Tháng 5 năm 1951 cố cư sĩ Pháp Huệ Nguyễn Hữu Huỳnh Phó thư
ký Hội Phật học Nam Việt theo phái đoàn miền Nam về Huế dự Đại Hội Phật
giáo Bắc Trung Nam và ở lại học trại huấn luyện “ Kim Cang”, một trại
cấp cao tổ chức suốt 15 ngày đêm, đào tạo được 33 huynh trưởng (nam nữ)
cơ bản cho tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT) sau nầy.
Về Sài Gòn huynh trưởng Pháp Huệ thành lập GĐPT đầu tiên là Gia đình
(GĐ) Chánh Tâm và được Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, phó Hội trưởng Hội Phật
học Nam Việt làm Gia trưởng, anh Pháp Huệ làm liên đoàn trưởng. Năm 1952
Hội Phật học Nam Việt dời văn phòng về chùa Phước Hòa đường Bàn Cờ, tại
đây GĐ Chánh Tâm đổi tên thành Chánh Tín và do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ
Truyền làm Gia Trưởng.
Năm 1954 thành lập Ban Hướng dẫn (BHD) GĐPT Nam Việt và cư sĩ Tống Hồ
Cầm được chỉ định làm Trưởng ban Hướng dẫn, cũng trong năm này BHDGĐPT
đã về Cần Thơ làm lễ công nhận chính thức 2 GĐPT đầu tiên của thành phố
Cần Thơ là GĐ Chánh Đăng và GĐ Chánh Tâm.
Từ một GĐ đầu tiên mang tên Chánh Tâm rồi như sen mùa hạ, GĐPT nở rộ
khắp các tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam bộ, GĐ nào cũng lấy chữ “
Chánh” làm đầu.
Tại Sài Gòn Gia Định có các GĐ : Chánh Thọ ( ở chùa Vạn Thọ ), Chánh Đạt
( chùa Từ Nghiêm ), Chánh Giác ( chùa Sùng Đức ) và các GĐ khác như
Chánh Minh, Chánh Nguyên, Chánh Đạo; ở Thủ Thiêm có GĐ Chánh An; ở Bình
Dương có GĐ Chánh Quang; ở Biên Hòa có GĐ Chánh Thiện; ở Vũng Tàu có GĐ
Chánh Kiến và Chánh Pháp; ở Long Xuyên có GĐ Chánh Dũng; ở Trà Ôn có GĐ
Chánh Huệ; ở Trà Vinh, Cầu Kè có GĐ Chánh Tiến, Chánh Hòa; ở Sa Đéc có
GĐ Chánh Đức; ở Vĩnh Long có GĐ Chánh Trí; ở Sóc Trăng có GĐ Chánh Tín; ở
Bạc Liêu có các GĐ Chánh Thiện, Chánh Quang và Chánh Từ; ở huyện đảo
Phú Quốc thì có GĐ Chánh Đức.
Về sau tại Sài Gòn Gia Định có một số GĐ lấy thêm chữ “Giác” như : Giác
Tín, Giác Dũng, Giác Thanh, Giác Quang, Giác Long, Giác Tâm, Giác Hoa,
Giác Huệ, Giác Hoàng, Giác Đạt, Giác Đức; ở Biên Hòa thì có GĐ Giác Lâm,
Giác Viên; ở Lộc Ninh thì có GĐ Giác Tâm …v.v…
Mục đích của GĐPT ngoài sự giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên con em tín
đồ Phật giáo thành Phật tử chân chính và thành người công dân tốt của xã
hội, GĐPT còn là điểm khởi đầu, là cánh cửa vào Đạo gần nhất, từ đó
nhiều đoàn sinh khi lớn lên, người thì xuất gia và trở thành rường cột
của Giáo hội, kẻ tại gia thì trở thành hội viên lãnh đạo các đạo tràng,
khuôn hội, Niệm Phật đường, có người trở thành cư sĩ xuất sắc phục vụ
đắc lực cho Giáo hội hay ít ra cũng là chủ nhân của đa số gia đình có
nếp sống đạo đức, văn hóa, tiến bộ trong cộng đồng xã hội Việt Nam.
Trong công cuộc bảo vệ Đạo Pháp (1963 – 1966), GĐPT đã đổ không ít máu,
nước mắt và cả thân mạng phải hy sinh, trên hàng Thánh Tử Đạo có đến 14
vị đủ cả ba thành phần: Gia trưởng, Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT; rất
nhiều Huynh trưởng bị bắt bớ giam cầm đánh đập đến chết hoặc mang thương
tật suốt đời vì lựu đạn axít; những người làm việc có lương thì bị cách
chức, tù đày, sa thải… Tất cả đã nói lên lòng trung kiên bảo vệ Đạo
pháp, Dân tộc của hàng ngũ áo lam sen trắng.
Sau năm 1975, trong tình hình khó khăn chung của đất nước nhưng GĐPT vẫn
sinh hoạt, dưới sự bao bọc chở che của chư Tăng Ni trú trì và khi thuận
duyên đến thì GĐPT lại tiếp tục phát triển.
Sau Đại Hội 4 Ban hướng dẫn Phật tử Trung Ương và các tỉnh thành được
thành lập, trong đó có 2 Phân ban: Phân ban GĐPT, Phân ban Cư sĩ Phật
tử. Các Ban Hướng dẫn Phật tử hoạt động tích cực, gần cả ngàn đơn vị tái
sinh hoạt trong pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, điển hình là 8
tỉnh thành miền Nam Trung Bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên, có tỉnh như Thừa
Thiên Huế đã quy tụ trên 200 đơn vị GĐPT với 2 ngàn Huynh trưởng và 17
ngàn đoàn sinh. Tại Nam bộ, đã có 12 tỉnh thành có GĐPT sinh hoạt như
Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.Hồ Chí
Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số
tỉnh khác đang chuẩn bị tái sinh hoạt. Tại phía Bắc vừa tổ chức xong một
“Trại họp bạn GĐPT các tỉnh thành phía Bắc” tại huyện Tam Đảo, ngoài
Thủ đô Hà Nội còn có các GĐPT ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng
Yên và một số tỉnh thành khác tham dự.
Ngày nay xã hội thì ngày càng phát triển, càng mở cửa ra với thế giới
bên ngoài, tuổi trẻ thanh thiếu niên càng ngày càng tiếp thu nhiều cái
mới lạ, nhiều bản sắc văn hóa khác biệt, trong đó có cả nền văn hóa đối
nghịch làm suy thoái nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật giáo.
Trong bối cảnh hội nhập hiện đại, GĐPT rất cần được sự chỉ đạo và hỗ trợ
nhiều hơn nữa của Giáo hội từ Trung Ương đến các Ban Trị sự tỉnh thành.
Theo: GHPGVN