Là một trong những thiền sư đầu tiên tại Mỹ, Philip Kapleau
được xem là người có công lao đặc biệt quan trọng trong việc truyền bá
đạo Phật nói chung và thiền tông nói riêng trên xứ sở Hợp chủng quốc.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, để trở thành một thiền sư lừng danh ở thế
giới phương Tây, cuộc đời tu thiền của Philip Kapleau đã trải qua không
ít những khó khăn, gian khổ nhưng cũng vì thế mà đầy ắp những câu
chuyện thú vị…
Từ vị quan tòa mê Thiền…
Thiền sư Philip Kapleau sinh năm 1912 trong một gia đình theo đạo Tin
Lành thuộc tầng lớp lao động ở New Haven thuộc bang Connecticut ở miền
đông bắc nước Mỹ. Cho đến trước năm 35 tuổi, khi Philip Kapleau bắt đầu
những suy tư đầu tiên về Thiền, vị thiền sư Tây phương này đã sống một
cuộc sống bình thường như rất nhiều thanh niên Mỹ lúc bấy giờ. Khi đến
tuổi trưởng thành, Philip Kapleau bắt đầu kiếm sống bằng nghề kế toán
tại một cửa hàng.
Sau đó ít lâu, Philip Kapleau quyết định theo học một khóa đào tạo luật
ngắn hạn. Sau khóa học, Philip Kapleau may mắn có được một chân báo cáo
viên trong tòa án liên bang ở Connecticut. Nghề báo cáo viên tòa án
không để lại ảnh hưởng gì lớn trong sự nghiệp của Philip Kapleau, tuy
nhiên, nó lại chính là con đường dẫn Philip Kapleau đến với Thiền tông
nơi ông có được sự nghiệp lừng lẫy của mình.
Bước ngoặt trong cuộc đời của vị thiền sư phương Tây bắt đầu vào năm
1945 khi ông được lựa chọn làm báo cáo viên trong hai phiên tòa xử tội
ác chiến tranh của Tòa án Quân sự Quốc tế tại Nuremberg, Đức. Tiếp đó,
ông lại được chỉ định vào vị trí tương tự trong phiên tòa xử tội ác
chiến tranh diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Và đó cũng là thời điểm lần đầu
tiên, Philip Kapleau biết tới Thiền tông.
Tháng 3/1947, Philip Kapleau đến làm việc tại Tòa án Quân sự Quốc tế tại
Tokyo, Nhật Bản. So với phiên xử những tên tội phạm chiến tranh của
phe phát xít, những kẻ vừa thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới thứ
2 diễn ra tại Đức mà Philip Kapleau tham dự trước đó ít lâu, phiên xử ở
Tokyo diễn ra dễ chịu và ít căng thẳng hơn. Và điều này để lại ấn
tượng mạnh đối với Philip Kapleau.
Vị báo cáo viên 35 tuổi cảm thấy rằng những người Nhật ông nơi đây
không giống với những người Đức ông đã từng gặp. Họ tỏ ra là những
người sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của riêng mình để trả giá cho
những nỗi đau mà họ đã gây ra cho những người khác.
Một điều khác cũng khiến Philip Kapleau ấn tượng không kém chính là
sự bình an và tĩnh lặng đến tuyệt vời ở nước Nhật dù chiến tranh mới đi
qua không lâu, đặc biệt là vào những buổi chiều khi ông chạy bộ dưới
những tán cây dẫn vào các thiền viện.
Từ việc bất ngờ, rồi tò mò và hiếu kỳ, Philip Kapleau đã bắt đầu tìm
hiểu nguyên nhân vì đâu có sự khác biệt giữa những người Nhật và người
Đức, dù trước đây họ từng thuộc phe phát xít. Và Philip Kapleau biết
được rằng, việc người Nhật sẵn sàng chấp nhận những trừng phạt là vì họ
luôn tin vào “Luật nghiệp quả báo ứng”.
Khái niệm về luật nhân quả này cuốn hút Philip Kapleau vì nó hoàn
toàn khác với sự tự bào chữa mà ông từng thấy ở Đức. Philip Kapleau
quyết định tìm hiểu về khái niệm thú vị này. Và sự tò mò đã tạo ra cơ
duyên đưa Philip Kapleau đến với đại sư D.T. Suzuki.
Tại thành phố Kamakura, ông gặp và tiếp xúc với Suzuki, nghe giảng
giải về cốt lõi của nghiệp quả và giáo lý thiền Đại thừa. Sau những
buổi giảng ngắn ngủi ấy, Philip Kapleau bắt đầu quan tâm đến Phật giáo.
Khi phiên tòa ở Tokyo kết thúc, Philip Kapleau quay trở lại mỹ và
tiếp tục làm việc tại tòa án Connecticut. Tuy nhiên, cuộc sống của ông
đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau hai phiên tòa xử tội phạm chiến tranh ở
Đức và Nhật. Những ấn tượng, suy tư không thể giải quyết triệt để cứ
quanh quẩn trong đầu ông. Philip Kapleau muốn tìm hiểu và học Thiền,
nhưng khi ấy, Thiền tông chưa đến được nước Mỹ.
Philip Kapleau đã phải tham gia một lớp giáo ly đạo Bahai và những
cuộc họp của Hội Vệ Đà, tuy nhiên, tất cả đều không đem lại tác dụng.
Mọi sự thay đổi chỉ bắt đầu khi thiền sư D.T. Suzuki đến Mỹ vào năm
1950. Ngay lập tức, Philip Kapleau ghi tên tham dự lớp học triết lý
Phật giáo thiền do Suzuki đứng lớp.
Trong những bài giảng ấy, thiền sư Suzuki có nói với các học trò của
mình rằng: “Thiền không phải là triết học mà là một lối sống. Nếu các
vị muốn học Thiền nên đến thẳng Nhật Bản, các vị phải sống với nó và
cuộc đời của các vị sẽ thay đổi”. Câu nói của thiền sư Suzuki đã tác
động mạnh tới Philip Kapleau và vị báo cáo viên tòa án quyết định đến
Nhật Bản để học Thiền.
Vào năm 1953, ở tuổi 44, Philip Kapleau bỏ việc tại tòa án để đến
Nhật xin được xuất gia học Thiền. Tuy nhiên, lòng nhiệt tâm của Philip
Kapleau đã bị dội một gáo nước lạnh khi hai vị thiền sư đầu tiên mà ông
tới gặp đã từ chối không nhận ông làm đệ tử vì ông không biết tiếng
Nhật. Với sự kiên nhẫn và lòng nhiệt thành cuối cùng một thiên sư tên là
Soen Nakagawa ở chùa Hosshinji đã tiếp nhận Philip Kapleau.
Sau ba năm tu tại chùa Hosshinji, sức khỏe của Philip Kapleau ngày
một tệ đi vì những giới luật khắc nghiệt và chế độ ăn uống thiếu thốn ở
nơi đây.
|
Thiền sư Philip Kapleau |
Nhận thấy rằng, Philip Kapleau không thể tu thiền theo cách thông
thường như những người khác, thiền sư Soen đã giới thiệu ông tới gặp
thiền sư Harada. Soen nói với Kapleau rằng: “Cậu sẽ có được một sư phụ
tốt hơn nhiều”. Sau khi theo học Harada 3 năm, Philip Kapleau tiếp tục
theo học một thiền sư khác tên là Yasutani, người kế thừa thiền sư
Harada. Và đây cũng là thiền sư mà Philip Kapleau theo học lâu nhất.
Nhờ vào những nỗ lực học tập không ngừng, vào mùa hè năm 1958, Philip
Kapleau đã đạt ngộ và được thiền sư Yasutani ấn chứng ban cho danh
hiệu “Thiền sư”. Thời gian sau đó, Philip Kapleau kết hôn, sinh con và
bắt đầu giảng dạy trong các thiền viện dòng Harada-Yasutani. Và cũng
bắt đầu từ đây, Philip Kapleau chính thức bước vào cuộc hành trình
truyền bá Thiền tông đến với xứ sở phương Tây.
Đến thiền sư phương Tây nổi tiếng nhất thế giới
Với khả năng ghi tốc ký của người báo cáo viên tòa án cộng với khả
năng thành thạo Nhật ngữ của mình, Philip Kapleau được thiền sư
Yasutani cho phép ghi lại hầu hết các bài giảng về Thiền, phỏng vấn học
sinh, các thiền sư cũng như ghi chép tỉ mỉ về cuộc sống của những
người thực hành Thiền tông.
Philip Kapleau là người phương Tây đầu tiên được phép chi chép lại
những bài giảng về Thiền. Và chính điều này đã giúp Philip Kapleau có
được cuốn sách nhập môn Thiền kinh điển của người Tây phương. Tập hợp
những gì đã ghi chép và quan sát được, Philip Kapleau đã biên soạn
thành cuốn sách với tựa là “Ba cột trụ của Thiền”.
Cuốn sách đã được in và xuất bản tại Nhật vào năm 1965 bằng tiếng Anh
với số lượng 150 ngàn cuốn. Cuốn sách này sau đó đã được phát hành đi
khắp thế giới và được chuyển dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau.
Nhưng sự nghiệp truyền bá Thiền tông của vị thiền sư Tây phương này
không chỉ dừng lại ở đó.
Sau 13 năm tu học tại Nhật, năm 1965, Philip Kapleau quyết định trở
về Mỹ và bắt đầu sứ mệnh truyền bá Thiền tông tới xứ sở Hợp chủng quốc.
Đó là thời điểm, ông gặp hai trong số những độc giả đầu tiên của cuốn
sách “Ba cột trụ của Thiền” xuất bản tại Nhật, hai thương nhân Ralph
Chapin ở New York và Dorris Carlson ở Rochester.
Sau khi về nước ít lâu, Dorris Carlson đã mời ông tới Rochester để
thăm một nhóm nhỏ những người tu học Thiền tông theo hướng dẫn của ông
trong cuốn sách “Ba cột trụ của Thiền”.
Cho tới tháng 6 năm 1966, dưới sự giúp đỡ của Carlson, Philip Kapleau
đã thành lập trung tâm Thiền Rochester. Ngay từ khi mới thành lập,
trung tâm Thiền của Philip Kapleau đã liên tục mở những khóa tu cho các
thiền sinh Mỹ đến tham dự. Và ngay lập tức, nó đã gây được tiếng vang
lớn.
Từ giữa thập niên 60, thiền sư Philip Kapleau bắt đầu những chuyến đi
giảng về Thiền trên khắp nước Mỹ. Philip Kapleau nói chuyện ở các
trường cao đẳng, đại học, các hội nghị,… Bất cứ là thành phần nào, tầng
lớp nào, muốn được nghe giảng về giáo lý Thiền tông, Philip Kapleau
đều không ngần ngại từ chối.
Không chỉ giới hạn trong lãnh thổ nước Mỹ, Philip Kapleau đã có nhiều
chuyến giảng Thiền tại Canada, Mexico, Costa Rica, Đức, Pháp và Ba
Lan,… Với phong cách rất giản dị, với cách nói chuyện hài hước, dí dỏm
và đặc biệt là vốn kiến thức sâu sắc về Thiền tông, những bài giảng của
Philip Kapleau đã cuốn hút đông đảo những người đến tham dự.
Và bằng chứng cho những thành công của bài giảng ấy là những dòng
người ngày càng đông đúc hơn đổ về trung tâm Thiền Rochester mà Philip
Kapleau xây dựng.
Vào năm 1968, một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiệu rụi tất cả trung
tâm mà thiền sư Philip Kapleau dày công xây dựng. Trên đống hoang tàn
đổ nát, Philip Kapleau vẫn không nản chí. Ông quyết định sẽ xây dựng
lại tất cả. Và nhờ sự nỗ lực của bản thân cũng như các đệ tử, Philip
Kapleau không chỉ xây dựng lại mà còn mở rộng trung tâm thiền của mình.
Các khoa tu Thiền vẫn tiếp tục đón học sinh, các buổi lễ vẫn được
thực hiện theo đúng truyền thống của Thiền tông. Và mặc dù một số nghi
lễ truyền thống đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại và nền văn
hóa Mỹ, vốn khác xa với những nền văn hóa phương Đông, song thiền sư
Philip Kapleau cho đến tận cuối đời vẫn cố gắng để giữ gìn tinh thần
Thiền tông mà các đại sư Harad và Yasutani đã từng truyền dạy.
Ở tuổi 92, vị thiền sư lừng danh của thế giới Tây phương cảm thấy cơ
thể mình không còn được như trước nữa. Mặc dù được các bác sĩ chăm sóc
và cứu chữa, song thiền sư Philip Kapleau vẫn biết rằng mình không thể
qua khỏi được. Vào 6/5/2004, thiền sư Philip Kapleau qua đời một cách
nhẹ nhàng thanh thản ngay tại sân sau của Trung tâm Thiền Rochester ông
dày công xây dựng trong vòng tay của những đệ tử và bạn bè.
Theo: phunungaynay