‘Sứ giả Như Lai’ thời đại mới
Huyền My
15/11/2012 22:39 (GMT+7)


Không chỉ người già, phụ nữ mới lên chùa nghe thuyết pháp, dự các khóa tu; nay sinh viên, thanh thiếu niên cũng trở về nguồn cội mong được “ăn mày cửa Phật”.

Từ chuyện người trẻ lên chùa...

Một trong những thành công của nhiệm kì VI của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đã tạo ra được xu hướng trở về nguồn cội, để mọi thành phần, lứa tuổi đều mong được đến chùa, loại bỏ quan niệm lạc hậu và sai lầm cho rằng chỉ có người già, phụ nữ đến chùa như trước. Đặc biệt vấn đề hoằng pháp đối với thanh thiếu niên và sinh viên cũng được Giáo hội đặc biệt chú trọng.

 

Các em nhỏ nô nức kéo nhau về chùa đón Trung thu

Mùa hè, thanh thiếu niên lên chùa tập võ, tĩnh tâm. Mùa trung thu, các thiếu niên nhi đồng lên chùa niệm A Di Đà Phật và vui hội trăng Rằm. Các khóa tu “Khoảng lặng cuộc sống” cùng các hoạt động tiếp sức, tư vấn mùa thi đã đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ và thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu niên về chùa tu tập.

 

Các bạn trẻ đang học võ Thiếu Lâm tại chùa Bằng A, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

“Đây là một thành công lớn của Phật giáo trong vài năm trở lại đây.” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Hoằng pháp Trung Ương đánh giá. “Trong các khóa tu, các em có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về tình thương của cha mẹ và nhiều em đã có những giọt nước mắt ăn năn, hối hận, có khi chỉ vì những việc nhỏ như không giúp mẹ quét nhà, rửa bát. Trong các khóa tu này, các em cũng được chỉ dạy các kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, biết chọn bạn mà chơi, chọn việc tốt mà làm, biết việc xấu mà tránh”.

... tới đôi điều suy ngẫm

Rất nhiều Phật tử Việt Nam đặt ra câu hỏi: “Hiện nay, Phật tử nước nào tụng kinh theo tiếng nước ấy vì sao Phật tử Việt Nam lại phải tụng kinh bằng âm Hán Việt khiến người tụng, đọc khó hiểu lời Phật dạy?”.

Đó là một thực tế, đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Nghi lễ Trung ương, các vị Tăng, Ni có trọng trách cùng suy nghĩ để có hướng đổi mới căn bản cách thực hành, đọc tụng kinh sách sao cho phù hợp với người Việt.

 

Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ tại chùa Phật tích

Giờ đây, trọng trách đặt ra trong công tác Hoằng Pháp phải đi vào chiều sâu để giải bài toán, có người chăm lên chùa ngày Rằm, mồng Một, tham dự không thiếu một hội chùa nào nhưng lại chưa biết điều đơn giản như tại sao cờ Phật lại có 5 màu, Quy Y là gì?, Tam Bảo là những ngôi báu nào… Hay mỗi năm có hàng ngàn, hàng vạn gia đình mời các vị Tăng, Ni đến lập các trai đàn, làm lễ cầu an, cầu siêu nhưng lại không hiểu nghi lễ này có ý nghĩa như thế nào?

Chính vì vậy, trong một chia sẻ về hoằng pháp trong thời đại mới, Hòa thượng Thích Thiện Bảo đã viết: “Hoằng pháp không có nghĩa chỉ là những buổi thuyết pháp trên pháp toà mà nó phải được thể hiện trong mọi sinh hoạt của chúng sinh qua nhiều phương tiện khác nhau: ngôn ngữ diễn đạt qua văn hoá nghệ thuật, dịch thuật kinh sách… Làm sao cho giáo lý đức Phật đi vào đời sống, có như thế mới thực sự là một nền giáo lý được áp dụng vào thực tế, thiết thực góp phần đưa con người đến sự an lạc.”

Con đường hoằng pháp trong nhiệm kỳ VII

Dự thảo báo cáo chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kì VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặt ra 8 nhiệm vụ quan trọng trong việc hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức và văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc.

Bên cạnh các hoạt động quen thuộc bồi dưỡng ni sư, hướng dẫn Phật tử, xây dựng tự viện thành môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh thì dự thảo nhấn mạnh đến các hoạt động: Việt hóa nghi lễ Phật giáo, biên soạn lễ nghi thống nhất và phát hành kinh nhật tụng tiếng Việt hay việc soạn thảo các bài thuyết pháp ngắn 5-10 phút để các giảng sư có thể giảng giải cho Phật tử và gia đình trong các khóa lễ. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển văn hóa Phật giáo đến vùng sâu vùng xa và phát huy thế mạnh truyền thông về Hoằng Pháp trên các tờ báo viết, báo nói, báo mạng, kênh Truyền hình An Viên, các trang tin điện tử…

Chia sẻ tâm tư trong bước đường Hoằng Pháp tới đây, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu: “Phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam từ nghìn đời nay, người tu hành chỉ mong sao được góp phần xây dựng cuộc sống tốt lành hơn. Hiện đại hóa công tác Hoằng Pháp để giáo lý cao đẹp của đức Phật thấm sâu vào đời sống nhân dân là mong muốn số một của Giáo hội. Tiếp đó là xây dựng các cấp Giáo hội phát triển cả về chiều rộng và sâu, phát huy truyền thống tu học lấy trí tuệ để tu học Phật pháp, dấn thân hoằng pháp độ sinh, lấy lục hòa tứ nhiếp làm nguyên tắc hoạt động Phật sự, lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu phục vụ. ”

Theo vietnamnet.vn

Các tin đã đăng: