Đại Đế Asoka
TS. Thích Minh Thành
14/03/2012 10:13 (GMT+7)

ha

Cuối thế kỷ thứ tư tr.TC (trước CN), Vua Chandragupta vương triều Maurya đã thành lập được một đế quốc vĩ đại và hùng mạnh gồm cả Afganistan và Mysore. Những vùng lãnh thổ bên ngoài biên giới Ấn Độ và tây pakistan ngày nay đã từng thuộc về Vương quốc Ấn Độ của vua Chandragupta ngày xưa. Thái tử Bindusara, con trai Chandragupta mở mang bờ cõi về phương Nam. Vào năm 274 tr.TC, A-dục nối ngôi cha, thừa kế vương quốc rộng lớn này từ hai vị vua tiền nhiệm vĩ đại và những khai quốc công thần đắc lực, nổi bật là Kautilya và Chanakya. Người ta có thể tính ra được phạm vi bành trướng của A-dục như sau: Về phía Nam là Cholas, Pandiyas, Satiyaputras và keralaputras; Về phía Bắc vương quốc A-dục đã vươn đến tận chân núi Hy-mã-lạp-sơn gồm Kashmir và Nepal; Về phía Tây Bắc vương quốc A-dục đã vươn tới chạm đến lãnh thổ Persia và Syria của vua Antiocus; Và phía Đông A-dục đã thôn tính được Kalinga năm 262 tr.TC. Như vậy triều đại cả ba vị vua này đã tạo nên mùa bạo lực và bành trướng cho đế quốc Ấn Độ triều đại Maurya.

Vào thời đó những hoạt động trí thức tập trung vào các tu viện là chính. Nhưng việc học tập và văn hóa dường như cũng phổ biến đến quần chúng bình dân. Về tôn giáo của hoàng tộc thì có một truyền thuyết cho rằng Chandragupta theo đạo Kỳ-na. Mahãyama - Tikã kể lại rằng Janasana, ngoại đạo lõa thể phái ÃJĩvika, làm tư tế riêng cho hoàng tộc Bindusara. Cả hai tác phẩm Samantapãsãdikã Mahavamsa đều nói rằng Bindusara đón tiếp những cư sĩ và những nhà khổ hạnh bà-la-môn thuộc những phái khác nhau.

Trong 3 năm đầu sau khi lên ngôi A-dục cũng theo nếp cũ của cha nhưng vào năm thứ 4 A-dục cải giáo trở thành một Phật tử. Tác phẩm Mahãvamsa kể rằng trước đó A-dục được người ta gọi lén bằng hỗn danh Hung-thần A-dục (Cadasoka) vì sự tàn bạo của ông ta nhưng sau đó vì lòng mộ đạo mà ông ta có thanh danh là Hộ-pháp A-dục vương (Dhammasoka).

Sau chiến dịch Kalinga, A-dục gần như biến thành một con người khác hẳn. Qua duyên may gặp gỡ các vị cao tăng ông đã tra thanh gươm vào vỏ và thề sẽ không bao giờ dùng bạo lực để chinh phục nhân gian nữa. Từ nay trở đi ông sẽ tập trung sức mạnh vào cuộc chinh phục của đạo đức và tâm linh.

Những sắc lệnh Bhabru và sắc lệnh trên trụ đá ở Sarnath, Kausambi và Sanchi cho thấy rằng Phật giáo đã được vua A-dục hết lòng hộ trì. A-dục là vị vua đầu tiên thiết lập Phật Giáo thành quốc giáo của Ấn Độ. Tất cả những tập tục và những thiết định xã hội đang được tuân hành thời đó đều bị hủy bỏ nếu như trái nghịch lại tinh thần của Phật Giáo, những tập tục và những thiết định mới được thay vào.

Đối với những sắc dân có đất đai nằm sát biên giới thì A-dục tuyên bố rằng: “Nhữnq người đó không cần phdi lo sọ, hãy đặt niềm tin vào nhà vua, hãy sống với hạnh phúc, chớ không phải với buồn rầu. . . tiếng trống xâm lăng trong chiến trưònq khi xưa đã trở thành tiếng trống pháp kêu gọi mọi ngưòi quay về nẽo thiện”.

Tâm nhiệt thành và lòng sùng mộ thâm sâu đối với Phật Giáo không làm cho nhà vua có thái độ bất nhã đối với những tôn giáo khác. Ngược lại A-dục không những tôn trọng mà còn giúp đỡ vật chất cho tất cả tôn giáo. Tinh thần khoan dung tôn giáo này đã đbản thân đức Phật truyền dạy cho các Đệ tử. Kinh Upãli trong Trung bộ kinh ghi lại sự kiện Upãli một người cư sĩ giàu có, danh tiếng ở Nãlan đã và cũng là đệ tử tại gia của Ni Kiền Tử. Upãli bày tỏ ước muốn trở thành một thiện nam Đệ tử của Phật. Phật khuyên Upãli nên tiếp tục việc ủng hộ vật chất cho Ni Kiền Tử cho dù đã trở thành một Cư sĩ Phật tử. Rõ ràng là câu chuyện về thái độ khoan dung tôn giáo này đã gây ấn tượng mạnh trong tâm thức của vua A-dục.

Trong một vương quốc mênh mông với nhiều giáo phái đa dạng là người cai trị sáng suốt và rộnglượng. A-dục phải ra sức xây dựng và phát huy tác dụng một hệ thống đạo đức như thế nào để mọi người dân thuộc mọi dạng tín ngưỡng khác nhau đều có thể tiếp nhận được. Do đó A-dục chuẩn hóa danh từ “Chánh pháp” và thường xuyên sử dụng nó trongcác sắc lệnh của mình để chỉ cho những việc như sau:

(1) Nghe lời và trọng kính cha mẹ, anh chị và thầy tổ;

(2) Đối xử tử tế và rộng rãi đối với các nhà khổ hạnh, bà-la-môn, sa-môn, quyến thuộc, bạn bè, thân hữu, đồng hành, tôi tớ, người nương tựa, người nghèo, người khốn khổ.

(3) Tránh xa việc giết hại các loài sinh mạng.

(4) Tốt bụng chơn thật, thân tâm thanh tịnh.

(5) Hòa nhã, thánh thiện, tự chủ, biết ơn.

(6) Kiên định trong niềm tin và đạo đức.

(7) Tiết độ trong thu chi và tích lũy.

Những đạo lý trên được A-dục đề xướng dưới tên gọi chung là “Chánh pháp” đã được đông đảo mọi người chấp nhận. Như thế A-dục đã ra công thành lập một Tôn giáo đại đồng. Trong lịch sử loài người đây có lẽ là nổ lực đầu tiên của một vị đứng đầu nhà nước hướng tới việc xây dựng một tôn giáo đại đồng phổ quát dành cho tất cả mọi người muốn có một đời sống an vui và hạnh phúc.

A-dục đã áp dụng nhiều phương pháp để thúc đẩy tinh thần đạo đức của dân chúng. Theo sắc lệnh trên trụ đá VII. A-dục đã ra lệnh truyền bá đạo lý tôn giáo và ban hành những huấn thị tôn giáo. Ông đã bổ nhiệm chức vụ Chánh pháp Đại thần (Dhãrma-Mahãmãtras) và những chức vụ khác trong Bộ Chánh pháp với nhiều hạng ngạch khác nhau để phổ biến thông điệp đạo đức của ông đến với tất cả giáo phái và sắc tộc: Phật Giáo, Kỳ na giáo, du sĩ Ãjivikas và những giáo phái khác. Thay cho những chuyến đi dã ngoại truy hoan hay săn bắn theo hoàng triều thông lệ, vua A-dục lại đi hành hương dể huấn thị thần dân và chiêm bái những địa điểm thiêng liêng. Để kích khởi tâm thức thiện lành của dân chúng và khuyến khích nếp sống đạo đức nên thay vì thực hiện các cuộc duyệt binh rầm rộ như các cựu hoàng, vua A-dục lại tổ chức các buổi trình diễn và các đám rước lễ qua đó trình bày những hình tượng của chư thần đang ngự trên những chiếc thiên xa với những con voi được trang trí bằng nhữngdây đèn rực rỡ. Những quang cảnh “thiên giới huy hoàng” đó đã thu hút và làm say sưa tâm hồn hướng thiện của đông đảo nhân dân.

“Vương Quốc Sùng Đạo” của A-dục không hạn hẹp trong phạm vi của loài người mà thôi. Sắc dụ trên bia đá II tuyên bố rằng Hoàng đế đã cho thực hiện việc chữa bệnh cho người và cho các loài thú; những loại dược thảo hữu ích cho sức khỏe của người, vật đã được nhập khẩu và gieo trồng tất cả những nơi không có thuốc men. Sắc dụ trên bia đá I ra lệnh rằng: “Không nên sát hại hay tế thần dù chỉ là một sinh mạng mà thôi”. Đối với bản thâr của Hoàng đế cũng ra lệnh ngưng việc giết hại thú vật để lấy thịt phục vụ việc ăn uống của Hoàng gia. Vua ra lệnh rằng: “không được đốt ngay cả vỏ cây có côn trùng trú ẩn trong đó” Sắc dụ trên trụ đá VII ghi rằng “Trên những con đường cái quan phải cho trồng những cây banyan để tạo bóng mát cho thú vật và người ta; cho trồng những vưòn xoài; đào những giếng nước, xây dựng những trạm nghỉ chân, những trạm cấp nước để làm cho những con vật và khách lữ hành bớt nhọc nhằn và thêm thư thái”.

Vua A-dục không cảm thấy thỏa mãn với việc làm lợi ích dân sinh cho thần dân của ông ta mà thôi. Sắc dụ trên bia đá II nói như sau: “Khắp nơi trong phạm vi cương thổ của Thiên-ái-hỷ-kiến nhân-tứ Hoàng đế cũng như những vùng đất lân bang như Cholas, Pandiyas, Satiyaputras, Keralaputras và Tambapamni... theo chỉ dụ của Thiên-ái-hỷ-kiến nhân-từ Hoàng đế thực hiện những việc ích quốc an sinh tương tự”. Như vậy Vua A-dục đã xây dựng nên mùa xuân của ấm no và hạnh phúc cho mọi người.

Nhưng những công trình rộng lớn về an sinh trongnước và ngoài nước như vậy cũng không làm thõa mãn lòng khao khát làm lành và chí nguyện tâm linh của A-dục vì tất cả những việc thiện đó chưa chứa đựng một ý nghĩa sâu xa nào cả. A-dục cảm nhận mạnh mẽ rằng “Trong tất cả hạnh bố thí thì bố thí pháp là cao thượng hơn cả”

Sắc lệnh trên bia ký V nói rằng những vị giảng sư của tất cả những giáo phái thuộc nhiều sắc dân khác nhau như Yanas, Kambojas,  Gandharas... được bổ nhiệm vào Bộ Chánh pháp để làm nhiệm vụ xây dựng và phát huy Chánh pháp, tạo hạnh phức và an lạc cho những người có đạo đức. Bộ này còn được giao quyền giảm án cho tù nhân, quyền ban ân huệ, trả tự do cho người phải nuôi nhiều con, người có nhiều bất hạnh và người già nua tuổi tác. Trong sắc dụ trên bia đá XIII, A-dục nói về sự thành công rực rỡ của chiến địch đạo đức có tên là Chiến-dịch-chánh-pháp trong nước và tất cả lân bang như vương quốc của vua Antiochus xứ Syria, vua Ptolemy xứ Egypt, vua Antogonus xứ Macedon, vua Magas xứ Cyrene, vua Alexander xứ Epirus và trong những vương quốc như Cholas, Pandyas, đến tận xứ Tamraparni (Tích-lan). Ngay cả những nơi mà các đoàn sứ giả của Đức Thiên-ái-hỷ-kiến Hoàng đế không đi đến, khi nghe được công hạnh, biết được nhữngchỉ dụ và huấn thị của Ngài, người ta đều tự tuân hành theo Chánh Pháp. Chiến dịch chinh phục này đã chiến thắng khắp nơi và làm nức lòng mọi người.

Truyền thuyết bằng tiếng Pãli kể rằng đã lâu nhà vua chỉ là một ngoại hộ cúng dường vật chất hay tứ sự mà thôi nên không được xem là quyến thuộc của Phật Giáo. Sau đó theo lời hướng dẫn của trưởng lão Moggaliputta Tissa, vua A-dục đã cho người con trai là Mahinda và con gái là Sanghamitta gia nhập Giáo hội Tăng già từ đó nhà vua nghiễm nhiên trở thành gia quyến của Phật Giáo. Sau Kết tập III để tụng đọc và chuẩn định thánh tạng,  A-dục phái nhiều đoàn truyền giáo đi khắp nơi để truyền bá Chánh Pháp Phật-Đà. Có thuyết cho rằng một trong những đoàn truyền giáo này đã đến vùng Thất Sơn miền Nam nước Việt. Như vậy hương xuân của Phật Giáo đã từng lan nhẹ vào quê hương Việt Nam, và tuổi thơ của dân tộc Việt Nam thời ấy đã đón nhận những lời dạy của đức Tử Phụ một cách hồn nhiên như tuổi trẻ đón mùa xuân.

 Mùa xuân của Chánh Pháp./.(Vô Ưu số 17, 01-2004)


 

Các tin đã đăng: