Đức
vua Trần Nhân Tông ở ngôi 15 năm (1278 - 1293), trong thời gian này đã
diễn ra hai hội nghị quan trọng của đất nước: Hội nghị Bình Than (năm
1282), triệu tập quân dân bàn phương hướng kháng chiến chống quân
Nguyên Mông và Hội nghị Diên Hồng (năm 1284), triệu họp các phụ lão
trong cả nước để trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hay chiến khi quân
Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai. Khi đất nước thanh
bình, vua nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, về ở cung Vũ Lâm,
Ninh Bình, sau dời đến núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều ngự Giác hoàng. Trần
Nhân Tông được sử sách ca tụng là một trong những vị vua anh minh nhất
trong lịch sử Việt Nam.
Hội nghị Diên Hồng mang ý nghĩa thời đại vì không chỉ minh chứng cho
tư tưởng độc lập dân tộc và còn phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ bằng
việc lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một nhà nước quân chủ đã trưng
cầu dân ý trước sự tồn vong của đất nước. Hội nghị đó đã lấp đầy những
khuyết điểm nội thù cố hữu của dân tộc, đó chính là sự chia rẽ, mất
đoàn kết và hành động cầu cứu ngoại bang đem quân giày xéo quê hương.
Dưới thời Trần, đạo Phật là quốc đạo. Với tinh thần “hoà quang đồng
trần” (hòa ánh sáng cùng cát bụi), đạo Phật đã sản sinh ra những trí
thức có tinh thần phóng nhiệm, dấn thân, nhập thế, coi sinh tử là lẽ
thường… Văn hóa Phật giáo trở thành những ứng xử chủ đạo trong đời sống
xã hội. Từ những tư tưởng tích cực của đạo Phật, người Việt tiếp tục
vun bồi, sáng tạo, điều chỉnh và tự hoàn thiện nền văn hóa của dân tộc
mình. Lối sống thuần thiện, hòa hiếu của cộng đồng được ghi lại trong
lịch sử đã phản ánh rất rõ điều đó. Trần Nhân Tông là người giữ trọng
trách quốc gia, nên ông không bao giờ ngừng thao thức để tìm kiếm chân
lý trên căn bản tư tưởng Phật giáo, nhằm nhận ra những giới hạn của bản
thân: giới hạn của lòng từ, giới hạn của sự trong sạch, giới hạn của
tinh thần yêu dân và thái độ coi trọng hiền tài…
Trước đó, Trúc Lâm quốc sư từng nhắn nhủ vị vua mở đầu triều đại nhà
Trần - Trần Thái Tông rằng: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý
muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của
mình”.
Khi triều đại đã sản sinh ra những con người biết lấy tâm ý của
thiên hạ làm tâm ý của mình thì lẽ nào thiên hạ lại phụ lòng của họ. Đó
là lý giải vì sao trước sức mạnh của quân Nguyên Mông, từ vua đến dân
đều trên dưới một lòng, bỏ qua những tị hiềm, mâu thuẫn, ích kỷ, tư thù
cá nhân để cùng nhau đoàn kết, bảo vệ non sông, văn hiến của dân tộc.
Trần Nhân Tông đã tiếp tục khai mở được nội lực và tinh thần dân tộc
bằng chính đời sống làm gương trên cả hai vị thế quân vương và thiền
sĩ. Trong thời gian trị vì đất nước, ông luôn là người đứng mũi chịu
sào, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, coi trọng việc định quốc an
dân, giữ gìn tâm ý của thiên hạ, đề cao tâm ý của thiên hạ và không bao
giờ cho phép mình giẫm đạp lên tâm ý của thiên hạ. Khi rời bỏ ngai
vàng, ông chống gậy trúc đi khắp trong thôn, ngoài làng khuyên dân giữ
gìn mười điều thiện.
Niềm tin của đời Trần là niềm tin được phát khởi bởi lòng chân thành
vì dân vì nước và lời sám hối tha thiết cho những giới hạn của bản thân
trước nghịch cảnh tranh danh, đoạt lợi. Nhiều vị vua đời Trần đã tỏ rõ
sự hơn người khi mang niềm tin và hành động ấy đến với nhân dân.
Vì mục đích dân cường nước thịnh, triều Trần dấn thân dựng nghiệp
như bao khởi sự khó khăn của các triều đại khác, nhưng trước sức ép của
ngoại xâm, họ sẵn sàng bỏ đi mọi tị hiềm, mọi chấp nhặt nhỏ nhen, không
phải để khẳng định bản ngã vương triều, mà chính trong tuyệt đích của
ước muốn, triều Trần, cụ thể là Trần Nhân Tông đã không ngừng triển
khai tư tưởng cư trần lạc đạo để bồi dưỡng tinh thần và đạo lý dân tộc.
Người cầm cân nảy mực quốc gia mà nhận biết được những khuyết điểm
và giới hạn của mình thì dân tộc đó nhất định sẽ lớn mạnh. Những sửa
chữa khuyết điểm của họ mang giá trị và tầm ảnh hưởng lịch sử. Bởi
khuyết điểm lớn nhất mà lịch sử của hầu hết các dân tộc phải trải qua
đó chính là thanh trừng tư tưởng và phát động chiến tranh tương tàn để
duy trì một trạng thái quyền lực đang có nguy cơ mất thế cân bằng. Dĩ
nhiên, quyền lực tập trung lúc đó thuộc về thiên tử và bộ máy quan lại
cầm quyền. Tuy nhiên, việc hoàn chỉnh nhân cách để người đứng đầu quốc
gia thay trời hành đạo, nối dòng trị dân luôn phải xuất phát từ những
hành vi đạo đức có chuẩn. Định mức để cân bằng cho những hành vi đạo
đức có chuẩn chính là mọi hành động của người đứng đầu đều phải phù hợp
với thiên ý và nhân luân.
Đạo Phật đã bổ sung nhiều những hành vi ứng xử có chuẩn vào phong
thái sống của các bậc quân vương. Vì vậy, ý nghĩa cai trị và giá trị
giải thoát không những không mâu thuẫn và đối lập nhau mà còn xác lập
một mẫu hình hoàng đế - hiền triết đầy đủ Bi - Trí - Dũng trong lịch sử
dân tộc.
Kinh Pháp Hoa nói đến hình ảnh một gã say không biết mình có hạt
châu vô giá cột trong áo, nên cực khổ kiếm sống bên ngoài mà vẫn không
có được hạnh phúc. Trúc Lâm quốc sư từng khuyên vua Trần Thái Tông
rằng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta
lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ
được chân lý ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm
cực nhọc bên ngoài (Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam).
Trần Nhân Tông tiếp tục triển khai tư tưởng “cư trần lạc đạo” bằng
việc khẳng định: “Trong nhà có sẵn của báu đừng tìm đâu khác”. Ông đã
đặt “của báu” sẵn có đó trong một trục ngang, bình đẳng, có nghĩa rằng
mọi người không phân biệt địa vị đều có cơ hội khám phá và sở hữu “tài
sản” vô giá đó. Khi không còn nhọc lòng tìm cầu ở bên ngoài thì các cá
nhân sẽ biết tiêu dùng và hưởng thụ “của báu” đó một cách có ích nhất.
Phát huy nội lực, sở trường của dân tộc, nhằm hạn chế những ảnh hưởng
của sở đoản từ những khuyết điểm dòng họ (huyết thống), thái độ độc tôn
tư tưởng, hành vi hướng ngoại để trục lợi, Trần Nhân Tông đã “làm giàu”
cho xã hội bằng cách kêu gọi mọi người cùng mở ra nguồn vốn sẵn đủ đó
của mình.
Tâm là nguồn báu truyền đời. Giữ được tâm ban đầu ấy thì giữ được
hạnh phúc và an lạc quốc gia. Trong cả ý chí và hành động, họ quyết giữ
vốn quý đó vì họ hiểu rằng đó là di sản truyền đời mà các thế hệ con
cháu phải được thừa hưởng. Cắt đứt dòng nhận thức về nội lực và khả
năng khai mở, phóng nhiệm, dấn thân của nguồn tâm đó, rất có thể dân
tộc lại rơi vào cảnh tương tàn, lầm than và khổ nhục.
Nhận thức đầy đủ về những giới hạn của chính bản thân, của dòng họ
và dân tộc, vấn đề sửa chữa khiếm khuyết trong nhận thức của người đứng
đầu đất nước luôn được đặt ra một cách cấp thiết và thu hút mọi quan
tâm của bộ máy quyền lực. Vương đạo hay bá đạo, hiền nhân hay bạo chúa
đều tuỳ thuộc vào sự chọn lựa đường hướng tư tưởng và lối sống của
những người đang nắm giữ thể diện quốc gia.
Sự phân định trong nhận thức xã hội về kẻ ngu - người trí ở thời
Trần đã thúc đẩy những nỗ lực tiếp cận tư tưởng giải thoát của đạo
Phật, nhằm lý giải cặn kẽ phạm trù (ngu - trí) này, từ đó xuất hiện
hình mẫu những bậc triết vương xuất trần trên cả hai bình diện tri thức
và thực nghiệm tâm linh. Trong sự phân định tư tưởng rõ ràng và dứt
khoát đó, cần nhìn nhận phạm trù ngu - trí, như một cặp song hành, phản
chiếu vào tinh thần thời đại.
Người ngu thì lo âu, chán đời trị thế. Chán đời trị thế biểu hiện
qua hành động diệt khai quốc công thần, thanh trừng tư tưởng vì sợ mất
ngai vàng, thúc bách việc tìm thuốc trường sinh để sự hưởng thụ được
lâu dài hơn… Người trí thì lo truyền hiền, tìm người tài đức kế cận.
Chính trong suy nghĩ đó, người trí biết đặt lợi ích dân tộc, sự thanh
bình của nhân dân lên trên hết. Vượt qua nỗi lo sợ thường trực về việc
mất ngai, mất quyền, chết yểu, họ đã tiến đến làm chủ tinh thần vạn nhà
bằng việc mở ra nguồn của báu sẵn đủ để dân làm chủ tài sản và vận mệnh
của mình. Ở đó quốc gia được sở hữu những giá trị an lạc, biết đủ, khi
người dân sống hòa hợp với thiên nhiên, người lãnh đạo không vì những
toan tính ích kỷ đẩy dân tộc vào thế cùng tranh, loạn tranh.
Sự dịch chuyển của quyền lực không thể tính bằng những thái độ độc
tôn tư tưởng hay bằng những chiến dịch bàn tay sắt trong thanh trừng,
mà chính thời gian, dòng biến chuyển vô thường sẽ tự động kết thúc cho
cuộc chạy đua quyền lực đó. Nhận thức “vô thường” là điều hiển nhiên,
người trí biết tìm cách làm mạnh nội lực dân tộc bằng những giá trị
tinh thần nhân đạo, nhân văn để đời, cẩn thận xét gốc chỉnh ngọn, tu bổ
lại các giá trị văn hóa mà tổ tiên bao đời đã gầy dựng.
Sức mạnh của văn hóa là sức mạnh bao trùm mọi biên cương, lãnh thổ.
Sự hủy diệt của chiến tranh càng làm cho những vị vua Phật tử nhận thức
nhiều hơn về cảnh bãi biển nương dâu, chợ chiều quyền lực. Chợ chiều
quyền lực là cảnh thất thế, dọc ngang, lênh đênh của các thân phận con
người khi danh lợi một ngày nào đó rời xa họ.
Tâm lý tranh đoạt, nghi kỵ thường giả biến những chuyện vặt vãnh
trong đời sống thường nhật thành mối nguy quốc gia. Đó cũng là hành vi
kém nghiêm chỉnh nhất trong thái độ của kẻ cầm quyền. Điển hình cho
thái độ này là hành động “qua cầu rút ván”, “được chim quên ná”, “diệt
khai quốc công thần”... Nội lực dân tộc nhất định sẽ giảm đi rất nhiều,
nếu những người cầm quyền cố biến những điều vặt vãnh thành những quan
tâm nghiêm trọng, hay cho người giả bệnh để kê những “toa thuốc” (bổ -
độc) lãng phí lòng tin của nhân dân. Chính khi ấy, lòng khoan thứ bao
dung trong tư tưởng Phật giáo đã trở nên sáng tỏ trước những lòng dạ
chật hẹp, đố kỵ, tị hiềm.
Đem lòng, lấy ý mà hiểu người trên kẻ dưới, mà đối đãi với nhân dân
là lời khuyên của người trí. Thay vì phòng bệnh bằng những cung cách
ứng xử có chuẩn, không ít thế lực trong lịch sử lại đi chữa bệnh bằng
những toa thuốc bốc nhầm bệnh. Kê nhầm toa thuốc là lỗi ở người trị
bệnh, còn người khác có bệnh hay không, nhiệm vụ của lương y là phải
làm sáng tỏ căn bệnh, chữa trị cho họ lành mạnh, để họ tiếp tục đóng
góp “của báu” cho xã hội, cộng đồng.
Hành vi “đang yên tự tìm nguy” mà Trần Nhân Tông nhắc đến, chính là
ông muốn nhắm đến những người ngu tự lừa phỉnh mình bằng những cơn đau
trầm trọng, tự thêm bướu vào thân, rồi cùng quằn quại và đối phó lẫn
nhau.
Trong lịch sử dân tộc, mọi “dỗ nín” về tư tưởng đã không ngừng được
truyền vào nước ta, nhằm phủ trùm tư tưởng yên mệnh và yên phận. Nhưng
trong thời đại mà triết lý dân tộc tỏa sáng, thiên ý - nhân luân thuận
hợp với nhau, “của báu” của mỗi cá nhân được khai mở thì sẽ nhanh chóng
bù đắp vào khuyết điểm nghèo đói tha phương cầu thực, tranh hại lẫn
nhau.
Mỗi người đều có một viên ngọc báu vô giá. Đó là tài sản chứng minh
sự giàu có chung của cả cộng đồng. Mục đích yên dân không bao giờ đi ra
ngoài việc làm mạnh nội lực dân tộc từ mỗi cá nhân. Nói cách khác, tư
tưởng yên dân phải xuất phát từ những hành động thiết thực “lấy ý thiên
hạ làm ý của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình”.