Thiền sư Cảnh Hư ngôi sao Bắc Đẩu Phật giáo Hàn Quốc cận đại
Thích Vân Phong (Tổng hợp theo báo PG Hàn Quốc)
04/01/2013 13:00 (GMT+7)

Tiến sĩ Robert Thurman nói : “Nếu Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師) còn sinh tiền thì tôi xin nguyện làm đệ tử theo hầu hạ Ngài”. Đó là lời bày tỏ sự tôn kính và ngưỡng mộ một vị Thiền sư xuất cách siêu tuyệt thời Triều Tiên (Joseon).

Robert Thurman là một giáo sư trường sư Đại học Columbia, một học giả về tôn giáo nổi tiếng thế giới, từng được tạp chí chí Time bình chọn nằm trong số 25 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ năm Đinh sửu (1997).

Giáo sư Robert Thurman là một trong những người tây phương quy y Tam Bảo thụ giới, trở thành tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng, ông vô cùng kính tiếc là Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師) đã nhập Niết một thế kỷ qua, nhưng tinh thần nhập thế của Thiền sư còn sống mãi với núi sông Hàn Quốc.

Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師) hiệu Tinh Ngưu (惺牛) sinh ngày 24 tháng 8 năm Bính Ngọ (1846) tại Toàn Châu (Jeonju-전주시-全州市), tục danh Tống Đông Húc (Tong Dong-uk-宋東旭) thuở nhỏ tên thường gọi là Kim Chân Tinh (金眞惺). Phụ thân quý danh Tống Đẩu Ngọc (송두옥-宋斗玉) và mẫu thân là bà Thị Mật Dương Phác Thị (是密陽樸氏). Lạ hơn những đứa trẻ khác là khi lọt long mẹ 3 ngày không khóc và miệng luôn tươi cười.

Phụ thân đã qua đời lúc ngài tuổi ấu thơ, sống trong cảnh mồ côi cha và đã sớm ý thức được việc vô thường tang thương biến đổi. Năm lên chín tuổi, Bát Nhã hoa khai, Ngài tìm đến Bồ Đề địa Thanh Khê Cổ Tự (청계사-清溪寺), Hoa Tiên (Gwajeon-화전-花煎) lễ bái thiền sư Quế Hư (Gye Huh-桂虛禪師) xin thế phát quy y thọ Sadi giới, được Bổn sư ban cho pháp danh Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허-鏡虛). Ngài có người anh Pháp danh Thái Hư hiệu Tánh Viên (Tae huh-허태-太虚性圓) đã xuất gia trước đó và từng tu học tại chùa Ma Cốc (Magoksa-마곡사-麻 谷寺) cho nên rất thuận duyên trong việc tu học bởi : “Ăn cơm có canh tu hành có bạn”.

Năm Canh Thân (1860), vừa tròn 14 tuổi xuân, ngài được Bổn sư cho phép đến Đông Hạc Tự (동학사-東鶴寺), núi Kê Long Sơn (Gyeryongsan-계룡산-雞龍山) cầu pháp với Thiền sư nổi tiếng thời Joseon (Triều Tiên) là Thiền sư Vạn Hóa hiệu Phổ Thiện (만화보선-萬化普善). Tại đây ngài được học Phật và trí lực có dư cho nên thêm học sách Nho lẫn Lão giáo. Trong học chúng ngài được tôn vinh nổi tiếng thông minh, học một biết mười, vừa đạo hạnh lại thêm văn hay chữ tốt.

Năm Kỷ Tỵ (1869) Ngài được tôn làm Pháp sư thỉnh giảng, thuyết pháp các đại giảng đường thời bấy giờ. Là một Pháp sư ngồi trên pháp tòa mới 23 tuổi xuân là trường hợp tuổi trẻ tài cao đặc biệt.

Năm Kỷ Mão (1879), Ngài trở về Tổ đình Thanh Khê Cổ Tự (清溪寺-청계사), viếng thăm Thiền sư Quế Hư (Gye Huh-桂虛禪師), là vị Bổn sư đã dầy công ươm mầm Bồ Đề nơi vườn hoa Bát Nhã, nuôi dạy Ngài từ lúc mới nhập sơn môn, tu hành thời ấu thơ tuổi ngây dại. Trên đường đi, vào một đêm tối trời giông bão, tại một ngôi làng mắc bệnh dịch tả thật tang tóc thê lương, ở Thiên An (Cheonan-si-천안시-天安市), Ngài đã cảm nhận được nỗi lo sợ của con người khi phải đối mặt trước tử thần. Chính giây phúc đấy ngài chợt tỉnh thức rằng : “Sinh tử như áng mây trôi, sinh tử không phải là hai điều riêng biệt, hiện tại trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết cũng chỉ là dòng chữ trên giấy mà thôi.

Năm Kỹ Mảo (1879) việc phụng dưỡng báo Tôn sư một thời gian, hiếu sự vuông tròn, Ngài trở lại Đông Hạc Tự (동학사-東鶴寺) kiết thất tịnh dưỡng, dũng mãnh tinh tấn Tham thiền nhập định. Sau ba tháng kiết thất an cư, vào ngày 15 tháng 11, buổi sáng ngồi uống trà nghe chim hót, ngài hoát nhiên tỏ ngộ và thốt lên rằng : “Ồ ! cho dù thành trâu cũng phải làm một con trâu không có lỗ mũi”, nghĩa là phải trở thành một thể tồn tại vượt lên trên sự sống và cái chết, tìm đến với cái bản thể tự nhiên vốn có, thoát khỏi mọi rào cản và suy nghĩ phiến diện. Thế mới biết : “Tâm như hư không vô sở hữu”.

Sau đó ngài lui ẩn  ở  Thiên Tạng Am (천장암-天藏庵) núi Yến Nham Sơn (연암산-燕岩山) để bảo nhậm công phu. Năm 35 tuổi, vào trọng Hạ tháng 6, một lần nữa khi nghe tiếng hát, Ngài bỗng hoát nhiên đại triệt ngộ, liền ngẫu hứng ngâm nga kệ rằng :

“忽聞人語無鼻孔,

頓覺三千是我家,

六月燕岩山下路,

野人無事太平歌”。

Năm Giáp Thân (1884), vì muốn truyền đăng tục diệm, kế thế Phật Tổ tâm đăng, Ngài Phú pháp truyền Tâm ấn, trao Chánh pháp Nhãn tạng cho chúng đệ tử như các vị : Tuệ Nguyệt hiệu Huệ Minh (Hyewol-慧月慧明, 1861-1937) :

付 慧月慧明

 

了知一切法

自性無所有

如是解法性

卽見盧舍那

依世諦倒提唱

無文印靑山脚

一關以相塗糊

 

水虎中春下澣日

萬化門人 鏡虛說

-Vân Phong hiệu Tánh Túy (雲峰性粹, 1889-1944) :

付 雲峰性粹

 

一切有爲法

本無眞實相

於相若無相

卽名爲見性

世尊應化二九五一年 四月

鏡虛門人 慧月說

-Hương Cốc hiệu Tuệ Lâm (향곡 혜림-香谷蕙,1912~1978) :

付 香谷蕙林丈室

 

西來無文印

無傳亦無受

若離無傳受

烏兎不同行

世尊應化 二九六七年 八月 日

慧月門人 雲峰說

-Chân Tế hiệu Pháp Viễn (진제법원-眞際法遠):

付 眞際法遠丈室

 

佛祖大活句

無傳亦無受

今付活句時

收放任自在

世尊應化二九九三年八月十日

雲峰門人 香谷說

Mãn Không hiệu Nguyệt Diện (Mangong-满空月面,  1871-1946), Thủy Nguyệt hiệu Âm Quán (Suwol-水月音觀, 1855-1928), Long Thành hiệu Chấn Chung (용성진종-龍城震鐘, 1864~1940), Tuệ Phong (혜봉-慧 峰,?~?) Hán Nham hiệu Trọng Viễn (한암중원-漢巖重遠, 1876~1951) Chẩm Vân hiệu Huyền Trụ (침운현주-枕雲玄住,?) . . . kế thế truyền lưu mạng mạch Phật pháp, khôi phục lại dòng thiền của Phật giáo Hàn Quốc vốn bị đứt đoạn sau thời của Đại sư Tây Sơn (서산대사-西山大)(Tây Sơn đại sư - một nhà sư có công lớn trong cuộc chiến chống Nhật Bản năm Nhâm Thìn 1592, Đại sư Tây Sơn đã hợp tác với Đô đốc Hải quân, Đại tướng Phật tử Lý Thuấn Thần (이순신-李舜臣) đánh tan quân Nhật Bản xâm lược.

Năm Bính Tuất (1886), vì thương tưởng đến hậu thế, tiền đồ Phật pháp không bị mai một, ngài thường xuyên đến các chốn sơn môn như : Tu Đức Tự (Sudeoksa-수덕사-修 德 寺), Khai Tâm Tự (Gaesimsa-개심사-開心寺), Phù Thạch Tự (Buseoksa-부석사-浮石寺), Hải Ấn Tự (Haeinsa-해인사-海印寺), Tòng Quảng Tự (Songgwangsa-송광사-松廣寺), Hoa Nghiêm Tự (Hwaomsa-화엄사-華嚴寺). . . và địa bàn tỉnh Trung Thanh Nam Đạo (Chungcheongnam-do-충청남도-忠清南道) để khai thị Chánh tri kiến cho tăng chúng và trong phương tiện giáo hóa, ngài đã chỉnh lại đường lối tu tập cho đúng với chánh pháp Tổ sư Thiền. Duyên có đàn việt thí chủ phát Bồ đề tâm, Ngài cho trùng tu, xây dựng nhiều Thiền viện, Am Tự khắp nơi trên cả nước, trong đó có Thiền viện tại Phạm Ngư tự (Beomeosa-범어사-梵鱼寺) thiền viện đầu tiên của vùng Khánh Thượng (Gyeongsang-경상-慶尙), miền Đông Nam của Hàn Quốc. Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師) là người chấn hưng Thiền phong toàn quốc và tạo tiền đề cho cuộc chấn hưng Phật giáo Hàn Quốc suy vi thời đại Joseon (Triều Tiên). Ngài kết nối truyền thống An cư, Kiết Hạ, Kiết Đông cho Tăng chúng thúc liễm tu hành.

Năm Kỷ Sửu (1889) Ngài biến Tổ đình Hải Ấn Tự thành trung tâm Đạo tràng Thiền Xã vận động. Ngài là vị Pháp chủ tích cực vận động phong trào Thiền học. Kế thừa Cao Ly Phổ Chiếu Quốc Sư và phát huy tư tưởng “Định Huệ Kiết Xã”, làm cho Thiền phong chấn tác, phát khởi mạnh mẽ và duy trì đường lối thực hành Thiền phái Lâm Tế qua phương pháp Tham công áng, thoại đầu,  làm tiền đề cho dòng Thiền Tào Khê tại Hàn Quốc phát triển sau nầy.

Tuy là bậc tiền bối góp công đầu phục hưng cho Phật giáo Thiền tông của Hàn Quốc, nhưng cũng có rất nhiều quan điểm góc nhìn trái ngược nhau khi đánh giá về Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師) có một phong cách siêu nhiên tuyệt diệu.

Cuộc đời của Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師) là cả một chuổi thời gian có nhiều điều kỳ dị bí hiểm, người thế gian bình thường khó hiểu nổi. Ngài đã có những hành động phá cách như uống rượu, hay bỗng nhiên hôn nhau với phụ nữ khi vẫn đang đi cùng các đệ tử. Người đời vin vào đó mà gọi Ngài là sư phạm trai phá giới, nhưng những hành động này, thực tế lại được coi là một phương thức tu hành, trắc nghiệm công phu của đồ chúng. Đó chính là sự tự chọn lấy con đường chông gai, chịu để coi là kẻ dị giáo chốn Sơn môn của Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師). Cả đời Ngài, với sự phá cách, đã luôn từ chối cuộc sống ổn định, nằm bó trong khuôn khổ của những tư tưởng hay danh phận để hướng tới việc phật hóa nhân gian, đưa chữ "Thiền" vào cuộc sống hàng ngày.

Cuối đời Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師), Ngài ẩn mật dấu mình tại tỉnh Bắc Bình An (Pyeongan-평안도-平安道)và Nam Hàm Cảnh (Hamgyeong-함경도-咸鏡道). Ngài để tóc râu, ăn mặc đạm bạc, tri túc an bần lạc đạo. Vì tương lai thế hệ trẻ vùng nông thôn, Ngài mở trường lớp dạy học cho trẻ em, hằng ngày sống bình dị hòa mình với thiên nhiên cây cỏ trời đất, thường hồn nhiên tung tăng cùng bọn trẻ nơi miền quê thôn dã.

Đầu Hạ mùa sen nở, nông dân đang xuống giống, đồng ruộng xanh bát ngát, ngày 25 tháng tư Năm Nhâm Tý (1912), hóa duyên ký tất, hoằng nguyện Ta bà độ sinh viên mãn, Ngài tự biết thân giả tạm này không còn duy trì được nữa, tắm rửa xong, đốt hương xông trầm, bèn bảo học trò lấy giấy bút nghiên mực đến, Ngài thảo vài nét thuyết kệ :

心月孤圓

光吞萬象

光境俱亡

復是何物?

Kệ thuyết xong Ngài mỉm cười an nhiên tỉnh tọa thu thần tịch diệt. Đất trời rung chuyển, muôn thú gầm thét, cây cỏ ngẩn ngơ sầu, bọn trẻ khóc kính thương tiếc một Lão giáo già, một người cha hiền hòa đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ tìm lại được.

Ngài Trụ thế 76 Xuân. Giới lạp 56 Hạ.

Cuối đời Ngài nhập thế hòa quang đồng trần, để râu tóc như một lão giáo già, sống  bình dị chân chất nơi miền quê thôn dã. Mặc dù vậy, nhưng Ngài đã đào tạo biết bao thế hệ tu sĩ trở thành cao tăng thạc đức, sau năm Giáp Ngọ (1954) chính những vị đệ tử Thiền lâm thạch trụ của Ngài là những người đi đầu trong phong trào thanh lọc, thanh tịnh hóa Tăng đoàn, rũ sạch tàn dư phong kiến của Phật giáo thời Joseon (Triều Tiên), viết nên trang mới vinh quang cho lịch sử Phật giáo Hàn Quốc hiện đại.

Vì thế, có thể xem Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪師), là một vị Thánh Tăng thị hiện trên mãnh đất đầy biến động của giai đoạn cuối thời Joseon (Triều Tiên), Ngài đã mồi ngọn đèn Thiền Đạt Ma, nối mạng mạch suối nguồn Tào Khê tuôn dòng chảy vô tận, Ngài là một trong những vị thắp sáng ngọn đèn Từ bi Trí tuệ của Phật giáo Hàn Quốc.

Sự thị hiện của Ngài chính là một đóa sen, nằm giữa ao bùn mà vẫn toả ngát hương, ngào ngạt khắp muôn phương. Thiền sư Cảnh Hư (Gyeong Huh-경허선사-鏡虛禪) đã viên tịch thời gian một thế kỷ, hành trạng cuộc đời và sự nghiệp của Ngài, thời gian trăm năm trôi qua, nhưng danh thơm tiếng tốt của Ngài mãi với non sông đất nước Hàn Quốc, trái tim của Ngài vẫn cùng nhịp thở với muôn vật và con người xứ Kim Chi.

Sau này các môn nhơn pháp tử ghi chép biên soạn những pháp ngữ của Ngài để lưu lại cho hậu thế như những tác phẩm :

-         Cảnh Hư tập (경허집-鏡虛集).

-         Cảnh Hư Pháp ngữ (경허법어-鏡虛法語).

-         Cảnh Hư Tinh Ngưu Thiền sư niên phổ (鏡虛惺牛禪師年譜)

-         Tầm Ngưu ca (尋牛歌).

-         Tầm ngưu tụng (尋牛頌).

-         Ngộ Đạo ca (오도가-悟道 歌)

-         Ký Văn (기문-記文)
































Các tin đã đăng: