Vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập , phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời Lý - Trần và những triều đại về sau
Thích Nữ Như Hạnh
29/07/2010 09:03 (GMT+7)

          Non sông Việt Nam được đắp xây trên vô vàn máu xương của bao thế hệ, mỗi mảnh đất chôn vùi bao xương cốt đồng bào. Ngàn năm trước, ngàn năm sau, binh lửa tang thương hun đúc nên một tinh thần Việt bất khuất dị thường. Và ngược lại, cũng trau dồi từ đau thương mất mát một tình người vị tha đẹp đẽ “thương người như thể thương thân”,”tình làng nghĩa xóm” “Lá lành đùm lá rách”.

          Trên nền tảng đó, dân ta sẵn sàng tiếp nhận nguồn giáo lý đại hùng, đại lực, đại từ bi một cách dễ dàng. Và Phật giáo theo sử liệu, thâm nhập thể hội vào lòng dân tộc từ những năm đầu công nguyện và tạo nên một dòng chảy bất tận theo dòng lịch sử giúp cho tinh thầnViệt thăng hoa hơn nữa.

          Một ngàn năm trước, thử hình dung một vương triều mới thành lập, vua, quan và nhân dân cùng nhau đồng long chung tay, góp sức xây thành đắp lũy, đào ao hồ, nạo vét lòng sông, tôn tạo chùa tháp quán miến nghiêm trang, tu sửa đường qua đối lại thuận tiên, kinh đô Thăng Long định dạng hình hài. Hoa lá cỏ cây sum suê, sông hồ đường sá uốn lượn, thực là cảnh kinh kỳ thanh tú, diễm lệ. Nhưng điều nổi bật  hơn cả là bóng dáng kỳ vĩ của các Thiền sư ra vào cung vua, cùng giúp bàn định việc ích quốc lợi dân.

Vạn Hạnh dung tam tế

Thiên phù cồ sấm ky

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tíchtrấn vuơng kỳ

          Đó là bài thơ truy táncủa vua Lý Nhân Tông đối với Thiền sư Vạn Hạnh “Dung tam tế” dung thông cả thời gian, không gian, con người trong cái nhìn tương dung tương nhiếp; dung hợp cả 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai, dung hội cả đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, trong cách hành đạo. Một Thiền sư, một công dân của đất nước, một kết tinh hoa trái trí tuệ dâng hiến cho quốc gia, giúp tạo nên sự thay đổi thần kỳ. Cách mượn câu sấm truyền bá cơ  duyên thời cuộc là hình thức tinh tế kêu gọi mọi người nhận ra thực trạng xã hội. Vua Lê, tướng Lý ai cũng biết là 2 con người trái ngược nhau. Việc chuyển giao quyền lực của 2 triều đại diễn ra trong thanh bình, nhà lý hình thành không hổ danh một vương triều thịnh trị “thuần từ nhất trong lịch sử”. 

“Chiếu dời đô” không lâu sau ra đời, thử hỏi  sự chuyển dời kinh đô có vượt qua tầm mắt Thiền sư ? Vương triều mới, kinh đô mới, cuộc sống mới, ươm mầm những điều lành thiện, kỷ nguyên ánh sáng dân tộc tự cường nương nhờ “sức định tuệ”, “công phò tá” của Thiền sư “Trụ tích Trấn vương kỳ”.

          Thiền sư là đại diện của Phật giáo. Trí tuệ của Thiền sư được hun đúc trong tinh thần Phật giáo. Lò lửa cuộc đời tôi luyện hoa sen Bát Nhã, tạo nên phẩm cách thanh cao, trong trần mà chẳng nhiễm trần. Ở thời đại Lý – Trần, Phật giáo vươn tới bình diện đẹp lạ lùng. Vua là Thiền sư hoặc trở thành Thiền sư, Thiền sư trở lại cuộc thế làm Tăng quan. Phật giáo và đời sống chính trị – văn hóa – xã hội đan xen, giao thoa, cộng hưởng tạo nên thời đại mang nét dáng đặc trưng

          Lịch sử chứng minh, bất cứ triều đại nào có được vị vua anh minh, thông tuệ và đức độ thì triều đại đó dân giàu, nước mạnh, thanh bình, no ấm hơn. Vua tài đức mới biết dùng người đúng khả năng, đúng nơi, đúng việc. Lý Công Uẩn  là một vị vua như thế. Được nhà chùa giáo dưỡng từ thửơ ấu thơ, trong môi trường thấm đẫm pháp nhà Phật, ông đã trưởng thành thành một con người  trí – đức song toàn, là một vị vua tạo nên trang vàng của lịch sử nước nhà. Xã hội dưới triều đại ông chuyển từ gam mà u ám triều Lê sang sắc màu đỏ tươi sáng, huy hòang. Quyết định sáng suốt của ông, đặt nét son cho thời đại mình và các thời đại về sau. Thăng Long Hà Nội thực sự xứng đáng với tầm vóc của mình, trải qua hàng thiên niên kỷ và mãi mãi về sau. Đúng như lời xác định trong “Chiếu dời đô” :  “Xem khắp nước Việt, đó là chỗ đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất , đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời”.

          Trong mối tương quan chặt chẽ và ảnh hưởng  mật thiết lẫn nhau giữa cá nhân vua, Phật giáo và đất nước thời ấy đã tạo ra một vẻ toàn bích cho cả ba phía. Đạo của từ bi và trí tuệ đã từng biến đổi hoàn toàn 1 số vương triều trên thế giới như triều vua A Dục ở Ấn Đô, nhà Đường ở Trung Quốc… Tuy nhiên, ở triều Lý ta, phải mặc nhiên công nhận, đạo Phật thực sự có tầm vóc một quốc đạo. Từ các mặt chính trị, văn hóa đến rất nhiều khía cạnh khác của đời sống  nhân dân  đều có ảnh hưởng. Nhất là về mặt tâm linh, song hành cùng với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian bản địa đã in dấu đậm nét trong tiềm thức người Việt. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt” là hình ảnh thân thương trong lòng người  gần xa. Không những ở chốn kinh kỳ hoặc phủ lớn có nhiều chùa mà ở mỗi làng đều có chùa riêng để dân trong làng được qui y Tam Bảo, sống làm đệ tử Phật, chết quay về nương cửa Bồ đề. Cõi tâm linh của dân ta mặc định hướng về cửa Phật như một lẽ tự nhiên. Văn hóa nước ta là văn hóa làng, như thế đạo Phật nở rộ khắp nơi, từ thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở, không đâu không tỏa  rạng. Càng  thăng hoa hơn, “khi Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tôn miến chưa dựng, xã tắc chưa lập, mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa Quán ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở Kinh sư làm tăng.. làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cung điện của vua… nhân dân quá nửa là sãi” (Lời sử thần Lê Văn Phúc trong Đại Việt Sử toàn thư).

          Lòng tôn kính tam bảo của vua Lý Thái Tổ là tuyệt đối. Các triều vua sau : Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông cho đến Lý Thần Tông, Lý Huê Tông… mỗi vị với sự thông tuệ riêng của mình đều hướng tâm về đạo và thể hiện lòng kính ngưỡng và thể nghiệm. Vua Lý Thái Tông là vị Tổ thứ 7 thiền phái Vô Ngôn Thông, vua Lý Thánh Tông sáng lập thiền phái Thảo Đường, vua Lý Nhân Tông là Phật tử thuần thành, thâm hiểu lời Phật, ý Tổ. Vua là người đứng đầu nước, Thiền sư là đại diện của Đạo. Vua và Thiền sư là một, chẳng phải đạo là biểu tượng quốc gia, đóng góp vai trò không nhỏ cho sự cường thịnh của dân tộc.

          Kinh thành Thăng Long từ ngày đặt viên gạch xây dựng đầu tiên đã mang dấu ấn tinh thần Phật giáo. Phật giáo hiện diện rõ nét ởi các công trình kiến trúc chùa cảnh.

“Trung lập càn khôn vững đế đô

Mãng danh trấn quốc ở Tây Hồ”

Vua Lê Thánh Tông

          Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật, nơi các sư tu hành, nơi truyền dạy đạo lý, tri thức mà con là điểm trọng yếu, mang nặng trọng trách với quốc gia. Đối với các nhà lãnh đạo  thời ấy, ngôi chùa ởi những vị trí nhất định, có tầm quan trọng với nền an ninh của đất nước.

“Trấn áp đông tây củng đế kỳ

Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy

Sơn hà bất động kình thiên trụ

Kim cổ nam ma lập địa chùy”

(Trấn áp đông tây giữ đế đô

Ngang nhiên ngọn tháp vút lên nhô

Non sông vững chãi tay trời chống

Nay xửa khôn tiêu đất cắm vồ”

          Đó là bài thơ Phạm Sư Mạnh viết về tháp Báo Thiên. Tòa tháp độc nhất mang vóc dáng uy nghi, cao vòi vọi là chỗ dựa vững chắc cho kinh đô – trung tâm quyền lực chính trị, cũng như đạo Phật là điểm tựa tinh thần của dân tộc.

          “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia”. Cho đến đời vua Lý Thánh Tông 1070 dựng Văn Miếu, mở trường học, thì ngôi chùa là trường đào tạo nhân tài, đội ngũ trí thức phần lớn có xuất phát điểm từ chùa. Các Thiền sư không những uyên thâm nguyên lý giải thóat mà còn tinh thông Nho giáo, dịch lý và đạo giáo, là những vị thầy toàn diện. Tuy nhiên, kệ ngôn lưu truyền lại cho thấy tinh thần giác ngộ, giải thóat vẫn là vấn đề trọng yếu nhất của mỗi hành giả. Và chính tinh thần thắng vuợt đó mới thực sự có tầm ảnh hưởng thâm trầm nhất tới nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt lúc đó.

“Thân như điện ảnh hữu toàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

Thiền sư Vạn Hạnh

Hoặc

“Xuân khứ bách  hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sư trục nhân tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

Thiền sư Mãn Giác

          Nội thân cũng như ngọai cảnh đều chung qui luật vô thường. Tất cả luôn thiên diễn không ngừng nghỉ. Đời người bảy tám chục năm, dưới nhãn quan thẩm thấu của Thiền sư chỉ là tia chớp. Bao thăng, trầm, vinh, nhục, phải, quấy, được, mất, hơn, thua, thành bại, bao phấn đấu sự nghiệp, toan tính gần xa chẳng hóa ra vô nghĩa ? Vạn vật tuần hoàn, hóan đổi, tình người sao tránh khỏi đong đưa, điêu đảo, ưu phiền ? Nhưng với Thiền sư Vạn Hạnh, dâu bể tang điền như giọt sương đầu ngọn cỏ, đẹp lung linh, huyền ảo dù phút chốc thấy đâu. Nhân Giác thiền sư còn đó “một cành mai” “Nhất chi mai”, hình tượng hóa đó nói đến điều gì ? Niềm hy vọng vào tương lai ? Niềm an lạc, thong dong của cõi tâm? Hay cõi miền thanh  lương tịnh độ ? cõi chân thường, lạc, ngã, tịnh ? Vẻ đẹp của chận lý diện thành  “Nhất chi mai”

 

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không

Thiền sư Đạo Hạnh

          Cho là “có” thì tất cả đều “có”, cho là “không” thì không có gì không “không”. Như trăng đáy nước, cái nhìn về có không cũng như thế, tâm để ở trung đạo. Đặc biệt thời kỳ này có Ni sư Diệu Nhân thực hành sâu xa, thâm ngộ lý bất nhị.

“Sinh lão bệnh tử

Tự cổ thường nhiên

Dục cầuxuât ly

Giải phuợc thêm tiền

Mê chi cầu Phật

Hặc chi cầu thiền

Uổng khẩu vô nghiên”

          Sinh tử vốn là lẽ thường như thế ! với thực tại tuê giác, luôn ở trạng thái phi thời gian, trạng thái bất sinh bất diệt hay tứ niệm xứ miên mật, người hành giả thể nhập bản chất vô thường , vô nga. Còn khởi tâm cầu Phật, cầu thiền, hoặc cầu thóat ly sinh tử, còn cầu tức còn động tâm, mà mỗi lần động tâm liền đánh mất “trạng thái đó” - sự an nhiên tự tại để thấy “điện ảnh” thấy “lộ thảo đầu phô” , “Nhất chi mai” và theo Tuệ Trung Thượng Sỹ :

“Thanh tịnh tâm phi trần phi cấu

Kiên cố thân vô hậu vô tiền

Xuân hoa sắc đóa đóa hồng tiên

Thu nguyệt ảnh đoàn đoàn viên diệu”

(Tâm trong lặng không nhỏ không đục

Thân cứng bền không trước không sau

Hoa xuân hồng đóa đóa màu

Trăng thu sáng vầng vầng viên diệu)

          Mỗi trạng thái tâm, mỗi trạng thái tâm, mỗi niệm tâm, mỗi niệm tâm đều như mỗi đóa hoa, mỗi đóa hoa xuân mầu nhiệm; như mỗi vầng trăng, mỗi vầng trăng thu tròn đầy, toàn mãn. Thân như vậy, tâm như vậy... trong sáng, tinh tuyền... với thân tâm đó, Thiền sư không lộ  “vui cả ngày” nơi thôn dã.

“Tuyển đắc lòng xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực hướng cô phong đỉnh

Trường tiếu nhất thanh hàn thái hư

          Mỗi con người đều có “Cô phong đỉnh” . Thường thì ở đỉnh cô phong, con người không tránh khỏi nỗi buồn thấm thía. Tiếng cười “hàn thái hư” của Thiền sư lại như đánh thức cõi miền uyên nguyên mà hùng vĩ, tiêu sái mà khoáng hoạt của tâm hồn. Cũng với tâm đó, điều ngự giác Hoàng Trần Nhân Tông an cư nơi cảnh vắng :

Cảnh tịnh an cư tự tại tâm

Lương phong xuy đệ nhập tùng âm

Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển

Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim”

(Sống yên giữa cảnh lặng lòng không

Gió mát hiu hiu lọt bóng không

Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển

Thanh nhàn hai chữ đáng muôn đồng”

 

          Tâm, cảnh, cảnh tâm tương dung, tương nhiếp. Tâm an thì ảnh yên, cảnh thanh nhàn thì tâm hư tĩnh, xu hướng của người tu hành từ cổ chí kim là thân ở nơi am thanh cảnh vắng để dưỡng tâm. Tiến thêm một nấc thang ngôn ngữ, Tuệ Trung Thượng Sỹ dạy đức vua Trần Nhân Tông :

“Nhật nhật đối cảnh thời

Cảnh cảnh  tòng tâm xuất

Tâm cảnh bản lai vô

Xứ xứ ba la mật”

(Ngày ngày khi đối cảnh

Cảnh cảnh từ tâm ra

Cảnh tâm không có thật

Chốn chốn ba la mật”

          Hàng ngày, khi 6 căn tiếp  xúc với 6 trần sinh ra 6 thức. “Cảnh” trong “đối cảnh” thuộc về 6 trần “Cảnh trong “cảnh cảnh” là hình ảnh đã phản chiếu trong tâm, từ tâm (những ký ức lưu trữ sẵn) mà có ra yêu, ghét, lo, buồn, sợ hãi, phải, trái, đúng, sai, đẹp, xấu.v.v.. xét về bản chất, tâm cảnh biến ảo khôn lường, không có thực. Nhận thức được tính chất thực của tâm cảnh thì hưởng hương vị tự do, nơi nào không là chốn thong dong.

“Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân”

          Ấy thế ! Thiền học, thiền hành của các Thiền sư thời Lý - Trần là như thế. Đáng lý các  ngài có thể tiêu dao ngoài thế sự, an lạc với thiền tâm, nối thịnh hạt giống Thành. Nhưng nhu cầu của dân của nước thời đó không thể không làm động tâm các Ngài. Đất nước luôn bị giắc ngoài nhòm ngó, bên trong thì rối loạn do các thế lực luôn luôn sẵn sàng tranh giành quyền lực,  hoặc dân người lầm than dưới bàn tay sắt của các ông vua tàn bạo như Lê Long Đĩnh. Các vị thiền sư như Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh... không thể an nhiên mà không thể theo lòng từ bi ra tay giúp vua, giúp nước, giúp đưa người hiền tài lên nắm chính quyền. Vô  hình chung các Ngài như bóng râm mát của “cây cao bóng cả” chở che cho toàn dân. Nhưng phải nhìn nhận một điều khả kính các Ngài tuy ở địa vị cao sang làm Quốc sư, nhưng công danh không màng, phú quí không bận vẫn trụ cảnh chùa, hoặc khi có việc mới vào kinh đô. Thực là bất đắc dĩ với Ngài Tăng Thống Lâm Huệ Sinh. Khi vua Lý Thái Tông triệu về kinh , Ngài bảo sứ giả “Ông không thấy con vật cúng sinh sao ? người ta đem lụa là cho nó mặc, cỏ tươi cho nó ăn, đến khi bị dắt vào Thái miếu, nó có muốn xin làm con vật hèn mọn, vĩnh viễn còn không thể được huống nữa là các việc khác ư ?” Ở đây là thời kỳ Nhà nước đã đi vào ổn định, nhưng vua vẫn mời các thiền sư tài đức ra giúp nước.  Ngài Lâm Huệ Sinh tuy nói vậy, nhưng đã làm việc dưới hai triều vua Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Ảnh hưởng của Thiền sư đối với vua quan và nhân dân không hề nhỏ. Từ đạo phong cốt cách tới những giảng dạy theo kinh điển hoặc tùy căn cơ, theo giáo nghĩa hoặc Thiền cơ, cho đến đối đáp việc thế sự, đều có tác dụng như ánh sáng xua tan màn đêm tăm tối cho người nghe. Nhờ vậy, tùy cơ duyên lĩnh hội, mọi người hoặc thấu tỏ nguồn tâm hoặc bỏ ác hành thiện, bỏ tà qui chính. Từ trung ương phản chiếu xuống toàn dân như tấm gương lớn phản chiếu mọi nét sinh hoạt cộng đồng. Chính vì thế  giáo sư Hoàng Xuân Hãn có nhận định : “Đời Lý có thể gọi là đời Thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng  của đạo Phật”.

          Thật vậy, đời Lý có những vị vua yêu thương dân như chính con mình, có hoàng Thái hậu lo lắng cho dân từ những việc nhỏ nhiệm tới giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình. Có công chúa xuất gia chứng đạo lưu danh sử sách, có danh tướng trí dũng song toàn Lý Thường Kiệt, khi tiến khi lùi hợp thời, khi nhu khi cương phải phép, giúp cho đất nước yên bình, và cũng thông hiểu đạo Phật gần gũi chư tăng, dựng chùa, cất tháp trên thì hợp ý vua, dưới thì hợp lòng dân, tạo sự vững bền cho xã tắc.

          Kế thừa Phật giáo các đời trước,  Phật giáo đời Trần tiếp tục phát triển và mang một sắc thái riêng. Sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một bước ngoặc của lịch sử  Phật giáo Việt Nam, có ý nghĩa lớn đối với ý thức tự lực tự cường của dân tộc. Sơ tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông của Việt Nam có thể nói là một hiện tượng hy hữu.

          Từ ngày lọt lòng mẹ, Ngài đã mang dấu ấn nhà Phật, da sắc vàng, tướng mạo đoan nghiêm, vua cha đặt tên là Kim Phật. Khi trưởng thành, học hành thông suốt nội ngoại điển. Vua cha nhường ngôi, Ngài chối từ, lòng muốn xuất gia. Nhưng ý vua cha đã quyết, Ngài lên ngôi năm 21 tuổi, năm 41 tuổi xuất gia, thờ Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ làm thầy.

          Trong thời gian tại ngôi, Ngài đã tỏ rõ khí phách của một vị anh hùng, đại lượng một minh chúa , cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bá quan văn võ triều đình nhân dân cả nước hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Lấy yếu thắng mạnh, lấy ích địch nhiều, lấy nhu thắng cương. Hai cuộc chiến tranh đã chứng tỏ ý chí dân tộc mạnh mẽ dường bao, khi mà kẻ xâm lược đang trên đà chiến thắng trên bình diện rộng khắp, nhưng đến Việt Nam đã vấp phải sức phản kháng mãnh liệt, làm nhụt nhuệ khí của con mãnh sư. Bài học từ hai cuộc chiến thời vua Trần Nhân Tông sáng mãi trong lòng dân tộc Việt. Cũng giống như bao cuộc chiến khác, nhưng ở đây tỏ rõ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tâm đại hùng, đại lực, đại từ bi và đại trí tuệ của vua quan triều Trần. Trong cái thế “trứng chọi đá”, “trứng để đầu đẳng” mà không run sợ, không khiếp nhược, vẫn uyển chuyển tiến về phía trước, về phía thắng lợi cho nước cho dân.

          Làm vua, được tôi luyện qua hai cuộc binh lửa và xuất gia là thiền sư chứng ngộ tâm ấn thiền mở mang một dòng thiền thuần  Việt, Ngài tự tại vân du khắp nước,đi bộ sang tận Chiêm Thành, lên non Yên, xuống thung Vũ, đâu đâu cũng truyền dạy 10 nghiệp thiện cho dân, pháp lành nhà Phật thấm đượm khắp dân gian, tạo nên một chuyển biến về chất lượng sống cho  muôn dân.

          Lê Quát viết cho văn bia chùa Thiệu Phúc ở Bái Thôn thuộc lộ Bắc Giang năm 1270 “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người ,sao người ta tin sâu bền như thế. Trên từ vương công cho đến dân thường , hễ bố thí vào việc Phật thì tuy đổ hết tiền của cũng không sẻn tiếc , ví như ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì trong lòng hớn hở như cầm được khoán ước để hưởng được sự báo ứng này về sau. Cho nên trong từ kinh thành ngoài đến châu phủ cho đến thôn cùng ngõ hẽm, không bảo mà theo, không thề mà tin. Chỗ nào có nhà người ở tất chỗ đó có chùa Phật, hỏng rồi lại xây, hư  rồi lại sửa . Lâu đài chuông trống so với dân cư chiếm đến nửa phần. Đạo Phật thịnh rất dễ dàng mà sự tôn sùng lại rất lớn.

          Theo giáo sư Lê Mạnh Thát trong “Toàn tập Trần Nhân Tông” thì đạo Phật hưng thịnh cho đến cuối thế kỷ thứ 14, chắc chắn đã xuất phát từ hệ tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng.

“Cư trần lạc đạo khả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Cá trung hữu báu hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”

          Thân sống trong đời, tâm vui với đạo, tùy duyên hành xử. Tự tại ung dung đói ăn mệt ngủ. Quay ngược lại mình, đạo mầu ở đó, đừng tìm bên ngoài. Cảnh cảnh hiện ra, tâm không câu chấp, đâu cần tìm thiền. Bởi xuất phát từ tâm chứng ngộ, nên trong hệ tư tưởng này, đạo và cuộc sống không hề tách rời nhau. Mỗi con người sống trong cuộc đời của mình, sống trong các mối tương giao với tha nhân và ngoại cảnh, trong sự tịnh biến của thể xác từ trẻ tới già và đến cõi chết, trong sự lao tâm khổ xứ tìm cầu giải thoát hoặc phấn đấu lợi danh..v.v. mấy ai được :

“Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm

          Như thế “Cư trần lạc đạo” thực ra rất gần gũi, thiết thực cho cuộc đời mỗi người, dù ở bất cứ địa vị nào, dù tại gia hay xuất gia, dù ở thành thị hay núi rừng, chỉ cần nhận biết tự tính hay tỉnh thức mỗi giờ mỗi khắc, không chạy theo thanh sắc, không đắm trước trần cảnh thì sẽ tự an vui. Con người ở thời đại Phật Hoàng tùy căn duyên mà thể hội pháp vị an lành đó, giúp cho xã hội hình thành trào lưu tu học Phật, không câu nệ hình thức, không giới hạn tầng lớp, không gò bó tín ngưỡng. Anh hưởng của  nó còn mãi đến những  thế kỷ sau và dư âm đến tận ngày nay.

          Với các triều đại sau nữa như Hồ, Lê, Sơ, Mạc, Trịnh, Nguyễn, đạo Phật dù không còn rực rỡ như dưới tiều Trần, nhưng chất liệu của đạo từ bi đã thấm đẫm trong lòng dân. Cho nên, dù trải qua bao biến động thăng trầm của thời cuộc, đạo Phật vẫn song hành cùng dân tộc không rời. Mỗi cuộc vần xoay của nước là một lần người Phật tử thể hiện mình dưới muôn dáng vẻ nhưng đều vì một mục đích duy nhất là vì hạnh phúc, an lành của dân, vì đôc lập chủ quyền của nước.

          Hễ người có lương tri ít nhiều không thể không tự hỏi : mình sinh ra ở đâu ? chết đi về đâu ? cuộc đời có ý nghĩa gì khi sinh ra rồi chết ??? Người Việt từ xưa tới nay cũng như thế. Và khi đạo Phật truyền vào đất Viêt từ những năm đầu công nguyên đã được đón nhận như để trả lời cho những câu hỏi trên. Người trí thức qua nhiều triều đại, đi theo đạo Phật, tìm về những vùng thâm sâu, uyên náo của tâm linh mình, lần về gốc rễ của thể tính mình và an nhiên, bình thản trước vấn đề sống chết. Đó quả là kỳ tích cao quý nhất mà một con người  có thể đạt đến. Nhất là ở thời Lý - Trần, người đạo Phật đã đóng góp một phần không nhỏ tinh hoa tinh thần cho thời đại mình và lưu lại hậu thế vẻ đẹp tuyệt mỹ đó qua thi kệ .v.v. để ngày nay ta còn được chiêm ngưỡng.

          Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm, bao dấu tích của người xưa còn lưu lại ! và sự phồn vinh của ngày nay không khỏi nhắc ta hồi tưởng công đức của tiền nhân.

          Sắp tới đại lễ kỷ niệm, mỗi người Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng , dù ở vị trí nào, tôn giáo, tín ngưỡng nào hoặc không cũng trở nên gần gũi xiết bao và cùng ôn lại một thời Đại Việt đã xa. Quả là đã lâu, xa so với cuộc đời một con người , nhưng cũng thiết thân như đâu đây, kia Hoàng Thành, kia Trấn Quốc, kia Diên Hựu.v.v.. và phóng tầm tư tưởng 1 chút ta lại như thấy Tháp Báo Thiên biểu hiện lung linh cùng câu thơ :

“Trấn áp đông tây cũng đế kỳ

Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy”

          Và hình ảnh chuông Qui Điền.... một trong tứ đại khí của dân tộc.

          Xưa nay, cũ mới như đan xen, như hòa quyện, tạo nên âm hưởng ngàn năm bất tuyệt ! làm một người dân Việt, chúng ta không tránh khỏi niềm tự hào dâng lên, cả niềm xúc động ngẹn ngào khi nhớ về công ơn của cha ông ta và cả những gì thời đại chúng ta, thời đại Hồ Chí Minh đang kế tục vun trồng. Đúng như câu thơ của Thiền sư Trần Nhân Tông.

“Non sông nghìn thưở vững âu vàng”

 

 

Tài liệu trích dẫn

          “ Thơ văn Lý - Trần”

          “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”

                             Lê Mạnh Thát

          “Toàn tập Trần Nhân Tông

                             Lê Mạnh Thát

 

 Thích Nữ Như Hạnh

(Châu Đốc, An Giang)

Các tin đã đăng: