Sự thật của lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963
đã bị các thế lực thù nghịch Phật Giáo bóp méo, đặc biệt là tuyên truyền
chuyện “đốt Hoà thượng Thích Quảng Đức”, như một đoạn phim “Youtube.com”, diễn lại toàn cảnh Hoà Thượng Thích Quảng Đức “bị thiêu”. Họ cho diễn lại [1] và viết những bài nói rằng: “Người
nhẫn tâm tưới xăng lên thân Hoà Thượng chính là ông Nguyễn Công Hoan
(Huỳnh Văn Thạnh). Đến năm 1976, thì ông ta được nhà nước Cộng Sản trả
ơn bằng cái chức đại diện Quốc Hội đơn vị Phú Khánh Nha Trang Việt Nam…”[2] và còn nhiều lời sai sự thật khác.
Trong ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật Giáo năm
1963—cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, cuộc
tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 và chiến dịch “nước lũ” tổng
tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963—là ba biến cố
lịch sử quan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu. Các thế lực thù
nghịch Phật Giáo đã tìm mọi cách để mạo hóa hai biến cố đầu.
Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến chuyện họ đã mạo hóa
lịch sử ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm chạy tội quá khứ đã chống lại dân
tộc trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam.
Họ (các thế lực thù nghịch Phật Giáo) thấy rằng đã đến lúc không
còn cách nào để chứng minh cho mọi người biết phong trào tranh đấu Phật
Giáo 1963 là do Cộng Sản giật dây hay là do những người Cộng Sản hay
thân Cộng Sản chủ trương nên đã tuyên truyền rằng “người tưới xăng
lên thân Hòa Thượng Thích Quảng Đức là cán bộ Cộng Sản nằm vùng Nguyễn
Công Hoan, cựu dân biểu “lưỡng triều” Việt Nam Cộng Hòa”.
Nói rằng Nguyễn Công Hoan là cựu dân biểu quốc hội miền Nam Việt
Nam thời đệ nhị Cộng Hòa (nhiệm kỳ 1971-1975) và là cựu dân biểu quốc
hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sau năm 1975) là đúng,
nhưng nói rằng người tưới xăng lên Hòa Thượng Thích Quảng Đức là cựu dân
biểu “lưỡng triều” miền Nam Việt Nam Nguyễn Công Hoan là hoàn toàn sai sự thật. Người tưới xăng lúc đó là một vị tu sĩ Phật Giáo, Đại Đức Thích Chơn Ngữ thế danh Huỳnh Văn Hải, hiện nay đang sống tại thành phố San Jose, bang California, Hoa Kỳ.
Trước hết chúng ta hãy nói về nhật vật Nguyễn Công Hoan. Ông
Nguyễn Công Hoan sinh năm 1944 tức mới 19 tuổi vào năm 1963, không có
tên trong danh sách dân biểu quốc hội VNCH thời đệ nhất Cộng Hòa [3],
nhưng có tên trong danh sách sách dân biểu quốc hội VNCH thời đệ nhị
Cộng Hòa, nhiệm kỳ 1971-1975.
Điều này cũng được xác nhận trong hồi ký “Tôi Làm Nghề Dạy Học”
của cựu dân biểu Trần Văn Sơn. Cựu dân biểu Trần Văn Sơn tức nhà bình
luận Trần Bình Nam là thầy dạy của Nguyễn Công Hoan ở trường Trung Học Võ Tánh, Nha Trang, và cũng là bạn đồng viện, đồng khối “Dân Tộc Xã Hội” tức khối đối lập do luật sư Trần Văn Tuyên làm Trưởng Khối (Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa) [4]. (bắt đầu trích):
“Anh Hoan, dân biểu Phú Yên, quốc hội Việt Nam Cộng Hòa,
nhiệm kỳ 1971-75 cùng ở trong khối đối lập với tôi. Thời gian làm dân
biểu Việt Nam Cộng Hòa anh Hoan quen biết thế nào với những người bên
kháng chiến không biết.
Sau ngày 30/4/1975 một số người này làm lớn trong chính quyền
mới ở Phú Khánh (hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập lại) đã mời anh Hoan
ra ứng cử dân biểu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất tổ chức năm
1976. Anh Hoan đến thăm tôi vào đầu năm 1976 cho biết ý anh muốn từ chối
vì anh đã nghe dân Phú Yên than phiền chính sách của chính quyền
mới.Tôi khuyên anh Hoan không nên từ chối vì có thể nguy hiểm cho bản
thân anh.
Sau khi trở thành dân biểu quốc hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam, Hoan có nhiều dịp vào Nha Trang tỉnh lỵ của tỉnh Phú Khánh
công tác và hay đến thăm tôi.Từ đó có kế hoạch vượt biên. Phân công đơn
giản. Anh Hoan chuẩn bị thuyền, tôi chuẩn bị đường đi. Anh Thung làm
ruộng ở Thanh Minh chờ gọi.Chúng tôi vượt biên đêm 27/3/1977. Được tầu
chở dầu Nhật Bản, chiếc Ryuko Maru khổng lồ trên đường từ Trung đông trở
về, vớt ngày 31/3 và đưa đến hải cảng Yokohama ngày 5/4/1977. Hoan được
quốc hội Hoa Kỳ mời sang điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt
Nam nên đi Hoa Kỳ sớm. Thung và tôi chờ đến tháng 10/1977 mới đi Hoa Kỳ
diện tị nạn “on parole” với thẻ I-94…” (hết trích)
Như vậy rõ ràng ông Nguyễn Công Hoan không phải là dân biểu quốc hội thời đệ nhất Cộng Hòa, tức là vào lúc xảy ra cuộc tranh đấu Phật Giáo và dĩ nhiên không phải là người đã tưới xăng lên Hòa thượng Quảng Đức.
Bây giờ chúng ta xem ai chính thực là người đã giúp (tưới xăng) lên
HT. Thích Quảng Đức để ngài hoàn thành đại nguyện. Người đó chính là
Đại Đức Thích Chơn Ngữ, sinh năm 1933 tức 30 tuổi vào năm 1963, thế danh là Huỳnh Văn Hải, đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Sau năm 1963, Đại Đức Thích Chơn Ngữ đi du học tại Hoa Kỳ, sau đó
qua Pháp và đỗ Tiến sĩ Sử Học tại Đại Học Sorbonne, Paris. Năm 1973 ông
về Việt Nam dạy học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sau năm 1975 cởi áo xuất
tu , vượt biển và được nhập cư vào Mỹ năm 1982 và hiện đang sống tại San
Jose Hoa Kỳ [5].
Ông Huỳnh Văn Hải, người vừa là chứng nhân, vừa là người đóng vai
trò quan trọng trong cuộc tự thiêu của ngài Quảng Đức đã thuật lại như
sau: (bắt đầu trích):
“... Ngày 15 tháng 5, Tổng thống Diệm bất đắc dĩ phải tiếp phái
đoàn Phật giáo gồm 5 vị: Thượng tọa Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hành Trụ, Tâm
Châu và Đôn Hậu, nhưng ông Diệm đã không thực tâm giải quyết vấn đề. Do
đó, ngày 16 lại có nhiều cuộc tuyệt thực khác và biểu tình rầm rộ trước
Quốc hội, nhưng chính quyền vẫn không đả động gì đến những yêu cầu của
Phật giáo đồ... Bây giờ câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là việc tự
thiêu, người hưởng ứng đầu tiên là Ngài Quảng Đức.
... Lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, tôi (Thích Chơn Ngữ, thế danh Huỳnh Văn Hải)
dìu Ngài ra đến cổng chùa, thầy Đức Nghiệp mở cửa chiếc xe Austin đã
đậu sẵn, mời Ngài lên. Xe gặp đường Phan Đình Phùng quẹo phía trái là
đường Lê văn Duyệt, tài xế dừng xe lại, xung quanh tôi các tăng ni đã
đứng chật ních bao vây ngã tư Lê văn Duyệt-Phan Đình Phùng.
Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời
Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi “Kiết Già” tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm
thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ
tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh.
Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong
khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm: A Di Đà Phật.
Tiếng niệm Phật rất não nùng thê thảm trong lúc ngọn lửa càng bốc cao,
phủ kín cả người Ngài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như bàn thạch chấp hai
tay trước ngực.
Sau 7 phút toàn thân Ngài ngã xuống nhưng hai tay vẫn còn chắp trên
ngực. Xung quanh các tăng ni vừa bái lạy vừa khóc, vừa niệm Phật, nhưng
có một người vẫn đứng thẳng như một trụ đá, không khóc, nét mặt rất đau
thương đến độ trông rất lạnh lùng, chấp hai tay nhìn thẳng vào thân xác
cháy đen của Ngài Quảng Đức. Đó là Thượng tọa Thích Tâm Châu mà nay là
Hòa thượng tu hành tại nước Pháp.(Hiện nay, Hòa Thượng Thích Tâm
Châu là Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới và đang trụ
trì Tổ Đình Từ Quang, Montreal, Canada – Ghi chú của người viết)
Ngài Quảng Đức đã hiến mình cho Đạo Pháp bằng cách an nhiên tọa thuyền
trong biển lửa cao ngút. BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC đã tự đốt mình để bảo vệ Đạo
Pháp lúc lâm nguy và để bảo vệ quyền Tự Do Tín Ngưỡng. Hành động can đảm
và tuyệt vời này của Ngài đã làm cả thế giới khâm phục và đã thức tỉnh
lương tri nhân loại rằng đàn áp, chém giết chỉ gieo rắc thêm hận thù.
Bạo lực sẽ thất bại trước Tự Do, Công Bằng, Tình Thương và lòng Khoan Dung..”(hết trích)[6]
Thế mà nay, sau gần nửa thế kỷ, họ vẫn cố tình gán ghép cho ngài là
Cộng Sản, là người bị thiêu đốt và bịa đặt người tưới xăng thiêu đốt là
“cán bộ Cộng Sản nằm vùng, cựu dân biểu lưỡng triều Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Công Hoan”.
Họ (những thế lực thù nghịch Phật Giáo) vẫn dai dẳng nói rằng ngài
“bị nướng sống chứ không phải tự thiêu”. Điều này cũng hoàn toàn sai.
Lời thuật lại của những chứng nhân lịch sử hôm ấy như Hoà Thượng Thích
Đức Nghiệp, cựu Đại Đức Thích Chơn Ngữ và cựu nhiếp anh gia Nguyễn Văn
Thông đều thấy và kể lại rằng “Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh”.
Sự kiện này được chứng minh bởi chín tấm hình đen trắng bấm
liên tục của thông tín viên Malcolm Browne chụp từ cùng một góc độ nhìn,
lấy chiếc xe Austin làm nền hình, ghi lại khá chi tiết và trung thực
diễn tiến động thái tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức, đặc biệt trong một
tấm hình (ảnh số 2), Đại Đức Chơn Ngữ đã bước đi ra xa về phía các chư
Tăng Ni, để lại HT Quảng Đức một mình tìm cách tự quẹt diêm giữa vũng xăng lênh láng. [7]
Sự cố tình bóp méo hay là sự mạo hóa lịch sử trắng trợn này không thể nào tưởng tượng được. Nhiều chứng
nhân của lịch sử hãy còn sống mà đã bị xuyên tạc và bóp méo, không hiểu
tương lai xa nữa, sự thực của lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như của
dân tộc Việt Nam sẽ bị biến thể như thế nào!
Tuy nhiên, dù rằng nói cách nào đi nữa, đối với Phật Giáo cái “Tâm”
mới là chủ yếu, tâm dẫn đầu mọi pháp. Mọi người, mọi việc xung quanh
giúp ngài là theo ý muốn của ngài (để ngài hoàn thành đại nguyện), Tâm
của ngài đã quyết định từ khi gửi đơn xin phép được tự thiêu, đã dẫn đạo
ngài, “hành động tự thiêu của ngài phát xuất từ tâm Bồ Đề, từ đại nguyện cứu độ chúng sinh, đem
thân xác còn lại của Ngài sử dụng thành ngọn đuốc soi sáng thế giới vô
minh, hy vọng đánh thức lương tâm nhân loại và những người lãnh đạo cuộc
chiến tương tàn đang hồi khốc liệt. Ngài thiêu thân vì đạo pháp, vì
tiền đồ nguy khốn của Phật giáo, vì tự do và bình đẳng tôn giáo, không
vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất cá nhân” [8]. Đáng tôn kính thay đấng từ bi vô lượng.
Các nhân vật được minh danh dẫn chiếu trong bài viết này còn sống và hiện đang ở Hoa Kỳ. Và với bài viết này, sự
thật của lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã được minh
thị. Vậy đã đến lúc không còn có thể tiếp tục bôi bác hay mạo hóa lịch
sử nữa, mà trả lại sự thật cho lịch sử.
Tâm Diệu
11-11-2011
Dẫn chiếu:
[1] Minh Thạnh, Clip HT. Thích Quảng Đức Tự Thiêu Diễn Lại: Từ Điểm Nhìn Chuyên Môn:
[3] Công Báo VNCH,Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) thuộc kho [fonds] Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam.
[4] Trần Văn Sơn, Hồi ký “Tôi Làm Nghề Dạy Học”
Được xác nhận trong cuộc điện đàm giữa nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải và cựu DB Trần Văn Sơn.
[5] Bùi Ngọc Đường, Giáo sư, cựu Giám đốc Sinh Viên Vụ, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Chủ biên Tạp chí Chấn Hưng, Los Angeles (Qua các cuộc điện đàm và email với người viết).
[6] Huỳnh Văn Hải, Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử, Nguyệt san Chấn Hưng số 4 tháng 8 năm 1985 Trang 2, 3 và 19. Los Angeles, Hoa Kỳ. (Phần trích đoạn ở trên của bài viết “Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử” cũng được tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu in lại trong tác phẩm “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Phụ Lục A, số thứ tự 27, trang 1083 và 1084, ấn bản 1987)