Chùa Tảo Sách, ngôi cổ tự hơn 600 năm tuổi
27/08/2013 14:10 (GMT+7)

Chùa Tảo Sách nằm trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội nhưng có hướng nhìn thẳng ra hồ Tây.

Năm 2009, do bị xuống cấp nên cổng tam quan và tòa tam bảo chùa Tảo Sách đã được thượng tọa trụ trì Thích Nguyên Hạnh đã cùng Phật tử thập phương góp công xây dựng lại ngôi chùa có hơn 600 năm tuổi này.

Dấu tích ngôi cổ tự

Cho đến bây giờ nhiều người vẫn phân vân giữa hai tên gọi của ngôi chùa là Tảo Sách hay Tào Sách. Đại đức Thích Quảng Lâm – một đệ tử của Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh cho biết, chùa có nguồn gốc liên quan đến dấu tích của hoàng tử Uy Linh Lang, con trai thứ bảy của vua Trần Nhân Tông. Hoàng tử Linh Lang thuở nhỏ sống với mẹ là Chiêu Minh phu nhân ở phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân), ngày ngày cùng bạn bè đọc sách, luyện văn rèn võ tại đây.

Năm 1285, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3, hoàng tử Linh Lang xin vua cho dẹp giặc cứu nước và đã lập nhiều chiến công. Sau khi thắng trận trở về, hoàng tử không nhận ban thưởng mà lui về tu thiền, được vua phong là Dâm Đàm Đại Vương. Ngôi nhà trước kia của hai mẹ con Chiêu Minh phu nhân được người dân dựng lên một thảo am để ghi nhớ dấu tích.

Thời tiền Lê, trên nền thảo am cô tịch, người dân đã xây dựng thành chùa Tảo Sách với ý nghĩa là đọc sách dưới ánh ban mai. Đến thế kỷ XVI, thiền sư Thủy Nguyệt, vị sư tổ đầu tiên của phái Tào Động, truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh hồ Tây, chùa Tảo Sách còn có tên gọi là Tào Sách, thuộc Sơn Môn, có tên chữ là Linh Sơn tự.

Trên văn bia đài tưởng niệm trong sân chùa hiện còn lưu câu đối: “Đài kỷ niệm thành năm Quý Tỵ (1943)/Chùa Tào Sách sáng và của Tiền Lê”. Trên văn bia tạc thời Bảo Đại có dòng chữ: “Hà Đông tỉnh, Hoàng Long huyện, thượng tổng Nhật Tân xã, Tào Sách tự – tự Tiền Lê chi sử kiến lập”. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, phong hóa của thời gian, ngôi chùa có lúc đã xuống cấp và được trùng tu sửa chữa vào các năm: Thành Thái thứ 3 (1891), Bảo Đại Tân Tỵ (1941) và những năm gần đây từ 2005 – 2011.

Quy luật vô thường 

Các công trình kiến trúc của chùa được đánh giá “có bố cục hài hòa, ăn nhập với cảnh quan thiên nhiên”. Từ ngoài vào gồm cổng tam quan, nhà tam bảo kết cấu kiểu chữ Đinh, đài kỷ niệm, nhà thờ mẫu, thờ tổ, khu vực nhà khách, tòa tam bảo được xây dựng trang trí khá độc đáo.

Theo quy luật vô thường sinh, trụ, dị, diệt, sáng ngày 27/1/2011, ngôi chùa bất ngờ hứng chịu cơn hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ diện tích 150m2 nhà tam bảo. Rất may là nhiều tượng thờ đã kịp thời được di chuyển ra ngoài. Không lâu sau đó, Thượng tọa trụ trì Thích Nguyên Hạnh đã cùng Phật tử thập phương công đức phục dựng lại ngôi chùa theo đúng kiến trúc cũ. Cuối năm 2011, chùa tiếp tục mở cửa đón Phật tử tới thắp hương cúng dường chư Phật.

Đại đức Thích Quảng Lâm cho biết, hiện chùa còn lưu giữ bộ sưu tập di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật thuộc thế kỷ XVIII – XIX như hệ thống bia đá gồm 29 tấm bia có niên hiệu từ Thành Thái đến Bảo Đại; 2 quả chuông đồng, trong đó có một quả chuông được đúc năm Minh Mệnh (1822); hơn 40 pho tượng tròn; 42 câu đối, gồm 39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm, 23 bức đại tự.

Chùa còn giữ được một số tượng Phật, tượng Mẫu có phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX – XX, trong đó có 3 pho tượng Tam Thế được làm từ nửa cuối thế kỷ XVIII. Cảnh quan chùa tôn nghiêm, gắn liền với thiên nhiên tươi đẹp, lộng gió là nơi mà Phật tử thập phương có thể đến thắp hương, lễ Phật, đắm mình vào không gian thanh tịnh không chỉ trong các ngày lễ, rằm, mùng một mà cả các ngày thường.

Theo kienthuc.net

Các tin đã đăng: