|
Mộc bản Đại Tạng kinh ở chùa Hải Ấn |
GN - Chùa Hải Ấn (Haeinsa) là một ngôi chùa
đứng đầu tông phái Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc.
Chùa tọa lạc tại núi Gaya, phía Nam
tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc. Chùa Hải Ấn được nhiều người biết đến bởi đây là
ngôi chùa lưu trữ bộ Đại tạng kinh Hàn Quốc bằng mộc bản. Toàn bộ Đại tạng kinh
Hàn Quốc được khắc lên trên hơn 80.000 bản gỗ. Những mộc bản tam tạng kinh điển
này đã được dùng để in trên giấy và được lưu trữ tại chùa Hải Ấn từ năm 1398.
Chùa Hải Ấn được xem là một trong ba
ngôi chùa quý báu nhất của Hàn Quốc và đại diện cho Pháp bảo (hay giáo lý) của
Đức Phật. Trong thời hiện đại, chùa Hải Ấn là một trung tâm thực tập thiền, và
là trú xứ của ngài Seongcheol, một vị Tăng sĩ có tầm ảnh hưởng rộng lớn của Hàn
Quốc vào cuối thế kỷ XX, và ngài đã viên tịch vào năm 1993.
Chùa Hải Ấn được xây dựng vào năm 802.
Truyền thuyết cho rằng, hai vị sư Hàn Quốc trở về từ Trung Quốc, ngài Suneung
và ngài Ijeong, đã chữa lành bệnh cho hoàng hậu của vua Aejang. Với lòng tri ân
sâu sắc đối với công đức giáo hóa của Đức Phật, nhà vua đã ra lệnh xây dựng
chùa Hải Ấn. Một thuyết khác thì cho rằng, ngài Suneung và đệ tử của ngài, ngài
Ijeong, đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của hoàng hậu Choe Chi-Won, người đã quy
y Tam bảo, và chính hoàng hậu là người đã hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng
ngôi chùa.
Ngôi chánh điện của chùa (Đại Tịch Quang
điện) là một ngôi chánh điện khác thường, bởi vì hầu hết các ngôi chánh điện
chùa Hàn Quốc đều thờ Phật Thích Ca, riêng trong chánh điện chùa Hải Ấn thì lại
thờ tượng ngài Tỳ Lô Giá Na.
Chùa Hải Ấn và bộ mộc bản Đại tạng kinh
Hàn Quốc lưu trữ tại tàng kinh các của chùa đã được Ủy ban UNESCO (Ủy ban Văn
hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) công nhận là di sản văn hóa thế
giới vào năm 1995. Ủy ban UNESCO nhấn mạnh rằng, tàng kinh các, nơi lưu trữ mộc
bản Đại tạng kinh Hàn Quốc là một công trình độc nhất vô nhị vì không có một
công trình kiến trúc lịch sử nào khác được đặc biệt dành riêng cho bảo quản
hiện vật và các kỹ thuật bảo quản đã được sử dụng cũng hết sức khéo léo như
thế.
Chùa Hải Ấn còn lưu giữ một vài bảo vật
khác, như là tác phẩm điêu khắc gỗ của một nhà sư và các bức tranh Phật giáo
giá trị, những ngôi tháp bằng đá và những chiếc đèn lồng.
Tàng kinh các Janggyeong Panjeon gồm có
nhiều tòa nhà khác nhau, được chuyên dụng cho việc lưu trữ mộc bản Đại tạng
kinh Hàn Quốc. Tàng kinh các và bộ mộc bản ấy cũng được Chính phủ Hàn Quốc xác
nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 20-12-1962.
Đại tạng kinh Hàn Quốc (Tripitaka Koreana) còn gọi là Đại tạng
kinh Cao Ly (Goryeo Tripitaka). Sở dĩ gọi như vậy là vì bộ mộc bản tam tạng
kinh điển này được chế tác vào thời điểm nước Hàn Quốc mang tên Cao Ly, từ thế
kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV. Mộc bản Đại tạng kinh Hàn Quốc là phiên bản bằng
chữ Hán còn nguyên vẹn nhất và lâu đời nhất của Phật giáo thế giới. Tất cả gồm
có 52.382.960 ký tự, được bố trí thành 1.496 tiêu đề và 6.568 tập. Mỗi bản gỗ
có kích thước rộng 70cm và dài 24cm. Độ dày của các bản gỗ khoảng từ 2,6 đến
4cm và mỗi bản nặng khoảng 3-4kg.
Mộc bản này được tạo tác trong khoảng thời gian 16
năm, 1236-1251, với sự hỗ trợ đắc lực của hoàng hậu Choe Chi-Won và chư
Tăng trong nước. Vào năm 1398, mộc bản Đại tạng kinh Hàn Quốc được chuyển đến
chùa Hải Ấn và lưu trữ tại đấy cho đến nay. Toàn bộ số mộc bản ấy được lưu trữ
trong bốn tòa nhà lớn. Bộ Đại tạng kinh Hàn Quốc được các học giả trên thế giới
đánh giá là bộ đại tạng chính xác và hoàn chỉnh nhất. Chính vì lý do này mà các
bộ Đại tạng kinh của Nhật Bản, Trung Hoa, Đài Loan đều dựa trên bộ Đại tạng
kinh Hàn Quốc.
Vào năm 1818, một cơn hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi nhiều công trình
kiến trúc của chùa Hải Ấn, nhưng tàng kinh các, nơi lưu trữ mộc bản Đại tạng
kinh thì không hề bị tổn hại. Tính đến nay, tàng kinh các của chùa Hải Ấn đã
được bảo tồn qua 7 lần hỏa hoạn và một lần suýt bị đánh bom trong cuộc chiến
tranh Hàn Quốc, lúc ấy một phi công được lệnh dội bom xuống chùa Hải Ấn nhưng
anh ta đã không tuân lệnh vì anh biết được rằng chùa Hải Ấn đang lưu trữ những
bảo vật vô giá.
Bộ mộc bản
Đại tạng kinh Hàn Quốc ấy không chỉ là một tuyệt tác vô giá mà còn có giá trị
thẩm mỹ cao và là sự minh chứng cho trình độ tay nghề cao của các nghệ nhân
điêu khắc của Hàn Quốc thời bấy giờ.
Hình ảnh tái tạo, mô phỏng việc khắc Đại Tạng kinh tại chùa Hải Ấn
Chính các bản gỗ trước khi được dùng để
khắc kinh cũng đã được xử lý cẩn trọng để tránh mục rã. Những mộc bản ấy được
làm từ gỗ bạch dương. Các tòa nhà dùng để lưu trữ bộ mộc bản cũng được thiết kế
và sử dụng vật liệu xây dựng đặc biệt nhằm phục vụ cho mục đích bảo quản bộ mộc
bản một cách tốt nhất, lâu bền nhất.
Tàng kinh các ấy được xây dựng ở độ cao
655 mét so với mực nước biển, các tòa nhà đều quay mặt về phía Tây nam để tránh
gió đông nam ẩm ướt từ thung lũng gần đấy và được các đỉnh núi gần đấy chặn
đứng những cơn gió bắc giá lạnh. Các cửa sổ với kích thước khác nhau ở phía Bắc
và phía Nam
của các tòa nhà được tạo ra để cho thông gió, sử dụng các nguyên tắc của thủy
động lực học.
Nhiều cửa sổ được lắp đặt tại mỗi tòa nhà để tối đa hóa việc
thông gió và điều hòa nhiệt độ. Các nền đất sét thì được lấp đầy với than,
muối, canxi oxít, vôi, cát, nhằm giảm độ ẩm khi trời mưa bằng cách hấp thụ độ
ẩm dư thừa và độ ẩm đó được giữ lại trong những tháng mùa đông khô khốc. Mái
nhà cũng được làm bằng đất sét và rui gỗ nhằm ngăn chặn sự thay đổi đột ngột về
nhiệt độ...
Có lẽ nhờ vào những kỹ thuật bảo quản tinh vi như thế nên bộ mộc
bản Đại tạng kinh Hàn Quốc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử, với nhiều
thăng trầm và biến cố của thời cuộc, nhiều cuộc chiến tranh đã xảy xa, thế
nhưng chùa Hải Ấn, đặc biệt là tàng kinh các của chùa, nơi lưu trữ bộ mộc bản
Đại tạng kinh Hàn Quốc, vẫn được bảo tồn và tu bổ. Ngày nay, chùa Hải Ấn đã trở
thành một ngôi chùa thiêng liêng, nơi nương tựa tâm linh của người dân Hàn
Quốc. Đại tạng kinh Hàn Quốc là thành quả của sự tích hợp giữa đức tin và trí
tuệ của người Hàn.
Với bề dày lịch sử, cảnh quan kỳ vĩ và
không gian rộng lớn, cùng những bảo vật vô giá của Phật giáo như vậy, chùa Hải
Ấn đã trở thành điểm hành hương nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước. Bên
cạnh đó, chùa còn thường xuyên đón tiếp những học giả, nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước đến nghiên cứu và tìm hiểu về mộc bản Đại tạng kinh.
Trong những
năm gần đây, hòa chung với nhiều chùa trong nước tổ chức chương trình Temple
Stay, chùa Hải Ấn cũng tổ chức các khóa tu Temple Stay cho tín đồ Phật tử và
những du khách trong và ngoài nước có thiện cảm với đạo Phật, muốn tìm hiểu và
trải nghiệm đời sống tâm linh của Phật giáo.
Chương trình Temple Stay của chùa
Hải Ấn thường là chương trình được trình bày bằng song ngữ (Hàn - Anh), hoặc
thuần bằng tiếng Anh, vì thế mà đã có nhiều du khách phương Tây, du khách quốc
tế đã có cơ hội tham gia chương trình Temple Stay tại chùa Hải Ấn và họ đã có
những trải nghiệm quý báu trong cuộc sống. Nhờ vậy mà hình ảnh chùa Hải Ấn càng
được quảng bá rộng rãi và ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến
chùa Hải Ấn để viếng thăm và tu học.
Minh Nguyên