Chùa
Võng La, một ngôi chùa cổ vẫn còn giữ được nét cổ kính, nguyên sơ vốn
có, cảnh vật chùa đẹp thơ mộng, hữu tình làm say đắm lòng người.Ngôi
chùa này còn là nơi chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí khá độc đáo,
trong đó có dấu tích người Chăm Pa cổ.
Từng là căn cứ kháng chiến
Trong không gian thanh tịnh của chốn cửa thiền, sư thầy Thích Đàm Hòa
kể cho chúng tôi nghe về những truyền thuyết gắn liền với ngôi chùa.
Chùa Võng La được nhân dân thuộc tổng Võng La xưa xây dựng vào khoảng
thế kỷ 17, trên mảnh đất rộng gần 1000m2 nằm ven sông Hồng với cảnh vật
khá hữu tình. Tương truyền Đức Thánh Tổ của chùa giỏi y thuật, từng
chữa khỏi bệnh cho mẹ Chúa Trịnh, nên được nhân dân tạc tượng bằng đá
để thờ cúng trong chùa. Chùa chính được xây dựng theo lối kiến trúc
thời Lê, nhưng qua chiến tranh đã bị tàn phá nhiều, sau đó được nhân
dân tôn tạo lại.
Chùa được xây dựng theo lối chữ đinh, với đầy
đủ các hạng mục công trình như bảy gian tiền đường, ba gian thiêu hương
và thượng điện, hậu cung, thờ các bậc thần thánh, vua chúa như: Đức
Ông, Thánh Tăng, A Di Đà, Quan Âm, Ngọc Hoàng…v.v. Phía sau chùa chính
còn có điện thờ Mẫu, thờ Tổ cùng các công trình phụ. Hiện nay trong
khuôn viên chùa vẫn còn lưu giữ được 14 bia đá, phần lớn được tạc vào
thời Nguyễn. Một số tạc vào thời Lê, chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử
quý, có giá trị. Những bia đá này có lối chạm khắc đặc trưng của thế kỷ
17-18.
Về nguồn gốc của chùa cổ Võng La, chúng tôi còn được
nghe các cụ già trong làng kể, nó gắn liền với một truyền thuyết khá
thú vị. Trước đây chùa từng có nhiều tên gọi như: Chùa Chài, chùa Ba,
Bạch Sam Tự, rộng 100 gian, thời chiến tranh loạn lạc chùa đã bị phá
hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ lại một bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm. Sau
đó, Đức Thánh Tổ bảo với nhân dân trong vùng, ở đâu muốn có chùa thì
về san đất, Ngài sẽ dựng chùa cho. Sau một trận lũ, nước sông Hồng dâng
lên, phù sa bỗng san bằng nền chùa cũ trước đây. Sau đó, Ngài sang làng
Gạ phía bên sông, dùng phép thuật chuyển chùa từ bên đó về làng Võng
La. Từ đó, làng Võng La có chùa để thờ cúng. Khi ngôi chùa xin từ bên
làng Gạ về đây vẫn y nguyên, không có gì thay đổi, rong rêu vẫn bao phủ
khắp mái ngôi chùa.
Không chỉ là một địa chỉ tâm linh lý
tưởng, trước Cách mạng tháng 8-1945 chùa Võng La còn được Đảng chọn là
căn cứ kháng chiến quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa
từng là nơi nuôi giấu cán bộ, trong chùa có căn hầm bí mật nằm dưới
ngay bức tượng Đức Thánh Tổ.
Bức tượng Bà Mẹ xứ sở tại chùa Võng La mang đậm phong cách Chăm Pa.
Hiện vật Chăm cần được giữ gìn
Ở chùa Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện còn giữ được 2 bức tượng
Chăm “nguyên chất”, đó là bức tượng Siva và Bà Mẹ xứ sở. Hai bức tượng
này đã được các nhà nghiên cứu phát hiện từ trước đó khá lâu, nhưng
phải đợi đến năm 2004, hai nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông và Nguyễn
Hữu Thiết mới công bố. Tượng thần Siva được tạc dưới dạng phù điêu trên
mặt phiến đá sa thạch có kích thước cao khoảng 50cm.
Tượng
ngồi trong tư thế bán kiết già (một tư thế trong giới nhà Phật) phần
thân cởi trần, bụng phẳng để lộ rốn ngay trên cạp sampot (cạp quần).
Mặt tượng được tạo vuông vức giao nhau nổi rõ, trên trán có 3 con mắt.
Trên miệng tượng có hàng ria mép lớn vểnh lên, miệng rộng, môi dày như
đang nở một nụ cười bí ẩn. Tai của tượng lớn, đeo đôi hoa tai chảy dài.
Đầu tượng đội mũ kirata mukata được chia làm tầng với các chuỗi hạt
lớn và các đường xoắn móc khá cầu kỳ.
Về bức tượng Bà Mẹ xứ sở
còn ẩn chứa nhiều điều chưa được giải mã. Trong lòng bức tượng có khắc
chữ Lê Văn Điều 1/1966. Theo khảo sát của thạc sĩ Đinh Đức Tiến (tác
giả luận văn Văn hóa Chăm ở Hà Nội) thì đây chính là tên của người mang
tác phẩm đi từ năm 1966 và trả lại chùa bức tượng phiên bản này. Ông
Điều là một nhà điêu khắc đã mất do tai nạn sau khi mang bức tượng đi.
Bức tượng phiên bản ở chùa được trang trí trên mộ đồ án lá nhĩ lớn, khá
cầu kỳ với nhiều hoa văn, điêu khắc mang đậm phong cách Chăm Pa.
Nhìn tượng rất giống với tượng Pô Naga ở Tháp Bà, Nha Trang. Tượng có
chiều cao khoảng 70cm, được tạc trong tư thế kiết già. Mặt tượng được
tạc khá giống với khuôn mặt người Việt, gần gũi với tượng Quan âm Bồ
tát trong chùa. Phần trang trí nền tượng là một mảng lớn cầu kỳ, với
những hình chạm nổi lớn các linh vật có nguồn gốc từ Chăm Pa như rahu,
kala và makara…
Ảnh tượng thần Siva tại chùa Võng La.
Sự xuất hiện của 2 bức tượng Chăm nguyên chất ở chùa Bạch Sam cho đến
nay vẫn là một ẩn số. Theo thạc sĩ Đinh Đức Tiến, vùng đất này xưa kia
có người Chăm sinh sống nên 2 bức tượng được người dân mang theo về.
Còn theo giải thích của ông Phan Thế Kiên, Phó chủ tịch hội người cao
tuổi xã Võng La, một người nghiên cứu lâu năm về chùa và đình Võng La
thì hai bức tượng này do một vị tướng của thời nhà Lý sau khi Nam
chinh, mang theo về và cung tiến vào chùa.
Bên cạnh những pho
tượng mang dấu tích Chăm Pa, có một pho tượng ẩn chứa nhiều điều bí ẩn,
đó chính là pho tượng Đức Thánh Tổ, làm bằng đá. Theo sư thầy Thích
Đàm Hòa, dù trời nắng hay trời rét, pho tượng này vẫn thường xuyên đổ mồ
hôi. Nguồn nước xuất phát từ trên mặt pho tượng, chảy xuống, nước rất
trong, mọi người cũng không thể giải thích được hiện tượng kỳ lạ này.
Trong quần thể khu di tích chùa Võng La ngày nay vẫn còn lưu giữ tổng
cộng 24 pho tượng, chủ yếu làm bằng gỗ, một số ít bằng đá và đất nung.
Với giá trị văn hóa độc đáo, chùa Võng La được chính quyền cũng như
nhân dân nơi đây giữ gìn, tô điểm. Những ngày lễ hội, Tết người dân địa
phương cũng như khách thập phương kéo về rất đông để cúng bái. Hiện
nay, chùa Võng La trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh
khá thú vị cho du khách tham quan.
Theo Xuân Thắng - Khởi Thủy - PLXH