Chùa Quang Biểu nơi lưu trữ những giá trị văn hóa tôn giáo
Thu Hường
15/05/2012 21:49 (GMT+7)


Chùa Quang Biểu có tên chữ là “An Thổ tự” tọa lạc tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trong số những ngôi chùa cổ của huyện Việt Yên được xây dựng từ lâu đời. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ.

Tương truyền, chùa được nhân dân Quang Biểu xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (khoảng đầu thế kỷ XVII). Khi đó, chùa được xây dựng với quy mô lớn, gồm 7 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, có sân rộng, vườn chùa đủ cây cối xanh tươi, có tam quan, gác chuông, có hành lang, dải vũ uy nghi tố hảo, tường bao, xung quanh còn có lũy tre bao bọc. Trong chùa hệ thống tượng Phật được bài trí đầy đủ gồm các pho như: Tượng Tam Thế, Tượng Phật A-di-đà, Thích-ca, Thánh Hiền, các vị La Hán, Khuyến Thiện, Trừng Ác ngồi trên lưng con Sấu… Chùa có trang trí những bức hoành phi, những đôi câu đối trang nghiêm lịch lãm, những bia đá ghi công đức tạo cho khung cảnh chùa càng thêm cổ kính.

Cũng căn cứ vào nguồn di sản Hán Nôm, đặc biệt là hệ thống bia đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) hiện còn lưu giữ tại di tích cho biết thông tin cụ thể về những người đã có tâm công đức để tu sửa và xin gửi giỗ ở chùa như sau:

- Bia Hậu Phật niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) có ghi: “Quan viên hương lão, xã trưởng, xã Quang Biểu, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, Nguyễn Nhân Vị, Nguyễn Nhân Cổn, Nguyễn Nhân Truyền, Nguyễn Văn Tiến và 50 người nữa dựng bia bầu Hậu Phật.

Bà Trịnh Thị Định, hiệu Diệu Chinh là Chánh phu nhân ông Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Tri công tượng tiền tượng ký, Phó cai quản, Thị nội giám Ty lễ giám, Đô thái giám Quán Phương hầu Nguyễn Thế Nho, nhà cửa vinh sủng, gia tư giàu có, vào năm Canh Dần, dấy lòng từ thiện, tạo thành quả nhân, thu đồng, gọi thợ đúc chuông. Lại cấp 200 quan tiền cho dân xây chùa, ban 1 mẫu ruộng để dân quanh năm hương hỏa. Dân nhớ công ơn ấy, bầu thân phụ bà tiền gia tặng Thông chánh sứ ty thông chánh sứ chức Nguyễn lệnh công, tự Phúc Truyền phủ quân, mẹ tiền gia tặng Lệnh nhân Nguyễn Quý thị, hiệu Viên Khương phu nhân và chồng bà là Nguyễn Thế Nho làm Hậu Phật”.

- Bia Hậu Phật niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) có ghi: “Quan viên, xã hương trưởng Nguyễn Nhân Lập, Nguyễn Đăng Khai, Nguyễn Đình Thăng… cùng toàn dân 4 giáp Đông, Tây, Nam, Bắc xã Quang Châu, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà lập bia ghi việc: Nhân khi đúc chuông và làm gác chuông chùa, có 10 vị là Nguyễn Quý Công tự Phúc Thứ, Nguyễn Quý Thị hiệu Từ Hiếu, Nguyễn Thị Kính hiệu Diệu Hạnh và 7 người nữa, mỗi vị cúng cho dân 15 quan tiền sử và 1 thửa ruộng (sản lượng 3 gánh thóc) để chi phí. Do đó các vị được toàn dân thôn bầu làm Hậu Phật và dựng bia truyền lại đời sau.

- Bia Hưng Công tu tạo niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717): “Ghi họ tên những người có công đóng góp để sửa tam quan, xây hành lang, tiền đường, thượng điện và lối đi chùa An Thổ, xã Quang Biểu, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà như: Nguyễn Đức Lập tự Phúc Khánh, Nguyễn Thị Mai hiệu Từ Huệ… khoảng 200 người. Có khắc bài minh 24 câu ca ngợi công đức…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng cho máy bay ném bom, bắn phá vào chùa nhiều lần. Lúc này xã dùng chùa làm trường học cho cả xã, giặc phá, nhân dân lại xây, giặc lại phá, dân cứ tiếp tục xây dựng, hàn gắn vết thương. Cuối cùng trường học của xã vẫn đứng vững tại chùa, nhưng ngôi chùa bị tàn phá nhiều.

Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta thành công, Bắc Nam thống nhất. Được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền xã, thôn các cụ ông, cụ bà ở Quang Biểu lại đứng ra vận động nhân dân có hằng sản, hằng tâm bỏ tiền của tu sửa lại chùa. Qua nhiều lần tu sửa ngôi chùa mới giữ được dáng vẻ khang trang, cổ kính như hiện nay.

Ngay từ khi ra đời, đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt, văn hóa tôn giáo của nhân dân trong vùng. Chùa Quang Biểu được xây dựng với 7 gian tiền đường nối tòa thượng điện 3 gian. Phía sau là 7 gian nhà Tổ được xây song song với chùa chính tạo cho công trình có bình đồ kiến trúc theo kiểu “tiền đinh hậu nhất”.

Tòa tiền đường được dựng gồm 7 gian với 8 vì mái, 4 hàng chân cột, hàng cột ngoài cùng hệ thống chân tảng kê cột được làm bằng đá xanh. Hai bên tường hồi xây bình đầu bít đốc. Liên kết các vì mái theo kiểu chồng giường giá chiêng, hệ thống vì nách liên kết theo kiểu kẻ chuyền. Toàn bộ hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ lim chắc khỏe. Trên các cấu kiện gỗ được những nghệ nhân tận dụng tối đa để phô diễn sự tài hoa khéo léo của đôi bàn tay. Các con chồng, đấu kê, con chồng nách đều được chạm nổi kết hợp chạm kênh bong tạo nên các vân xoắn lớn, mập, chắc xen lá cúc lật. Trên các đầu bẩy trước và sau chạm nổi hoa văn kỷ hà, soi gờ vỏ măng. Các xà hạ, xà thượng, câu đầu được bào trơn đóng bén, soi gờ kẻ chỉ. Hệ thống kết cấu giữa các vì và cột, cột cái được thách cao hẳn lên và cột quân thấp hẳn xuống tạo cho lòng chùa có độ cao rộng, thoáng đạt. Kết cấu 4 hàng chân cột của vì tạo cho hệ mái thoải rộng, có độ dốc nước lớn, khiến cho công trình bền chắc vững vàng, mà bên trong lại cao thoáng, thanh thoát. Thượng điện 3 gian xây liền với tiền đường tạo cho chùa chính có dạng chuôi vồ.

Nhà Tổ được xây thành khu riêng, nằm ở phía sau, song song với chùa chính, được dựng gồm 7 gian với 8 vì mái, 4 hàng chân cột. Liên kết các vì mái theo kiểu chồng rường giá chiêng, hệ thống vì nách liên kết theo kiểu kẻ chuyền. Căn cứ vào dòng lạc khoản ghi trên thượng lương cho biết, công trình được trùng tu vào thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái Nhâm Thìn (1892).

Hiện nay, chùa Quang Biểu còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý, bao gồm 52 pho tượng có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX; 3 tấm bia đá có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), hệ thống hoành phi (10 bức), câu đối (5 đôi) và hệ thống chữ Hán khắc ghi tên những người có tâm công đức tài sản trên cột gỗ của chùa. Theo những người dân thôn Quang Biểu cho biết, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, cũng có thời gian chùa có nhiều thế hệ sư trụ trì, các thế hệ Tăng Ni, Phật tử, rồi đến nay là sự trông coi của người dân trong thôn nhưng ngôi chùa vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn những giá trị vốn có của một ngôi chùa cổ.

Hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, nhân dân trong làng lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống tại chùa. Trong ngày hội, ngoài nghi lễ dâng hương lễ Phật, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Cờ tướng, bịt mắt đập niêu, đu, đấu vật… Lễ hội tại di tích chùa Quang Biểu đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nơi đây nói riêng và nhân dân trong vùng thuộc xã Quang Châu nói chung.

Với những giá trị tiêu biểu về văn hóa tôn giáo như đã nêu trên, ngày 6-1-2012, di tích chùa Quang Biểu đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Theo: DPNN

Các tin đã đăng: