Là một bậc chân tu, Hòa Thượng
đã nói rõ ràng và khúc chiết về đường lối tu hành của mình như sau "Khi đi tu, tôi có bản nguyện rằng, mình tu thì phải thực hiện
ba điều. Một là phải Học cho tới nơi về Phật pháp. Hai là phải Hành,
cái học mình học rồi thì phải thực hành cho đến nơi đến chốn. Thứ ba là
đem Phật pháp chỉ dạy lại nếu ai cần. Như vậy, nguyện vọng của tôi rất
thuần túy là TU, HỌC và TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP mà thôi. Ngoài ra tôi
không quan tâm tới điều gì nữa"
Về chủ trương khôi phục dòng Thiền
Trúc lâm Hòa thượng nói "Tôi thấy ở Ấn Độ, ông Hoàng thái tử đi tu
rồi ngộ đạo, đem truyền bá chánh pháp. Ở Việt Nam mình, Vua Trần Nhân
Tông sau khi qua những chiến tranh rồi, bình yên rồi, Ngài giao hết sự
nghiệp cho con cái, Ngài đi tu. Như vậy thì nếu Ngài thấy đạo Phật tầm
thường thì không bao giờ Ngài đi tu. Ngài thấy đạo Phật còn cao hơn
ngai vàng, cao hơn tất cả những cái thụ hưởng thế gian cho nên Ngài
mới tìm đường đi tu. Như vậy Vua Trần Nhân Tông đi tu với lý tưởng
không kém gì ông Hoàng bên Ấn Độ. Bởi vậy cho nên tôi trọng đường lối
của Vua Trần Nhân Tông mà sau này gọi là Sơ Tổ Trúc Lâm. Lấy đó làm cái
chuẩn để khuyến khích người sau tu với một lý tưởng siêu thoát như
vậy”.
Trong suốt một thời gian dài, nhất
là ở miền Bắc nước ta, việc đến Chùa gần như được đồng nhất với việc
cúng bái, cầu xin thần Phật của những người già cả. Chính Đức Đệ tam
Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ
Tuệ đã đánh giá "Rất nhiều năm trước đây , ở miền Bắc nước ta, chùa
chỉ là nơi lễ bái của các bà già, gần như tuyệt nhiên vắng bóng nam
giới và lớp trẻ . Nhà chùa u ám, vắng vẻ, khu biệt với đời sống xã
hội. Điều đó lỗi một phần là do ý thức và cách hành xử của giới lãnh
đạo xã hội, một phần cũng là do nhà chùa. Nay ngẫm lại vẫn còn thấy man
mác ”.
Hòa thượng Thích Thanh Từ cũng
thẳng thắn chỉ ra những bất cập này. Hòa thượng dạy những người bước
đầu học Phật như sau "Vì muốn chỉ lẽ chính tà để người mới vào đạo
khỏi lầm lẫn, nên chúng tôi mạnh dạn chỉ thẳng những điều sai lầm hiện
có trong Phật giáo. Làm như thế, không có nghĩa chúng tôi muốn vạch
lưng chỉ theo cho kẻ khác thấy, mà cốt yếu muốn gây dựng lại một nếp
sống Phật giáo phù hợp với hiện tại và mai sau. Chúng ta sống trong
thời đại khoa học, cần phải truyền bá Phật giáo thích ứng với chân lý
gần với sự thật. Bản chất của Phật giáo là chân lý , là sự thật, chúng
ta đừng làm méo mó khiến kẻ bàng quan hiểu lầm Phật giáo".
Với công đức to lớn của Hòa Thượng
Thích Thanh Từ và các đệ tử của Hòa Thượng, cho đến nay đã có 21 Thiền
viện trên khắp đất nước ta. Ở miền Bắc tuy là cái nôi của Thiền tông
nhưng lại bị đứt đoạn khá lâu. Từ năm 2000 đến nay Hòa Thượng và các đệ
tử đã xây dựng 5 Thiền viện tại các vị trí đặc biệt có ý nghĩa. Đó là
Thiện viện Trúc lâm Yên Tử Quảng Ninh, Thiền viện Sùng Phúc -“Đóa hoa
sen giữa lòng Hà Nội", Thiền viện Tây Thiên ở Tam Đảo, Thiền viện Giác
Tâm ở Cái Bầu Quảng Ninh và sắp tới là Thiền viện Hàm Rồng Thanh Hóa.
Sự ra đời của các Thiền viện theo
dòng Trúc lâm của Hòa thượng Thích Thanh Từ đã mang lại một sức sống
mới cho Phật giáo phía Bắc. Riêng tại Thiền viện Sùng Phúc mỗi tháng đã
có hàng nghìn phật tử đến tu học thiền trong đó có rất nhiều bạn trẻ
là sinh viên của các trường đại học Thủ đô. Các câu lạc bộ thanh
thiếu niên Phật tử ra đời thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia vào các
hoạt động bổ ích tu tâm dưỡng tính, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Đây là điều mới lạ chưa từng có ở
các chùa chiền miền Bắc trước đây. Các Thiền viện thu hút được ngày
càng đông đảo Phật tử và giới trẻ vì cách tu tập và triết lý của Thiền
phái Trúc lâm mang đậm tính thời đại: Tu thiền chính là trở lại với
tâm mình, đem tâm mình trở về sống với nội tâm thanh tịnh “trực chỉ
nhân tâm, kiến tính thành Phật”.
Chính điều này đã thu hút được đội
ngũ trí thức trẻ đến Thiền viện vì tuổi trẻ luôn luôn muốn tìm tòi
chân lý, không chịu chấp nhận những lý thuyết khô cứng và giáo điều.
Là một nhà tu hành chân chính có
kiến thức uyên thâm, Hòa Thượng Thích Thanh Từ không những được Phật tử
vô cùng tôn kính mà còn được giới khoa học nước nhà hết sức ngưỡng
mộ. Buổi pháp thoại của Hòa Thượng giành cho các giáo sư, tiến sỹ, bác
sỹ và những người làm công tác khoa học ỏ Thủ đô về đề tài “Đạo Phật
thấy và nói đúng như thật" đã làm cho rất nhiều nhà khoa học sửng sốt,
rũ bỏ được những cách nhìn phiến diện trước đây và có quan điểm hoàn
toàn mới, đúng đắn về Đạo Phật. Họ đã hiểu được tại sao một nhà khoa
học kỳ vĩ như Anhxtanh - tác giả của thuyết tương đối lại khẳng định là
Đạo Phật rất khoa học và còn cao hơn khoa học!