Hòa Thượng Tuyên Hóa Cống Hiến Ðời Mình Hoằng Dương Phật Pháp
(Hoài Niệm Đại sư Tuyên Hóa) Ban Biên Tập Hội Phiên Dịch Kinh Sách biên soạn
28/04/2010 09:03 (GMT+7)

Thời nay, văn minh vật chất của nhân loại phát triển cao độ và cuộc sống vật chất xa hoa của con người thật xưa nay chưa từng có. Song, nếu nhìn xem cảnh tượng của thế gian, chỉ thấy khổ nạn của chúng sanh càng thêm tăng trưởng. Nơi nơi đều xảy ra nạn chiến tranh, đói khát, hạn hán, cùng bao thiên tai họa hoạn. Các quốc gia trên thế giới phung phí biết bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên cùng sáng tạo những phương thức mới mẻ hầu mong đối đầu với những vấn đề phức tạp trong xã hội, nhưng thật chỉ giải quyết tạm thời, mà không có cách gì để giải trừ cội gốc khổ đau của nhân loại. Hòa Thượng từng nói: "Có thể bảo rằng hiện nay thế giới đang bị băng hoại, mà chỉ Phật giáo mới có khả năng cứu độ thế gian. Nếu mọi người đều hiểu rõ Phật Pháp thì mới mong vãn hồi được ác kiếp cho thế giới, bằng ngược lại thì e rằng thế gian sắp đến thời kỳ diệt vong. Ðạo Cơ Ðốc nói: "Ngày Tận Thế (Ngày Phán Xét) gần kề!". Nếu chúng ta phiên dịch kinh điển Phật giáo ra Anh-ngữ để giúp cho mọi người hiểu rõ Phật Pháp, cùng chẳng nên làm biếng giải đãi, và tiến bước phát tâm tu đạo, thì Ngày Tận Thế rất xa xăm, mà không biết trong tương lai đến bao nhiêu đại kiếp. Thật thế, chẳng có ngày nào được gọi là Ngày Tận Thế cả! Vì sao? Một khi Ðại Pháp Luân (bánh xe pháp lớn) của Phật Pháp chuyển động, thì ngay cả vầng thái dương cũng bị cuốn hút theo và không thể tự xoay chuyển nổi, nên nào có 'Ngày Tận Thế !' "

Các quốc gia trên thế giới đều tranh nhau bắt chước theo nền khoa học kỹ thuật của Tây Phương. Song, vào những năm gần đây, nhiều nhân sĩ người Tây Phương thường tầm cầu Phật Pháp vì muốn điều phục tâm tánh. Tuy vậy, không những bị khó khăn về việc tìm cầu chư thiện tri thức tu hành đúng theo truyền thống chánh pháp mà họ còn bị trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Quán sát cơ duyên đã thành thục, Ngài mang chánh pháp sang Tây Phương và bắt tay vào việc cứu vãn thế giới. Ngài nói: "Chẳng vì chính mình, tôi đến đây để cứu độ người Mỹ. Hiện tại, Phật giáo ở Mỹ đang trên đà phát triển thịnh vượng. Trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, Khổng Tử chu du khắp các tiểu quốc nên nước Tàu mới dần dần được sáng sủa, và nhân dân mới được sống trong cảnh thanh bình an lạc. Ngày nay, xã hội nước Mỹ đang rối loạn. Giả như người Mỹ không tin Phật giáo và không dựa vào Phật Pháp để cải tạo thế gian thì xã hội này sẽ bị băng hoại."

Thời niên thiếu, Ngài đã từng nghiên cứu làm thế nào để đưa giáo nghĩa Phật Pháp phổ cập khắp nơi trên thế giới, hầu mong cứu vãn thế nhân. Ngài nói: "Lúc xuất gia, tôi muốn tìm ra lý do tại sao nghĩa lý viên mãn của Phật giáo chỉ được một số ít người trên thế gian tu học, còn giáo lý của đạo Tin Lành cùng Thiên Chúa được phổ cập toàn cầu. Nghiền ngẫm nghiên cứu mãi, tôi phát giác ra rằng vì các đệ tử của Phật Ðà chưa phiên dịch kinh điển Phật giáo ra ngôn ngữ văn tự của các nước trên thế giới. Ngược lại, đạo Thiên Chúa và Tin Lành đã phiên dịch 'Thánh Kinh' của họ ra ngôn ngữ của mọi quốc gia, khiến ai ai đọc qua liền hiểu ngay. Nếu kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra mọi ngôn ngữ thì Phật giáo sẽ tự được phổ cập khắp nơi mà không cần cầu mong. Do đó, vừa xuất gia, tuy không biết một ngoại ngữ nào, tôi vẫn phát nguyện rằng nếu còn sống ngày nào thì tôi sẽ giúp kinh điển Phật giáo được phiên dịch ra mọi ngôn ngữ văn tự. Ðây là chí nguyện của tôi, và tôi sẽ tận dụng mọi khả năng để thúc đẩy thực hiện công tác này."

Phật giáo được truyền từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc là nhờ vào các đại cao tăng cùng chư tổ sư không quản ngại gian khổ để thỉnh cầu kinh điển và phiên dịch kinh tạng. Nhờ công đức của các ngài mà chúng sanh ở đông độ có cơ duyên hiểu rõ diệu nghĩa thâm sâu khó nghĩ bàn của Phập Pháp. Như lời ngài nói : "Ngày nay, hiểu rõ kinh điển, chúng ta phải tri ân cảm tạ chư vị phiên dịch. Nếu không có vị phiên dịch, thì e rằng chúng ta sẽ không thấy một bộ kinh nào và ngay cả chẳng được nghe đến danh hiệu của bộ kinh đó. Nếu như thế thì làm sao chúng ta biết y chiếu vào đâu để tu hành? Và thật khó mà tìm ra con đường tu đạo! Thế nên, chúng ta phải biết ơn chư vị phiên dịch kinh điển. Từ khi kinh điển được phiên dịch cho đến nay, trải qua bao thời đại, người người đều thọ nhận sự giáo hóa từ bi của chư vị phiên dịch. Vì vậy, công đức phiên dịch kinh điển thật không thể nghĩ bàn, và rất phi thường vĩ đại. Bây giờ, công việc phiên dịch qua ngôn ngữ Tây Phương đều do quý vi. Công đức này thật vô lượng, vì không những một đời được lợi lạc mà hết đời này sang đời khác người Tây Phương luôn mãi tri ân. Công tác phiên dịch ai ai cũng có thể tham gia. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ không ai chần chờ, mà hãy mau học tiếng Trung Hoa để phiên dịch kinh điển ra Anh văn. Mọi người hãy tận lực cố gắng cống hiến công sức của mình cho người Tây Phương."

Với tầm nhìn xa về tương lai, Ngài thấy rõ chìa khóa cứu vãn thế giới nên mới lập nguyện lớn phiên dịch kinh điển. Song, công việc này thật rất khó khăn. Xưa kia tại Trung Quốc, nhờ quốc vương, đại thần dùng lực lượng của quốc gia để thực hiện công tác phiên dịch. Hiện tại, ở Tây Phương, hiếm có nhân viên chánh phủ nào ủng hộ Phật giáo. Ngài nói: "Tôi không dám bàn luận về việc này với ai cả, vì vừa nói đến là mọi người đều sợ hãi cảm thấy công tác này quá to tát mà xưa nay chưa ai dám thực hiện. Công tác này không phải đơn giản vì cần rất nhiều nhân lực, tài lực, cùng bao điều kiện thuận tiện, nên không ai dám đứng ra nhận trọng trách. Ngay cả các đệ tử đã quy y với tôi, không ai thật sự nhận ra tầm vóc quan trọng của công tác này."

Thế nên, với tinh thần đại vô úy, Ngài tự mình đứng ra lãnh trọng trách khó khăn này. Ngài nói:"Phiên dịch kinh điển là công nghiệp của chư thánh hiền vì mãi mãi được lưu truyền thiên thu vạn thế. Phàm phu chúng ta làm công việc của chư thánh hiền. Ðây là nghĩa vụ đầy ý nghĩa vì không những lợi sanh mà còn lập công đức. Xưa kia, chư quốc vương, hoàng đế dùng quyền hạn của họ và lực lượng của quốc gia để thực hiện công tác phiên dịch. Ngày nay, chúng ta chỉ dùng lực lượng quần chúng mà làm. Nếu có đạt được đôi chút thành tựu gì thì tôi hy vọng rằng trong tương lai, những vị nguyên thủ của các quốc gia dần dần sẽ tham gia vào công tác này. Bây giờ, đầu tiên chúng ta phải đặt nền móng cho vững chắc. Trước hết, chúng ta hãy dùng lực lượng quần chúng."

Ngay cả như thế, Ngài không tự nghĩ rằng chính mình phát khởi công nghiệp vĩ đại này. Ngược lại, Ngài khiêm nhường nói : "Tôi chỉ là công nhân, giúp mọi người quét dọn và san bằng đường xá. Trong tương lai sẽ có người khác đổ đá, tráng nhựa. Ngày nay chúng ta làm công việc mà không ai dám và thích làm. Từng bước, chúng ta sẽ khai mở đạo lộ cho Phật Pháp."

Ngài cũng từng bảo chư đệ tử: "Ðối với công tác này, chúng ta không thể lơ là xao lãng. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình để thực hiện trọng trách này. Song, có sức lực đến đâu thì chúng ta làm đến đó. Hãy tiến bước mà hành sự. Chúng ta phải tự gánh vác trọng trách hoằng dương Phật Pháp trong cuộc đời này."

Tinh thần 'Xả Thân Vì Phật Sự' là tông chỉ suốt đời của Ngài. Mọi việc làm trong cuộc đời ngài đều biểu lộ chân thật việc thực hành viên mãn tinh thần này. Tất cả đều phát xuất từ tấm lòng bi mẫn, vì lợi ích chúng sanh. Ngài nói: "Hiện tại, chúng ta dùng trí huệ của mọi người để phiên dịch kinh điển. Dầu cho có kéo dài cả bao thập niên, chúng ta cũng phải làm những gì lợi ích cho hậu thế, hầu mong họ có thể nghiên cứu Phật Pháp, tụng đọc kinh điển, chứ không phải như bây giờ, kinh điển bằng tiếng Anh rất ít ỏi, nên khiến cho những người muốn nghiên cứu Phật Pháp không biết bắt đầu từ đâu. Hãy cùng nhau phiên dịch kinh điển để giúp người Tây Phương được khai mở nguồn trí huệ, hầu mong sau này người Ðông Phương lẫn Tây Phương đều thông hiểu Phật Pháp. Mọi người phải lấy đó làm mục tiêu của mình. Chúng ta không nên nghĩ rằng làm việc này cho chính mình, mà phải nghĩ đến việc giúp đỡ nhừng người trăm ngàn năm sau sau hiểu rõ và tu học Phật Pháp được dễ dàng. Ðây là mục đích của chúng ta. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải khổ cực cáng đáng và chịu muôn vàn khó khăn nơi đây."

Phiên dịch kinh điển có ý nghĩa trọng đại như thế, nhưng nếu không biết tiếng Anh hoặc không hiểu những ngôn ngữ ngoại quốc khác thì làm sao dịch kinh được? Ngài nói: "Dẫu không biết một ngôn ngữ ngoại quốc nào, tôi cũng lập nguyện là phải thực hiện và dám làm công tác này. Chỉ cần khởi tư tưởng này thì Chư Phật đã hoan hỷ rồi. Ngay cả người không biết ngôn ngữ ngoại quốc như tôi mà dám làm, còn nói chi đến những người biết nhiều ngôn ngữ lại chân thật tận lực thực hiện công tác này !"

Tại nhiều quốc gia Tây Phương, Phật Pháp rất ít được biết đến. Hầu hết dân chúng đều chưa từng nghe qua Phật Pháp. Từ Hồng Kông sang Hoa Kỳ vào năm 1962, nhiệm vụ đầu tiên của Ngài là giảng kinh thuyết pháp. Ngài giảng về kinh Kim Cang, Tâm Kinh, Pháp Bảo Ðàn, Ðịa Tạng, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, cùng những bộ kinh ngắn như Bát Ðại Nhân Giác, Phật Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, v.v.. Hầu như ngày nào Ngài cũng đều thuyết Pháp. Ngài nói: "Chí nguyện của tôi là ngày nào còn một hơi thở nào thì tôi vẫn thuyết Pháp. Khi không còn một hơi thở nào nữa, tôi mới ngưng thuyết Pháp."

Nhìn vào lịch sử, chúng ta biết rằng lúc còn tại thế, Phật Thích Ca thường đề xướng việc dùng ngôn ngữ bình dân để hoằng dương giáo lý của Phật Ðà. Ðức Phật không thích giáo lý Phật Pháp được tồn trữ trong ngôn từ hoa mỹ mà các tôn giáo khác thường dùng vào đương thời. Ðức Phật hy vọng rằng thường dân với trình độ trung bình có thể hiểu rõ giáo pháp. Thể theo tinh thần này, khi giảng kinh thuyết pháp, Hòa Thượng Tuyên Hóa cẩn thận dùng những ngôn từ rất đơn giản và dễ hiểu.

Những lời chú giải của Ngài trong các kinh điển đều được gọi là 'Thiển Thích', tức những lời giải đơn giản, vì Ngài hy vọng rằng người thường hầu hết có thể hiểu được lời giảng giải của Ngài. Ngoài ra, vì người phiên dịch hồi đó cũng chưa hiểu rành tiếng Trung Hoa nên khó mà hiểu được những ngôn từ cao siêu phức tạp. Vì những người đệ tử Tây Phương chỉ biết chút ít về Phật Pháp, họ cần phải có sự giúp đỡ đặc biệt trong việc hiểu rõ các danh từ Phật học cùng ngôn ngữ Trung Hoa. Ngài dùng lời văn đơn giản để thuyết Pháp hầu mong phổ độ chúng sanh, giáo hóa rộng khắp, cùng chỉ dẫn dịch giả phiên dịch chính xác. Nhờ những lời chú giải này mà họ có kiến thức căn bản về Phật Pháp, rồi y chiếu theo đó để hành trì, đặt nền móng vững chắc trong việc tu hành.

Phàm phu không thể dùng tri kiến và trí tuệ để suy lường lời nói của chư thánh nhân. Ngài thường nói : "Tôi không biết tiếng ngoại quốc nào cả!" Song, có nhiều lần, dịch giả cố nặn óc tìm tòi dịch sao cho phù hợp hoặc không biết phải dịch như thế nào, thì một cách tự nhiên, Ngài tự nói ra những câu hay những chữ bằng tiếng Anh thích hợp. Trong lúc phải phiên dịch nhanh những bài giảng của Ngài, nếu dịch giả dịch có chỗ không đúng, Ngài nhận ra liền và lập tức bảo : "Không phải." Khi mới giảng Kinh Lăng Nghiêm, trong chúng hội chỉ có bốn, năm người là hiểu tiếng Trung Hoa, còn những người khác thì phải dựa theo lời phiên dịch bằng tiếng Anh. Người Mỹ vốn rất khó giáo hóa, nên đang giảng giữa chừng thì các người dịch lại đình công. Chẳng còn cách nào khác, Ngài tự mình phiên dịch lấy. Ngài nói: "Thật ra, tôi không hiểu tiếng Anh. Nghe họ nói năng, tôi chỉ hiểu được vài câu và tự dịch những câu đó. Nếu không thể nhớ được, tôi bảo họ hãy tự nghiên cứu tìm tòi lấy. Tuy rất ngu si, nhưng tôi có phương pháp giảng dạy riêng!"

Kể từ ngày thấy Ngài tự diễn giảng và tự phiên dịch, bốn, năm người đệ tử dịch giả không còn dám đình công nữa vì thấy rằng làm như vậy không ích lợi gì.

Ðối với những lời giảng giải đơn giản của Ngài, một số người trí thức cảm thấy quá đơn sơ và thô thiển vì ngôn từ không hoa mỹ trau chuốt, lại cũng không uyên bác. Ngài thường bảo: "Tôi chỉ được đến trường học trong hai năm rưỡi thôi!" Tuy nhiên, nếu muốn sửa đổi nhuận sắc câu văn của Ngài, thì quí vị sẽ thấy là tuy câu văn giản dị nhưng luôn luôn chân thật diễn đạt nghĩa lý thâm sâu. Kết cấu của những câu văn đó thật rất thâm mật, thứ tự. Nếu muốn nhuận sắc thì sẽ làm mất đi kết cấu của nguyên văn. Sự uyên bác của Ngài về cổ văn Trung Hoa cùng kiến thức về y học, bói toán, chiêm tinh học, nhân tướng học v.v... vượt qua những giáo sư đại học. Thuyết giảng nghĩa lý kinh điển, Ngài thường dùng ngôn từ linh động thâm sâu. Một người thất học không thể làm được như vậy. Ngoài ra, văn phạm và cấu trúc của tiếng Anh rất tinh tường cẩn mật hơn tiếng Trung Hoa. Song, khi dịch lại những lời giảng giải của Ngài, nhiều người đều nhận thấy rằng kết cấu văn phạm rất cẩn mật và dễ dàng phiên dịch. Ðôi khi Ngài lại dùng kết cấu văn phạm tiếng Anh để dùng cho tiếng Trung Hoa, nên khiến dễ dàng cho những đệ tử không thông thạo tiếng Trung Hoa học được và dịch được.

Lúc Ngài bắt đầu giảng kinh, chỉ có ba người Mỹ đến tham dự. Trong ba người, người thứ nhất ngồi xuống nghe giảng; người thứ hai dựa mình trên cầu thang mà ngủ; người thứ ba nằm xuống đất, gác hai chân lên bàn. Ðây là cách nghe kinh của ho. Song, Ngài kiên nhẫn, không la mắng họ, chỉ kiên tâm giảng giải kinh điển. Ngài đã từng bảo :

"Nếu có một người nào muốn nghe thuyết pháp, thì tôi sẽ thuyết. Thậm chí không có người nào thích nghe, tôi cũng giảng thuyết cho quỷ, thần, và tất cả hàm linh."

Cứ như thế cho đến mùa hè năm 1968, khi một nhóm hơn ba mươi sinh viên cùng với các cao học, tiến sĩ, thạc sĩ người Mỹ từ vùng Seattle đến Cựu Kim Sơn để cầu thỉnh Ngài giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau chín mươi sáu ngày lắng nghe Ngài giảng kinh Lăng Nghiêm, năm sinh viên trong nhóm đó phát tâm theo Ngài xuất gia, đánh dấu kỷ nguyên sơ khởi thành lập Tăng Ðoàn tại châu Mỹ.

Từ đó, nhiều vị trí thức lần lượt đến quy y hoặc xả tục xuất gia. Mặc dầu một số là những nhà chuyên môn trong lãnh vực chuyên môn của họ và có bằng cao học hay tiến sĩ, nhưng họ rất vụng về khi dịch kinh điển. Lại có một số hiểu đôi chút hoặc hoàn toàn không biết gì về tiếng Trung Hoa. Do đó, trong hai năm 1968-69, vào mỗi buổi tối tại Giảng Ðường Phật Giáo, Ngài mở lớp Hoa ngữ. Mỗi ngày, trước buổi công phu và giảng kinh tối, Ngài viết lên bảng một đoạn văn kinh Lăng Nghiêm khoảng hai mươi bốn chữ Hoa theo từng nét, trong khi các đệ tử vây xung quanh nhìn xem. Bằng cách này, không đầy một năm, những ai tham dự lớp đó đều có thể viết Hoa ngữ đúng theo thứ tự của từng nét. Ðồng thời, Ngài cũng khuyến khích các đệ tử mỗi ngày học thuộc lòng hai mươi bốn chữ Hoa đó trong kinh Lăng Nghiêm. Sau khi dời qua chùa Kim Sơn (góc đường Mười Lăm ở thành phố Cựu Kim Sơn), Ngài mở lớp học ngôn ngữ vào mỗi ngày. Trong năm đó, các đệ tử học tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp, tiếng Ðức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, và tiếng Anh. Ngài luôn dùng phương tiện thiện xảo để khích lệ các giáo sư và học sinh chuyên tâm giảng dạy cùng học tập các ngôn ngữ trên.

Ðể phát triển trí huệ sẳn có của mọi người, Ngài mở một lớp học đặc biệt. Mỗi lần đến lớp, bài học viết bằng tiếng Hoa (sau này có thêm tiếng Anh) lên trên bảng trước. Kế đến, người phụ giảng sẽ đọc qua một lần, rồi hướng dẫn cả lớp đọc bài học theo từng câu. Ðọc xong ba lần, học sinh tự nguyện hay được chọn để giải thích bài học bằng song ngữ. Thông thường có trên mười người lên giảng giải, nên khi đến lượt Ngài thuyết giảng thì mọi đã nghe nhiều sự giải thích khác nhau. Nghe qua những lời giải thích của đệ tử, chắc chắn Ngài nhận ra những điểm thiếu sót hay sai lầm, nên đã đính chính và giảng giải rộng thêm những điểm đó. Những buổi lên lớp như thế kéo dài khoảng năm sáu giờ liên tục. Sau này, phương thức giảng giải được thay đổi vì có thêm lời phê bình của học sinh vào gần cuối giờ học. Danh xưng của lớp học là 'Chủ Quán Trí Năng Thôi Ðộng Lực' (Phát Triển Trí Tuệ Sẵn Có). Phương thức này giúp học sinh có cơ hội học Hoa ngữ và tiếng Anh, cùng huấn luyện tánh kiên nhẫn. Quan trọng hơn hết là xuyên qua sự thực hành và lắng nghe người khác giảng giải, trí năng sẵn có của mỗi người khai mở và phát triển theo chiều hướng mới.

Ngài thường răn nhắc các đệ tử là phải dùng trí huệ chân chánh để phiên dịch kinh điển. Ngài cũng bảo rằng nếu thấy có phần nào dịch không đúng nghĩa thì hãy đưa ra để mọi người cùng nghiên cứu thảo luận. Nhờ sự nghiên cứu thảo luận công khai mà các bản dịch lại càng thêm chính xác. Bằng cách này, cách thức phiên dịch thuở xưa được truyền sang Tây Phương. Ngài nói: "Trước khi chính thức phê chuẩn, hiến pháp được đọc ba lần để xem có ai còn phản đối. Chúng ta phải áp dụng phương pháp này để phiên dịch kinh điển. Phiên dịch xong, mọi người lại cùng nhau nghiên cứu một lần nữa để xem coi còn có vấn đề gì chăng. Cần dùng trí huệ của mọi người để phiên dịch Kinh Ðiển. Nếu ai có ý kiến gì đều được mang ra bàn thảo. Khi hỏi thăm ý kiến, chúng ta phải theo phương pháp Yết Ma (phiên họp chính thức của Tăng chúng). Nghĩa là, sau khi đọc qua một lần, thì hỏi xem có ai cho ý kiến để sửa chữa. Lần thứ hai đọc lại và hỏi, rồi lần cuối cùng cũng như thế. Bản dịch phải được đọc ba lần và phải hỏi ý kiến mọi người ba lần. Nên đọc chậm rãi để được nghe rõ ràng. Khi đọc xong ba lần theo pháp Yết Ma, những người có ý kiến nên nêu lên. Nếu không ai còn ý kiến thêm, tức là mọi người đều đồng ý. Trong tương lai, không ai có thể bàn cãi hay phản đối : "Phần phiên dịch này không hay. Hồi đó đã dịch sai.". Không ai trong chúng ta có thể phản đối. Thế nên, mọi người đều phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào mọi người đều đồng ý thì bản dịch mới được thông qua. Phương thức phiên dịch của chúng ta ngày nay sẽ làm gương cho người sau để họ y cứ theo đó mà làm. Không thể nào chỉ có một bản dịch cá nhân. Chúng ta chung sức để thực hiện việc này."

Bên cạnh tài năng và ngôn ngữ vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, Ngài cũng hiểu tinh tường về nguyên tắc và phương pháp phiên dịch. Trong ba nguyên tắc 'Tín, Nhã, Ðạt' thì Tín (trung thật) là quan trọng bậc nhất. Ngài nói: "Việc quan trọng nhất của sự phiên dịch là phải chính xác, chứ không thể tương phản với nguyên văn. Khi dịch bản văn của người khác thì phải trung thực y chiếu theo lời của người đó, mà không thể bỏ xen ý kiến của mình vào được. Nếu văn phạm có chỗ nào không thông suốt thì có thể trau dồi lại, nhưng không thể thêm lời chú giải hay ý kiến của mình vào đó."

Tiếc thay, vài người cho rằng phương thức giảng giải của Ngài là thiếu uyên bác, hoặc muốn cho mình nổi bật lên, nên tự thêm ý kiến mình hay ý kiến của người khác vào những bản văn chú giải kinh điển đã được xuất bản và bỏ phần giải thích nguyên thuỷ của Ngài. Ngài thuyết giảng những lời "giản dị đơn sơ" với dụng ý giúp những kẻ sơ cơ cùng các dịch giả theo đó mà học tập để có kiến thức căn bản về Phật Pháp, rồi y cứ theo đó mà tu hành. Ngài không chấp trước vào lời giảng giải của mình, chỉ khiêm tốn bảo: "Nếu muốn, quí vị có thể dùng lời giải thích sơ đẳng của tôi. Hiện tại, vì mới bắt đầu, chúng ta nên đặt nền móng cho vững chắc, rồi sau đó khai triển cùng phiên dịch những kinh điển khác."

Phiên dịch Kinh Ðiển là công nghiệp cả trăm ngàn năm. Lập trường của Ngài là: "Hiện tại, việc phiên dịch chỉ cần văn nghĩa rõ ràng và dễ hiểu là đủ rồi. Chúng ta không cần phải tô điểm lòe loẹt như tấm vải thêu. Chỉ cần đạt được, là đủ. Tương lai, nếu có ai nhận thấy rằng những bản dịch đại khái của chúng ta không hay cho lắm thì họ có thể trau chuốt sửa chữa lại."

Phiên dịch kinh điển để mọi người đồng hiểu rõ. Vì thế Ngài nhấn mạnh: "Phải phiên dịch kinh điển đơn giản và rõ ràng. Không nhất định phải dùng tiếng Phạn. Nếu tiếng Anh không có chữ tương đương thì bất đắc dĩ mới dùng tiếng Phạn. Nếu tiếng Anh có, thì nên dùng những chữ mà người ở nước này có thể hiểu được dễ dàng. Nếu chúng ta dùng toàn chữ Phạn, thì không cần dịch Kinh Ðiển ra Hoa ngữ, rồi tiếng Anh. Thế thì chỉ cần bản tiếng Phạn thôi! Mục đích của việc phiên dịch là giúp cho kinh điển được phổ thông để mọi người khi đọc qua liền hiểu ngay. Nếu làm được như vậy là đã đủ rồi. Lời dịch nên đơn giản. Nếu quí vị cố ý dịch bằng những lời lẽ văn hoa cao siêu thi khi đọc qua, người khác sẽ bị rắc rối, ngờ vực. Chúng ta nên dùng trí huệ để xem coi lời văn có hợp lý hay không, rồi mới dùng. Như vậy là đủ. Ngôn ngữ tiến hóa từng bước theo dòng thời gian. Bây giờ có thể họ chưa hiểu, nhưng trong tương lai, khi đọc lại vài lần thì họ sẽ hiểu. Chỉ cần lời lẽ và ý nghĩa đầy đủ là tốt rồi."

Lúc theo nguyên tắc văn nghĩa thông đạt và trung thực, phải lưu tâm đến sự "dung hợp hoàn toàn tất cả sự khác biệt" vì Phật Pháp là viên dung vô ngại. Về vấn đề này Ngài nói: "Trong khi phiên dịch phần chánh văn của Kinh, không thể chỉ dịch dựa theo phần chú giải. Văn kinh như biển cả, lời chú giải chỉ như sông ngòi từ khắp nơi tùy theo dòng mà đổ vào biển cả. Không thể xem sông ngòi như biển rộng. Kinh điển rất sống động chứ không chết cứng, và luôn viên dung vô ngại mà không chỉ đơn thuần trong một nghĩa. Bất cứ bản dịch nào, miễn có có đầy đủ ý nghĩa và hợp lý thì đều có thể chấp nhận được. Ðừng chấp cứ là phải dịch theo cách này hay cách nọ, mà chỉ cần chuyên chở được ý nghĩa của lời kinh là được. Chớ bỏ quá nhiều thời giờ vào điểm này. Càng bỏ thời giờ vào việc lòng vòng trong lời lẽ thì càng xa ý kinh, và bản dịch mãi không được hay cho lắm. Cần phải phiên dịch kinh điển một cách sống động và uyển chuyển. Không thể bướng bỉnh chấp theo ý mình. Chỉ miễn sao ý nghĩa của kinh văn được thông suốt là đủ rồi."

Phiên dịch kinh điển không chỉ dùng sự khéo léo, mà còn rèn luyện và giúp phát triển trí huệ chân chánh. Ngài nói :

"Dẫu là người nào, nếu tự dùng trí huệ chân chánh để phiên dịch Kinh Ðiển thì trí huệ ngày một khai mở, ngày một tăng trưởng. Nếu ngày ngày chuyên tâm chú ý học hành thì trí huệ sẽ được triển khai."

Ðể bảo đảm việc phiên dịch được chính xácvà chân chánh phù hợp với ý Ðức Phật, Ngài thường răn nhắc các đệ tử: "Phiên dịch kinh điển phải có chánh tri chánh kiến, và nhất định phải chánh trực. Không nên thiên vị hoặc dùng lời hoa mỹ thuận theo nhân tình. Phải quyết định mau mắn và dùng lời xác quyết, cùng có tinh thần phán xét như phán quan (quan tòa). Phải khởi tâm thành khẩn và dùng tri kiến chân thật thâm sâu, cùng có tánh quả quyết. Phải khách quan mà phiên dịch và đừng để bị kẹt trong văn tự chữ nghĩa. Phải dùng trí huệ chứ chẳng dùng mảy may tình cảm mà phiên dịch. Dẫu là lời của ai, nếu nghĩ rằng không chính xác thì phải cứng rắn xét đoán vô tư. Phải vô tình và lạnh lùng để phiên dịch kinh điển. Nếu dùng tình cảm thì sai lạc rồi. Khi phiên dịch, phải hình dung tâm trạng của Phật Thích Ca vào đương thời. Phải tự hỏi: "Tại sao Ðức Phật thuyết Kinh này ? Ngài lúc đó đang nghĩ gì? Ngài có dụng ý gì lúc đó?" Phải vận dụng tư tưởng để nắm rõ đạo lý mà Ðức Phật xiển dương trong bài kinh đó. Làm được như thế thì quí vị sẽ thông đạt diệu nghĩa thâm sâu của lời kinh."

"Kẻ có chí hướng cao xa, đầu tiên phải tu đức, rồi sau đó mới áp dụng vào văn chương và nghệ thuật." Theo tiêu chuẩn của Ngài, dịch giả dẫu có khả năng khéo léo về ngôn ngữ, và đủ thông minh liễu giải lời diễn giảng của Ngài, thì cũng chưa được xem là dịch giả hoàn hảo. Ngài lập ra Tám Quy Luật Phiên Dịch Kinh Ðiển. Nếu các dịch giả chân chánh tuân theo tám quy tắc căn bản này thì công tác phiên dịch mới hàm dưỡng đạo đức cao thượng. Những ai tham gia vào công tác phiên dịch kinh điển phải tuân thủ những quy tắc sau đây:

Tám Quy Luật Phiên Dịch Kinh Ðiển là:

·                                 1. Dịch giả phải thoát mình ra ngoài động cơ tự truy cầu danh lợi.

·                                 2. Dịch giả phải tu thân dưỡng tánh, dứt bỏ đi thói cao ngạo.

·                                 3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen mình nhưng lại chê bai kẻ khác.

·                                 4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.

·                                 5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.

·                                 6. Dịch giả phải dùng Trạch-pháp-nhãn để phán xét đâu là chân lý.

·                                 7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng, Ðại Ðức ở mười phương chứng minh cho bản dịch.

·                                 8. Dịch giả phải nỗ lực truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận, cùng các Kinh sách khác sau khi các bản dịch được chứng minh là đúng.

Qua Tám Quy Luật Phiên Dịch Kinh Ðiển này, chúng ta thấy rõ mỗi dịch giả tham gia vào công tác phiên dịch phải có tâm lượng quảng đại cùng phẩm cách cao thượng thì mới gánh vác được trọng trách về công tác thần thánh này. Ngài khuyến khích các người tham gia công việc phiên dịch bằng những lời sau: "Tâm lượng của chúng ta phải bao trùm hư không, tràn đầy khắp các thế giới nhiều như số cát, bao quát cùng dung chứa tất cả. Còn nghi ngờ điều gì thì phải đưa ra. Thấy điểm nào đúng thì phải giải thích cặn kẽ. Mọi người cùng đồng thảo luận và nghiên cứu, chứ không cần tranh luận cãi vã. Không có trường hợp kẻ này thắng, còn kẻ khác thì thua. Trong chúng ta, không ai thắng cũng không ai thua. Luôn luôn, mọi người bình đẳng. Ðoàn kết và bình đẳng, chúng ta cùng nhau tiến bước."

Công tác phiên dịch trong thời đại này có ý nghĩa rất trọng đại, nhưng đặc biệt khó khăn muôn vàn. Ngài nói: "Chúng ta hiện nay không có nhiều người hiểu Hoa ngữ, và một số trong chúng ta cũng không biết nhiều về tiếng Anh. Do đó chúng ta đang phiên dịch Kinh Ðiển trong hoàn cảnh khó khăn gian nan. Dẫu rằng như thế, chúng ta vẫn dự bị truyền bá huệ mạng của Ðức Phật, truyền tiếp ngọn đuốc Phật pháp. Công việc chúng ta đang làm sẽ có ảnh hưởng lớn lao đến nhân loại trong tương lai. Do đó, chúng ta muốn làm công tác thần thánh này với nỗ lực không ngừng. Không thể cẩu thả, mà phải đặc biệt trịnh trọng thực hành công tác này với tất cả sự nghiêm túc. Phải tự nghĩ : "Là một phần tử của Phật Giáo, nếu tôi không hoàn thành trọng trách này thì đợi ai làm ?" Mỗi người trong chúng ta phải nghĩ: " Tôi không làm thì ai làm đây ? Tất cả trọng trách hoằng dương Phật Pháp đều do tôi gánh vác."

Xưa kia, khi Kinh điển đang được phiên dịch tại Trung Hoa, bút, mực giấy và những vật dụng khác để dùng vào việc phiên dịch kinh điển rất khó tìm. Thời hiện đại tiến bộ hơn lúc xưa nhiều, và cơ duyên tham gia vào công tác này trong trăm ngàn vạn kiếp thật rất khó tìm cầu. Ngài nói :

"Lúc phiên dịch kinh điển, phải phát khởi tâm pháp hỷ sung mãn (niềm vui pháp tràn đầy) chứ đừng có tâm tranh đấu ganh đua. Phải dùng trí huệ quyết đoán, mà chẳng nên dùng ngu si lưỡng lự. Phải nghĩ rằng công tác này thật khó gặp : "Tôi được tham gia Pháp Hội Phiên Dịch Kinh Ðiển. Thật là một việc may mắn khó gặp được trong vạn kiếp. Thật khó nói lên hết nỗi vui mừng!" Trong những lần bắt đầu phiên dịch kinh điển, chúng ta đầu tiên phải thầm niệm: "Nam mô thường trụ thập phương Phật. Nam mô thường trụ thập phương Pháp. Nam mô thường trụ thập phương Tăng." Không phải niệm ra tiếng. Trong tâm cũng phải suy tưởng : "Con quy y vô lượng vô biên tận hư không biến Pháp Giới thường trụ Tam Bảo mười phương. Ngưỡng mong Tam Bảo gia hộ, khiến chúng con có được chánh tri chánh kiến, khai mở trí huệ rộng lớn để phiên dịch kinh điển." Mỗi khi làm công tác phiên dịch kinh điển, đầu tiên mỗi người phải tự cầu chư Phật gia hộ. Không thể dùng tâm phàm phu mà phiên dịch kinh điển. Phải dùng chân ý của Ðức Phật. Khi phiên dịch, phải tự hỏi: "Nghĩa lý này có tương hợp với ý của Ðức Phật hay không ? Có tương phản với lời Ðức Phật dạy hay không ? Ðức Phật thuyết kinh này với dụng ý gì ?" Ðó là điều cần lưu ý. Tuy có thể bảo đây là vọng tưởng, nhưng nếu tâm chánh thì những gì làm sẽ chân thật. Quán tưởng nếu chân thật thì sẽ hiệp với Tam Bảo thành một thể."

Trí huệ và tầm nhìn của Ngài tuy vượt xa người thường, nhưng dẫu ở nơi nào, Ngài cũng đều đi sau, nhường cho các đệ tử đi trước, vì suốt đời luôn muốn bồi dưỡng nhân tài cho Phật Giáo, hầu mong đặt nền tảng vững chắc cho Phật Pháp tại Tây Phương. Ngài nói :

"Tôi có thể tự cáng đáng lấy dẫu là việc gì, nhưng lại không muốn làm. Một mình tôi làm thì không có nhiều ý nghĩa. Phật Pháp là của chung cho mọi người. Phải rèn luyện nhiều nhân tài cho Phật Giáo. Mục đích của tôi là bồi dưỡng nhân tài chứ không phải tự bồi dưỡng chính mình."

Do đó, Ngài "đổ tâm huyết không ngừng nghỉ." Bất cứ lúc nào, trong những trường hợp khác nhau, Ngài luôn dùng nhiều phương pháp khác nhau để rèn luyện đệ tử. Từng chút, từng bước một, qua nhiều ngày tháng, ngài đã huấn luyện nhiều nhân tài ưu tú phiên dịch kinh điển cho Phật Giáo.

Công tác phiên kinh điển của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới được phát khởi vào năm 1968. Ðương thời giảng đường cũng là nơi phiên dịch. Ngài giảng kinh vừa xong thì các đệ tử liền phiên dịch thành Anh văn trong cùng ngày. Vào năm 1973, Ngài chính thức thành lập 'Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển' tại đường Washington ở vùng Cựu Kim Sơn. Ðến năm 1977, viện lại được sát nhập vào trường Ðại Học Phật Giáo Pháp Giới, với danh xưng 'Học Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển Quốc Tế'. Vào năm 1990, Ngài lại nới rộng và dời Viện về thành phố Burlingame ở phía nam vùng Cựu Kim Sơn. Ðịa chỉ là 1777 Murchison Drive, Burlingame, CA 94010. Tel : (415)692-5912.

Công tác phiên kinh điển của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới được phát khởi vào năm 1968. Ðương thời giảng đường cũng là nơi phiên dịch. Ngài giảng kinh vừa xong thì các đệ tử liền phiên dịch thành Anh văn trong cùng ngày. Vào năm 1973, Ngài chính thức thành lập 'Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển' tại đường Washington ở vùng Cựu Kim Sơn. Ðến năm 1977, viện lại được sát nhập vào trường Ðại Học Phật Giáo Pháp Giới, với danh xưng 'Học Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển Quốc Tế'. Vào năm 1990, Ngài lại nới rộng và dời Viện về thành phố Burlingame ở phía nam vùng Cựu Kim Sơn. Ðịa chỉ là 1777 Murchison Drive, Burlingame, CA 94010. Tel : (415)692-5912.

Khi Hội Phiên Dịch Kinh Sách được thành lập, Ngài lập ra Bốn Ban để điều hành việc phiên dịch: (1) Ban Phiên Dịch, (2) Ban Duyệt Thảo, (3) Ban Nhuận Sắc, và (4) Ban Chứng Minh. Bốn ban này cung ứng phương thức tuyệt hảo cho việc huấn luyện những người mới tham gia trong tiến trình phiên dịch. Quan trọng hơn nữa là khi người người đều tập lấy tâm Phật làm tâm mình đang khi phiên dịch và thể nhập vào những lời pháp ngữ của Ngài, tâm trí họ được mở rộng và trưởng thành giúp tiến bước vững chắc trên đường tiến đến đạo Bồ Ðề vô thượng.

Mục đích của việc phiên dịch kinh điển là giúp chúng sanh có cơ hội nghe Phật Pháp và theo đó mà tu hành. Mục đích của Hội Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo, dưới sự lãnh đạo của Ngài, là muốn mang nghĩa lý chân thật của Phật Pháp truyền vào xã hội Tây Phương, để người Tây Phương có thể y chiếu vào giáo pháp của Ðức Phật để tu hành. Ðiểm đặc sắc của Hội Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo là những người liên hệ trong công việc phiên dịch  đều huân tập truyền thống Phật Giáo chánh thống, cùng chân thật cống hiến đời mình để hành trì Phật Pháp, chứ chẳng phải chỉ đơn thuần nghiên cứu văn tự. Vì lý do đó, những kinh sách do hội xuất bản đều nhấn mạnh sự chân thật hành trì đạo lý Phật Pháp hơn là sự kiến giải.

Vào tháng 1 năm 1993, qua sự hướng dẫn của Ngài, hội được cải tổ lại. Tiến trình phiên dịch và xuất bản được chính thức xác định. Ngài dạy rằng những kinh sách do Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới xuất bản trong tương lai phải được in bằng song ngữ.

Hiện nay, tiến trình phiên dịch kinh điển của hội theo từng bước như sau (ví dụ dịch sang tiếng Anh):

·                                 1. Chuyển (những lời thuyết pháp của Ngài) từ băng cuộn lớn sang băng cassette

·                                 2. Sao chép lại (lời giảng thuyết của Ngài)

·                                 3. Ðánh bằng Hoa ngữ vào máy điện toán

·                                 4. Kiểm tra bản sao chép Hoa ngữ

·                                 5. Ðọc và sửa lỗi đánh máy bản Hoa ngữ (nhiều lần)

·                                 6. Nhuận văn bản Hoa ngữ (nhiều lần)

·                                 7. Chứng minh bản Hoa ngữ.

·                                 8. Dịch sang tiếng Anh

·                                 9. Ðối chiếu bản Hoa ngữ và tiếng Anh

·                                 10. Nhuận văn tiếng Anh (nhiều lần)

·                                 11. Chứng minh bản dịch tiếng Anh

·                                 12. Ðối chiếu song ngữ (nhiều lần)

·                                 13. Chứng minh song ngữ

·                                 14. Ðánh và sắp đặt vào máy điện toán

·                                 15. Ðọc và sửa lỗi đánh máy bản tiếng Anh (nhiều lần)

·                                 16. Sửa chữa trên máy điện toán

·                                 17. Sắp đặt bản tiếng Anh vào máy điện toán lần thứ hai

·                                 18. Ðọc và sửa lỗi đánh máy (nhiều lần)

·                                 19. Sửa lại trên máy điện toán

·                                 20. In mẫu (in bằng bạc)

·                                 21. Trình bày

·                                 22. Ấn hành

Mỗi bước ở trên đều dùng rất nhiều thời giờ và nhân lực. Mỗi giây phút, mỗi sự nỗ lực đều có giá trị vì nhằm vào sự chính xác tối đa trong công việc phiên dịch. Những hội viên của Hội gồm có quý vị xuất gia và cư sĩ, là những người tình nguyện phát tâm cống hiến công sức cho công việc này. Ngài nói: "Công tác của chúng ta chẳng phải là công việc bình thường của thế nhân. Ðừng hỏi :"Tôi sẽ được tưởng thưởng gì khi làm công tác này ? Trong tương lai tôi sẽ được gì ?" Công tác phiên dịch, không có phần thưởng thế gian nào cả; chúng ta làm việc cho Phật Giáo hoàn toàn trên căn bản tự nguyện. Hoàn toàn cống hiến cuộc đời mình để làm việc Phật sự. Do đó chúng ta không muốn tiền cũng không muốn danh. Chúng ta không tham tiền tài, cũng không tham danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghi. Công tác này phải phù hợp với sáu đại tông chỉ là sáu con đường to lớn sáng sủa: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tư lợi, không nói láo. Làm công việc này, chúng ta không cầu xin phần thưởng hay bất cứ vật gì, mà chỉ đơn thuần muốn phiên dịch kinh điển Phật Giáo, và như thế là đủ lắm rồi!"

Hội Phiên Dịch Kinh Sách đã xuất bản kinh sách bằng tiếng Anh từ năm 1972. Ðến nay, Hội đã xuất bản hơn hai trăm bản dịch chú giải của Ngài đã được phiên dịch từ Hoa ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Việt và Nhật. Hiện tại, năm quyển kinh có chú giải và pháp ngữ đã được xuất bản bằng song ngữ (Hoa-Anh).

Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới cũng liên tục phát hành nguyệt san Kim Cang Bồ Ðề Hải từ năm 1970 với mục đích truyền bá, tuyên dương chánh pháp. Nguyệt san đã được hai mươi tám năm tròn kể từ năm 1970. Ðể phù hợp với nguyên tắc ấn bản song ngữ của tổng hội, nguyệt san phải vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật và đã trình bày song song mọi bài văn bằng song ngữ kể từ năm 1992. Giữa nhiều tập san Phật Giáo hiện nay, phương thức trình bày song ngữ đối chiếu của nguyệt san Kim Cang Bồ Ðề Hải thật là độc đáo. Ngài nói: "Tự tu tự hành là điều rất quan trọng. Nếu có thể tu chứng quả thành đạo dĩ nhiên sẽ trợ giúp lớn lao cho Phật Giáo, nhưng chỉ là sự cống hiến tạm thời. Nếu chúng ta có thể phiên dịch kinh điển Phật Giáo qua ngôn ngữ của mọi quốc gia và mang Phật Pháp thẳng vào tâm của mọi người thì đó là công nghiêp vĩnh hằng. Hoằng Dương Chánh Pháp là công việc rất quan trọng, nhưng trong việc hoằng truyền Phật Giáo, việc phiên dịch kinh điển quan trọng hơn. Những ai chí đồng đạo hợp, hãy cùng đứng lại với nhau, dùng trí huệ của mọi người, chung sức nỗ lực phiên dịch Kinh Ðiển Phật Giáo!"

Các tin đã đăng: