Sư
tên Nguyễn Chí Thành, sanh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại
làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, thường cùng với Giác Hải,
Đạo Hạnh làm bạn thân. Năm hai mươi chín tuổi, Sư cùng hai vị ấy sang
Thiên Trúc học đạo với thầy Sa-môn, được phép Lục trí thần. Trở về quê,
Sư tạo ngôi chùa Diên Phước, ở đó chuyên trì chú Đại bi.
Bấy giờ, Sư muốn tạo Đại Nam tứ khí (tượng Phật, hồng chung, cái
đỉnh, cái vạc) không nệ nhà nghèo sức mọn. Một hôm, Sư suy nghĩ: “Nước
Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được.” Nghĩ xong, Sư thẳng
đường sang Bắc triều (Trung Quốc). Trước nhất, Sư ghé trọ một nhà trưởng
giả xin mảnh đất bằng chiếc ca-sa để lập Kỳ Viên. Trưởng giả cười bảo:
“Xưa kia Thái tử nhà Lương muốn lập Kỳ Viên, khoảng đất rộng đến ngàn
dặm, lấy vàng lót đất. Tại sao ông chỉ xin mảnh đất bằng áo ca-sa, chỉ
bằng chuồng gà mà làm gì?” Đêm ấy, Sư trải chiếc ca-sa khắp mười dặm
đất. Trưởng giả thấy Sư có phép thần liền dẫn vợ con ra lễ bái, từ đây
cả nhà đều qui y Tam Bảo.
Hôm khác, Sư đắp y mang bát chống gậy trước thềm rồng đứng khoanh
tay. Vua Tống vào triều, bá quan văn võ tung hô xong, xem thấy vị Sư già
bèn triệu vào, hỏi:
- Thầy già ốm này là dân phương nào, tên họ là gì? đến đây có việc chi?
Sư tâu:
- Thần là kẻ Bần tăng ở tiểu quốc, xuất gia đã lâu, nay muốn tạo Đại
Nam tứ khí, mà sức không tùy tâm, nên chẳng sợ xa xôi lặn lội đến đây,
cúi mong Thánh đế mở rộng lòng thương ban cho chút ít đồng tốt, để đem
về đúc tạo.
Vua Tống hỏi:
- Thầy đem theo bao nhiêu đồ đệ?
Sư tâu:
- Bần tăng chỉ có một mình, xin đầy đãy này quảy về.
Vua bảo:
- Phương Nam đường xa diệu vợi, tùy sức Sư lấy được bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, đủ quảy thì thôi.
Sư vào kho đồng lấy gần hết sạch mà chưa đầy đãy, quan giữ kho le
lưỡi lắc đầu, vào triều tâu việc ấy cho Vua. Vua ngạc nhiên hối hận,
nhưng lỡ hứa rồi, không biết làm sao.
Sư nhận đồng xong, vua Tống sai bá quan tiễn Sư đưa về nước. Sư từ rằng:
- Một đãy đồng này, tự thân Bần tăng vận sức quảy nổi, không dám làm phiền nhọc các Ngài tiễn đưa.
Nói xong, Sư bước ra lấy đãy máng vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến
sông Hoàng Hà, Sư lấy nón thả xuống nước sang sông chỉ trong khoảng chớp
mắt đã đến bờ.
Về nước, Sư đến chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương đúc
một tượng Phật Di-đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, Sư
đúc một cái đỉnh. Ở Phả Lại, Sư đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh
Đảnh, Sư đúc một cái vạc.
Phần còn dư, Sư đem về chùa quê làng đúc một đại hồng chung nặng ba
ngàn ba trăm cân, và đúc một đại hồng chung ở chùa Diên Phước Giao Thủy
nặng ba ngàn cân. Công quả hoàn thành, Sư làm bài tán rằng:
Nón nổi vượt biển cả,
Một hơi muôn dặm đường.
Một đãy sạch đồng Tống,
Dang tay sức ngàn ngựa.
(Lạp phù việt đại hải,
Nhất tức vạn lý trình.
Tống đồng nhất nang tận,
Phấn tý thiên câu lực.)
Thời vua Lý Nhân Tông kiến tạo điện Hưng Long cả năm mới xong, điện
cực kỳ tráng lệ. Bỗng trên nóc có hai con chim cáp đậu kêu to, tiếng
vang như sấm. Vua lo buồn chẳng vui, quan chỉ huy thấy thế tâu: “Điềm
này chỉ có Minh Không và Giác Hải mới trừ được.” Vua bèn sai ông đi
thỉnh Sư, ngày rằm tháng giêng, ông đến trước am Sư. Sư hỏi: “Quan chỉ
huy sao đến chậm vậy?” Ông hỏi lại: “Sao Thầy biết trước chức của tôi?”
Sư đáp: “Ta cỡi trăng đạp gió chợt vào thành vua, sớm đã nghe biết việc
này.” Liền hôm ấy, Sư đến kinh đô, thẳng đến điện Hưng Long, Sư tụng chú
thầm, hai con chim lạ ấy nghẹn cổ chẳng kêu, giây lát sau liền rơi
xuống đất. Vua thưởng cho Sư một ngàn cân vàng, và năm trăm khoảnh ruộng
để hương hỏa cho chùa và phong chức Quốc sư.
Năm vua Lý Thần Tông hai mươi mốt tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh biến
thành cọp, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn đáng sợ. Triều đình phải làm
cũi vàng nhốt Vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:
Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh thiên hạ,
Cần được Nguyễn Minh Không.
Triều đình sai quan chỉ huy đi đón Sư. Đến am, Sư cười bảo: “Đâu
không phải là việc cứu cọp đó ư?” Quan chỉ huy hỏi: “Sao Thầy sớm biết
trước?” Sư bảo: “Ta đã biết việc này trước ba mươi năm.” Sư đến triều
vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau,
trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi Vua lại gần đó.”
Sư lấy tay mò trong đảnh lấy một trăm cây kim găm vào thân Vua, nói:
“Quí là trời.” Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân Vua hoàn
phục như cũ. Vua tạ ơn Sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để
hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.
Đến năm Đại Định thứ hai (1141), Sư qui tịch.
Hiện nay tại Hà Nội, trước đền thờ Lý Quốc Sư vẫn còn tượng Sư và có bia ký. Dân chợ Tiên Du muôn đời hương khói phụng thờ.
Chú thích: Nguyễn Minh Không hay Khổng Minh
Không chùa Lý Quốc Sư, thôn Tiên Thị huyện Thọ Xương, nay là phố Lý Quốc
Sư, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội.
Lời người soạn: Thiền sư Không Lộ không có trị bệnh vua
Lý Thần Tông, vì khi Vua mắc bệnh hóa hổ lúc hai mươi mốt tuổi, nhằm
năm 1136, còn Thiền sư Không Lộ tịch vào niên hiệu Hội Tường Đại Khánh
thứ 10 tức là năm 1119. Thế là Không Lộ tịch trước khi vua Lý Thần Tông
hóa hổ mười bảy năm.
Thiền sư Nguyễn Minh Không tịch năm 1141 mới thật sự là người trị bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông.
Thiền sư Nguyễn Minh Không là họ Nguyễn, sanh ngày 14 tháng 8 năm
Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định.
Thiền sư Không Lộ họ Dương, không biết năm sanh, quê ở Hải Thanh. Thiền
sư Minh Không sau về quê tạo ngôi chùa Diên Phước ở đó. Thiền sư Không
Lộ tạo chùa Nghiêm Quang sau đổi tên là Thần Quang. Cả hai họ khác, tên
khác, xứ sở khác, tuổi tác khác và chỗ trụ trì khác mà nói là một người
là không hợp lý.