Một đặc thù trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là số lượng nữ thần khá nhiều, trong đó có những vị có địa vị cao trên các điện thần. Đặc điểm này cũng dễ nhận thấy ở các nước có nền nông nghiệp lúa nước miền nhiệt đới, ở đấy người phụ nữ tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất cùng nam giới. Ở Việt Nam , đặc điểm này còn được thể hiện ở vai trò to lớn của phụ nữ trong xã hội. Do hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh liên miên, trai tráng vắng nhà, nên người phụ nữ phải thay thế đảm đang các công việc của gia đình, xã hội (nuôi cha mẹ già, con cái,lo việc thờ cúng tổ tiên, giỗ tết, đóng góp cho quê hương, làng xã…)
Cũng như một số nước Á Đông, người Việt Nam có ý niệm về cặp đôi âm-dương, coi đó là hai mặt thống nhất và đối lập, là nguyên nhân phát sinh các sự vật, các yếu tố, các cộng đồng và bản thân con người. Người Việt Nam nặng tình tổ quốc, nặng tình mẹ (vì trong gia đình mẹ gần gũi hơn bố), nên mới nảy sinh ý niệm đất mẹ, hình thành truyền thuyết về một nữ thần Ậu Cơ sinh sôi giống nòi, người sáng tạo ra nghề nông, nghề tầm tang, nghề dệt vải, cũng như truyền thuyết về nữ thần Lúa ở Tây Nguyên…Và cũng từ đấy mà hình thành nên tín ngưỡng Tứ phủ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải (nươc), Mẫu Thượng Ngàn (cây cối, rừng rú) (1)…
Với thời tiết thay đổi thất thường, nắng hạn lũ lụt liên miên, nên người nông dân Việt Nam luôn cầu mong được mưa thuận gió hòa để có một vụ mùa bội thu. Họ tin có một mối quan hệ vô hình giữa khí âm và dương, giữa đực và cái, và nhờ vào sự giao hòa đó mà đất đai phì nhiêu, cây lúa nhiều bông…Vì vậy, khi bắt đầu làm mùa, trong lễ hội nông nghiệp, việc thờ và rước các sinh thực khí theo tín ngưỡng phồn thực (rước nõn nường) thờ Linga, hay các trò chơi tượng trưng như như ném còn, đánh đu…vẫn ngang nhiên diễn ra trong các xã hội phong kiến vốn rất coi trọng lễ nghi Nho giáo. Và cũng từ đó, nhiều vị nữ thần được bắt nguồn từ sông nước, từ các thủy thần cho đến những tinh linh như: rắn, cá sấu, thuồng luồng, ba ba, trai, hến và các loại cá…đã được nhân cách hóa, thần thánh hóa, nhờ một dịp lập công với làng với nước, bằng những tên gọi hết sức mỹ miều.
Người Việt tiếp xúc với Đạo giáo khá sớm. Ngoài các nữ thần của Đạo giáo đã được Việt hóa, người Việt cũng đã phong thêm các nữ thần, mà tương truyền xuất thân từ các vị Thiên thần giáng thế, như Mẫu Liễu Hạnh, Tiên Dung, Hoa Nương Tiên Cô, Bà Trắng…Đạo Phật vào vùng Luy Lâu, một trung tâm văn hóa của nước ta thời đầu Tây Lịch , sinh ra câu chuyện Ả Mèn (Man Nương). Qua một kỳ thụ thai 14 tháng, bà Man Nương sinh nở được một người con gái. Người con gái được cây đa thu vào rồi hóa đá. Cây đa bị gió đánh trốc rễ, trôi sông. Chỉ có Man Nương nhờ phép lạ và tình mẫu tử mới kéo được cây đa lên bờ, chia làm 4 khúc, sau tạc thành bốn vị nữ thần đặt ở bốn ngôi chùa: Chị cả Pháp Vân (thần mây) thờ ở chùa Dâu, chị hai Pháp Vũ (thần mưa) thờ ở chùa Đậu, chị ba Pháp Lôi (thần sấm) thờ ở chùa Tướng, chị tư Pháp Điện (thần chớp) thờ ở chùa Dàn. Con gái Man Nương thành Phật hiệu là Đại Quang, Man Nương trở thành Phật Mẫu, tương truyền bà cũng chính là hiện thân của Đức Phật Bà Quan Âm, một hóa thân của vị Bồ tát Avalokitesvara (2).
Các vị nữ thần gốc Đạo hay Phật giáo trong dân gian thường lẫn lộn giữa Tiên, Bụt, và có khi mang giới tính nữ. Cũng cần lưu ý rằng, trong Đạo giáo ở Nam Trung Hoa, vùng Lưỡng Quảng, số lượng nữ thần cũng khá đông , các vị thánh thuộc đạo Nho cũng không chỉ hoàn toàn là nam. Ngay cả đạo Bà La Môn hay Hồi giáo vốn đầy tính phụ quyền nhưng cũng không ngăn cản người Chăm theo dòng mẹ vẫn giữ gìn những nữ thần và cung cấp cho người Việt một bà chúa thờ chung, đó là Mẫu Thiên Yana. Người Khmer và người Việt cũng thờ chung bà chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc.
Gần đây, tín ngưỡng đạo Mẫu, một biến thiên của Đạo giáo có xu hướng tập họp các nữ thần có gốc gác từ các tôn giáo khác nhau, lại nổi lên. Âu cũng là một kiểu đan ghép tuân thủ xu thế hòa nhi bất đồng, và được một số nhà folklo học Việt Nam tìm hiểu (3). Trong nền kinh tế thị trường hôm nay, tục thờ Thần Tài vốn bắt nguồn từ người Hoa cũng lan rộng trong xã hội. Nhiều vị nữ thần vốn thánh thiện bị biến thành những người cho vay nặng lãi, vay một trả mười…Vậy là Bà Chúa Kho (Cổ Mễ, Bắc Ninh), Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang), Bà Đen (Tây Ninh)…đã có thêm người đồng hành.
Theo dòng tâm thức tôn giáo kể trên, một số quần chúng tín đồ Thiên Chúa giáo cũng muốn đặt Đức Mẹ Maria trên Chúa, vì đơn giản Đức Mẹ phải ở trên Chúa con. Họ cũng rất cả tin, sợ Đức Mẹ phiền lòng. Năm 1954, do phao tin Đức Mẹ thương con chiên ở lại bơ vơ với “quỷ dữ”cộng sản, khóc chảy máu mắt, số đông trong số nữa triệu người Thiên Chúa giáo đã bỏ nhà bỏ cửa vào Nam. Gần đây, ở Đắc Lắc và ở thành phố Hồ Chí Minh cũng lập lại hiện tượng đó, phao tin mắt tượng Đức Mẹ chảy máu, chảy nước mắt, dân chúng xúm đến xem, nhưng các vị Linh mục đã kịp thời cải chính tin không đúng đắn đó.
Nhìn chung, không kể các vị nữ Phật, nữ Tiên đã được suy tôn, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hóa Thông tin, số nữ thần chiếm đến 1/5 số lượng các vị Thành hoàng được nhà nước phong kiến phong thần trên khắp đất nước Việt Nam. Và theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (4), trong số 1064 vị thần thì có đến 253 là vị nữ, chiếm ¼ số lượng các thần được thờ ở các đình, đền, miếu, phủ…Điều đó chứng tỏ, nữ thần có một vị trí rất đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam.
_Chú thích:
1. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu ở Việt Nam (tập 1), NXB VHTT, Hà nội,1966, trang 10.
2. Nguyễn Huy Hồng. Di tích chùa Dâu, NXB KHXH, Hà Nội, 1997.
3. Ngô Đức Thịnh, sđd, 1996.
4. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 1993.