúc
Lâm hướng đến, ngoài cá nhân các thiền sư còn là toàn thể người Việt, không
chỉ là cá nhân, mà còn là cả xã hội.
Điều này không chỉ
thể hiện bởi lời nói và suy tư của Trần Nhân Tông, mà đặc biệt, nó còn thể
hiện rõ ràng ra ở sự tu tập, ở cuộc đời và ở sự cống hiến của ông cho dân tộc
Việt.
3. Học thuyết vô niệm
Pháp môn tu tập của đốn giáo là “ba không” (tam vô): vô niệm, vô tướng, vô
trụ. Huệ Năng nói: “Chính giáo vốn không
chia ra đốn và tiệm. Tính con người vốn có sắc bén và chùn nhụt, người mê thì
tu dưỡng chậm, người ngộ thì tu dưỡng nhanh. Tự nhận thức bản tâm, tự nhìn
thấy bản tính thì không có sai biệt" (Bản lai chính giáo, vô
hữu đốn tiệm. Nhân tính tự hữu lợi độn, mê nhân tiệm khế, ngộ nhân đốn tu. Tự
thức bản tâm, tự kiến bản tính, tức vô sai biệt);
“Thiện tri thức, pháp môn này của ta, từ xưa đến giờ, trước hết lấy
vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bản” (Thiện tri thức,
ngã thử pháp môn, tòng thượng dĩ lai, tiên lập vô niệm vi tông, vô tướng vi
thể, vô trụ vi bản. Vô tướng giả, ư tướng nhi ly tướng; vô niệm giả, ư niệm
nhi vô niệm; vô trụ giả, nhân chi bản tính). Đây chính là công phu cốt yếu
của Thiền tông.
“Ư tướng nhi ly tướng” tức là dù cho vạn tướng ngay trước mắt,
tâm hành trong vạn tướng vẫn không bị vạn tướng điều khiển, giữ trọn sự thanh
tĩnh tự thể. Nghĩa là, tính chủ thể không bị ràng buộc vào trong tính khách
thể.
“Ư niệm nhi ly niệm” tức là đứng trên góc độ hoạt động tự thân
của chủ thể, tuy chủ thể có mọi hoạt động kinh nghiệm, ý thức kinh nghiệm,
nhưng vẫn không mất đi tính siêu việt và tự do của mình. Cho dù có niệm,
nhưng vẫn không bị tạp nhiễm bởi niệm.
“Vô trụ” nghĩa là không dừng lại ở bất cứ cái gì trong vạn pháp, đây là năng
lực vốn có của bản tính chủ thể, chính vì vậy mà mới có cái gọi là “bản tính
con người”. Giáo lý thiền ngộ của Huệ Năng lúc nào cũng gắn chặt với tự do
của chủ thể, nó không nằm ở các hoạt động ngoại tại(10).
Trần Nhân Tông cũng chủ trương thuyết vô niệm như Thiền Nam tông. Đối với
ông, cần phải xuất phát từ nội tâm để chứng Phật tính, trên phương diện tu
dưỡng, tâm không được chịu ảnh hưởng của ngoại vật, điều này chính là “vô
niệm”: “Gìn tính sáng tính mới hầu an; Nén niềm
vọng, niềm dừng chẳng thác” (Cư trần lạc đạo, đệ nhị hội).
Phương pháp “nén
niềm vọng” này vừa phải dựa vào phương pháp “vô trụ” (không chấp trước), vừa
phải dựa vào phương pháp “vô tướng”.
Theo ông, nếu làm
được như vậy, mặc dù ở trong cõi trần này, nhưng lại vô tạp vô nhiễm, thuận
theo tự do, không có trở ngại, đạt tới sự giải thoát tinh thần.
Đoạn đối thoại giữa
Trần Nhân Tông và đệ tử trước lúc ông lâm chung đã nêu bật lên tư tưởng này: “Giữa đêm mồng một tháng 11 năm 1308, Ngài hỏi Bảo Sát: ‘Hiện giờ là
giờ gì?’ Bảo Sát bạch: “Giờ Tý”. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem nói:
“Đến giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?”.
Ngài nói kệ đáp: “Tất cả pháp chẳng sinh, Tất cả pháp chẳng diệt, Nếu
hay hiểu như thế, Chư Phật thường hiện tiền, Nào có đến đi gì” (Nhất thiết
pháp bất sinh, Nhất thiết pháp bất diệt, Nhược năng như thị giải, Chư Phật
thường hiện tiền, Hà khứ lai chi hữu dã).
Bảo Sát hỏi: “Chỉ như khi chẳng sinh chẳng diệt là thế nào?”. Ngài
liền nhằm ngay miệng Bảo Sát tát cho một cái bảo: “Chớ nói mớ”. Nói xong,
Ngài nằm nghiêng bên phải như sư tử, lặng lẽ mà tịch” (11).
Sở dĩ Bảo Sát bị tát
khi hỏi “Chỉ như khi chẳng sinh chẳng diệt là thế nào?” chính là do trước khi
đề cập đến “khi chẳng sinh chẳng diệt”, Bảo Sát đã chìm nhập vào trong sự
chấp trước, tức là cảnh giới của “trụ” mà không đạt đến được “vô niệm”.
Ở đây, rõ ràng, Trần
Nhân Tông có tiếp thu quan niệm trung đạo “bất sinh bất diệt” của Trung Quán
tông. Điều này thể hiện tư tưởng Phật học của ông không chỉ chịu ảnh hưởng từ
Thiền Nam tông, mà còn chịu ảnh hưởng từ các hệ phái khác.
Trong bài kệ Hữu cú vô cú rất nổi tiếng của mình, Trần Nhân Tông đã nêu lên quan điểm “bất chấp
tướng”, phá bỏ sự chấp trước giữa Hữu và Vô (12).
Bởi theo ông, Thiền không
phải là kinh viện, mà là cuộc sống, do đó cần phải “bất lập văn tự”, “trực
chỉ nhân tâm”. Nếu như chấp trước vào “hữu cú vô cú” thì sẽ “dập đầu trán
vỡ”, sẽ chỉ vô ích mà thôi.
4. Tinh thần nhập thế tích cực
Một số học giả thường sử dụng khái niệm “bản địa hóa” khi đưa ra nhận định,
đánh giá việc Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm đã kế thừa, phát triển
Thiền Nam tông, thông qua Thiền Trúc Lâm để phản ánh một cách khái quát hiện
thực cuộc sống dân tộc Việt và dùng Thiền Trúc Lâm để đưa ra lời giải cho các
vấn đề xã hội và nhân sinh được xuất phát từ mảnh đất Việt Nam.
Chúng tôi hoàn toàn
đồng ý với cách sử dụng khái niệm “bản địa hóa”, song trong bài viết này,
chúng tôi sử dụng khái niệm “Việt Nam hóa” chứ không phải là “bản địa hóa”;
chủ yếu là để nhấn mạnh đến tính quốc gia dân tộc chứ không phải tính vùng
văn hóa trong Thiền phái Trúc Lâm cũng như trong tư tưởng Thiền học của Trần
Nhân Tông.
Điểm khác biệt đầu tiên, dễ nhận thấy nhất giữa thiền phái Trúc Lâm và Thiền
Nam tông Trung Quốc chính là ở người sáng lập của nó. Trước khi là Phật tử,
Trần Nhân Tông là một hoàng tử, trước khi làm Trúc Lâm đầu đà, ông là vua của
nước Việt.
Trần Nhân Tông là
một vị vua được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong
lịch sử, hay “vua hiền đời Trần” (Trần
triều chi hiền vương - Đại Việt sử ký toàn thư). Trong thời gian trị vì, ông đã lãnh đạo
nhân dân qua 2 cuộc chống xâm lược Nguyên Mông (1285 và 1287).
Sau khi đánh thắng
trận đánh quyết định Bạch Đằng, đứng trước lăng vua cha mình là Trần Thái
Tông, nhìn chân những con ngựa đá trước lăng lấm lem do giặc đào phá, Trần
Nhân Tông đã cảm khái thốt lên hai câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng” (Xã tắc lưỡng hồi
lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu) (13).
Trong Đắc thú lâm
tuyền thành đạo ca, ông đã nêu lên rất rõ quan niệm yêu nước, gắn chặt “tam
hữu” với “tứ ân”: "Tụng kinh niệm
bụt, Chúc thánh khẩn cầu, Tam hữu tứ ân, Ta nguyền được bả”. Trong đó,"
tam hữu là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu, đây chính là tam giới. Tứ ân là
cha mẹ, chúng sinh, đất nước và tam bảo: hiếu dưỡng cha mẹ, quảng độ chúng
sinh, bảo vệ đất nước và cung kính tam bảo"(14).
Thánh Nghiêm pháp sư
cũng trích dẫn câu chuyện Đức Phật Thích Ca yêu nước và bảo vệ tổ quốc trong Kinh
Tăng Nhất A-hàm để chứng minh Phật giáo không những có quan niệm về tổ quốc
mà còn chủ trương biết ơn đất nước, yêu nước.
Tư tưởng của Trần Nhân Tông, nhất là tư tưởng thiền sau khi xuất gia, là tư
tưởng nhập thế, kết hợp lý tưởng phật quốc và lý tưởng đất nước. Sau hai lần
đại phá quân xâm lược triều Nguyên, ông thực hành chính sách trị quốc khoan
hòa, ổn định xã hội, phát triển văn hóa.
Trong bài dẫn cho
bức họa “Tranh Đại sĩ Trúc Lâm xuống núi” (Trúc Lâm đại sĩ
xuất sơn chi đồ (15)) của học sĩ đời Nguyên là Trần Giám Như, Trần Quang Chỉ
có đưa ra nhận xét như sau về Trần Nhân Tông: “Ông lấy lòng nhân để trị nước, lấy thành tín để phụng sự Trung Quốc,
đối đãi với quần thần như tay chân, vỗ về muôn dân như con đỏ, rút bớt hình
phạt, giảm nhẹ thuế khóa, thưởng phạt nghiêm minh” (Kỳ trị quốc dĩ
nhân, kỳ sự Trung Quốc dĩ thành, ngộ quần thần như thủ túc, phủ bách tính như
xích tử, khinh hình bạc phú, tín thưởng tất phạt).
Như trên chúng tôi đã trình bày, Trần Nhân Tông rất có ý thức trong việc xây
dựng Thiền phái Trúc Lâm mang nét đặc sắc của Việt Nam. Ông sáng lập ra Thiền
phái Trúc Lâm, bên ngoài thì cử sứ thần sang Trung Quốc xin Đại tạng kinh,
bên trong thì in ấn kinh điển Phật giáo, dựng chùa chiền, tô đắp tượng Phật.
Phật giáo là một học
thuyết hướng dẫn con người thoát khỏi “biển khổ”, là một loại triết học xuất
thế. Mục đích giải thoát cũng chính là điều Trần Nhân Tông, với tư cách người
sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, truy cầu.
Song, Trần Nhân Tông
cũng đồng thời là một vị vua, hơn nữa lại là một vị vua có công lao to lớn
đối với đất nước, nên mặc dù ông đã thoái vị xuất gia, nhưng vẫn còn nhiều
quan hệ mật thiết với triều đình.
Để phát triển mạnh
mẽ thế lực của Thiền phái Trúc Lâm, ông đã rất ý thức trong việc sử dụng các
quyền lực thế tục của mình.
Tam Tổ thực lục còn ghi lại buổi lễ trọng thể Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) chính
thức ủy cho Pháp Loa làm tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, tham dự buổi lễ
có cả vua Trần Anh Tông, các quan lại và tăng chúng nhằm củng cố uy tín của
người lãnh đạo phái Trúc Lâm tương lai (16).
Tuy Trần Nhân Tông tôn sùng Phật học, nhưng thái độ của ông đối với các học
thuyết khác là một thái độ cởi mở, tôn trọng và tiếp thu trên cơ sở Thiền.
Tam tổ thực lục còn ghi lại, năm Giáp Thìn (1304), Trần Nhân Tông “đi khắp các chốn thôn quê loại bỏ dâm từ, dạy dân thi hành mười điều
thiện”
(chu hành tụ lạc, hóa trừ dâm từ, giáo hành thập thiện).
Rõ ràng là Trần Nhân
Tông muốn lấy giáo nghĩa Phật giáo để trị nước, lấy đạo đức Phật giáo làm
tiêu chuẩn cho đạo đức xã hội.
Song, ở đây, cũng
cần chú ý là, ông muốn loại bỏ dâm từ, song ông không có quan niệm về cái mà
chúng ta gọi là “dị giáo”, không chủ trương loại bỏ các tôn giáo hay học
thuyết khác để độc tôn Phật giáo.
Ông không chỉ chủ
trương phát triển tính đa dạng Phật giáo lấy Thiền phái Trúc Lâm làm cốt lõi,
mà còn có khuynh hướng phát triển tính đa dạng tư tưởng lấy Phật giáo làm nền
tảng.
Chính vì vậy, ở thời
ông và hầu hết cả thời Lý - Trần, bên cạnh việc Phật giáo được suy tôn thì
Nho giáo và Đạo giáo cũng rất phát triển. Với tinh thần nhập thế, cởi mở và
khai phóng như vậy, Trần Nhân Tông đã khiến giáo pháp Thiền phái Trúc Lâm trở
thành cầu nối giữa triều đình và người dân. Thiền học của ông không chỉ dành
riêng cho một tầng lớp quý tộc hay bó buộc trong triều đình, mà đối tượng của
nó đã thực sự được mở ra cho tất cả mọi người, phù hợp với xã hội Việt Nam.
Nhìn từ góc độ tư tưởng, quan niệm “tức tâm tức phật” và “vô niệm” của Trần
Nhân Tông đã phủ định mọi bó buộc từ bên ngoài, phá vỡ mọi chấp trước, loại
bỏ mọi quyền uy của truyền thống cũng như của hiện tại, tất cả chỉ dựa vào
tâm và từ góc độ này, con người có thể trở thành chủ thể của chính bản thân
mình, tác dụng giải phóng tư tưởng này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong suốt
chiều dài của xã hội chuyên chế phong kiến.
Song, thiền của ông
không thoát ly cuộc sống, mà ngược lại, nó lúc nào cũng mang đẫm hơi thở của
cuộc sống, chứng minh thiền của Trần Nhân Tông đã được sinh ra từ sự đau đáu
với cuộc đời, với hạnh phúc nhân sinh.
Có thể Phật giáo
quan niệm đời là bể khổ, song với Trần Nhân Tông, cuộc đời của mỗi người
chính là một mùa xuân và phải sống làm sao để không uổng phí mùa xuân đó: “Chớ để luống qua mùa xuân một cách tầm thường” (Bất thị tầm thường
không quá xuân).
Chú thích:
(1) Phương Hoài Nhẫn. Việt Nam Trúc Lâm phái
Thiền tông sáng thủy nhân Trần Nhân Tông đích thiền học tư tưởng, Phật học nghiên
cứu, số 3, 1994.
(2) Lê Mạnh Thát. Trần Nhân Tông: con
người và tác phẩm. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, chương VII: Một số vấn đề tư tưởng Trần Nhân Tông. Trích từ trang web:
http://www.thivien.net/
(3) Lê Mạnh Thát. Trần Nhân Tông: con
người và tác phẩm. Sđd.
(4) Xem: Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch
sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 1988, tr.247.
(5) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Thơ
văn Lý Trần, t.II quyển thượng. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988; Cư trần lạc
đạo phú, tr.497 - 510. Các đoạn trích dẫn sau từ bài phú này chúng tôi sẽ chỉ
nêu số hội trong bài.
(6) Trích theo: Lê Mạnh Thát. Trần
Nhân Tông: con người và tác phẩm (phần “Bài giảng tại Viện Kỳ lân”). Nxb
Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
(7) Xem: Lao Tư Quang. Tân biên Trung Quốc
triết học sử (tái bản lần thứ 5), q.2, Tam dân thư cục, 1990, tr. 329.
(8) Ấn Thuận. Trung Quốc Thiền tông sử (xuất bản lần thứ
3). Giang Tây Nhân dân xuất bản xã, 2002, tr.2.
(9) Xem: Thang Nhất Giới. Tựa; Ấn Thuận. Trung
Quốc Thiền tông sử. Sđd.
(10) Xem: Lao Tư Quang. Tân biên Trung Quốc
triết học sử. Sđd., tr.332.
(11) Trích theo: Thích Thông Phương. Vua
Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nxb Tôn giáo, Hà
Nội, 2006.
(12) Xem: Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Thơ
văn Lý Trần. Sđd., tr.489 - 450.
(13) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Sđd., tr. 483.
(14) Thánh Nghiêm pháp sư. Chính
tín đích Phật giáo, Pháp Cổ văn hoá, Đài Bắc, 1996, tr.129.
(15) Trong bài viết của mình, Phương Hoài Nhẫn chú thích là “Trúc Lâm đại sĩ xuất thế đồ”. Trích từ “Thạch cừ bảo cấp tục biên”, Càn
Thanh cung tạng tam. Song, ở đây, chúng tôi dựa theo nguồn của tác giả Nguyễn
Nam, “Diện mạo Trần Nhân Tông qua Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”, Tạp chí Hán
Nôm, số 2,1999.
(16) Xem: Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch
sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.247 - 249.
Nguyễn Tài Đông* (Tạp chí Triết học)
* Tiến sĩ Nguyễn Tài Đông hiện là Phó trưởng phòng Quản lý khoa học
và Đào tạo,Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
|