Kỳ 1: Gaya mùa nắng
Với dự định từ lâu về một hành trình đi qua miền đất Phật, chiêm bái
đầy đủ các thánh tích Phật giáo, nay chuyến đi mới trở thành hiện thực
khi những người bạn thân thiết ở hãng hàng không Thai Airways lên lịch
“hành hương” khắp đất Phật cho chúng tôi, nhưng lại vào mùa nắng nóng
cao điểm. Trang, nhân viên Thai Airways cho biết: “Hành hương vào mùa
này có cái hay riêng, nhiều người Việt cũng thường chọn mùa này để hành
hương”.
Hành trình được xác định bắt đầu từ Bodh Gaya thuộc bang Bihar phía
đông Ấn Độ. Tuyến hàng không thuận tiện nhất để đến đất Phật là quá cảnh
tại Bangkok trước khi đáp chuyến bay trưa của hãng hàng không Thai
Airways đến Gaya. Và đây lại là một trong những chuyến bay cuối cùng
trước khi mùa nóng cực điểm trên xứ Ấn tràn về. Và đường bay Bangkok –
Gaya sẽ chỉ được mở lại vào tháng 10 để phục vụ du khách mùa hành hương
lớn nhất trong năm.
Khách hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng |
“Chư hành là khổ”
Từ trên cao dễ dàng nhận ra vùng đất Gaya khô hạn, chiếc cầu bắc qua
sông cạn trơ đáy như một sợi dây đàn mỏng manh giữa sa mạc cằn cỗi. Sân
bay Gaya rất nhỏ và chỉ có duy nhất chiếc máy bay của chúng tôi hạ cánh.
Từ đây, hành khách có thể xuống để vào Gaya hoặc chờ bay tiếp đến
Varanasi – một thành phố cổ mà gần đó là thánh tích Phật giáo mang tên
Sarnath. Các thủ tục hải quan đều làm bằng tay nên tốn chút thời gian,
nhưng điều đó không làm mọi người quan tâm bằng cái nóng như thiêu như
đốt của ngày nắng Gaya. “Chư hành là khổ”, mọi sự vật đều nằm trong cái
khổ, như triết lý nhà Phật đã từng dạy đó sao?
Bodh Gaya tiếng Việt gọi là Bồ Đề Đạo Tràng là một thành thị nhỏ cách
sân bay khoảng mười phút xe buýt, nơi đây mới phát triển khoảng gần
mười năm trở lại sau khi những thánh địa Phật giáo được khôi phục. Quanh
vùng chỉ có vài khách sạn lớn, đa phần là những nhà trọ nhỏ hẹp cho
người hành hương ít tiền và dân du lịch bụi như chúng tôi. Phương tiện
công cộng đi lại ở Gaya chủ yếu là xe tuk tuk ba bánh hoặc thú vị hơn là
đi xe ngựa. Người dân ở Gaya chủ yếu làm nông, lúa chỉ làm một vụ, thời
gian rảnh họ thường quanh quẩn ở nhà hoặc sống dựa vào bán buôn quanh
điểm Phật tích. Nhưng ô hay, đi vào khu vực trung tâm mới thấy đây chính
là miền quê “liên hiệp quốc”, bởi cơ man nào là chùa của đủ các quốc
gia như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,…
“Chư hành vô thường”
Phải đến hơn 4 giờ 30 chiều, Veeru Singh – người dẫn đường mới đón
chúng tôi đi viếng điểm Phật tích đầu tiên là Mahabodi bởi theo Veeru
Singh: “Chờ cho trời mát mới đi được, đi giữa trưa nóng không chịu nổi…”
Chúng tôi cứ luôn tâm niệm trấn an trên bước đường hành hương gió bụi
“chư hành vô thường” (mọi sự vật bị giới hạn đều luôn biến đổi), mặt
trời đã dịu dần trên mái chùa Gaya…
Ngôi tháp Đại giác cao khoảng hơn 50m được vinh danh là di sản văn hoá thế giới |
Lịch sử kể lại rằng, khoảng 500 năm trước Công nguyên, hoàng tử
Gautama Siddhartha sau một thời gian dài đi tu trên núi khổ hạnh, ngài
đã xuống núi, vượt ngang dòng Falgu đến ngồi thiền dưới cội bồ đề. Sau
ba ngày ba đêm hoàng tử đã đạt được giác ngộ và thấu hiểu mọi sự. 250
năm sau đó nhà vua Asoka đã đến viếng nơi đây và cho xây dựng tu viện
cùng ngôi đền thờ để đánh dấu nơi đức Phật thành đạo. Ngôi đền có tên là
Mahabodhi trong tiếng Pali có nghĩa là Giác ngộ tự.
Ngôi tháp chính gọi là tháp Đại giác cao khoảng hơn 50m và xung quanh
có bốn tháp nhỏ cao khoảng 2m, bề mặt ngoài của tháp vẫn lưu giữ rất
nhiều tượng phật tạc thẳng vào đá. Năm 2002, Giác ngộ tự được vinh danh
là di sản thế giới của UNESCO. Bảo vật quan trọng và thiêng liêng nhất
trong tháp chính là bức tượng Phật tạc bằng đá đen cao 2m do vua Pala
của xứ Bengal tặng. Tượng làm vào khoảng năm 380 sau Công nguyên và được
phủ lớp sơn vàng vào thế kỷ 19. Pho tượng mang thần thái của đức Thích
Ca Mâu Ni với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng nhân từ và tư thế thiền
định như chính khi ngài đạt giác ngộ xưa kia dưới cội bồ đề.
Quanh tháp Đại giác là bảy vị trí đánh dấu nơi đức Phật đã trải qua
bảy tuần sau khi đạt giác ngộ. Khách hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng luôn
viếng đủ những nơi này để cầu nguyện. Trời nắng nóng gay gắt, nhưng vẫn
không làm nản lòng phật tử tìm đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài
những nhà sư châu Á còn có rất nhiều tu sĩ Âu châu đến Bồ Đề Đạo Tràng
để tu tập. Và không khó để nhận ra sư thầy, sư cô, phật tử người Việt
đang thiền tự nơi này.
Mùa nắng cùng cực đang tràn về, trời đã ngả về chiều mà nhiệt độ vẫn
xấp xỉ 400C, tán bồ đề chốn đạo tràng như càng trơ trọi, rơi từng chiếc
lá úa, đó lại là cơ hội cho những người mộ đạo nhặt lá bồ đề rơi kẹp vào
kinh sách xem như một kỷ vật thiêng liêng trên bước đường hành hương
đầy gian khó trong mùa “chư hành là khổ”, bởi phía trước chặng đường
“đời là bể khổ” còn dài đằng đẵng, xa xăm… Điều gì đang chờ đợi phía
trước mà thân phận con người vẫn luôn hướng về phía Phật pháp, ngày đêm
không ngừng cất bước trong suốt 2.500 năm qua?...
Kỳ sau: Theo dấu Tam Tạng
Lam Phong – Hoài Nam (Sgtt)