Lời tác giả: Ngày
30-4-2007, chúng tôi có cho đăng trên trang tin điện tử Phật tử Việt Nam
(
www.phattuvietnam.net) bài
Ngẫm về thân giáo ở Đại lão Tỳ kheo Phổ Tuệ với một số hình ảnh vê ngài.
Đến nay, sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, Đại lão
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã là Đức Đệ tam Pháp chủ, bài này đã được một
số website trong và ngoài nước đăng lại. Nhận thấy nội dung bài viêt nên
được giới thiệu đến đông đảo Tăng Ni, cư sĩ Phật tử, với ước nguyện,
khả dĩ mang đến chư quý vị đôi điều suy ngẫm trên con đường tu tập của
mình. Bài viết đã được chúng tôi chỉnh sửa đôi chút.
Đức Pháp chủ trong giờ nghiên cứu kinh điển
Thiền và Thơ
Trong lịch sử Thiền tông, dường như hết thảy các thiền sư đều có thơ
Thiền, ngay cả khi họ chưa biết chữ. Bài nào cũng hay. Không hay sao gọi
là thơ Thiền? Không có thơ Thiền sao gọi là thiền sư? Và làm gì có
thiền sư nào mà không là thi sĩ?
Dĩ nhiên ở đâu đó, danh từ này được dùng ở dạng tha hóa của nó.
“Thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp
điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc”. Do vậy, nó gần gũi với bản
chất của Pháp giới. Phải chăng, các thiền sư khi đạt tới một công phu tu
chứng nào đó thì có khả năng hòa cái tâm của mình vào cái tâm - pháp
thân của vũ trụ, và cũng là thơ của tự nhiên. Khi đó, họ khẽ bật móng
tay, khẽ đằng hắng để hé lộ ra chân tính của thiền, đó là thơ Thiền. (Ở
đây tôi chưa đề cập đến các công án - ánh chớp của thiền sư).
Do vậy, tác phẩm thứ nhất của một thiền sư đó là Thiền thi. Đương nhiên
với tư cách học giả, vị đó có thể để lại nhiều tác phẩm các loại khác
nhau, nhưng đó lại là chuyện khác, xa lạ với Thiền.
Và tác phẩm lơn nhất, cái làm cho thiền sư đích thực là thiền sư đó
chính là bản thân thiền sư: Sự đồng nhất thân - tâm.
Những dòng trên đây được tôi coi là những dòng phi lộ cho bài viết về
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Tổ Ráng - Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN.
Như ai đó đã nói: Lời khen của chúng ta không đủ làm các ngài cao thêm
và lời chê của chúng ta cũng không đủ làm các ngài thấp đi. Vậy thôi!
Có thể ai đó cho rằng, bài viết này của tôi là võ đoan. Nhưng không sao,
tôi yêu sự võ đoán của mình. Có lý thuyết nào ban đầu mà không ở dạng
võ đoán đâu!
Thơ Tết và chậu lan
Tổ Ráng yêu thơ và hay thơ. Những bài thơ Tổ viết ra thường chỉ được lưu
truyền trong chốn thiền môn. Mùa Xuân năm 2006, khi Tổ 90 tuổi, đâu đó
thấy có bài thơ “Cỗ Tết nhà chùa” của Tổ:
“Nhà chùa Tết nhất nghĩ mà vui
Lộc Phật ban cho đủ mọi mùi.
Giò Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác bánh
Chè Ba la mật, Pháp Hoa xôi
Kìa mâm Bảo Tích, bày trăm vị
Nọ đũa Kim Cương sắp bốn đôi
Chiếu giải Luật nghi nhà Trượng thất
Bạn cao Tăng đạo thỉnh lên ngồi”.
Trên mâm cỗ nhà chùa của Tổ đủ tên các món và đồ ăn thế gian: giò,
bánh, chè, xôi, mâm, đũa, chiếu… nhưng hương vị thì thấm đẫm Phật pháp:
chùa, Phật, Thủ Lăng Nghiêm, Đại Viên Giác, Đại Bát Nhã Ba la mật, Diệu
Pháp Liên Hoa, Đại Bảo Tích, Kim Cương, Luật nghi, Tăng…
Vật báu của chư Phật, huệ mạng của chư Bồ tát được Tổ bày ra,
không phải chỉ để kính để thờ, để chiêm ngắm, mà còn coi là món ăn, đồ
dùng. Luật nghi được Tổ trải ra làm chiếu... Rồi thức ăn được tiêu hóa:
tinh ba ngấm vào người, nuôi dưỡng và làm thanh tịnh thân, tâm; cặn bã
bị đào thải, lam thức ăn cho các loài khác. Tất cả đều qua đi, cùng lắm
cũng chỉ còn lại “Dư âm” (tên tác phẩm của Tổ). Đó há chẳng phải là tinh
thần rốt ráo của sự học Phật ư?
Chư Tăng đến đảnh lễ Đức Pháp chủ
Kỳ diệu thay, mâm cỗ ấy luôn tinh khôi, Tổ luôn để đó đợi bạn cao tăng!
Và có lẽ, chỉ có các bậc cao tăng mới đủ bản lĩnh và thần thức để thụ
hưởng cỗ Tết nhà chùa theo tinh thần Phổ Tuệ.
Trong nhà Tổ chùa Ráng có kê một cỗ sập cũ kỹ nhưng luôn sạch bóng. Trên
đó trống vắng, đôi khi chỉ duy có một chậu lan rất đẹp. Chắc được Tổ để
tâm nên chậu lan luôn tươi mới. Hoa thực chất cũng chỉ là bộ phận tạo
giống truyền thừa các thế hệ của cây cỏ mà thôi. Nhưng lan này có hoa mà
không đậu quả, giống như “con lừa ba chân” trong Khóa hư lục mà Tổ đã
chỉ dạy. Ở đó, sinh tử đoạn tuyệt!
Mỗi ngày là một ngày mới
Có ai đó đang đi đi về về chùa Ráng, thấy năm tháng trôi đi
dường như chẳng mấy đổi thay. Vẫn cảnh ấy, vẫn người ấy. Dấu ấn của thời
gian xoay vần quanh một Người - nhà sư Phổ Tuệ - Đức Đệ tam Pháp chủ
Phật giáo Việt Nam. Sang xuân 2008 này, Tổ đã sang tuổi 93, mà vẫn giữ
được bản tâm như trẻ thơ. Vì không cũ đi cho nên luôn luôn mới. Với Tổ,
mỗi ngày là một ngày mới.
Ai chẳng biết công việc ở chốn thiền môn thường xuyên lặp đi lặp lại,
nhàm chán. Nhiều lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi: không biết trong gần 90 năm
qua, Tổ lễ Phật đã bao nhiêu lần? Thế mà mỗi ngày lên chùa, đối với Tổ
vẫn kính cẩn, mới mẻ; khuôn mặt, ánh mắt đầy xúc cảm của thuở ban đầu.
Một mình lặng lẽ lau mắt kính để nhìn cho rõ, đâu đó nơi cao xanh. Tôi
thấy trên khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, rõ mồn một hình ảnh chú Sa di Phổ
Tuệ trong sáng, hồn nhiên của gần 90 năm trước. Thời gian hơn một đời
người bình thường đã trôi qua, cái tâm ban đầu vẫn không đổi khác, đó
chẳng phải là thiền sao?
Thiền hành: cối đá và cầu ao
Trên lối ngách từ nhà bếp lên nhà Tổ ở chùa Ráng, không xây bậc tam cấp,
cho dù thềm cao tới 1m, trước đây, đặt vào đó là cái cối đá vỡ đôi được
buộc lại sơ sài bằng một sợi lạt tre, chông chênh, rất nguy hiểm cho
người đi lại. Ban đầu mấy lần tôi suýt ngã. Hú vía! May chống được tay.
Nhưng vị sư già hơn 90 tuổi vẫn thong dong đi lại hàng đêm, bình an, như
không.
Tôi đã được nghe ở đâu đó nói về thiền hành, sự thong dong, thảnh
thơi, vững chãi trên những con đường uốn lượn, trong những cánh rừng
râm mát hay trong những thiền đường thâm nghiêm. Đối với Tổ Ráng, thiền
hành theo nghĩa đó thật hiếm gặp. Con đường mà Tổ thiền hành hàng ngày
lắm gập ghềnh, đầy gai tre.
Trong tôi bỗng dội lên hình ảnh thầy Phổ Tuệ cao gầy, trong suốt hơn nửa
thế kỷ, chiêm mùa đôi vụ, lấm lem trên những luống cày, mùa Hạ nóng
chết đỉa, mùa Đông lạnh buốt xương, chân tay nứt nẻ. Mồ hôi cay sè trên
mắt, mặn chát trên môi. Và đêm về: tụng kinh, niệm Phật, đọc sách, luyện
chữ… Nhẫn nại, kiên cường để làm nên một thiền sư mà chúng ta đang thầm
nhắc hôm nay.
Trước đại điện chùa Ráng có vạt ao sen, “bãi bể nương dâu”, nay có thêm
một bảo tháp thờ Phật ở giữa. Vạt ao được chia làm hai, nhỏ và xinh hơn,
nhưng không còn cái thoáng đãng, hoang sơ. Trên ao có chiếc cầu tre nhỏ
xa, và chênh vênh. Đó là cầu hái sen cúng Phật, lấy nước tưới rau, tắm
giặt, có lẽ là tất cả và hơn thế nữa!
Tôi thấy dội ở đâu đó về ảnh tưởng: Chạng vạng chiều mùa Hạ năm nào đó,
trên cầu ao vài nhà sư áo buộc vạt, chân lấm bùn trầy trợt gánh nước làm
vườn. Đêm về, chụm đầu bên ngọn đèn dầu mải mê dịch kinh, viết sách.
Rồi kẻ đi, người ở, tử biệt, sinh ly. Nhưng tôi tin rằng, sự cộng thông
tâm tưởng của chư vị chưa hề cách quãng.
Đồng dạng với Phật và Tổ
Có người ở đâu đó khi về chùa Ráng đã khởi tâm thương xót: nhà chùa
thanh bạch và vất vả quá; có chăng an ủi đôi phần là thấy Tổ mạnh khỏe:
sang tuổi 93 mà thuyết Pháp vẫn sang sảng, làm việc luôn tay, đi lại
nhanh nhẹn với đôi guốc mộc tự đẽo trên những lối đi lổn nhổn gạch đá,
rễ cây chằng chịt mà không hề vướng vấp; nhiều lúc sợ Tổ ngã, ai đó
nhắc, Tổ khẽ gắt lại: Sao mà ngã được! Hơn 90 tuổi hoa mắt là chuyện
thường, chẳng ai giận Tổ cả.
Khi giảng Pháp, Tổ thường vận những tấm y cũ, vải thô, nhiều khi chấm
rách đôi chỗ. Hết mực giản dị mà vẫn uy nghi, trác việt. Không biết
2.500 năm trước, Đức Thích Ca ăn mặc ra sao, nhưng đâu đó có bài vịnh
rằng:
“Rồi từ đó trên bước đường vạn dặm
Một bóng người trong manh áo tả tơi
Mãi dấn thân vào hạnh nguyện độ đời
Người đi mãi trên con đường giải thoát”.
Rồi khi Tổ làm ruộng, làm vườn, chẻ củi, quét tước… Tổ đâu có xa lạ
với chư Tổ tiền bối. Phải chăng tu là làm theo, nói theo, nghĩ theo
những điều ma chư Phật, chư Tổ đã nói, đã làm? Mục đích là từng bước đạt
tới sự đồng dạng, ngày càng trùng với chư Phật và chư Tổ? Tôi chợt giật
mình thấy rằng “Tổ” đâu có xa! Dân chúng và các thầy đều đã gọi đấy
thôi!
Thi thoảng có khách “sang”, ai đó nhắc Tổ thay y. Chiều lòng, Tổ đi
thay, (Tổ cũng chẳng thiếu vài manh áo), nhưng lại ngâm nga ngầm mắng:
“Thế gian hoa mắt áo quần sang
Tăng sĩ cần chi phải điểm trang
Đẹp lắm thời càng đam mê lắm
Ăn nhờ tín thí chớ huênh hoang”.
Thực ra cả đời Tổ Ráng cho tới tận bây giờ, sống luôn khắc khổ, tự
lực cánh sinh, tự cấp tự túc, với Tổ dường như “một ngày không làm là
không ăn” theo gương một vị Tổ tiền bối nào đó.
Thuở tráng niên và sau này, Tổ không có điều kiện theo học các trường
lớp lớn và chính quy. Không được học nhiều ngoại điển, Tổ chỉ học Phật,
chư Tổ ở các Tổ đình và tự học, miệt mài, cần mẫn, chuyên sâu, “học
không biết chán”, triệt để theo Văn - Tư - Tu của nhà Phật. Thời gian
gần một thế kỷ trôi đi, đã hun đúc nên một Đức Pháp chủ không ngại mang
danh Phổ Tuệ của ngày hôm nay.
Tổ chỉ biên soạn, dịch thuật, trước tác: Bách Dụ Kinh, Phật Tổ Tam Kinh,
Bát Nhã Dư Âm, Đề cương kinh Pháp Hoa, Phật học là Tuệ học, tham gia
biên tập Đại Tạng kinh Việt Nam, Đại Luật, Từ điển Phật học, v.v... Và
giảng dạy: Luật nghi, Lăng Nghiêm, Duy thức học, Nhị khóa hiệp giải… Còn
các lĩnh vực ngoại điển khác thì Tổ không mấy khi đề cập!
Cho dù đã hơn sáu mươi năm “dạy không biết mỏi”, thế mà đến ngày Nhà
giáo Việt Nam, chư đệ tử đến mừng thầy thì Tổ không ngần ngại gạt đi mà
bảo: Chúng tôi không phải là nhà giáo, chúng tôi trước sau chỉ là nhà tu
hành. Chẳng biết là sao!
Với chiếc máy ảnh hiện đại trên tay, quanh quẩn ở chùa Ráng, có lẽ nhiều
nhà nghiên cứu Phật học đã tần ngần rằng, một bậc chân tu và Phổ Tuệ
như vậy mà không có điều kiện để trở nên quảng bác ngoại điển. Còn thầy
Tịnh Hạnh từ Đài Bắc tới thì có lẽ không tin nổi là chùa Ráng chẳng có
thư viện nào cả, sách vở chẳng có gì ngoài mấy giá kinh Phật.
Chữ danh
Tuy trước đây, đứng ra gánh vác các trách nhiệm như Hạ chủ các trường hạ
của Hà Tây, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hà Tây, Hiệu
trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây, Đại lão Giáo thụ của HVPGVN,
Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng Biên
tập Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Phó ban Tăng
sự, Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký HĐCM và bây giờ là Đức Đệ tam Pháp chủ
Phật giáo Việt Nam, vậy nhưng Tổ Ráng nhàn thế sự lắm! Rất ít khi Tổ ra
nơi đô hội, thi thoảng thôi. Có ra thì lại vội trở về.
Có nhiều vị ở Trung ương Giáo hội cũng như
đông đảo Tăng Ni, cư sĩ Phật tử mong mỏi và đề đạt nguyện vọng thỉnh cầu
Đức Pháp chủ ra trụ xứ tại chùa Quán Sứ - Trụ sở của Trung ương Giáo
hội, nhưng không hiểu sao Tổ không ra hẳn, mà chỉ đi đi về về khi có Đại
Phật sự thôi. Còn thường nhật, Tổ trụ tại chùa Ráng - Viên Minh tự,
cách Quán Sứ 60 cây số, tại Xã Quang Lãng huyện Phú Xuyên - Hà Tây, là
nơi xa xôi cách trở, điểm cực Nam của Hà Tây, tiếp giáp với Hưng Yên và
Hà Nam.
Phải chăng Tổ sống như chư Tổ thường dạy:
“Nhập trần tri túc tâm thường lạc
Xuất thế vô cầu phẩm giá cao”.
Chùa Ráng là nơi đặc biệt vắng vẻ, ngay cả ngày tuần. Dân lân cận ít đến
vì đây là chùa hai dân - chung của hai làng. Khách nơi xa thì hy hữu
lắm.
Nhà chùa thường có một bầy chó rất đông. Tổ thương lắm. Đích thân Tổ
thường trộn thức ăn cho chúng và cởi dây thả chúng ra trước các bữa ăn,
ngày nào cũng vậy, đã hàng nhiều chục năm. Tổ gọi chúng là các cháu, đôi
khi mắng mỏ. Tổ nói chuyện với chúng như với những người bạn khác loài.
Có lúc 3 - 4 giờ sáng, chúng ngồi quanh Tổ trước nhà Tổ nghe Tổ giảng
Pháp. Tổ coi chúng như người. Chúng nghe lời Tổ như người nghe, biết
lạy, dường như hiểu cả, chỉ không biết nói. Tôi bàng hoàng chợt nghĩ đến
đâu đó sâu xa. Có lúc thấy chúng rơm rớm nước ở nơi khóe mắt? Tôi thấy
cũng lạ thật, mà chưa dám hỏi Tổ. Có lẽ nên tự hiểu thì hơn.
Bên ngoài trời đã tang tảng sáng, chuông đồng hồ thong thả điểm 4 tiếng,
sương giăng đầy một màu nước gạo. Sau thời khai tỉnh, bóng vị sư già 93
tuổi - Đức Đệ tam Pháp chủ của chúng ta, vẫn vậy, trong tấm áo choàng
nâu sồng cũ kỹ muôn thuở, không chút thay đổi, lại thấp thoáng trên
những lối đi quen thuộc. Tiếng guốc lọc cọc khi gần khi xa. Dư âm của nó
lan tỏa vào thinh không. Phương Đông rạng, hắt ánh hồng nhạt lên bầu
trời sớm mùa Xuân sinh.Chúng tôi giật mình nhận ra, mình đang sống trong
một ngày mới.