Phật giáo đến Triều Tiên từ Trung Quốc vào khoảng cuối
thế kỷ thứ IV. Sự truyền bá và phát triển của Phật giáo đại thể chia làm một số
giai đoạn:
Thời kỳ Tam quốc(1)
Phật giáo bắt đầu truyền vào Triều Tiên từ thời Cao Cú Ly
(miền Bắc Triều Tiên). Theo Hải Đông cao tăng truyện quyển 1, vào năm thứ 2 triều
Cao Cú Ly - Tiểu Thú Lâm Vương (Cao Khâu Phu, 372), Phù Kiên, Tiền Tần Trung Quốc,
phái sứ giả và sư Thuận Đạo đưa kinh và tượng Phật qua Cao Ly. Hai năm sau, sư
A Đạo, người Đông Tấn, đến Cao Cú Ly. Đến năm thứ 5 (375), Tiểu Thú Lâm Vương
xây chùa Y Phất Lan cho A Đạo, chùa Tỉnh Môn cúng dường Thuận Đạo. Đó là những
bằng chứng cho sự khởi đầu Phật giáo du nhập Triều Tiên. Vào năm đầu vương triều
Chẩm Lưu (384) của Bách Tế(2) (thuộc Tây Nam Bộ), vua đón tiếp Phạn Tăng Ma La
Nan Đà đến từ Đông Tấn. Năm sau tại Hán Sơn, Châu Kiến tạo Phật tự, đồng thời độ
được 10 người thường dân xuất gia. Phật giáo Tân La(3) (vùng Đông Nam) từ Cao
Cú Ly truyền vào dưới thời Nạp Chi vương (417-457), ban đầu bị phản kháng, đến
năm Pháp Hưng thứ 15 (528) mới chính thức lưu truyền.
Đến thế kỷ thứ VI, Phật giáo đã truyền bá rộng rãi. Thời kỳ
Tùy Đường Trung quốc, các tông phái và giáo lý Đại - Tiểu thừa đã xuất hiện ở
Triều Tiên, trong đó tông phái có ảnh hưởng tương đối lớn là Tam Luận tông và
Luật tông. Đương thời, dưới sự hỗ trợ tích cực của chính quyền phong kiến Tam
quôc (thuộc Triều Tiên), rất nhiều Tăng nhân đến Trung Quốc cầu pháp. Những vị
tăng nổi tiếng thời bấy giờ như: Cao Cú Ly có Tăng Lãng đại sư, Nghĩa Uyên, Thực
pháp sư, Ấn pháp sư, v.v...; Bách Tế có Khiêm Ích, Huệ Từ, v.v...; Tân La có Vô
Tướng, Viên Quang, Từ Tạng Viên Thắng, Huệ Thông, Thắng Thuyên, v.v.... Trong số
đó có rất nhiều vị đến Ấn Độ cầu pháp. Khiêm Ích đến Ấn Độ để tham cứu Phạn ngữ
và Luật bộ. Lúc về nước, ngài mang theo rất nhiều Phan bản phiên dịch và nghiên
cứu, góp phần thúc đẩy Luật tông dưới thời Tam quốc truyền bá nhanh chóng; Huệ
Siêu từng giẫm khắp Ngũ Thiên Trúc, trước tác Vãng ngũ Thiên Trúc truyện, chủ yếu
giới thiệu về địa lý, giao thông, văn hóa và phong tục tập quán của Ấn Độ và
các nước xung quanh, góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa Trung - Ấn.
Phật giáo thời kỳ này đã làm chiếc cầu nối cho Phật giáo Trung Quốc truyền vào
Nhật Bản. Giữa thế kỷ thứ VI, Thanh Minh vương của Bách Tế tặng Nhật Bản tượng
Phật Thích Ca bằng đồng vàng và kinh-luận-phan-cái. Sau đó, Huệ Từ đến Nhật Bản
dạy Thái tử Thánh Đức; Huệ Quán đến Nhật và trở thành Tổ khai sáng Tam Luận
tông; Thẩm Tường đến Nhật, mở đầu cho sự truyền bá Hoa Nghiêm tông. Thời kỳ Tam
quốc, sự lưu truyền của Phật giáo tuy phát triển rộng, nhưng vẫn còn ở giai đoạn
truyền bá và giải thích giáo nghĩa.
Thời kỳ vương triều Tân La
Phật giáo Triều Tiên thực sự hung thịnh kể từ khi vương triều Tân La thống nhất
Tam quốc. Lúc này, các nhà Phật học trứ danh xuất hiện cùng với những trước tác
của họ, như Nguyên Hiểu, Cảnh Hưng, Nghĩa Tướng, Viên Trắc, Thái Hiền, Nghĩa Tịch,
Tuyên Chứng, Thắng Trang, v.v… Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất đối với Phật giáo
Triều Tiên là Nguyên Hiểu, Nghĩa Tướng và Viên Trắc. Những tác phẩm của họ đã đặt
nền tảng lý luận cho Hoa Nghiêm tông và Duy Thức tông mang sắc thái dân tộc Triều
Tiên. Thời kỳ này có 4 tông phái chủ yếu:
1) Niết Bàn tông: do sư Phổ Đức, người Cao Cú Ly, sáng lập tại chùa Cảnh Phúc.
2) Luật tông: do sư Từ Tạng người Tân La sáng lập tại chùa Thông Độ.
3) Hoa Nghiêm tông (Nhất danh Viên dung tông): có 2 phái, một phái do Nguyên Hiểu
sáng lập tại chùa Phần Hoàng ở Khánh Châu, còn gọi là Hải Đông tông; phái khác
do Nghĩa Tướng sáng lập, sau khi nhận được sự truyền thừa của Trí Nghiêm nhà Đường
(Hoa Nghiêm tông). Ngài xây dựng tổ đình tại chùa Phù Thạch, nên còn gọi là Phù
Thạch tông.
4) Pháp Tướng tông: do Chân Biểu tuyên luật sư sáng lập tại chùa Kim Sơn, tuyên
truyền Du già Duy thức.
Ngoài ra, hệ thống Mật giáo có Thần Ấn tông (hay Văn Đậu Lâu tông) và Tổng Trì
tông (hoặc Chân Ngôn tông). Minh Lãng sáng lập Thần Ấn tông vào năm Thiện Đức
thứ IV (635). Ngài được truyền thọ các bản dịch của Bạch Thi Lê Mật Đa
La(4) về bí pháp của Thần Ấn tông. Theo lịch sử Mật giáo, tông phái này
thuộc Tạp mật trước đây như Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí. Người sáng lập ra Tổng
Trì tông là Huệ Thông. Ngài sang Trung Quốc thọ ấn quyết về Thiện vô úy, trở
thành một phái Mật giáo Thiện vô úy. Huệ Nhật thọ Mật pháp với Huệ Quả ở chùa
Thanh Long, thỉnh về nước Đại Nhật kinh, Kim Cang Đảnh kinh, Tô Tất Địa kinh,
v.v…; rồi truyền bá rộng rãi Mật giáo ở Tân La. Thành thật học phái, Câu xá học
phái cũng được truyền bá ở nhiều nơi. Đầu thế kỷ thứ IX, Thiền tông Trung Quốc
bắt đầu truyền vào Triều Tiên. Năm Tuyên Đức thứ 5 (784), Đạo Nghĩa đến Kiền
Châu, Tây Đường theo Trí Tạng cầu học tâm pháp. Năm 822, sau khi trở vê nước,
ngài truyền bá Đạt ma thiền, mở đầu cho việc truyền bá Nam tông thiền, tuy
không được hưng thạnh cho lắm, nhưng trở thành phái Ca Trí Sơn, một trong những
hậu lai của Thiền môn cửu sơn. Năm Hưng Đức thứ 3 (828), Hồng Trắc đến Trung Quốc
thọ pháp với Trí Tạng, sau về nước truyền bá Thiền pháp tại chùa Thực Tướng, mở
ra một phái khác thuộc Thiền môn cửu sơn - Thực Tướng Sơn phái, Thiền tông bắt
đầu hưng thịnh. Cuối thời Tân La, Đạo Sằn kết hợp tư tưởng thiện căn công đức của
Phật giáo với Âm dương - Ngũ hành của Đạo giáo và thuyết Phong thủy địa lý,
khai sáng nên “Kỳ Phúc Phật giáo”mang sắc thái riêng, khiến cho Phật giáo càng
thêm thần bí hóa. Lúc này, Giáo-Thiền cạnh tranh với nhau, thế lực Phật giáo dần
dần suy yếu.
Thời kỳ vương triều Cao Ly
Cao Ly sau khi thống nhất đất nước, vì thâm tín Phật giáo, Thái tổ Vương Kiến
xây Tháp hộ Tăng, Phật giáo lại hưng thịnh. Nghĩa Thiên, vương tử thứ tư của
Văn Tông, xuất gia, được phong làm Hựu Thế Tăng thống, đời xưng là Nghĩa Thiên
Tăng thống. Vào thời Tuyên Tông năm thứ 2 (1084), ngài đến nước Tống, bái phỏng
cao tăng đại đức, học giáo nghĩa Hoa Nghiêm, Thiên Thai, giới pháp và phương
pháp thiền. Đến năm Túc Tông thứ 2 (1096), ngài sáng lập Thiên Thai tông của
Cao Ly. Thời kỳ đầu của vương triều Cao Ly, học giả Hoa Nghiêm là Quân
Như, Pháp Tôn của Hoa Nghiêm tông Bắc Nhạc (Hy Lãng), dung hòa sự khác biệt
với Nam Nhạc (Quán Huệ), cùng Nhân Dụ thủ tòa cùng xướng tông chỉ quy nhất,
phát triển mạnh mẽ thành phong trào. Cực kỳ sùng tín Tam bảo, Quang Tông vương
không chỉ cho xây chùa Quy Pháp tại Tùng Nhạc, mà còn ha chiếu cho Quân Như làm
trú trì.
Đến trung kỳ, thiền môn ngày càng tỏ ra suy yếu. Lúc này có Trí Nột lập ra Hội
Trí Huệ, xiển dương tu Thiền. Thế là thiền sư luân lưu xuất hiện, mang phong
thái Thiền Tào Khê, phục hưng lại Thiền tông. Trí Nột trở thành Tổ sư phái Thiền
Tào Khê. Ngài nghiên cứu Hoa Nghiêm, trước tác Viên đốn thành Phật luận, từ
tông điển của Tào Khê tông. Về sau, Thái Cổ Phổ Ngu đến Nguyên thọ pháp với Ốc
Thanh Củng, rồi trở về nước thống nhất Thiền môn cửu sơn thành một tông, gọi là
Tào Khê tông (hay Thiền Tịch tông). Lúc đó Thiên Thai tông cũng được xem là một
phái của Thiền tông, nên Thiền tông Triều Tiên có 2 phái Tào Khê và Thiên Thai.
5 tông của Phật giáo Triều Tiên cũng đổi tên như Viên Dung tông đổi thành Hoa
Nghiêm tông, Pháp Tướng tông thành Từ Ân tông, Pháp Tính tông thành Trung Đạo
tông, Giới Luật tông thành Nam Sơn tông, Niết Bàn tông thành Thủy Hưng tông.
Sau gọi chung là “Ngũ giáo nhị tông”.
Thành tựu nổi bật nhất của Phật giáo thời kỳ này là việc xuất bản Đại tạng
kinh. Năm Hiển tông thứ 2 (1010), với khẩu hiệu “Đan Quán Kì Nhương”, Đại tạng
kinh khởi khắc (tổng cộng hơn 6.000 quyển) và tạo nên sự kiện mang tính toàn quốc.
Trải qua hơn 70 năm, đến năm thời Tuyên Tông vương (1087) thì hoàn thành, được
cất giữ tại chùa Phù Nhân, núi Bát Công. Năm Cao Tông thứ 19 (1232), bản kinh bị
quân Mông Cổ phá hủy. Đến năm 24 (1237), vua phát nguyện xây lại Đô giám, trải
qua 16 năm, khắc thành bản kinh hơn 8 vạn miếng. Cao Ly tạng hoàn thành khoảng
6.780 quyển, hiện lưu giữ tại chùa Hải Ấn, núi Ca Da ở Hàn Quốc. Sau khi hoàn
thành sự nghiệp khắc kinh, Nghĩa Thiên đến Tống du sơn ngoạn thủy 14 tháng trời,
thu thập kinh điển Phật giáo, trở về nước thiết lập giáo tạng đô giám, khắc in
kinh, gọi là Tục tạng kinh của Nghĩa Thiên. Theo Tân biên chư tông giáo tạng mục
lục, San hành dự định mục lục, Tục tạng kinh thâu lục nội ngoại Phật điển hơn
1.000 bộ, trên 4.000 quyển, nhưng đại bộ phận đã thất truyền, hiện tại còn sót
lại 20 bộ.
Thời kỳ Lý triều
Cuối thế kỷ XIV, Thái tổ Lý Thành Quế thống nhất bán đảo Triều Tiên, lấy quốc
hiệu Triều Tiên, cũng gọi là Triều Lý. Chủ trương tôn Nho bài Phật, lúc lên
ngôi ông liền đày Tăng lữ vào trong cung cấm. Năm Thế Tổ (Thái Tông) thứ 6, ông
ghép ba tông Tào Khê, Thiên Thai va Từ Nam thành Thiền tông; ghép Hoa Nghiêm, Từ
Ân, Trung Thần, Thủy Hưng và Nam Sơn thành Giáo tông. Sau đó gom Giáo - Thiền
nhị tông lại làm một, chỉ giữ lại một số tự viện. Đến thời Minh Tông
(1545-1566), với sự nỗ lực của Thiền sư Phổ Vũ và sự bảo hộ của hoàng hậu Văn Định,
Phật giáo Thiền tông có được chút khởi sắc nhưng không bao lâu lại suy yếu. Thời
Thành Tông càng ngăn cấm cúng dường Tăng lữ và hủy tượng Phật để làm binh khí.
Việc xuất gia bị coi là quốc cấm. Mãi đến “loạn Nhâm Thìn” (1592), tướng Nhật Bản,
Phong Thần Tú Cát, dẫn đại quân xâm chiếm Triều Tiên, Tuyên Tổ lánh nạn đến Nghĩa
Châu, lúc đó có Thiền sư Thanh Hư Hưu Tịnh soái lĩnh môn đồ và chiêu mộ Tăng
binh 5.000 người, cùng quân Minh tác chiến, khôi phục kinh thành, đuổi chạy
quân Nhật. Tuyên Tổ sau khi trở về cố đô, sắc hiệu ngài làm Quốc Nhất Đô đại
thiền sư. Sau ngài tu tập ở núi Diệu Hương, trước tác Thanh Hư đường tâp 8 quyển,
v.v… Đến lúc này, Phật giáo Thiền tông được khôi phục.
Trong khoảng 500 năm thống trị, triều Lý thường dùng chính sách tôn Nho bài Phật,
nhưng Phật giáo thời kỳ Tân La - Cao Ly đã thấm sâu trong lòng dân chúng. Từ
1910 đến năm 1945, Triều Tiên bị Nhật Bản thôn tính, Tăng nhân Phật giáo Triều
Tiên cũng công khai lấy vợ ăn thịt. Do vậy, giáo đoàn phân thành 2 phái: Tăng độc
thân và Tăng lấy vợ.
Sau Thế chiến thứ II, Phật giáo vẫn tiếp tục lưu truyền ở bán đảo Triều Tiên. Bắc
Triều Tiên đã từng thành lập Phật giáo Tổng vụ viện, sau đổi thành Phật giáo đồ
Trung ương ủy viên hội. Những năm đầu thập kỷ 1950, tu viện phần nhiều bị ngoại
bang thiêu đốt. Hiện Phật giao Hàn Quốc phát triển tương đối có kế hoạch hơn
trước.
LÂM TỬ THANH trước tác Quảng Việt
dịch
(1) Tam quốc: bao gồm ba nước Tân La, Bách Tế và Cao Cú
Ly (thời này có liên quan mật thiết với Đường triều Trung Quốc).
(2) Bách Tế: một nước cổ nằm ở bán đảo Triều Tiên.
(3) Tân La: một nước cổ nằm ở bán đảo Triều Tiên.
(4) Bạch Thi Lê Mật Đa La: tên gốc là Srimitra, hán dịch là Kiết Hữu, cao tăng
xứ Tây Vực (Huệ Quang từ điển Phật học).