Hồ nước thiêng, đền thờ Maya Devi và trụ đá vua A Dục xây nên ghi dấu nơi Phật đản sanh. |
Hành trình như đang ngược thời gian trở về năm 623 trước Công nguyên, năm mà hoàng hậu Maya Devi đã đản sanh Đức Phật…
“Giới hạn của lòng từ tâm”…
Từ thành phố Gorakhpur đến Sunaoli chưa đầy 100km, nhưng phải mất hơn
ba giờ di chuyển trên chuyến xe buýt ọp ẹp nhét đầy khách hành hương.
Xe dừng cách biên giới độ 200m, con đường vốn đã nhỏ chỉ đủ hai làn xe
đã bị hàng đoàn xe tải hạng nặng dài hơn cây số án ngữ. Khách hành hương
vẫn lâm râm cầu nguyện, dân buôn chuyến vẫn ồn ào quát tháo cho những
thương vụ xuyên biên giới. Đời và đạo song hành bền bỉ trên con đường về
miền Phật tích. Vừa xuống xe, cái nóng oi ả của trưa hè chụp ngay xuống
đầu, chúng tôi len lỏi đi trong dòng người chật chội, bụi bặm, một tay
giúp những người hành hương già vượt qua dòng người, một tay khoát liên
hồi từ chối những tay cò đổi tiền, xe lôi… để tìm đến nơi làm thủ tục
xuất cảnh sang Nepal đến miền lạc cảnh.
Miệng các tay cò đổi tiền liến thoắng, hù doạ khách hành hương: “Sang
Nepal người ta không xài tiền Ấn, và cũng không có chỗ đổi tiền!” Tâm
người hành hương thường dễ xiêu lòng, liền tay lục móc bóp tự nguyện đổi
tiền. Tôi cũng tính đổi một ít tiền Nepal dằn túi để trả tiền xe đến
thánh tích Lâm Tì Ni, chỉ cách biên giới Sunaoli gần 40 cây số. Do phần
đời trong tôi còn nặng vía, nên vừa đổi tiền vừa hỏi thông tin tỷ giá:
đổi 100 đôla nơi này chỉ được 4.500 rupee, trong khi nghe loáng thoáng
tỷ giá thực phải gần gấp đôi. Lòng từ tâm cũng có giới hạn, lại phải
“rất đời” kỳ kèo trả giá và cuối cùng là 6.500 rupee. Nhưng sang đến
biên giới Nepal, mới biết vẫn bị lầm vì tỷ giá thực phải từ 7.500 rupee
trở lên.
Theo chỉ dẫn của trung tâm du lịch ngay cửa khẩu, chúng tôi phải đi
bốn cây số nữa để đến trạm xe buýt, từ đó đón xe đến Lâm Tì Ni. Một
chiếc rickshaws (xe đạp lôi ba bánh) với người tài xế mặt hiền từ, nụ
cười dễ mến chạy lại mời khách, bốn cây số cho 200 rupee chở đến ba
người, hai Việt, một Slovakia. Người lái xe lôi vừa chạy vừa hát nho nhỏ
trong hơi thở khó nhọc và không quên than thở xin thêm tiền vì ba khách
nặng quá. Nhưng “giới hạn của lòng từ tâm” đã cho nhiều kinh nghiệm,
yêu cầu đó của chàng xe lôi tội nghiệp đã bị từ chối. Đến một trạm,
chàng xe lôi bảo đã đến nơi rồi, chưa an tâm lắm nên chúng tôi hỏi lại
người bên đường thì biết đến trạm xe buýt phải còn gần hai cây số nữa!
Chàng xe lôi cười toe và tiếp tục con đường trần gió bụi đưa chúng tôi
đến miền Phật tích…
Nơi chốn bình yên…
Chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày đưa chúng tôi đến ngay cổng khu
vườn Lâm Tì Ni trong buổi chiều tàn. Mùa nóng, khách hành hương thưa
vắng, cả khu vườn chỉ chưa tới mười người. Chúng tôi thật thích thú khi
được đi giữa bầy khỉ đông đúc đang nô đùa dưới khu vườn thiêng. Cảnh vật
thật bồng lai và thanh khiết.
Nơi Phật đản sanh luôn tấp nập khách thập phương về chiêm bái. |
Vé vào cổng khu thánh tích được bán với giá 200 rupee (khoảng 40 ngàn
đồng), chúng tôi được phát cho tấm bản đồ chỉ đường các di tích trong
khu thánh tích. Ngôi chùa Việt có tên Việt Nam Phật quốc tự là điểm
chúng tôi dự định chọn tá túc qua đêm. Nhưng thật đáng tiếc, Việt Nam
Phật quốc tự đang sửa chữa nên chúng tôi quá bộ sang ngôi chùa Hàn Quốc
kề bên tá túc. Bữa cơm chay cùng tăng ni, phật tử Hàn Quốc với cơm
trắng, kim chi thanh đạm nhưng ngon đến lạ kỳ.
Ở chùa Hàn Quốc, dịch vụ nghỉ đêm có nhiều khung giá, chúng tôi chọn
khung giá thấp nhất là 250 rupee, ở chung trong căn phòng rộng cùng một
phật tử đến từ Hàn Quốc. Sớm hôm sau, bình minh chưa kịp ló dạng, tiếng
chuông chùa đã điểm vang khởi đầu cho một ngày mới. Chúng tôi nhanh
chóng rời chùa, tìm đến khu phật tích chính của vườn Lâm Tì Ni. Diện
tích toàn bộ khu Phật tích ở Lâm Tì Ni lên đến 774ha, có rất nhiều chùa
của các quốc gia được xây dựng trong khu thánh tích như chùa Myanmar,
Trung Hoa, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Sri Lanka, Tây Tạng…
Trọng tâm khu Phật tích là ngôi đền Maya Devi được xây dựng từ 1899,
đánh dấu nơi ngày xưa hoàng hậu Maya đản sanh đức Phật, trong đền có
tảng đá in dấu chân được đặt đúng nơi Phật đản sanh. Cách tảng đá bảy
bước là thạch trụ do vua A Dục (Ashoka) dựng vào năm 249 (trước Công
nguyên), cao 6,5m, đánh dấu “bảy bước xưng tôn của thái tử Tất Đạt Đa”,
với câu xưng tôn: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới
đất, chỉ có cái tôi của con người là cao quý nhất). Hiện nay trên trụ
đá vẫn còn những chỉ dụ của vua A Dục rằng: “Hai mươi năm sau khi lên
ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích Ca, đã đản sanh tại
đây. Nhà vua ban lệnh khắc một bia bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài
miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường
xuống còn 1/8”.
Lâm Tì Ni thật yên bình, lặng lẽ, chỉ có những bóng người trầm mặc
đang thiền định dưới những cội bồ đề, văng vẳng lại âm thanh của chim
hồng hạc từ ngàn năm qua đã chọn miền đất này làm nơi cư ngụ. Người ta
tin rằng, loài chim ấy chỉ lựa chọn nơi chốn linh thiêng làm nơi sinh
sống. Với chúng tôi, những ngày lang thang qua miền Phật tích bỗng thấy
tâm mình sáng hơn, trong sạch hơn, nhưng cái đời trong con người lại
mạnh mẽ hơn mỗi khi đối diện với những cung đường đầy bụi trần…
Lam Phong – Hoài Nam (Sgtt)