1. Vở kịch “Rừng trúc” trong thế giới nghệ thuật của
Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Đình Thi thuộc thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến
chống Pháp, và là một nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, viết văn, sáng tác
nhạc và viết kịch; và ở lĩnh vực nào cũng có những thành tựu quan trọng,
những tác phẩm còn sống mãi với thời gian.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng, Nguyễn Đình Thi tuy sinh ra tại
Luang Phrabang (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) nhưng ông sống và sáng
tác chủ yếu ở Hà Nội, nên nghệ thuật của ông có phong cách “elite” của
một người Hà Nội đã tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa Việt Nam trên đất
Thăng Long có bề dày lịch sử. Văn hóa Thăng Long được thể hiện trong
sáng tác của Nguyễn Đình Thi không chỉ là những người thật, việc thật
trong những sự kiện lịch sử quan trọng mà còn là sự sâu lắng, thâm trầm
trong tư tưởng, sự tinh tế trong cảm nhận cuộc sống và xử lý những vấn
đề trong quan hệ chính trị, quan hệ nhân sinh.
Những ai đã tâm đắc với một Nguyễn Đình Thi lãng mạn và nặng tình trong
thơ ca vẫn sẽ ngạc nhiên với một Nguyễn Đình Thi hào sảng trong âm nhạc,
và cảm phục một Nguyễn Đình Thi sâu sắc, tài hoa trong nghệ thuật viết
kịch. Đặc biệt về những tác phẩm kịch, bản thân Nguyễn Đình Thi đã tự
nhận rằng: “Cuốn Tuyển tập kịch là nỗi tâm huyết nhất của đời tôi, là
những nỗi đau nhức nhối của đời tôi”.
Nếu hiểu được đôi chút về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác cũng như những
trăn trở, hoài vọng của Nguyễn Đình Thi gửi gắm qua tác phẩm, sẽ thấy
trong câu nói trên ẩn chứa những nỗi niềm trĩu nặng của một tâm hồn nghệ
sĩ lớn, hiểu đời, hiểu người mà vẫn không thoát khỏi những sóng gió của
một cuộc đời nhiều thành công nhưng cũng lắm đa đoan.
So với thơ, tiểu thuyết hay âm nhạc thì kịch là lĩnh vực mà Nguyễn Đình
Thi dụng công nhiều nhất, và cũng là lĩnh vực đa thanh nhất trong sự
nghiệp sáng tác của ông. Những vấn đề đa dạng của đời sống, từ những
chuyện lớn lao như chiến tranh, cách mạng, sự hưng vong của một vương
triều đến những diễn biến tinh tế trong nội tâm con người đều được thể
hiện một cách ấn tượng trong tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi.
Một điều đặc biệt nhưng rất dễ nhận ra khi thưởng thức kịch của Nguyễn
Đình Thi là tác phẩm kịch của ông rất giàu tính văn học và triết học.
Điều này không khó lý giải, vì Nguyễn Đình Thi không chỉ tài hoa trong
lĩnh vực viết kịch mà còn là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia và cũng đã
từng có những công trình nghiên cứu triết học được đánh giá cao từ khi
ông còn trẻ tuổi. Đặc điểm này đã mang lại cho sáng tác kịch của Nguyễn
Đình Thi vẻ đẹp trí tuệ không dễ có trong lịch sử sân khấu Việt Nam,
nhưng đồng thời cũng làm cho những tác phẩm này trở thành loại kịch khó
cảm nhận, kén khán giả và rất dễ thất bại khi đưa lên sân khấu. Có thể
nói “Rừng trúc” là vở kịch thể hiện một cách rõ nét nhất đặc điểm này
trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi.
“Rừng trúc” là một vở kịch lịch sử. Bối cảnh của vở kịch là thời kỳ
chuyển tiếp từ triều đại nhà Lý sang triều đại nhà Trần. Trong vở kịch
này, sự tài hoa của nhà viết kịch Nguyễn Đình Thi thể hiện rõ nét qua
lời thoại của các nhân vật. Những bi thương của một triều đại suy vong
sau hơn hai trăm năm trị vì đất nước, những thủ đoạn không thể không
dùng để chuyển ngôi báu về tay một dòng họ đã nắm được thời cơ, nỗi đau
không thể tỏ cùng ai của một người phụ nữ mang danh hiệu quyền quý nhưng
lại chơi vơi giữa sóng gió bốn bề khi tuổi đời còn quá trẻ, nỗi trăn
trở của những người đang nắm vận mệnh đất nước khi vó ngựa quân Nguyên
đang rầm rập đuổi đến biên thùy..v..v., tất cả đều được thể hiện đầy đủ,
rõ ràng và hết sức cảm động qua những cuộc đối thoại giữa các nhân vật
chủ chốt của hai dòng họ Lý, Trần và cuộc độc thoại của Lý Chiêu Hoàng
khi tưởng nhớ vua cha Lý Huệ Tông.
Thể hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động về chính trị nhưng “Rừng
trúc” không trở thành một vở kịch khô khan, nặng nề mà sáng lên một vẻ
đẹp thanh thoát và đồng thời cũng chân thực, sâu lắng đến mức ám ảnh.
Điều đó thể hiện thành công của Nguyễn Đình Thi từ việc lựa chọn nhân
vật, sự kiện đến năng lực thể hiện nội dung tư tưởng qua lời thoại.
Nhân vật trung tâm của vở kịch là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh- bà hoàng
cuối cùng của nhà Lý và ông vua đầu tiên của nhà Trần. Xoay quanh mối
quan hệ của hai nhân vật quan trọng này là những xung đột, biến thiên
của một thời kỳ thay đổi ngôi vua, những toan tính, mâu thuẫn của cá
nhân, gia đình, dòng họ dưới sự chi phối của Thái sư Trần Thủ Độ và
những nguy cơ rình rập ngoài biên ải đất nước. Vì vậy giữa Lý Chiêu
Hoàng và Trần Cảnh không chỉ có tình cảm mặn mà của đôi vợ chồng trẻ
tuổi quyến luyến nhau mà còn có cả nỗi đau đớn của sự phân ly, xáo trộn
trong gia đình, cả sự nặng nề về trách nhiệm của người trao ngôi vua và
người nhận trách nhiệm về sự tồn vong của nước nhà.
Với quyết tâm giữ lấy ngôi báu đã về tay họ Trần, Thái sư Trần Thủ Độ và
phu nhân là Trần Thị Dung đã làm mọi cách để ngôi thái tử của triều
đình không bị bỏ trống, kể cả sau khi việc nhường ngôi giữa Lý Chiêu
Hoàng và Trần Cảnh đã được thực hiện êm xuôi. Do đó, hai người đã đưa
công chúa Thuận Thiên- vốn là vợ của Trần Liễu, anh cả nhà vua, và là
chị ruột của Chiêu Hoàng- về thay em giữ ngôi hoàng hậu. Cuộc sắp đặt
này đã gây ra những xung đột lớn giữa anh và em, giữa mẹ và con, và trên
hết là những nỗi bi thương, dằn vặt không nguôi trong quan hệ chị em,
vợ chồng.
Thực ra, khi được sắp xếp để nhường ngôi cho chồng thì Lý Chiêu Hoàng
tuy là vị vua cuối cùng của nhà Lý nhưng mới chỉ là một đứa trẻ lên tám,
nên vẫn chưa hiểu được thế nào là sức mạnh của quyền lực, là sự suy
vong của một vương triều, là trách nhiệm của người đứng đầu thiên hạ.
Trong tình hình đó, chuyện nhường ngôi diễn ra êm thấm, dễ dàng và cũng
không làm cho Lý Chiêu Hoàng đau đớn hay bi phẫn. Nhưng khi vợ chồng
thái sư một lần nữa mưu toan, sắp xếp để đổi ngôi hoàng hậu thì mọi
chuyện không còn dừng lại ở phạm vi quyền lực chính trị mà đã tạo nên
những giông bão trong tâm hồn, gây ra những cảnh bẽ bàng, những nỗi phẫn
uất của người trong cuộc. Nếu không phải là người tham quyền lực, người
ta có thể yên lòng nhận tước vương khi em trai mình lên ngôi hoàng đế,
hoặc có thể vui vẻ nhường ngôi cho chồng để lui về hậu cung làm một
người vợ nhu mì. Nhưng, chuyện tranh vợ cướp chồng, nhất là khi điều đó
lại diễn ra giữa anh em, chị em trong một gia đình thì dù là người độ
lượng bao dung cũng không dễ gì chấp nhận. Bi kịch của Trần Cảnh- Lý
Chiêu Hoàng trong bi kịch chung của hai họ Lý- Trần xảy ra trong hoàn
cảnh đó, và đã được thể hiện sâu sắc, trọn vẹn trong kịch bản “Rừng
trúc” của Nguyễn Đình Thi. Thành công đó một phần nhờ cách sử dụng ngôn
từ điêu luyện, nhưng quan trọng là tác giả đã khéo léo lồng vào không
gian kịch tư tưởng Phật giáo Việt Nam thời Lý- Trần với tinh thần từ bi,
tâm thế an nhiên tự tại và tình cảm yêu thương chan hòa với tha nhân để
có thể hóa giải mọi, cừu hận, oán hờn trong quan hệ nhân sinh.
2. Tư tưởng Phật giáo với cuộc chuyển giao quyền lực Lý- Trần
Nhà Trần được ngôi vua trong một hoàn cảnh đặc biệt, bởi vì Trần Cảnh
không phải là người lãnh đạo nhân dân đánh giặc ngoại xâm, đem lại độc
lập cho đất nước rồi xưng đế trước sự cảm phục của trăm họ như sự mở đầu
của các triều đại khác. Khi giai đoạn hưng thịnh đã qua, nhà Lý đang
trên con đường suy vong không thể cứu vãn thì họ Trần đã nắm bắt được
thời cơ tiếp cận với ngôi báu đang bị lung lay trong buổi mạt triều. Bắt
đầu từ mối quan hệ giữa người con gái nhan sắc của họ Trần là Trần Thị
Dung với vua Lý Huệ Tông, nhà Trần đã có cơ hội can thiệp ngày càng sâu
vào công việc triều chính. Tuy nhiên, nhà Lý lúc này như ngọn lửa sắp
tàn, dù nhìn thấy trước mắt sự tàn lụi không tránh khỏi nhưng vẫn le lói
những đốm sáng cuối cùng giữa những rối ren của thời cuộc và những mưu
toan của con người.
Chuyện được mất, hơn thua vốn là những chuyện dễ gây xung đột. Ở đây
trước hết là chuyện được mất ngôi vua giữa hai dòng họ Lý- Trần. Sự chấm
dứt của một vương triều không diễn ra đột ngột, mà là một quá trình suy
thoái năng lực chính trị kéo dài. Trong quá trình đó, biết bao nguy cơ,
hiểm họa trong và ngoài nước có thể xảy ra. Nhưng khoảng thời gian đó
cũng đủ dài để những người cuối cùng của một dòng họ đã từng có công lao
to lớn với dân tộc, từng tạo nên một thời kỳ mở mang văn hóa cho đất
nước phải đau đớn, xót xa. Trước những nguy cơ đe dọa sự bình yên của
đất nước và sự tự do của dân tộc, việc thay thế một hoàng tộc, một vị
vua có năng lực chính trị hơn là điều cần thiết. Nhưng nếu nghĩ về công
lao to lớn của tiền nhân, những người còn sót lại của một vương triều cũ
không thể nào rời bỏ cung đình mà đi như một ngư dân bỏ túp lều rách
nát.
Vẫn biết rằng theo dòng lịch sử, chuyện hưng phế của một triều đại là lẽ
thường tình, nhưng đúng như lời nói của Trần Cảnh trong “Rừng trúc”:
“Biết rằng đời như cái bóng mây qua, nhưng lòng tham tiếc lắm không có
cách nào dứt bỏ được, tham từ quyền nắm cả thiên hạ cho đến một miếng ăn
ngon cũng không thể không thèm”. Vì thế, việc chuyển giao ngôi báu từ
Lý Chiêu Hoàng sang Trần Cảnh, dù đã được những người họ Trần có thể lực
sắp đặt một cách công phu và diễn ra thuận lợi vì cả người trao và kẻ
nhận đều chưa đến tuổi trưởng thành, vẫn là một tấn bi kịch nặng nề của
dòng họ Lý. Trái lại, đối với họ Trần mới lập công danh thì những kẻ yếu
thế đã nhường ngôi vẫn còn đó như một mối họa tiềm ẩn. Hoàn cảnh đó
không chỉ gây ra những khó khăn rất lớn cho nhà Lý trước hồi chung cuộc
mà còn là một thách thức lớn đối với nhà Trần mới bắt đầu tiếp nhận việc
nắm giữ và quyết định vận mệnh quốc gia. Trong tư thế giằng co như vậy,
nhiều sự kiện đã được âm thầm xếp đặt, và những chuyện bi thương mà
trong cuộc sống đời thường khó hình dung nổi đã xảy ra. Trước hết là
chuyện Lý Huệ Tông bị bức tử, sau đó là chuyện đưa vợ của Trần Liễu là
Thuận Thiên công chúa đang mang thai ba tháng về thay ngôi hoàng hậu của
Chiêu Hoàng.
Với những sự kiện trên, rất có thể những xung đột nội tộc còn bị đẩy đi
xa hơn nữa, và sóng gió trong tâm hồn vị nữ vương cuối cùng của dòng họ
Lý còn khủng khiếp hơn nếu như tư tưởng của hai nhân vật chính là Trần
Cảnh và Lý Chiêu Hoàng khác đi một chút.
Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh khi bà chưa đủ lớn để ý thức
việc mình làm, và cũng mất cha khi chưa hiểu rõ những mưu toan của họ
Trần xung quanh ngôi báu. Đến khi hiểu hết ý nghĩa mọi chuyện thì bà vừa
đau nỗi đau của một người con mất cha, vừa bị dày vò bởi gánh nặng lịch
sử trên vai khi biết mình đã chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của
dòng họ Lý. Riêng chuyện đó đã làm bà sầu muộn, ăn năn. Đến khi biết vợ
chồng thái sư đã sắp đặt để Thuận Thiên công chúa thay bà làm hoàng hậu,
những nỗi đau chất chứa bấy lâu trong đáy lòng bà chừng như bùng vỡ.
Nhưng vào thời điểm cao trào ấy, bà vẫn đọc bài kệ của sư Vạn Hạnh, như
tiếp nhận một liều thuốc tinh thần để tâm hồn lặng yên giữa bốn bề sóng
gió:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
(Ngô Tất Tố dịch)
Là một người từng đứng ở ngôi cao trị vì thiên hạ, nhưng cũng lại là
người phải chịu đựng quá nhiều mất mát trong đời, thái độ trầm tĩnh của
Lý Chiêu Hoàng khi đọc bài kệ trên là một biểu hiện vô cùng hiếm thấy.
Nhưng, nếu nhìn kỹ sự tình hơn một chút, thì biểu hiện nhân sinh quan
Phật giáo của bà không phải là khó hiểu. Chiêu Hoàng là công chúa, nhưng
cũng lại là một đứa con gái mất cha; là nữ hoàng, nhưng lại là một nữ
hoàng mất ngôi; là hoàng hậu, nhưng cũng lại là một người vợ mất chồng. Ở
một vị trí nhạy cảm như vậy, nếu là một người tham quyền lực hay thâm
độc, mưu mô thì có lẽ bà đã góp phần làm cho thế cuộc trước mắt càng
thêm điên đảo. Nhưng bà vốn là người có một trái tim trong sáng, một tấm
lòng cao cả bao dung nên đã tiếp nhận nhân sinh quan Phật giáo một cách
dễ dàng, và hiểu rằng chuyện được- mất, có- không ở đời chỉ là trong
khoảnh khắc. Nhờ vậy mà tuy không còn là một đứa trẻ xem chuyện nhường
ngôi báu chỉ là trò chơi, tuy đã hiểu hết những mưu đồ của vợ chồng thái
sư Trần Thủ Độ, bà vẫn chấp nhận rằng lịch sử đã sang trang, và cơ đồ
của nhà Lý đến thế hệ của bà là chấm dứt. Trên tinh thần đó, bà đã thực
hiện cuộc đối thoại thẳng thắn và chân thành nhất với vị vua đầu tiên
của triều đại nhà Trần, cũng là người chồng, người gần gũi nhất với bà
trong suốt mười hai năm chung sống. Trong cuộc đối thoại này, lời nói
của Chiêu Hoàng vừa là lời đanh thép của một vị nữ vương trao “quyền nắm
cả thiên hạ” vào tay một triều đại mới, vừa là lời tâm tình thiết tha
của một người vợ đối với chồng trước lúc chia ly. Và sau tất cả, đó là
lời nói chân thực nhất của một con người đã đi qua bão táp của thời cuộc
để trở về với đời thường, khi bà nêu nguyện vọng xin một gian nhà nhỏ
trong một khu vườn yên tĩnh ở gần chùa, để tiện bề hương khói cho cha.
Sau cuộc đối thoại đầy kịch tính, chuyện nhường ngôi không còn là chuyện
âm mưu, cướp đoạt mà đã trở thành cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình,
đầy nghĩa khí và cũng đầy tinh thần trách nhiệm trước buổi giao thời
nhiều nỗi khó khăn. Lý Chiêu Hoàng đã hết sức chân thành khi bộc bạch
rằng, bà rất buồn và tiếc cho nhà Lý đã suy vong, nhưng cũng mừng vì nhà
Trần khởi nghiệp có một vị vua như Trần Cảnh. Lời tâm sự nhẹ nhàng ấy
đã hóa giải mọi oán cừu giữa hai dòng họ, dẹp bỏ những mưu đồ chính trị
trong bóng tối để tập trung tinh thần đối phó với hiểm họa lớn nhất của
quốc gia đang rình rập bên ngoài. Điều đó là một may mắn lớn cho vận
mệnh quốc gia, và cũng là sự giải thoát cho bản thân Lý Chiêu Hoàng, cho
duyên nợ đầy bất trắc giữa bà và Trần Cảnh.
Nhà vua đầu tiên của họ Trần đã tiếp nhận vương quyền cùng trách nhiệm
nắm giữ vận mệnh nước nhà trong một hoàn cảnh đầy khó khăn như vậy. Khi
Lý Chiêu Hoàng đã trút hết nỗi lòng và giũ áo ra đi, mọi gánh nặng lịch
sử lúc bấy giờ dồn lên vai Trần Cảnh. Nhà vua lúc này không còn là một
đứa trẻ được Chiêu Hoàng trao mũ áo như một trò chơi mà là một đấng quân
vương đứng trước sự tồn vong của đất nước. Thế cuộc này đâu phải là mưu
tính, tham vọng của riêng ông, nhưng ông vẫn gánh vác với tất cả tinh
thần trách nhiệm, đúng như nhận định sáng suốt của Lý Chiêu Hoàng.
Nhưng, bên trong chiếc áo bào lộng lẫy thì nhà vua cũng là một con
người. Trước những biến động thời cuộc đã diễn ra, ông bày tỏ cảm xúc
một cách chân thành: “Kiếp làm người nghĩ đáng sợ”. Không đáng sợ làm
sao được khi ông là người tận mắt chứng kiến sự suy vong của một vương
triều, hiểu hết mưu đồ của những người có thế lực trong dòng họ. Nhưng
quan trọng hơn cả là ông cũng không tránh được những phiền muộn dày vò
của một cá nhân. Ông làm vua mà không thể định đoạt chuyện hôn nhân của
chính mình, làm chồng nhưng không bảo vệ được người vợ mà ông đã mang ơn
và đã mười hai năm gắn bó. Chuyện thay ngôi hoàng hậu vừa làm cho ông
phải mang tiếng tranh giành vợ của anh, vừa làm mất đi của ông một người
bạn đời lý tưởng, khiến ông phải đối diện với những tình huống đau xót,
bẽ bàng.
Cũng như Lý Chiêu Hoàng, bản thân Trần Cảnh không phải là người tham
quyền lực. Hơn thế, ông còn hiểu rõ lòng tham chi phối con người đến mức
nào, hiểu cuộc phù sinh trên trần thế mong manh và ngắn ngủi ra sao.
Với một tâm hồn như vậy, chuyện từ bỏ ngôi vua cũng nhẹ nhõm như lữ
khách rời bỏ một nơi cư trú tạm thời. Và ông đã thể hiện điều đó khi
cùng với người bạn thuở hàn vi của mình lặng lẽ rời bỏ hoàng cung để tìm
lên Yên Tử.
Tất nhiên, khi hiểm họa ngoại xâm đang đe dọa cõi bờ đất nước, một người
làm vua dù sùng mộ Phật giáo đến đâu cũng không thể yên tâm trút bỏ
việc đời để tìm sự thong dong nơi cửa Phật, huống hồ lúc ấy mọi việc
triều chính vẫn nằm trong sự chi phối của vị thái sư gang thép họ Trần.
Nhưng, việc nhà vua bỏ vương triều để tìm đến rừng trúc thâm u vẫn có ý
nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu như cuộc đối thoại giữa Lý Chiêu Hoàng và
Trần Cảnh là liều thuốc hóa giải những cừu hận trong cuộc chuyển giao
quyền lực, chính thức hóa ngôi vua của họ Trần về mặt tâm lý của người
trong cuộc thì chuyện nhà vua đột ngột rời bỏ ngai vàng đã xóa bỏ hoàn
toàn những ấn tượng trước đó về việc tranh quyền đoạt ngôi giữa hai dòng
họ. Một khi nhà vua đã từ bỏ ngai vàng như từ bỏ một phiến đá nghỉ
chân, thì ngôi báu lúc này không còn là mục đích tranh đoạt mà chỉ là
một gánh nặng lịch sử. Nhà vua từ rừng trúc trở về giống như một con
người đã được tái sinh. Từ đây, người giữ ngôi báu là vì sinh mệnh của
trăm họ, vì trách nhiệm với tiền nhân không thể chối từ. Ý nghĩa của
cuộc chuyển giao quyền lực Lý- Trần cũng vì thế mà trở nên trọn vẹn và
nhẹ nhõm.
3. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua “Rừng trúc”
Lời nói và hành động của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong vở kịch cho
thấy họ chịu ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo, và đã vận dụng tư
tưởng Phật giáo một cách hợp lý để giải quyết việc đời trong những tình
huống khó khăn. Khi hiểu rằng vai trò lịch sử của nhà Lý đã chấm dứt, Lý
Chiêu Hoàng dù đau xót trước thực tại và ăn năn trước vong linh của vua
cha vẫn đủ tỉnh táo để chấp nhận thực tế và công nhận ngôi vua mới của
nhà Trần. Trần Cảnh dù không tham ngôi báu nhưng đã trân trọng tiếp nhận
vai trò lịch sử từ Lý Chiêu Hoàng, và là một vị vua có đức khoan dung
và tinh thần dân chủ. Điều đó làm cho cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà
Lý sang nhà Trần chẳng những không dẫn đến chiến tranh đẫm máu mà còn
trở thành một tiền đề tốt đẹp cho sự phát triển tiếp theo của triều đại
nhà Trần, và là sự chuẩn bị cần thiết để làm nên những trang sử vẻ vang
của dân tộc trong ba lần chiến đấu và chiến thắng quân Nguyên.
Lý Chiêu Hoàng đã hành xử đúng như tinh thần câu kệ của sư Vạn Hạnh:
“Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi”, khi bà từ bỏ mọi chức danh, mũ miện để
làm một người bình thường ẩn thân trong một khu vườn yên tĩnh. Rõ ràng
tinh thần Phật giáo là một điểm tựa cho Lý Chiêu Hoàng trong những cơn
bão tâm hồn tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng Chiêu Hoàng đã không
mượn cửa Phật để lánh đời. Khi Trần Liễu tìm đến gặp bà trong cơn hoạn
nạn, bà đã dùng lời lẽ khôn khéo để thức tỉnh vị hoàng thân và khuyên
ông hãy hòa giải với nhà vua vì đại cuộc. Do vậy, có thể nói tinh thần
Phật giáo ở Lý Chiêu hoàng là tinh thần nhập thế, là sự yên tĩnh trong
tâm hồn để có thể nhìn đời bằng đôi mắt vô sai biệt, như lời nói của bà
với thái sư Trần Thủ Độ: “Việc nước tất nhiên là lớn nhất, nhưng việc
giữa người với người không thể nhỏ hơn”.
Còn Trần Cảnh mặc dù đang ở ngôi vua, nhưng tầm nhìn và tư tưởng của ông
đã vượt ra khỏi chốn cung đình nhỏ hẹp và lắm chuyện đau lòng. Ông nghĩ
đến người dân, và mơ về cuộc sống tu hành bình yên giữa núi rừng Yên
Tử. Vì hiểu rằng mình giữ ngôi báu chỉ vì gánh nặng lịch sử đã trao tay,
nhà vua nhìn mọi người, mọi chuyện với cái nhìn trầm tĩnh và thấu suốt.
Khi Chiêu Hoàng ra đi, ông hiểu rằng bà đã tự nguyện từ bỏ chốn vàng
son để tìm nơi thanh thản. Với Lê Tần là người bạn thuở hàn vi, nhà vua
đã nói rằng: “Làm bầy tôi mà được vua tin đã khó, nhưng làm vua mà được
bầy tôi tin lại còn khó hơn”. Với câu nói này, nhà vua thật xứng đáng
với ngôi báu mà Lý Chiêu Hoàng trao lại, vì tấm lòng độ lượng và tinh
thần dân chủ, vì sự quảng bác lẽ sống và thấu suốt lòng người.
Qua vở kịch, ta có thể hiểu rằng nếu được sống hoàn toàn vì bản thân
mình với tư cách là một cá nhân, có lẽ sau khi chứng kiến những bể dâu
thời cuộc đến lúc Trần Liễu dấy binh nổi loạn, rồi Lý Chiêu Hoàng rũ bỏ
danh phận và rời khỏi cung đình thì Trần Cảnh hẳn đã xuất gia để trở
thành một Thiền sư. Nhưng vì trách nhiệm cao cả, vì vận mệnh đất nước mà
nhà vua phải quay lại cung đình. Ở đó, ông đã giải hòa với Trần Liễu và
che chở cho anh mình trước lưỡi gươm của Trần Thủ Độ. Cũng như Lý Chiêu
Hoàng, Trần Cảnh là trường hợp điển hình của tinh thần “Phật tại tâm”.
Mặc dù “Rừng trúc” chủ yếu nói về chuyện trong hoàng tộc, tác giả vẫn
khéo léo đưa vào một lát cắt tinh tế về lời nói và suy nghĩ của người
dân, khi chọn cảnh nhà vua lặp ông lão ở quán rượu trên đường lên Yên
Tử. Sự lựa chọn này trước hết làm cho ý nghĩa vở kịch trở nên đầy đủ,
trọn vẹn hơn, vì nói việc nước mà chỉ nói về vua- cho dù vua ấy là bậc
minh quân- thì cũng mới chỉ là một phía. Sau nữa là thông qua cuộc gặp
gỡ này, chúng ta còn thấy được biểu hiện của tư tưởng Phật giáo trong
dân gian thời Lý- Trần, vì ông lão trong vở kịch là hình ảnh đại diện
cho tư tưởng, trí tuệ và lời nói của nhân dân.
Bằng những câu nói mà thoạt nghe thì có vẻ chỉ là những lời bông đùa,
hài hước, ông lão đã đưa ra những triết lý sâu sắc về con người, về cuộc
sống và trên cơ sở đó bày tỏ với nhà vua tình cảm và tâm tư, nguyện
vọng của nhân dân trong bối cảnh đương thời. Tư tưởng Thiền ở ông lão
thể hiện rõ trong câu chuyện khi ông đến khấn Phật ở chùa thì nghe Phật
dạy: “Ta có ở chùa đâu mà gọi tên”, rồi ông tự bình luận về điều đó
trước nhà vua rằng: “Tụng kinh gõ mõ ăn chay cũng giống như cưỡi ngựa đi
đường xa, đến nơi rồi thì cần ngựa làm gì nữa”.
Lời nói của ông lão một lần nữa khẳng định với nhà vua về quan niệm
“Phật tại tâm”, rằng cái gốc của vấn đề giác ngộ là ở lòng người, chứ
không phải là một điều gì bí ẩn xa xôi để phải tìm kiếm nơi thâm sơn
cùng cốc. Với những lời nói đó, ông lão quả là đại diện cho sự minh
triết của nhân dân. Và nhà vua cũng đã lắng nghe tư tưởng, nguyện vọng
của nhân dân với thái độ tôn trọng, chân thành. Phải chăng chuyện nhà
vua trở về chốn hoàng cung tiếp tục vai trò lịch sử với tinh thần trách
nhiệm và thái độ ôn hòa là chính vì cuộc gặp gỡ này, vì sự thấu hiểu
việc đạo lẫn việc đời, vì cảm kích trước lòng dân và hơn là vì diệu kế
của thái sư Trần Thủ Độ?
Đã đành nguyện vọng cá nhân chỉ là một cuộc đời vui thú điền viên, hay
cảnh thong dong mây sớm sương chiều nơi rừng trúc. Nhưng khi việc nước
bộn bề, khi mạng sống của muôn dân còn bị đe dọa bởi vó ngựa quân thù
rậm rịch ngoài biên ải thì việc nhân đạo nhất, cần làm nhất là giữ vững
ngôi vua, để giữ yên bờ cõi và bảo vệ hòa bình cho đất nước. Hiểu được
điều đó nghĩa là đã có Phật trong tâm rồi, không cần lặn lội đường xa để
tìm cửa Phật; ngược lại nếu chối bỏ việc đời trước mắt thì cũng không
thể gột rửa bụi trần để giải thoát chỉ bằng kinh kệ khói hương. Đó là
quan niệm Phật giáo của nhân dân được lồng vào vở kịch, là sự kết hợp
giữa quan niệm từ bi trong Phật giáo với tư tưởng nhân đạo của nhân dân,
cũng là sự thể hiện tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh
lịch sử xã hội của tác phẩm “Rừng trúc”
Kết luận
“Rừng trúc” là một vở kịch lịch sử thành công, với lời thoại và tư tưởng
triết lý sâu sắc có sức cuốn hút khán giả và lay động lòng người. Nói
theo cách dùng từ của nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái thì
đây là tác phẩm “lộng lẫy một vẻ đẹp trí tuệ” [5]. Những xung đột trong
quyền lợi chính trị và quan hệ nhân sinh thể hiện trong vở kịch đã
được hóa giải một cách nhẹ nhàng và đầy tính thuyết phục nhờ sự ảnh
hưởng của triết học Phật giáo trong tư tưởng và hành động của nhân vật,
từ vị nữ hoàng mất ngôi của nhà Lý, nhà vua trẻ tuổi họ Trần phải chứng
kiến bao cảnh đau lòng trong hoàng tộc đến ông lão hiền minh trong dân
gian. Qua “Rừng trúc”, khán giả có thể hiểu thêm về tinh thần nhân đạo
sâu sắc của dân tộc Việt Nam thời Lý- Trần. Với tinh thần đó, triết học
Phật giáo không còn là chuyện triết lý cao siêu mà trở nên dung dị, rõ
ràng, đầy tính thực tế và cũng đầy nhân ái, khoan dung. “Rừng trúc”
không chỉ là một thành công của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật viết
kịch, mà còn là một tác phẩm có giá trị văn chương, giá trị triết học
với vẻ đẹp ngôn từ và chiều sâu tư tưởng.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Tiến, Nguyễn Đình Thi và tiếng chim từ quy,
http://chimviet.free.fr/vanhoc/dangtien/dtl059.htm
2. Đặng Vương Hưng, Người “lục sĩ” đa tài và đa tình,
http://lucbat.com/home.php?lan=v&id=lbganxa&code=479
3. Hà Minh Đức, Tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi,
http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=482&menu=74
4. Nguyễn Thị Minh Thái , Văn hoá chuyển ngữ: Từ ngôn ngữ văn bản kịch
đến ngôn ngữ vở diễn trên sân khấu Việt Nam,
http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=65&menu=109
5. Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Khanh - Lý Chiêu Hoàng, Phút thăng hoa kỳ
diệu, http://www.sggp.org.vn/sggpxuan/nam2005/thang1/34512/
6. Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, Hà Nội, 1997