Chiều 16/5, trong chương trình của Tuần văn hóa
Phật giáo 2010, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
đã có bài thuyết trình đầu tiên "Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng
Long: phát lộ, giá trị và dấu ấn Phật giáo"
Những giá trị không cần bàn cãi...
8 năm sau khi "tình cờ" được phát lộ vào 12/2002 khi khai quật để
giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng Nhà quốc hội Hội trường Ba
Đình mới, khu di tích KCH 18 Hoàng Diệu đã trải qua một hành trình dài
gian nan, từ những tranh luận học thuật gay gắt để đi đến thống khu di
tích chắc chắn thuộc phạm vi Cấm thành Thăng Long; đến những "giằng co"
để đi đến giải pháp bảo tồn gần như toàn bộ, nhưng cái giá phải trả đến
giờ vẫn còn làm nhiều người xót xa khi Nhà quốc hội mới buộc phải xây
dựng trên khuôn viên của Hội trường Ba Đình cũ.
Đến giờ phút này, không còn ai nghi ngờ giá trị độc nhất vô nhị của
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (được cấu thành bởi hai
phần riêng biệt nhưng không tách rời là khu Thành cổ Hà Nội và Khu di
tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) đang đầy hy vọng trở thành di sản văn
hóa thế giới vào tháng 7/2010 tới đây.
Điểm đặc sắc nhất của khu di tích là trung tâm quyền lực xuyên
suốt trong 13 thế kỷ, từ An Nam đô hộ phủ thời thuộc Đường kết thúc bởi
thành Đại La của Cao Biền, đến Phủ đô hộ thời Đinh Tiên Hoàng, rồi liên
tục là kinh thành của nước Đại Việt khởi đầu là thành Thăng Long thời Lý
Trần đến những Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh... đến thành Hà Nội thời
Nguyễn, Phủ toàn quyền Đông Dương thời Pháp, thời Việt Nam dân chủ cộng
hòa là đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
GS Phan Huy Lê kể chuyện các chuyên gia của ICOMOS rất ngạc nhiên
khi
Việt Nam chỉ đăng ký di sản văn hóa thế giới một diện tích rất nhỏ -
chính xác là 18.637 ha, và ông đã phải giải thích rằng không thể mở rộng
diện tích di tích thêm nữa bởi 4 phía đều đã là các công trình hiện đại
nên không thể đảm bảo yếu tố bảo tồn toàn bộ, rằng diện tích bé thật
nhưng là "bé hạt tiêu", diện tích nhỏ nhưng chứa đựng di sản khổng lồ.
Quả thật, chỉ với bề dày tầng văn hóa trung bình 3m, nhưng chỉ một cắt
diện đã thấy xuất hiện đầy đủ các dấu tích kiến trúc hay di vật của đủ
hết các thời kỳ chồng xếp lên nhau.
Tăng ni, Phật tử và những người quan tâm đến di sản ở Huế đã có dịp
trở về quá khứ trong suốt thời gian gần 2 tiếng của bài tham luận, để
thăm lại kinh thành Thăng Long xưa, để tự hào vì cha ông ta đã làm được
quá nhiều. Từ ngàn năm trước, Cấm thành Thăng Long (thời Lý) với những
tòa thành ngang dọc, những lầu tháp đã được quy hoạch rất bài bản, ngay
hàng thẳng lối theo đúng một trục hướng tâm; kỹ thuật cũng như mỹ thuật
xây dựng đạt trình độ rất cao; hệ thống thoát nước dày đặc với cống nổi,
cống ngầm phong phú. Riêng hệ thống di vật với số lượng khổng lồ mà mỗi
di vật có thể là một câu chuyện đặc sắc, như rồng 5 móng thời Lý dùng
để trang trí đầu mái là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, nặng tới 45
kg; hay gốm sứ cao cấp nhất của Đại Việt thế kỷ XV được sản xuất chính ở
Thăng Long, và được các chuyên gia Nhật Bản khẳng định là ở trình độ
cao hơn gốm sứ Nhật Bản cũng thời đại rất nhiều.
Đặc biệt, dấu ấn Phật giáo thể hiện rất đậm nét trong toàn bộ di
sản,
đặc biệt là ở thời Lý Trần khi Phật giáo nắm vai trò chủ đạo. Kiến trúc
Phật giáo với nhiều tháp, và nhiều ngôi chùa hiện diện ngay trong Cấm
thành, đặc biệt có viên gạch thời Trần khắc "Hưng hóa thiền tự", nghĩa
là đã có chùa Hưng hóa trong Cấm thành thời Trần, dù sử không chép gì về
ngôi chùa này.
Nghệ thuật trang trí cung đình
mang đậm dấu ấn Phật giáo với sự xuất hiện rất phong phú của hoa sen,
lá đề, hai "hình tượng" tiêu biểu của Phật giáo. Như GS Lê khẳng định,
tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo không chỉ hiện diện đậm nét ở
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, mà còn góp phần quan trọng
tạo nên giá trị độc nhất vô nhị của khu di tích, là biểu hiện rõ nét
của sự giao thoa văn hóa.
Người Việt ta không có tổ chức?
Những câu hỏi được đặt ra với GS Phan Huy Lê sau bài thuyết trình
không gây bất ngờ, bởi dường như người hỏi đã nói hộ những băn khoăn của
rất nhiều người nghe. Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo tự nhận mình là "lớp
trẻ" khi chất vấn GS Lê liệu thế hệ hôm nay có đủ trình độ cả về tri
thức khoa học kỹ thuật lẫn nguồn tài chính để khai quật 1 di tích quý
hiếm thế không? Bà cũng mạnh dạn đề nghị nếu chưa đủ trình độ thì "xin
hãy đậy nó lại, để các thế hệ sau làm tiếp".
Rất chân thành nhưng vô cùng thẳng thắn là câu hỏi "hóc búa" của TS
Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. Theo bà Phượng, nếu nhìn quy
hoạch các thành phố cũng như kiến trúc của đa số những công trình hiện
tại, nhiều người không khỏi hoang mang, phải chăng người Việt ta không
có tổ chức, không thể làm được những công trình giá trị, "hồ đồ từ
trong bản chất"? Bởi thế, nghe GS Lê trình bày về những thành tựu
rực rỡ từ thời Lý, Trần, những công trình đạt trình độ rất cao cả về kỹ
thuật và mỹ thuật, được xây bởi chính người dân (dân phu và quân lính),
TS Phượng đã "nhờ" GS Lê giải đáp xem "điều gì tạo nên sự chặt chẽ,
tuân thủ pháp luật của người dân thời đó".
GS Lê cũng rất thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của riêng ông, rằng
trong
lịch sử có rất nhiều những bài học thành công như việc xây dựng kinh
thành qua các thời kỳ Lý - Trần - Lê Sơ đạt nhiều thành tựu rực rỡ,
nhưng cũng có bài học thất bại. Đơn cử khi nhà Hồ (thế kỷ 14) xây dựng
Tây Đô khá quy mô trong 3 tháng đã phải dùng bạo lực để huy động nhân
dân, khiến tiếng xấu đến giờ vẫn còn lưu trong dân gian.
Theo GS Lê, muốn tạo được sự đồng tâm nhất trí của nhân dân, rất
cần
người đứng đầu phải đúng nghĩa đấng "minh quân" với cả tấm lòng và trí
tuệ, phải biết lắng nghe; người đứng đầu ấy lại phải có đội ngũ "lương
tướng" thật sự tài giỏi. Chỉ bấy nhiêu thôi vẫn không đủ, mà quan trọng
là người đứng đầu ấy phải biết gắn chặt lợi ích quốc gia với lợi ích của
cộng đồng, đó là khi "chất keo văn hóa" của người Việt phát huy mạnh mẽ
nhất.