I. Tiểu sử: Tổ Khánh Anh (1895-1961)
Tổ Khánh Anh trụ trì Tổ đình Phước Hậu, ngài có tên đời là
Võ Hóa, sanh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng
Ngãi.
Năm 1916, ngài quy y thọ giới nơi sư cụ chùa Cảnh Tiên với pháp danh là
Chơn Quý.
Năm 1917, ngài làm đạo ở chùa Quang Lộc tỉnh Quảng Ngãi.
Sau đó, ngài tu học Kinh, Luật, Luận ở chùa Khánh Long bên bờ sông Vị
(Quảng Ngãi) phía biển, ở đây ngài thọ giới Tỳ kheo với pháp hiệu là
Khánh Anh.
Năm 1927, ngài được thỉnh vào Nam do bà Tư Sơn Quảng Thị Lợi (Trà Ôn)
cùng bà Hai Ngó ở Bạc Liêu thỉnh ngài làm giáo thọ cho trường hương
(trường hạ) tại chùa Giác Hoa. Chùa này do bà Hai Ngó cúng cất tại Cái
Dầy, tỉnh Bạc Liêu.
Sau đó, ngài về trụ trì chùa Đông Phước, xã Đông Thành, huyện Bình Minh,
Vĩnh Long.
Đến năm 1931, ngài được thỉnh về trụ trì chùa Long An (Đồng Đế) quận Trà
Ôn, tỉnh Vĩnh Long (ngài về đây cũng do bà Tư Sơn Quảng Thị Lợi cùng
một số Phật tử thỉnh rước. Năm 1932, ngài nhận chức Pháp sư giảng dạy
cho Liên đoàn học xã tại chùa Thiên Phước, Trà Ôn 3 tháng, chùa Rạch
Miễu ở Mỹ Tho 3 tháng.
Năm 1935, ngài nhận chức Đốc giáo tại Phật học đường Lưỡng Xuyên chùa
Long Phước (Trà Vinh). Ngài hợp tác với quý HT.Tuyên Linh (Lê Khánh
Hòa), HT.Huệ Quang (cố Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt) để xây dựng
cơ quan đào tạo Tăng tài hầu truyền trì đạo pháp tại miền Nam. Thời gian
này HT bắt đầu viết nhiều bài cho báo Phật giáo, trong đó có báo “Duy
Tâm Phật Học” để cổ xúy việc chấn hưng phong trào Phật học nước nhà hầu
theo kịp Phật giáo nước bạn như Trung Hoa, Nhật Bản.
Năm 1940, ngài làm Pháp sư dạy trường hương chùa Thiên Phước ở Tân Hương
(Tân An) 3 tháng.
Năm 1941, ngài đến dạy trường hương chùa Linh Phong, Tân Hiệp (Tân An).
Năm 1942, HT được cung thỉnh về làm trụ trì chùa Phước Hậu, quận Tam
Bình, Vĩnh Long. Ở đây, ngài mở nhiều lớp Phật pháp cho Phật học cư sĩ
cho đến năm 1945 HT mở trường dạy Tăng Ni ở chùa Long Hòa, Tiểu Cần, Trà
Vinh.
Năm 1946 tại chùa Phước Hậu, Tam Bình, HT nhập thất nghiên cứu Tam tạng
kinh, soạn thảo, phiên dịch rất nhiều kinh, sách.
Đầu năm 1955, Hội Phật học Nam Việt thỉnh HT vào Ban Chứng minh Đạo sư.
Ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Dậu (31-3-1957) toàn thể Đại hội Tăng, Ni
và Phật tử miền Nam tại chùa Ấn Quang suy tôn HT lên ngôi Pháp chủ để
lãnh đạo tinh thần Phật giáo miền Nam (lễ tấn phong này được tổ chức tại
chùa Phước Hậu vào đêm). Cũng tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn), một Đại hội
Giáo hội Tăng già toàn quốc kỳ II, ngày 10-9-1959 toàn thể Hội nghị đã
long trọng suy tôn HT lên ngôi Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc.
Cả đời HT luôn luôn tinh tấn tu trì. Ngài luôn siêng năng xem kinh đọc
sách và hành trì pháp tu. Ngài ngồi thiền và niệm Phật rất chuyên.
HT viên tịch vào lúc 4 giờ chiều ngày 30-1 năm Tân Sửu (16-4-1961), tại
chùa Đồng Đế khi ngài viếng thăm chùa cũ chúc Tết bổn đạo nơi ấy. Nhục
thân ngài được chuyển về Tổ đình Phước Hậu sau đó lúc trời sụp tối. Ngài
đã an nhiên thị tịch giữa các hàng đệ tử, để lại biết bao nuối tiếc cho
Tăng Ni tín đồ trong thời đại ấy. Ngài trụ thế được 66 tuổi.
II. Phật tánh:
HT.Khánh Anh khi sinh thời có nhiều đệ tử Ni. Trong đó có hai Ni sư
Thích nữ Giáo Hùng và Thích nữ Giáo Điều. Hai vị thường được gọi là Ni
sư Hai và Ni sư Tư. Khi hai Ni sư ra riêng, rời chùa Phước Hậu để cất
một ngôi chùa Ni, việc này HT.Khánh Anh đã đặt tên chùa cho hai vị là:
Chùa Phật Tánh. Ngôi chùa này hiện còn cách chùa Phước Hậu khoảng 500m
về mặt đối diện lộ hướng Trà Ôn, Bình Minh tức nằm bên trái của ngôi
chùa Phước Hậu.
Với hai chữ “Phật tánh” điều này đã nói lên sự thâm hiểu và sức sống của
HT đối với đạo lý Phật Đà. Phải chăng HT Tổ ngài đã giác ngộ lý Phật
tánh và thâm nhập sức sống này?!
“Phật tánh” được trình bày rải rác trong kinh sách Đại thừa, rõ ràng
nhất là ở kinh Đại Bát Niết Bàn. Và ở nơi Ngữ Lục của Tổ sư Thiền, tiêu
biểu là Đức Lục tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ 6 được nối truyền từ Tổ Bồ Đề Đạt
Ma và nguồn gốc là từ Tổ thứ 1 Đại Ca Diếp cùng thỉ Tổ Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni . Đức Lục tổ Huệ Năng đã dùng từ “Phật tánh” ở kinh Pháp Bảo
Đàn để làm sáng tỏ dòng thiền Đạt Ma. Từ đó, dòng thiền này được lan
rộng khắp đất nước Trung Hoa tràn sang Đại Hàn, Nhật Bản sang Việt Nam
và hôm nay lại sang nhiều nước trên thế giới.
“Phật tánh” là thể hiện sức sống Phật thường trụ bất biến trong tâm mỗi
chúng sinh. Sức sống này luôn luôn bất diệt, không thay không đổi dù
chúng sinh có thay đổi qua hàng triệu kiếp, qua hàng triệu sinh mệnh,
luân hồi hàng tỉ tỉ năm, từ con người đến Trời, Quỷ thần, A tu la, địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v… suốt trong 6 cõi luân hồi, dầu vậy “Phật
tánh” này vẫn không bao giờ thay đổi. Giống như hư không không bao giờ
thay đổi trong tất cả tình huống, dầu trời có sập, đất có lở, các hành
tinh tan biến thì hư không vẫn mãi mãi là hư không, không một chút thay
đổi nào.
“Phật tánh” là năng lực sống của tất cả chúng sinh, dầu ai tin Phật hay
không tin Phật, dầu ai có là đạo Phật hay không là đạo Phật thì “Phật
tánh” này - năng lực sống này vẫn hiện tiền, vẫn có mặt ở trong chúng
sanh.
“Phật tánh” - năng lực sống - trong ấy không niềm đau nỗi khổ, không
sinh tử, không luân hồi, không thiên đường, không địa ngục, không trời
người… không tất cả, đó là chỗ mà Đức Lục tổ Huệ Năng nói: “Bổn lai vô
nhứt vật” (xưa nay không một vật). Đó là chỗ mà trong kinh văn nhất là
hệ Bát nhã gọi rằng: KHÔNG. Đó là chỗ mà đạo Phật Việt Nam đã từ rất lâu
xa (có khoảng 2.000 năm) đã gọi là cửa KHÔNG (KHÔNG môn). Cửa KHÔNG đó
là cửa chùa, là cửa Thiền, là cửa đạo - cửa Phật. Chữ KHÔNG ấy đã trải
dài trong lịch sử Phật giáo Việt Nam kể cả trong văn học Việt Nam. Thế
nên “Phật tánh” đó tức là tánh Không đó - Tâm ta đó. Và chính chữ Tâm
này khi hiểu ra qua kinh Kim Cang, thi hào Nguyễn Du đã thốt lên một lời
bất hủ rằng: “CHữ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI”. “TÂM KIA”, là tâm nào?
- Ấy là tâm Kim cang Bát nhã Ba la mật, là tâm mà trong kinh Kim Cang
gọi là tâm “Bồ đề”. Tâm Bồ đề tức tâm Như Lai vậy. Tâm Như Lai tức tâm
Phật = Phật tánh.
- Phật Tánh = Tâm Như Lai = Tâm Bồ đề = Tâm Ma ha Bát nhã Ba la mật đa =
Tâm kia = TÂM = KHÔNG = Năng lực sống.
“Phật tánh” tạm nói lên như vậy. Như thế HT.Khánh Anh đã cố tình tuyên
dương “Phật tánh” giữa con đường dẫn đến đất Sài Gòn xưa. Có phải ngài
mong rằng Phật tánh sẽ được phổ biến một cách rộng rãi từ thôn quê đến
thành thị trong lãnh thổ đất Tiên Rồng.
Có phải ngài muốn phổ độ chúng sanh bằng giáo pháp Phật tánh?
Cái tên Phật tánh sâu xa vô cùng tận. Người ngộ và sống được bằng Phật
tánh nhất định người ấy sẽ thoát ly sanh tử, sẽ thoát ly khổ não ngay
trong cuộc sống này. Đó là chỗ mà cụ Nguyễn Du đã thể hiện trong cuộc
đời của ngài, Nguyễn Du đã mất gần 300 năm mà cái nhìn ấy, lối sống ấy
vẫn bất diệt trong lòng con cháu Lạc Hồng: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ
tài”. Thật thâm thúy biết dường nào.
HT.Khánh Anh - ngài đã mất đến nay là 47 năm mà lời của ngài để lại cho
Tăng Ni, Phật tử Việt Nam một lời nói ngắn gọn mà thăm thẳm vi diệu vô
cùng: “Phật tánh! Phật tánh!”.
Chúng ta để tưởng niệm ngài trong lần giỗ thứ 47 này (2008) hãy gặm nhắm
hai tiếng “Phật tánh! Phật tánh!” xem nào, có mùi vị gì hay không?
HT.Thanh Từ là cháu nội trong dòng pháp của Tổ, HT.Thanh Từ hiện còn
sanh tiền đã trải mấy mươi năm qua gần 40 năm trời HT đã làm gì? Đâu
không phải HT.Thanh Từ đã bằng sức mình cố gắng biết bao để làm sáng tỏ
một từ ngữ “Phật tánh” đó sao! HT.Thanh Từ chẳng những đã trải rộng từ
ngữ “Phật tánh” trên khắp đất nước Việt Nam hiện nay mà còn bủa giăng
trên năm châu bốn biển nữa. Hòa thượng thật sự xứng đáng là con cháu của
Tổ.
Mong rằng những ai là con cháu Phật Đà trên đất nước Việt Nam và
trên khắp thế giới hãy nếm trải được hương vị ngọt ngào của “Phật tánh”.
Kính lạy giác linh Tổ HT.Thích Khánh Anh.