Tiến sĩ Chen Yu-His từng là
Trưởng khoa Tôn giáo học thuộc Đại học Fo Guang, Đài Loan từ năm 2000
đến 2003. Hiện nay, ông là giáo sư giảng dạy bộ môn Tâm lý và Tâm lý trị
liệu tôn giáo tại khoa này. Ông đã công bố nhiều bài báo và khảo luận
trong lĩnh vực tâm lý học tâm linh và tôn giáo.)
Từ và Bi là hai yếu tố quan trọng trong
giáo lý Tứ vô lượng tâm mà đức Phật đã dạy. Trong đời sống đức hạnh với
lý tưởng lợi tha, người Phật tử luôn ý thức từ bi và yêu thương như hình
thức luân lý hay đạo đức để hướng thượng hoặc như là lý tưởng cao quý
để “hiến dâng”. Về hình thức thì đây là tiêu chuẩn đạo đức của Phật
giáo, chiết xuất từ tâm Từ nghĩa là “đem đến cho chúng sanh niềm vui” và
tâm Bi là “cứu giúp chúng sanh ra khỏi khổ não”. Nói cách khác, Từ và
Bi được xem là ý nghĩa quy phạm và sứ mệnh của lòng vị tha.
Đức Phật và những vị Thánh Tăng trong
lịch sử Phật giáo thì không phải là những nhà rao giảng về đạo đức, mà
là tiếp cận thực tại, chỉ cho mọi người tình thương và lòng từ bi là
phẩm chất - và là sức mạnh nội tại - có sẵn bên trong thật tánh của mỗi
chúng ta, đó là “Phật tánh”. Nếu chúng ta biết cách để gắn kết được với
Phật tánh bên trong của chúng ta thì sẽ đạt đến nguồn thiêng dồi dào ấy.
Ở đây, chúng ta đang bàn về chiều sâu của tâm lý trên cấp độ tinh thần
chứ không phải là đạo đức tôn giáo. Giới luật của Phật giáo là “Từ bi vô
lượng” không phải mang ý nghĩa trừu tượng siêu hình và cũng không phải
duy tâm hư vô. Quả vậy, đây là thực chứng cơ bản, được thể nghiệm bằng
tâm giác ngộ một cách tự nhiên – vượt thoát bản ngã cố chấp với suy nghĩ
và cảm thọ đối đãi.
Lòng
từ và tình thương chân thật là kết quả của sự chuyển hóa tự thân, bao
gồm cả lòng vị tha vô ngã, tha thứ và hiểu biết cảm thông. Hơn bất kỳ
những điều gì khác, những đức tính này chính là sự thử thách cho sức
mạnh của tình yêu thương khi chúng hiện hữu trong những hoàn cảnh mà cái
tôi như đang bị xúc phạm và vạch trần. Còn cái gì là vô giá hơn trong
thế giới đầy xung đột và khác biệt này? Lòng bao dung hướng cho tâm
chúng ta rộng mở để tiếp thu những ý kiến, quan điểm và niềm tin tôn
giáo của người khác. Lòng tha thứ giúp cho ta bỏ đi cảm giác thua thiệt
rồi gây ác cảm và thù hận khi người khác xúc phạm mình. Hiểu biết cảm
thông nghĩa là đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác và xem những
vấn đề của người khác trong trường hợp của họ như chính chúng ta khi xảy
ra xung đột. Những đức tính ấy giúp chúng ta hàn gắn khoảng cách giữa
ta và người khác, để mang lại sự hòa giải xung đột và trái ý.
Hơn nữa chúng còn liên quan đến việc tu
tâm, những đức tính này giúp chúng ta tránh xa được những tiêu cực về
thù hận, chống đối và ganh ghét của đời thường, vì thế làm cho những tâm
lý này không còn bị che giấu, giúp cho hành giả phát triển thiện tâm và
đức tính tốt đẹp. Đó là lý do mà chúng ta thực tập lòng Từ trong đạo
Phật – thực tập lòng Từ không những trực tiếp hướng đến tâm Từ, thân làm
việc tốt và nói lời hay, mà còn quan trọng hơn là trau giồi lòng tha
thứ, khoan dung và tiếp nhận.
Phật giáo luôn lấy Từ và Bi cùng song
hành với Trí huệ, như thể đôi cánh của một con chim. Trí huệ ở đây là
nhận ra chân lý của cuộc đời, làm cho tâm tự tại giải thoát khỏi trói
buộc, ám ảnh và kiến chấp sai lầm. Chân lý ở đây chính là sự hiểu biết
sâu tột về ngã thức (ego-consciousness) của chúng ta, cùng với những
hoạt động của các quan năng của nó, là một trạng thái không có mặt của
ngã, chứng ngộ vô sở đắc, chân lý tuyệt đối phi nhị nguyên, hoặc tâm vũ
trụ mà tâm lý học siêu cá nhân đã gọi tên. Khi nhận thức được vấn đề thì
ngã nhị nguyên lập tức tiêu tan vào vô ngã, chân ngã hay tâm vô lượng,
phát khởi lòng thương yêu chúng sanh bằng cả tâm Từ và tâm Bi.
Ngược lại, nếu chúng ta không lấy tâm Từ
và tâm Bi làm đầu thì chúng ta không hy vọng đạt đến Trí huệ. Ở điểm
này, bằng phép loại suy cho ta một điều lý thú: Trên vùng đất phì nhiêu
với điều kiện thời tiết thuận lợi thì có thể tăng năng suất cho cây ngô,
nhưng ban đầu lại không gieo hạt giống ngô khỏe, thì làm sao có thể có
mùa thu hoạch tốt? Cũng thế Trí tuệ và Từ bi luôn tương quan mắc xích
với nhau. Việc thực hành tâm Từ bi thì trước hết là thực hành lòng vị
tha, sự khoan dung và hiểu biết cảm thông như đã được đề cập ở trên. Do
đó, nó là cái vô cùng quan trọng để đạt đến sự giải thoát trong tâm hồn.
Phật giáo không chỉ duy nhất giải thích
mối tương quan giữa Từ bi và Trí tuệ. Ngài Nisargadatta Maharaj – một vị
Thánh Ấn Độ đã đưa ra ví dụ nổi tiếng nhấn mạnh rằng: “Trí huệ nói cho
tôi không là gì cả; tình thương nói với tôi là tất cả. Giữa cả hai, đời
tôi trôi chảy.”
Khi
nói “Tôi không là gì cả” đồng nghĩa với Phật giáo về sự thể nghiệm
“không tánh” và “vô ngã”, thể hiện rõ ràng qua sự chuyển thức, tỏa sáng
bên trong, không chướng ngại bởi những đám mây tư duy và cảm thọ. Là
“không”, vì không có gì cả, không chướng ngại gì cả, đưa chúng ta ra
khỏi phàm tình. Giống như Sharon Salzberg, bậc thầy hướng dẫn thiền giải
thích một cách khéo léo, rằng cả sự rõ ràng và tỏa sáng của “không” và
sự tương quan của cái “là tất cả” đã làm cho ta thấy rõ bản chất thực
của chúng ta.
Mọi sự thảo luận về Từ và Bi đều sẽ
không trọn vẹn nếu không thảo luận đến những khả năng của Từ và Ti trong
vấn đề tâm lý trị liệu. Đức Phật nói rằng Từ và Bi là năng lượng duy
nhất bên trong chúng ta có khả năng giúp ta vượt thoát sợ hãi và căm
ghét, giúp chữa lành tâm hồn đã bị thương tật. Ngài quán thấy, “Hận thù
không bao giờ xóa bỏ được hận thù; chỉ có tình thương mới xóa bỏ được
hận thù.” Ngài cũng khuyên mọi người hãy, “điều phục sân hận bằng tình
thương.” Những lời dạy đáng lưu ý này chỉ cho chúng ta chớ nên đối xử
với nhau bằng sự căm ghét và sân hận. Trên thực tế, chúng ta có thể đưa
ra nhiều ví dụ chứng minh được làm thế nào thực hành điều thiện, biết
khoan dung và độ lượng thì có thể giúp mang lại sự hòa giải những xung
đột cá nhân.
Chúng ta đừng nên bỏ qua mặt quan trọng
khác của vấn đề này, đó là tâm Từ và tâm Bi cũng là liều thuốc giải độc
hữu hiệu cho tâm sân, giận, thù oán… khởi lên trong mỗi chúng ta. Chúng
ta biết rằng tinh thần tiêu cực có thể sản sinh ra những độc tố phá hủy
sức khỏe thân thể lẫn tinh thần. Trong số độc tố khác nhau ấy, tâm hận
thù bị dồn nén tạo nên sự hỗn loạn của tâm lý, là nguy cơ đưa đến chứng
rối loạn thần kinh và bệnh trầm cảm.
Khoa Tâm lý trị liệu chính thống cung
cấp toàn bộ phương pháp chữa trị được cho là hợp lý dựa vào thuyết Tâm
lý vị kỷ, thực ra đã bỏ qua các phương pháp hiệu quả nhất đó là khơi dậy
nguồn yêu thương bên trong của các bệnh nhân. Điều vô lý và không xác
đáng của những tiếp cận khoa Tâm lý trị liệu cho thấy qua phép phân tích
này: Tại sao bạn lại bận tâm với việc dùng xẻng để dọn dẹp băng tuyết
khi ánh mặt trời có thể làm điều đó dễ dàng? Có khối năng lượng luôn
tiềm ẩn bên trong trái tim của mỗi chúng ta. Và khoa Tâm lý học hiện
sinh đề nghị, con người hoàn toàn tự do chọn cho mình nguồn năng lượng
bên trong ấy để chữa lành cho người khác cũng như cho chính mình.
Vậy thì, lần sau khi bạn khởi tâm sân
hận và giận dữ thì bạn hãy dừng lại để tĩnh tâm và quán chiếu nội tâm
trước khi đến gặp bác sĩ Tâm lý trị liệu. Phải chăng tất cả những tâm lý
tiêu cực đang hiện diện trong tâm thức của bạn là điều cần thiết? Phải
chăng ta không có đủ sức mạnh nội tâm để chế ngự chúng? Xin lưu ý rằng,
sự thực hành tha thứ có thể thúc đẩy xây dựng lợi lạc cho chính mình.
Mỗi khi tha thứ cho kẻ thù của bạn, không phải là để làm một việc đạo
đức hay tôn giáo nào, mà đơn giản là mang lại lợi ích cho chính mình.
Bạn không muốn làm tổn thương, xúc phạm đến ai thì tâm hồn của bạn luôn
tốt đẹp. Với sự hiểu biết trong tâm, việc thực hành tha thứ và khoan
dung có thể đem lại nhiều kết quả không ngờ đến với bạn.
Sức mạnh nội tâm mà chúng ta có thể sử
dụng cho mục đích này có liên hệ với một chủ đề quan trọng trong cuộc
thảo luận về Từ và Bi: Đó là tình yêu đối với tự ngã. Nhiều nhà tư tưởng
phương Tây đồng tình với nhận định của đức Phật rằng tình thương yêu
chính mình là nền tảng của tâm Từ và tâm Bi đối với người khác. Như đức
Phật nhận xét, “Các ngươi có thể du hành khắp thế gian để tìm kiếm một
người nào đó đáng thương yêu hơn chính ngươi, nhưng con người đó không
thể tìm thấy được.” Tuy nhiên, không nên lẫn lộn tình thương yêu chính
mình với tâm lý quá lo lắng chăm sóc cho mình và khuynh hướng tự coi
mình là trung tâm. Tình thương yêu chính mình xảy ra từ một tiến trình
trưởng thành cá nhân một cách lành mạnh, trong đó việc biến những tiềm
năng cá nhân của chúng ta thành hiện thực, nhất là trong lúc phục vụ
người khác, mang lại cho chúng ta niềm vui và sự hạnh phúc, và tăng
cường niềm tin vào giá trị tự lực của chính mình thay vì chỉ làm mình
thêm hợm hĩnh. Tự thương yêu chính mình là tiếp tục liên kết được với
cội nguồn của niềm vui và hạnh phúc, và là học tập để đánh giá phần tinh
túy có sẵn trong chính tâm thức mình. Cần lưu ý, tình thương yêu chính
mình trong ý nghĩa này sẽ bị xói mòn bởi mọi khuynh hướng vị kỷ và quá
chăm lo săn sóc cho bản thân, kể cả những khuynh hướng tự cao hay tự hạ.
Ngược lại, khi tình thương được tăng
trưởng thì con tim và tâm hồn chúng ta mở rộng để chấp nhận mọi tình
huống và mọi người, để xoa dịu nỗi đau bằng tình thương, đưa bàn tay
thân thiện tiếp đón người khác khi họ cần giúp đỡ. Vượt ra ngoài ích kỷ
thì sức mạnh của tâm Từ và tâm Bi sẽ tăng trưởng.
Từ bi là năng lượng đủ ấm áp để chữa
lành được vết thương, đủ mạnh mẽ để vượt qua trở ngại và đủ bức xạ để
phát quang. Đó là năng lượng tiềm ẩn cần thiết cho mỗi chúng ta – là
nguồn năng lực quý giá bên trong mà tất cả chúng ta có thể trau giồi để
phát triển và làm lợi lạc tự tha.¡
Source: www.purifymind.com/ BuddhaCompassion.htm
i. Được trích dẫn trong Sharon Salzberg, Loving-kindness: The Revolutionary Art of Happiness, Boston: Shambhala, 1997, tr.15.
ii. Sđd